140/ Quy định cụ thể điều kiện làm Trưởng Ban kiểm soát
– Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
(Trước đây, Ban kiểm soát có từ 03 – 05 thành viên nếu Điều lệ công ty không có quy định khác)
– Các Kiểm soát viên bầu một người trong số họ làm Trưởng Ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số.
– Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.
(Căn cứ Điều 163 Luật doanh nghiệp 2014)
141/ Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên
– Kiểm soát viên phải có tiêu chuẩn và điều kiện:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật này.
+ Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác.
+ Không được giữ các chức vụ quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
+ Các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.
– Kiểm soát viên công ty cổ phần niêm yết, công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên.
(Căn cứ Điều 164 Luật doanh nghiệp 2014)
142/ Cụ thể hóa một số quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát
– Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.
– Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.
– Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp thường niên Đại hội đồng cổ đông.
– Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty.
– Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theonghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.
– Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
– Có quyền tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và các cuộc họp khác của công ty.
– Có quyền sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
(Căn cứ Điều 165 Luật doanh nghiệp 2014)
143/ Quyền được cung cấp thông tin của Ban kiểm soát
– Thông báo mời họp, phiếu lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị và các tài liệu kèm theo phải được gửi đến các Kiểm soát viên cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.
– Các nghị quyết và biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị phải được gửi đến cho các Kiểm soát viên cùng thời điểm và theo phương thức như đối với cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị.
– Báo cáo của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị hoặc tài liệu khác do công ty phát hành được gửi đến các Kiểm soát viên cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.
– Kiểm soát viên có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến các địa điểm làm việc của người quản lý và nhân viên của công ty trong giờ làm việc.
– Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của thành viên Ban kiểm soát hoặc Ban kiểm soát.
(Trước đây, chỉ phải thực hiện khi có yêu cầu của Ban kiểm soát)
(Căn cứ Điều 166 Luật doanh nghiệp 2014)
144/ Tiền lương và quyền lợi khác của Kiểm soát viên
Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, thì tiền lương và quyền lợi khác của Kiểm soát viên được thực hiện theo quy định sau:
– Kiểm soát viên được trả tiền lương hoặc thù lao và được hưởng các quyền lợi khác theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đồng cổ đông quyết địnhtổng mức lương, thù lao và ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát.
– Kiểm soát viên được thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại, chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn độc lập với mức hợp lý. Tổng mức thù lao và chi phí này không vượt quá tổng ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có quyết định khác.
– Tiền lương và chi phí hoạt động của Ban kiểm soát được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và phải được lập thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.
(Căn cứ Điều 167 Luật doanh nghiệp 2014)
145/ Trách nhiệm của Kiểm soát viên
– Tuân thủ đúng pháp luật, Điều lệ công ty, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đôngvà đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty.
(Trước đây, nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và cổ đông của công ty)
– Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
– Trường hợp vi phạm quy định trên mà gây thiệt hại cho công ty hoặc người khác thì Kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó. Mọi thu nhập và lợi ích khác mà Kiểm soát viên có được phải hoàn trả cho công ty.
(Căn cứ Điều 168 Luật doanh nghiệp 2014)
146/ Miễn nhiệm, bãi nhiệm Kiểm soát viên
– Các trường hợp bị miễn nhiệm:
+ Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Kiểm soát viên theo quy định.
+ Không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong 06 tháng liên tục, trừtrường hợp bất khả kháng.
+Có đơn từ chức và được chấp thuận.
+ Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
– Các trường hợp bị bãi nhiệm:
+ Không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được phân công.
+ Vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần nghĩa vụ của Kiểm soát viên quy định tại Luật này và Điều lệ công ty.
+ Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
(Căn cứ Điều 169 Luật doanh nghiệp 2014)
147/ Trình báo cáo hằng năm
Tại thời điểm kết thúc năm tài chính, Hội đồng quản trị phải chuẩn bị các báo cáo và tài liệu sau:
– Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty.
– Báo cáo tài chính.
– Báo cáo đánh giá công tác quản lý, điều hành công ty.
Báo cáo và tài liệu do Hội đồng quản trị chuẩn bị; báo cáo thẩm định của Ban kiểm soát và báo cáo kiểm toán phải có ở trụ sở chính và chi nhánh của công tychậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc cuộc họp thường niên của Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn khác dài hơn.
(Trước đây, quy định thời gian chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày khai mạc)
(Căn cứ Điều 170 Luật doanh nghiệp 2014)
148/ Công khai thông tin công ty cổ phần
Công ty cổ phần công bố trên trang thông tin điện tử (nếu có) của mình các thông tin:
– Điều lệ công ty.
– Sơ yếu lý lịch, trình độ học vấn và kinh nghiệm nghề nghiệp của các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.
– Báo cáo tài chính hằng năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
– Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động hằng năm của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Công ty cổ phần không phải là công ty niêm yết phải thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty có trụ sở chính chậm nhất 03 ngày sau khi có thông tin hoặc có thay đổi các thông tin về họ, tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa chỉ thường trú, số cổ phần và loại cổ phần của cổ đông là cá nhân nước ngoài; tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, số cổ phần và loại cổ phần và họ, tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa chỉ thường trú người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức nước ngoài.
Công ty cổ phần đại chúng thực hiện công bố, công khai thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ công bố, công khai thông tin theo quy định về công bố thông tin tại Luật này.
(Căn cứ Điều 171 Luật doanh nghiệp 2014)
149/ Công ty hợp danh
Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
(Căn cứ Điều 172 Luật doanh nghiệp 2014)
150/ Thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
Tại thời điểm góp đủ vốn như đã cam kết, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp phải có các nội dung:
– Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty.
– Vốn điều lệ của công ty.
– Tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên; loại thành viên.
– Giá trị phần vốn góp và loại tài sản góp vốn của thành viên.
– Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp.
– Quyền và nghĩa vụ của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp;
– Họ, tên, chữ ký của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp và của các thành viên hợp danh của công ty.
Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp.
(Căn cứ Điều 173 Luật doanh nghiệp 2014)
151/ Sửa đổi một số quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh
– Quyền của thành viên hợp danh:
+ Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia một phần giá trị tài sản còn lạitương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác.
+ Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận.
– Nghĩa vụ của thành viên hợp danh:
+ Tiến hành quản lý và thực hiện công việc kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và tốt nhất bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty.
(Trước đây, bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty và tất cả thành viên)
+ Tiến hành quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng thành viên; nếu làm trái quy định tại điểm này, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
(Căn cứ Điều 176 Luật doanh nghiệp 2014)
152/ Triệu tập họp Hội đồng thành viên
Nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên phải có các nội dung:
+ Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính.
+ Mục đích, chương trình và nội dung họp.
+ Thời gian, địa điểm họp.
+ Họ, tên chủ tọa, thành viên dự họp.
+ Các ý kiến của thành viên dự họp.
+ Các nghị quyết được thông qua, số thành viên tán thành và nội dung cơ bản của các nghị quyết đó.
+ Họ, tên, chữ ký của các thành viên dự họp.
(Căn cứ Điều 178 Luật doanh nghiệp 2014)
153/ Điều hành kinh doanh của công ty hợp danh
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nhiệm vụ sau:
– Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh.
– Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký các nghị quyết của Hội đồng thành viên.
(Trước đây được phép ký các quyết định và nghị quyết của Hội đồng thành viên)
– Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh.
– Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật.
– Đại diện cho công ty trong quan hệ với cơ quan nhà nước; đại diện cho công ty với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác.
– Các nghĩa vụ khác do Điều lệ công ty quy định.
(Căn cứ Điều 179 Luật doanh nghiệp 2014)
154/ Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh
– Tư cách thành viên hợp danh chấm dứt trong các trường hợp:
+ Tự nguyện rút vốn khỏi công ty.
+ Đã chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
+ Bị khai trừ khỏi công ty.
+ Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
(Căn cứ Điều 180 Luật doanh nghiệp 2014)
155/ Sửa đổi nội dung về quyền của thành viên góp vốn
– Quyền của thành viên góp vốn:
Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;trường hợp chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty.
(Căn cứ Điều 182 Luật doanh nghiệp 2014)
156/ Thêm quy định mới đối với doanh nghiệp tư nhân
– Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
(Căn cứ Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014)
157/ Cho thuê doanh nghiệp
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực thi hành.
(Trước đây không quy định thời hạn thông báo)
Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp. Quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong hợp đồng cho thuê.
(Căn cứ Điều 186 Luật doanh nghiệp 2014)
158/ Bán doanh nghiệp
– Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinhtrong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.
– Người mua doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhântheo quy định của Luật này.
(Trước đây quy định người mua doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh)
(Căn cứ Điều 187 Luật doanh nghiệp 2014)
159/ Tập đoàn kinh tế, tổng công ty
– Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác.
– Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.
– Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định pháp luật.
(Căn cứ Điều 188 Luật doanh nghiệp 2014)
160/ Công ty mẹ, công ty con
– Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó.
+ Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó.
+ Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
– Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
– Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.
(Căn cứ Điều 189 Luật doanh nghiệp 2014)
Tham khảo thêm:
- Toàn bộ điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014 (Phần 7)
- Toàn bộ điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014 (Phần 6)
- Toàn bộ điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014 (Phần 5)
- Toàn bộ điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014 (Phần 4)
- Toàn bộ điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014 (Phần 3)
- Toàn bộ điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014 (Phần 2)
- Toàn bộ điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014 (Phần 1)
- Quy định về Thừa kế theo pháp luật
- Một số vấn đề về giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự
- Vướng mắc thực tế Doanh nghiệp kinh doanh Bất động sản thường gặp
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.