Tìm hiểu tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Tổng trưởng lý Liên bang Myanmar



Các bộ phận thuộc Cơ quan Tổng chưởng lý (Trụ sở chính)



Đứng đầu các Vụ là Vụ trưởng là những người lãnh đạo của Cơ quan đầu não. Cơ quan đầu não có 4 vụ là: Vụ Xây dựng và thẩm định văn bản pháp luật, Vụ Tư vấn pháp luật, Vụ Thực hành quyền công tố và Văn phòng. Mỗi Vụ do một Vụ trưởng phụ trách.



Theo quy định tại Điều 6 của Luật Tổng chưởng lý năm 2001, Chi nhánh Cơ quan Tổng chưởng lý (ở Mandalay) được thành lập năm 1999 và do một Phó Vụ trưởng (do Tổng chưởng lý bổ nhiệm) phụ trách.



1. Vụ Xây dựng và thẩm định văn bản pháp luật



Theo quy định tại Luật Tổng chưởng lý năm 2001, Tổng chưởng lý được trao quyền xây dựng, giải thích, cập nhật và sửa đổi pháp luật.



Vụ Xây dựng và thẩm định văn bản pháp luật thực hiện nhiệm vụ nói trên theo sự chỉ đạo của Tổng chưởng lý và có sự phối hợp với các Bộ và các Vụ khác. Việc đề xuất xây dựng luật thông thường do các Bộ hữu quan đảm trách. Các Bộ có liên quan gửi đề cương của dự thảo luật tới Cơ quan Tổng chưởng lý. Các cán bộ của Vụ này sẽ thảo luận chi tiết với các cán bộ của những Bộ đó để nắm được bức tranh tổng thể về luật cần xây dựng. Vụ thẩm định xem những dự thảo luật có phù hợp với chính sách của Nhà nước, tình hình hiện thời của đất nước và những vấn đề pháp lý có liên quan bao gồm cả những xung đột với các luật khác đang hiện hành và sự phù hợp với các điều ước quốc tế. Sau khi có sự chấp thuận của Tổng chưởng lý, dự thảo luật được chuyển lại cho Bộ có liên quan để Nội các thông qua và cuối cùng được Hội đồng Hoà bình và Phát triển quốc gia phê chuẩn và công bố.



Nhiệm vụ giải thích pháp luật cũng do Vụ này đảm nhiệm. Tiếng Myanmar là ngôn ngữ chính thức của Liên bang Myanmar, phiên bản tiếng Myanmar là phiên bản luật chính thức, nhưng để thuận tiện cho công chúng không biết tiếng Myanmar, luật được dịch sang tiếng Anh.



2. Vụ Tư vấn pháp luật



Vụ Tư vấn pháp luật thực hiện 3 chức năng là:



Thứ nhất, các vấn đề pháp luật quốc tế và ASEAN: Vụ được giao cung cấp tư vấn pháp lý và thẩm định tất cả những vấn đề pháp luật quốc tế và của ASEAN. Vụ thẩm định tất cả các Hiệp định được Myanmar phê chuẩn, bao gồm cả các Hiệp định song phương và đa phương. Thỉnh thoảng các cán bộ của Vụ tham gia các Đoàn đàm phán cấp Bộ.



Thứ hai, các hợp đồng thương mại: Các hợp đồng thương mại được ký kết bởi các Bộ, các cơ quan chuyên môn của nó và các doanh nghiệp đều được Vụ thẩm định. Công việc bao gồm cả kiểm tra và thẩm định, thỉnh thoảng các cán bộ của Vụ tham gia các Đoàn đàm phán cấp Bộ.



Thứ ba, tư vấn pháp luật nói chung: Vụ chịu trách nhiệm chủ yếu về việc cung cấp tư vấn pháp luật nói chung cho các Bộ và Cơ quan của Chính phủ khi có yêu cầu. Các tư vấn gồm có: Tư vấn về các hiệp ước quốc tế, giải thích pháp luật trong nước, quyền và nghĩa vụ của các Bộ và cơ quan tham gia hợp đồng với các tổ chức tư nhân hoặc giữa các cơ quan chính phủ với nhau. Tư vấn pháp luật còn bao gồm cả về quyền lợi pháp lý dành cho họ theo quy định của pháp luật.



3. Vụ Thực hành quyền công tố





Theo quy định của Luật Tổng chưởng lý năm 2001, Tổng chưởng lý là Công tố trưởng trong các vụ án hình sự và là Luật sư bảo vệ cho nguyên đơn và bị đơn trong các vụ án có tính chất dân sự mà có liên quan đến Chính phủ. Tổng chưởng lý cũng đại diện cho Chính phủ trong việc tiếp nhận các lệnh được Toà án chuyển cho Chính phủ.



Vụ Thực hành quyền công tố cũng đảm nhiệm việc yêu cầu phúc thẩm các quyết định tuyên vô tội theo Điều 417 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Quyền yêu cầu phúc thẩm các quyết định tuyên vô tội chỉ được trao cho Tổng chưởng lý. Các tình tiết cần xem xét trong kháng nghị quyết định tuyên vô tội bao gồm các trường hợp bị kết án oan, đánh giá sai chứng cứ hoặc về pháp luật hoặc các yếu tố liên quan khác.



Tổng chưởng lý cũng nhân danh Chính phủ yêu cầu Toà án tối cao phúc thẩm và cải sửa bản án. Quyền này được trao cho Tổng chưởng lý trên cơ sở quy định của Luật Tổng chưởng lý năm 2001. Tổng chưởng lý hoặc các cán bộ thực thi pháp luật có mặt tại Toà án với tư cách là cơ quan tham vấn cho Toà án trong trường hợp Toà án xét thấy ý kiến của Tổng chưởng lý là rất quan trọng.



Vụ Thực hành quyền công tố cũng ban hành những hướng dẫn pháp luật cho các Cơ quan thực thi luật pháp trực thuộc. Các tư vấn pháp lý được cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát Myanmar trong các vụ án hình sự ở giai đoạn tiền xét xử và các cơ quan công tố trong các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án trước khi được chuyển cho Toà án.



4. Văn phòng



Tổng số các Cơ quan thực thi luật pháp cấp dưới của Cơ quan Tổng chưởng lý Myanmar gồm có: 1 Trụ sở chính (Chi nhánh Mandalay), 14 Cơ quan thực thi luật pháp cấp bang, 3 Chi nhánh Cơ quan thực thi luật pháp trực thuộc cấp bang, 65 Cơ quan thực thi luật pháp cấp quận và 322 Cơ quan thực thi luật pháp cấp hạt. Tổng số cán bộ của Trụ sở chính và Cơ quan thực thi luật pháp các cấp là 2.347, trong đó gồm có: 1 Vụ trưởng, 1 Phó Vụ trưởng, 6 Trưởng phòng, 30 Phó trưởng phòng và 1.025 cán bộ; số lượng cán bộ thư ký luật là 1.284.



Cơ quan Tổng chưởng lý Myanmar có một Văn phòng được tổ chức thành: Phòng Quản lý nhân sự, Phòng Ngân sách và kế toán, Phòng Vật tư và xây dựng, Phòng Thanh tra, Phòng Đào tạo, Phòng Phổ biến pháp luật và nghiên cứu, Phòng Tin học, Phòng Quản lý hồ sơ nhân sự và Phòng Phúc lợi và cán bộ. Phòng Phổ biến pháp luật và nghiên cứu đã biên soạn, sưu tầm và xuất bản hơn 200.000 bản trong tổng số 73 loại sách và tập san pháp luật từ khi Phòng được thành lập năm 1999 cho đến năm 2005.



Các Cơ quan ở các cấp khác nhau trong hệ thống của Cơ quan Tổng chưởng lý, gồm có: Trụ sở chính tại Yangon, Chi nhánh Trụ sở chính ở Mandalay, Cơ quan thực thi luật pháp trực thuộc cấp bang, Cơ quan thực thi luật pháp cấp quận và cấp hạt, mỗi cơ quan đều thực hiện các chức năng và nhiệm vụ được quy định tại Điều 9 của Luật Tổng chưởng lý năm 2001:



a) Cung cấp tư vấn pháp lý khi được Hội đồng Hoà bình và Phát triển quốc gia và bất cứ cơ quan hoặc tổ chức hữu quan của Chính phủ yêu cầu;


b) Tham gia các vụ án hình sự nhân danh Nhà nước;



c) Cung cấp tư vấn pháp lý và đại diện cho Chính phủ trong các vụ việc dân sự mà Chính phủ là một bên có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn;



d) Thẩm định và cung cấp tư vấn pháp lý đối với các vụ án hình sự được xét xử tại Toà án để cho phù hợp với quy định của pháp luật;



e) Thẩm định và đề xuất đối với việc Cơ quan công tố hữu quan có hoặc không tuân thủ các tư vấn pháp lý do Cơ quan thực thi pháp luật cung cấp;



f) Thẩm định xem các yêu cầu tạm giam của Cơ quan công tố có hoặc không tuân thủ với pháp luật hiện hành, lệnh và chỉ thị;



g) Ra quyết định miễn truy tố đối với người thú tội và thành khẩn khai báo đồng bọn theo Bộ luật Tố tụng Hình sự trong các vụ án hình sự;



h) Thẩm định và ra quyết định, căn cứ vào các quy định liên quan, đối với việc bất kỳ một buộc tội, bất kỳ kết tội hoặc toàn bộ vụ án hình sự đã chuyển sang Toà án có hoặc không bị huỷ bỏ;



i) Thẩm định và ra quyết định, căn cứ vào các quy định liên quan, về việc khép lại một vụ án hình sự;


j) Thuê Luật sư đại diện cho người bị buộc tội gặp khó khăn về tài chính và bị buộc tội thực hiện hành vi phạm tội có mức án tử hình;



k) Giám sát các Luật sư hành nghề được thuê bởi nguyên đơn phù hợp với các quy định liên quan trong các vụ án hình sự có cán bộ thực thi luật pháp tham gia;


e) Gửi văn bản yêu cầu Toà án sửa chữa bất cứ phán quyết, lệnh hoặc quyết định của Toà được xem là trái với quy định của pháp luật;



m) Đề nghị Cơ quan Tổng chưởng lý xem xét căn cứ các quy định liên quan trong trường hợp xét thấy cần thiết phải kháng nghị một lệnh tuyên vô tội của Toà án;


n) Thực hiện các nhiệm vụ khác được Tổng chưởng lý giao.



Thay lời kết



Cơ quan Tổng chưởng lý có mạng lưới phủ khắp Myanmar. Myanmar là một đất nước lớn với dân số 53 triệu người (số liệu năm 2005) bao gồm các chủng tộc khác nhau. Trong phần lục địa của Đông Nam Á, Myanmar là nước lớn nhất. Cơ quan Tổng chưởng lý điều hành các Cơ quan thực thi luật pháp theo Luật Tổng chưởng lý 2001. Là một nước lớn, mạng lưới Cơ quan thực thi luật pháp đủ rộng lớn để thực thi hiệu quả các nhiệm vụ theo Luật Tổng chưởng lý 2001.



Trách nhiệm của Cơ quan Tổng chưởng lý và các Cơ quan thực thi luật pháp dưới sự chỉ đạo của Tổng chưởng lý là để công lý không chỉ được thực thi mà còn phải đảm bảo pháp luật và trật tự được giữ vững trên cả nước. Nhiệm vụ này không chỉ bao gồm việc tham gia các vụ án kiện Chính phủ mà còn cung cấp tư vấn pháp lý phù hợp cho các Bộ. Cơ quan Tổng chưởng lý cũng được uỷ thác trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ trong các vấn đề luật pháp quốc tế. Hiện tại, Cơ quan Tổng chưởng lý phải nỗ lực hết sức bằng khả năng tốt nhất để có thể hoàn thành trách nhiệm theo Luật Tổng chưởng lý 2001.



Hoàng Chí Kiên



Vụ Hợp tác quốc tế, VKSNDTC




TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191