Tính hợp pháp của hợp đồng ủy quyền khi một bên chết

Tính hợp pháp của hợp đồng ủy quyền khi một bên chết

Năm 2009 xã tôi có kế hoạch cấp đất giãn dân cho một số hộ gia đình. Khi đó tôi và một gia đình (có tiêu chuẩn cấp đất) ra UBND làm uỷ quyền với nội dung: Tôi thay mặt gia đình đóng lệ phí và sau này khi được cấp đất thì tôi có toàn quyền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất đó. Đến năm 2011 thì chủ gia đình đó chết và để lại giấy uỷ quyền (viết tay) cho con gái trưởng để đòi lại mảnh đất giãn dân đó. Tôi muốn hỏi: người con gái trưởng đó đã đi lấy chồng, có quyền đại diện hợp pháp để giải quyết tranh chấp không? Và giấy tờ uỷ quyền cho tôi có hợp pháp không?

Gửi bởi: Nguyễn Trường

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về tính hợp pháp của hợp đồng ủy quyền.

Việc gia đình đó ủy quyền cho bạn thực hiện việc đóng tiền, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không trái với quy định của pháp luật vì khi một bên có công việc cần thực hiện thì họ đương nhiên được ủy quyền cho người khác thay mặt họ thực hiện công việc đó. Tuy nhiên, do bên ủy quyền đã chết nên theo Điều 589 Bộ luật Dân sự, hợp đồng ủy quyền của bạn đã chấm dứt. Bạn không được thực hiện công việc được ủy quyền nữa. Việc đóng tiền và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do gia đình đó thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Điều 589 BLDS thì ủy quyền của người bố cho người con gái đã chấm dứt khi người bố chết.

2. Về đại diện giải quyết tranh chấp.

Nếu căn cứ vào câu hỏi của bạn thì chúng tôi không rõ tranh chấp mà bạn nói đến là tranh chấp gì? Vì ngay cả khi hợp đồng ủy quyền của bạn còn hiệu lực thì bạn chỉ có quyền thay mặt gia đình họ thực hiện việc đi nộp tiền, làm giấy chứng nhận, mà không có quyền lợi gì đối với mảnh đất đó. Khi hợp đồng ủy quyền chấm dứt thì bạn càng không còn quyền gì liên quan nữa. Hợp đồng ủy quyền của bạn còn hay hết hiệu lực thì quyền sử dụng mảnh đất vẫn thuộc gia đình họ.

Cứ cho rằng có tranh chấp xảy ra giữa bạn và gia đình họ thì việc giải quyết tranh chấp là quyền và nghĩa vụ của tất cả những thành viên được cấp đất; trường hợp một người đã chết thì những người thừa kế được thừa kế quyền và nghĩa vụ đó. Người con gái cũng có quyền tham gia giải quyết tranh chấp nhưng với tư cách là người thừa kế của bố (hoặc với tư cách là người được cấp đất nếu thuộc diện cấp đất), không phải với tư cách đại diện theo ủy quyền vì như trên đã nói: ủy quyền của người bố đã chấm dứt khi người bố chết.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191