Trước khi kết hôn chồng tôi thế chấp sổ lương vay ngân hàng 40 triệu. Hiện nay bố mẹ ruột của tôi cho vợ chồng tôi mượn 240 triệu mua nhà ở và đứng tên hai vợ chồng tôi. Gần đây ngân hàng gửi giấy báo số nợ 40 triệu chồng tôi vay trước hôn nhân đã quá hạn buộc chồng tôi phải trừ lương để trả. Tôi sắp sinh con và còn phải trả tiền nhà hàng tháng cho bố mẹ đẻ (trả góp không có lãi). Gia đình chồng tôi có quyền bắt tôi bán nhà trả nợ cho chồng không?
Gửi bởi: Nông Thị Kim Cúc
Trả lời có tính chất tham khảo
Khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
” Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.”
Theo đó ngôi nhà do vợ chồng anh chị mượn tiền mua và đứng tên hai vợ chồng là tài sản chung của vợ chồng. Tiền lương của chồng chị là thu nhập hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân cũng là tài sản chung của vợ chồng.
Trước khi kết hôn, chồng của chị đã thế chấp sổ lương để vay tiền trước nên việc trả nợ là nghĩa vụ riêng của chồng chị. Khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
“Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.”
Như vậy, chồng của chị phải thanh toán nợ bằng tài sản riêng của mình. Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản riêng của chồng chị có thể gồm:
– Tài sản mà chồng chị có trước khi kết hôn;
– Tài sản chồng chị được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản được chia riêng cho chồng chồng chị.
Trong trường hợp tài sản riêng của chồng chị không đủ để trả nợ thì vợ chồng chị có thể thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để chồng chị thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình.
Thỏa thuận phải được lập thành văn bản và ghi rõ các nội dung sau đây:
a) Lý do chia tài sản;
b) Phần tài sản chia (bao gồm bất động sản, động sản, các quyền tài sản); trong đó cần mô tả rõ những tài sản được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia;
c) Phần tài sản còn lại không chia, nếu có;
d) Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung;
đ) Các nội dung khác, nếu có.
Văn bản thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản và phải có chữ ký của cả vợ và chồng; văn bản thoả thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp vợ, chồng chị không thoả thuận được về việc chia tài sản chung, thì cả hai bên hoặc một bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Theo quy định của pháp luật, gia đình chồng chị không phải là người có quyền lợi liên quan, do đó không có quyền yêu cầu chị bán nhà để trả nợ. Việc trả nợ là nghĩa vụ riêng của chồng chị nên chồng chị phải thực hiện bằng tài sản riêng, nếu tài sản riêng không đủ để thanh toán thì vợ chồng có thể phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân để thực hiện nghĩa vụ riêng.
Các văn bản liên quan:
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: CTV1
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.