Thủ tục công nhận việc kết hôn ở nước ngoài tại Việt Nam

Thủ tục công nhận việc kết hôn ở nước ngoài tại Việt Nam

Tôi muốn kết hôn với người Singapore tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã kết hôn và làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Singapore, bây giờ tôi muốn cưới tại Việt Nam thì tôi có cần làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam không?

Gửi bởi: Nguyễn Tóc Thiên

Trả lời có tính chất tham khảo

Tại Điều 16, Mục 3, Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có quy định:

“Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn, công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn”

Theo quy định của pháp luật nói trên, thông thường, nếu vợ chồng bạn đã làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Singapore và đã được pháp luật Singapore công nhận thì sẽ được công nhận tại Việt Nam. Vì vậy, nếu các bạn muốn làm đám cưới tại Việt Nam thì không cần làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam nữa mà chỉ cần làm thủ tục công nhận việc kết hôn đã được giải quyết tại Singapore của các bạn tại cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Cụ thể: Tại Điều 17 Nghị định nói trên về Thẩm quyền, trình tự, thủ tục ghi vào sổ đăng ký kết hôn việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài quy định:

“1. Sở Tư pháp, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam thực hiện ghi vào Sổ đăng ký kết hôn việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài (sau đây gọi là ghi vào sổ việc kết hôn). Trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Sở Tư pháp, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam, thực hiện ghi vào sổ việc kết hôn”

Do vậy, bạn đến Sở Tư pháp nơi bạn đăng ký thường trú (nếu không có đăng ký thường trú thì đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tạm trú) để đề nghị ghi vào Sổ đăng ký kết hôn việc kết hôn của các bạn. Cán bộ Sở Tư pháp sẽ hướng dẫn bạn làm hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn tại mục 2 Điều 17 như sau:

“Hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau:

a) Tờ khai ghi vào sổ việc kết hôn (theo mẫu quy định);

b) Bản sao giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

c) Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;

d) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của người có yêu cầu”

Sau đó, bạn chuẩn bị hồ sơ bao gồm các văn bản nói trên và vợ hoặc chồng đem hồ sơ này đến nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp nơi bạn đăng ký thường trú (hoặc tạm trú) và chờ từ 05-10 ngày làm việc để được cán bộ Sở Tư pháp ghi vào sổ việc kết hôn của các bạn. Sau đó, các bạn sẽ được cấp một Giấy xác nhận về việc đã ghi chú vào sổ các việc hộ tịch do Giám đốc Sở tư pháp (nơi bạn thường trú hoặc tạm trú) ký.

Trong trường hợp từ chối ghi vào sổ việc kết hôn, Sở Tư pháp sẽ trả lời bằng văn bản cho các bạn và trong đó nêu rõ lý do cho bạn.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 24/2013/NĐ-CP Hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Trả lời bởi: CTV7


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191