Bản án của Toà án nhân dân quận B tuyên buộc mẹ tôi phải trả cho ngân hàng C số tiền 175.000.000 đồng (không tuyên tính lãi chậm thi hành án). Quá trình thi hành án, do tài sản kê biên không bán được, mẹ tôi và ngân hàng đến cơ quan Thi hành án dân sự quận B thoả thuận số tiền phải trả là 200.000.000 đồng do ngân hàng yêu cầu trả lãi theo hợp đồng vay, mặc dù trước đó Chấp hành viên có giải thích việc bản án không tuyên tính lãi. Sau đó, Chấp hành viên lập biên bản ghi nhận việc thoả thuận của mẹ tôi với ngân hàng sau khi đã giải thích và mẹ tôi cũng nộp đủ số tiền 200.000.000 cho ngân hàng. Nay tôi muốn lấy lại số tiền chênh lệch 25.000.000 đồng so với án tuyên có được không? Việc Chấp hành viên lập biên bản ghi nhận sự thoả thuận trả tiền giữa mẹ tôi và ngân hàng là đúng hay sai? Có vi phạm pháp luật hay không? Rất mong nhận được câu trả lời. Chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Phan Thanh Hùng
Trả lời có tính chất tham khảo
Việc Chấp hành viên lập biên bản ghi nhận sự thoả thuận trả tiền giữa mẹ bạn và ngân hàng là có cơ sở, bởi lẽ:
Thứ nhất, mặc dù bản án của Tòa án không tuyên lãi suất chậm thi hành án nhưng hợp đồng vay tiền có thỏa thuận lãi chậm trả và Chấp hành viên đã có giải thích việc bản án không tuyên tính lãi, nhưng mẹ bạn và ngân hàng vẫn thỏa thuận số tiền phải trả là 200.000.000 đồng do ngân hàng yêu cầu trả lãi theo hợp đồng vay. Do đó, Chấp hành viên có trách nhiệm lập biên bản thỏa thuận giữa mẹ bạn với ngân hàng để thi hành án là cần thiết.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự”, thì đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Sau khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án, đương sự có quyền yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận. Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Chấp hành viên có quyền từ chối nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do. Người yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự.
Việc thỏa thuận về thi hành án của đương sự phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận.
Trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu về việc thi hành án khác với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và được người được thi hành án chấp thuận thì việc thi hành án được thực hiện theo yêu cầu đó. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận.
Như vậy, mẹ bạn đã cùng ngân hàng thỏa thuận thi hành án có chứng kiến của Chấp hành viên bằng việc lập biên bản ghi nhận sự thỏa thuận không vi phạm pháp luật và đã thực hiện đúng thỏa thuận thì phải tôn trọng thỏa thuận đó, kết quả thi hành án được công nhận. Bạn không phải là người phải thi hành án và cũng không phải là người đã thỏa thuận, nên bạn không có quyền lấy lại số tiền chênh lệch 25.000.000 đồng mà mẹ bạn đã thỏa thuận và trả ngân hàng.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.