Kính gửi quý cơ quan, tôi quá bức xúc về việc xét xử vụ ly hôn giữa tôi và ông Huỳnh Ngọc Đệ của Toà án nhân dân quận Thủ Đức, TP HCM. Ngày 14/5/2010 Toà đưa ra xét xử sơ thẩm ông Đệ đã thống nhất ly hôn, tới đoạn tranh chấp những tài sản chung, ông thẩm phán nêu ra những tài sản của những người khác mà ông Đệ cho là tài sản chung, rồi đình chỉ phiên toà. Thời gian toà thụ lý và điều tra vụ án này đã gần 2 năm, toà đã cho ông Đệ rất nhiều cơ hội và thời gian để ông nộp tiền tạm ứng án phí phản tố đối với người có quyền lợi liên quan trong những tài sản khác mà ông Đệ cho là họ đứng tên hộ ông. Nhưng cho đến nay ông Đệ vẫn chưa nộp tiền, chưa cung cấp chứng cứ nào khác. Tôi đã gặp ông thẩm phán và đề nghị ông đưa vụ này ra xét xử, không thể chờ đợi sự vô lý này từ phía ông Đệ để trì hoãn xét xử sơ thẩm, trong khi tôi là phụ nữ đang lâm bệnh hiểm nghèo (ung thư vú di căn qua xương đi lại rất khó khăn phải chống nạng gỗ …) mà cứ phải ngồi chờ đợi toà xét xử, nhưng ông thẩm phán lại trả lời là có thể kéo dài từ 4 đến 6 tháng nữa vì chờ ông Đệ nộp tiền án phí và cung cấp chứng cứ những tài sản mà ông Đệ cho là họ đứng tên hộ ông. Riêng ngày hôm nay tôi xuống toà gặp thẩm phán không giải thích gì, nhưng bảo tôi có ức thì làm đơn khiếu nại. Vậy là như thế nào? Tôi muốn quý cơ quan cho tôi biết thời hạn xét xử như vậy có đúng pháp luật hay không và tôi phải làm gì, đến đâu để giúp tôi sớm chia được tài sản chung để có tiền chạy chữa bệnh tật. Tôi rất chân thành biết ơn quý cơ quan hướng dẫn và giải thích giúp tôi!
Gửi bởi: le thi dao
Trả lời có tính chất tham khảo
Do chị chưa nói rõ tiến trình khởi kiện cũng như những thông tin liên quan đến vụ án ly hôn giữa bạn và người chồng của mình, nên chúng tôi chỉ có thể trả lời chị trên cơ sở cung cấp những quy định của pháp luật về vấn đề thời hạn xét xử, cũng như trường hợp đình chỉ vụ án để bạn tham khảo.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 192, Bộ luật Tố tụng dân sự, Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
“a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
d) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;
đ) Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án;
e) Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;
g) Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
h) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.”
Theo khoản 2, Điều 192, Bộ luật TTDS, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 của Bộ luật TTDS bao gồm:
“a) Thời hiệu khởi kiện đã hết;
b) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;
d) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật này mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
đ) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;
e) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.”
Theo quy định tại Điều 179, Bộ luật TTDS, “Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật TTDS, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật TTDS, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
2. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ từng trường hợp, Toà án ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án;
d) Đưa vụ án ra xét xử.
3. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.”
Như vậy, căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, chị có thể đối chiếu với trường hợp cụ thể của chị để giải đáp thắc mắc và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội
Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: z
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.