Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Cách đây 4 năm bố tôi cho bà Nga mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ngôi nhà hiện nay gia đình tôi đang ở. Số tiền vay đó giờ đã quá hạn nhưng người vay tiền không chịu trả mà người bảo lãnh là bố tôi đã mất cách đây hơn 1 năm, gia đình tôi cũng có đến nhắc nhở bà Nga trả tiền để lấy giấy chứng nhận sử dụng đất về nhưng bà Nga không chịu trả mặc dù bà có đủ khả năng trả nợ. Vậy gia đình tôi phải làm như thế nào để lấy lại được tài sản của mình?

Gửi bởi: a hoai

Trả lời có tính chất tham khảo

Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định tại các điều từ 361 đến 371 Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó: Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực. (Theo điểm a khoản 1 Điều 130 Luật Đất đai năm 2003, Hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng phải được công chứng, chứng thực theo quy định)

Khi còn sống, bố anh (người bảo lãnh) đã xác lập quan hệ bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất cho bà Nga vay tiền. Theo đó, bố anh cam kết nếu khi đến thời hạn mà bà Nga không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì bố anh sẽ thay bà Nga thực hiện nghĩa vụ trả tiền bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Đến nay đã quá hạn trả nợ nhưng bà Nga không thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Người cho vay có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thanh toán bao gồm số tiền vay, tiền lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại (nếu có). Trong trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì người cho vay có quyền xử lý tài sản bảo lãnh theo quy định. Mặc dù người bảo lãnh là bố anh đã chết nhưng theo Điều 637 Bộ luật Dân sự, những người thừa kế của bố anh sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thay cho bố anh.

Để chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh và nhận lại tài sản, gia đình anh có thể thực hiện một trong các biện pháp sau:

1. Thỏa thuận để bà Nga tự mình thực hiện nghĩa vụ trả nợ,

2. Thỏa thuận với người cho vay tiền “Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh” cho gia đình anh theo quy định tại Điều 368 Bộ luật Dân sự hoặc “Hủy bỏ việc bảo lãnh” theo quy định tại điều 370 Bộ luật Dân sự,

3. Gia đình anh trả tiền vay nợ thay bà Nga. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh, gia đình anh có quyền yêu cầu bà Nga thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tài sản theo quy định tại Điều 367 Bộ luật Dân sự./.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Trả lời bởi: CTV1


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191