Tôi có sinh con với một người Việt mang quốc tịch Mỹ, chúng tôi chưa đăng ký kết hôn. Con tôi năm nay đã 7 tuổi nhưng nhiều năm qua cha của bé chỉ thỉnh thoảng mới có trách nhiêm với bé. Tôi không có công ăn việc làm ổn định nhưng cũng vẫn cố gắng một mình nuôi con. Nhưng nay con tôi sức khoẻ yếu, hay ốm đau, tôi không còn đủ khả năng để một mình lo cho con tôi. Vậy tôi có thể nhờ pháp luật can thiệp để cha đứa bé phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con được không? Tôi phải làm thế nào?
Gửi bởi: Nguyễn Thuỳ Dương
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức do luật định. Như vậy, nếu bạn không đăng ký kết hôn thì con của bạn chỉ được coi là con ngoài giá thú và bạn không có quyền yêu cầu cha đứa bé có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Trường hợp này nếu bạn muốn cha đứa bé là người có quốc tịch Hoa Kỳ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì bạn phải làm thủ tục nhận cha, mẹ, con tại Sở Tư pháp nơi mẹ con bạn có hộ khẩu thường trú theo quy định tại các Điều 28, 30, 31 và 32 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Cụ thể như sau:
“Điều 28. Điều kiện nhận cha, mẹ, con
1. Việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau theo quy định của Nghị định này chỉ được tiến hành, nếu bên nhận và bên được nhận đều còn sống vào thời điểm nộp đơn yêu cầu, tự nguyện và không có tranh chấp.
2. Trong trường hợp con chưa thành niên thì mẹ hoặc cha làm thủ tục nhận cha hoặc mẹ cho con. Nếu con chưa thành niên nhưng đã từ đủ chín tuổi trở lên thì việc xin nhận cha hoặc mẹ cho con còn phải có sự đồng ý của bản thân người con đó”.
“Điều 30. Hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con
1. Hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:
a) Đơn xin nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam ở nước ngoài) của người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con;
c) Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận là con trong trường hợp xin nhận con; của người nhận cha, mẹ trong trường hợp xin nhận cha, mẹ;
d) Giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ (nếu có) để chứng minh giữa người nhận và người được nhận có quan hệ cha, mẹ, con;
đ) Bản sao Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước); Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con.
2. Giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này được lập thành 01 bộ hồ sơ và nộp tại Sở Tư pháp, nếu thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; nộp tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam, nếu thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con thuộc Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam.
Điều 31. Thời hạn giải quyết việc nhận cha, mẹ, con
Thời hạn giải quyết việc nhận cha, mẹ, con là 45 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp hoặc Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp cần xác minh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 hoặc điểm b khoản 1 Điều 33 của Nghị định này thì thời hạn được kéo dài thêm 20 ngày.
Điều 32. Trình tự giải quyết việc nhận cha, mẹ, con tại Việt Nam
1. Trong thời hạn 35 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Niêm yết việc xin nhận cha, mẹ, con trong 15 ngày liên tục tại trụ sở Sở Tư pháp, đồng thời có công văn đề nghị ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết việc xin nhận cha, mẹ, con đó. ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết việc xin nhận cha, mẹ, con trong 15 ngày liên tục tại trụ sở ủy ban. Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc xin nhận cha, mẹ, con thì ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi văn bản báo cáo ngay cho Sở Tư pháp.
b) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo về việc nhận cha, mẹ, con hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh, kể cả phỏng vấn các đương sự hoặc yêu cầu họ bổ sung giấy tờ cần thiết;
c) Báo cáo kết quả thẩm tra và đề xuất ý kiến giải quyết việc xin nhận cha, mẹ, con, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con.
2. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp và hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con, nếu xét thấy các bên đương sự đáp ứng đủ điều kiện xin nhận cha, mẹ, con thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tiến hành trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên đương sự, ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp từ chối công nhận việc nhận cha, mẹ, con thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thông báo cho người gửi đơn yêu cầu.
3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà đương sự có yêu cầu khác về thời gian, Sở Tư pháp tiến hành trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên đương sự và ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con”.
Cần lưu ý là nếu cha đứa bé không tự nguyện đồng ý làm thủ tục nhận cha, mẹ, con thì bạn có thể làm đơn khởi kiện vụ án dân sự về xác định cha cho con đến Tòa án theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
Sau khi có Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Quyết định xác định cha cho con của Tòa án, bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án buộc người cha của con bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, cụ thể là:
“Điều 55. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 68/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Vụ Hành chính tư pháp
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.