Trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng theo Luật bảo vệ quyền lợi NTD (2010)

Trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng theo Luật bảo vệ quyền lợi NTD (2010).

Năm 1985, Liên Hợp Quốc đã ra Bản hướng dẫn bảo vệ người tiêu dùng, gửi tới các Chính phủ thành viên, nội dung đảm bảo thực hiện 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng. Quyền được cung cấp thông tin là một trong tám quyền cơ bản đó. Một trong những mục tiêu chủ yếu khi xây dựng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam là “khắc phục vị trí yếu thế của người tiêu dùng và đặc biệt khắc phục tình trạng “bất cân xứng về thông tin giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Điều đó cho thấy thông tin là một trong những yếu tố mà người tiêu dùng quan tâm nhất khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Là thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đang tích cực xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên trong thực tiễn thi hành, quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Nhận thức được bất cập đó, bài viết sau đây lựa chọn đề bài: “Trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng theo Luật bảo vệ quyền lợi NTD (2010)”.

I. KHÁI QUÁT VỀ TRÁCH NHIỆM CUNG CẤP THÔNG TIN HÀNG HÓA CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH

1.1 Thông tin hàng hóa

          Thông tin hàng hóa (TTHH) được hiểu là “tập hợp các thuộc tính về hàng hóa đó, được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, màu sắc, kí hiệu, hình ảnh,… dùng để xác định hàng hóa đó và giúp khách hàng phân biệt giữa hàng hóa của các tổ chức, cá nhân khác nhau”[1].

          Thông tin của hàng hóa bao gồm những đặc điểm sau:

          – TTHH là những thông tin liên quan đến những tin tức cụ thể về hàng hóa như: nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chất lượng, giá cả, thành phần, công dụng, hạn sử dụng, thông tin về cảnh báo, phòng ngừa rủi ro cho người tiêu dùng (NTD),.. Ngoài ra, thông tin về hàng hóa còn bao gồm cả về thông tin của cá nhân, tổ chức kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó như: uy tín, thương hiệu, năng lực hoạt động, địa điểm kinh doanh, địa điểm thực hiện bảo hành, sửa chữa hàng hóa,…Đó là những thông tin cần thiết mà NTD cần tiếp cận khi tham gia quan hệ tiêu dùng và sử dụng hàng hóa.

          – TTHH là những thông tin chỉ được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa. Bởi lẽ, chỉ có họ mới là người hiểu rõ các đặc tính, tính năng đối với hàng hóa của mình để từ đó đưa ra các thông tin, khuyến nghị cho NTD một cách trung thực, chính xác và đầy đủ nhất. Ngoài các tổ chức, cá nhân kinh doanh thì người tiêu dùng hoặc bất kì ai đều khó có thể tiếp cận được những thông tin này do những hạn chế về độ chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cũng như phương tiện để thực hiện.

          – TTHH là những thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau. Về hình thức thể hiện rất đa dạng, phong phú, như chữ cái, từ ngữ, màu sắc, kí hiệu, hình ảnh. Về cách thức tiếp cận như qua việc công bố chất lượng của tổ chức, cá nhân kinh doanh; qua việc ghi nhãn hàng hóa; qua hoạt động quảng cáo thương mại.

          – Mục đích của TTHH là nhằm đáp ứng nhu cầu của NTD, giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn, sử dụng phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.

1.2 Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh

          Quan hệ tiêu dùng là một loại quan hệ được thực hiện trên sơ sở hợp đồng mua bán, theo đó, người tiêu dùng mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của thương nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ cung cấp mà không nhằm mục đích kinh doanh (bán lại). Do vậy, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp TTHH cho người tiêu dùng là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp các thông tin hàng hóa cho người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh và phải chịu hậu quả bất lợi khi không tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

          Trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ tổ chức, cá nhân kinh doanh có các đặc điểm sau:

          -Là trách nhiệm được pháp luật quy định. Điều này được thể hiện ở thái độ của Nhà nước trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng.

          – Phát sinh trong việc cung cấp TTHH cho người tiêu dùng. Trách nhiệm này được xác định khi tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp hàng hóa ra thị trường cho người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể thực hiện trách nhiệm dưới nhiều phương thức khác nhau, như: công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo thương mại,…

1.3 Pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng theo Luật bảo vệ quyền lợi NTD (2010)

          Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 là đạo luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ về bảo vệ quyền lợi NTD, trong đó quy định rõ quyền của NTD và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Cụ thể các quyền của NTD được quy định tại Điều 8 LBVNTD[2].

          Các hợp đồng được giao kết một cách bình đẳng giữa các chủ thể, quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng của BLDS năm 2015 đã hoàn thiện hơn so với các Bộ luật trước đó. Tuy nhiên, để điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng thì các quy định này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng do các thương nhân, với kiến thức chuyên nghiệp, thường ở vị thế ưu việt hơn người tiêu dùng về phương diện nắm giữ thông tin đối với hàng hóa, dịch vụ mà họ cung cấp. Chính vì thế, nghĩa vụ cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng còn được Luật BVQLNTD 2010 quy định:

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

1. Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

2. Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ.

3. Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa.

4. Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa.

5. Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành.

6. Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.

          Luật BVQLNTD 2010 quy định chế tài đối với việc vi phạm nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm nghĩa vụ thông tin theo quy định của có thể bị chế tài dân sự khi người tiêu dùng yêu cầu (vô hiệu hợp đồng hay hủy hợp đồng và bồi thường thiệt hại). Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có quyền áp dụng chế tài hành chính theo quy định từ Điều 47 đến Điều 54 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị tước giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động,…. Như vậy, đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, lợi ích mà họ đạt được lớn hơn rất nhiều lần mức phạt tiền do luật định nên chế tài hành chính vẫn chưa có tính răn đe cao.  Hơn nữa, chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng còn có thể là chế tài hình sự nếu vi phạm theo Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017[3].

II. THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA TỔ CHỨC CÁ NHÂN KINH DOANH VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

2.1. Trách nhiệm Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật

          Căn cứ vào Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017, nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Ý nghĩa của việc ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng. Để người tiêu dùng Việt Nam hiểu được nội dung nhãn thì phải sử dụng tiếng Việt (trừ một số ngoại lệ) để ghi nhãn hàng hóa. Nhãn phải chứa đựng các thông tin cơ bản về hàng hóa như số lượng, định lượng, thành phần, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng… Ngoài ra, trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thực hiện nghiêm túc quy định về ghi nhãn hàng hóa thì họ đã cung cấp được những thông tin cơ bản hàng hóa cho người tiêu dùng trước khi giao kết hợp đồng. 

            Trên thực tế, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện khá tốt nghĩa vụ này. Bởi ghi nhãn hàng hóa sẽ giúp người tiêu dùng trực tiếp nhìn thấy và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp mình với đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, đặc biệt là người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với vấn đề “nhìn hình, đoán chữ” hoặc “nhìn bao bì, đoán nội dung” mỗi khi xem hàng hóa. Không ít trường hợp người dùng phải mò mẫm học cách sử dụng vì các nhà nhập khẩu khi dịch các thông tin từ tiếng nước ngoài rồi dán chồng lên nhãn chính với kích thước nhỏ khiến người dùng khó đọc. Hơn nữa việc xác định chính xác sản phẩm có đúng quy định hay không cũng khó. Nếu như những thông tin trên nhãn sản phẩm không đầy đủ hay không giống vớicông bố sản phẩm mà doanh nghiệp đã thực hiện. Không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt thòi mà ngay cả doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu tổn thất về doanh số và xử phạt của cơ quan chức năng.

2.2.Trách nhiệm Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ

          Theo khoản 6 Điều 4 Luật Giá năm 2012, “Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

          Trong thực tiễn, các doanh nghiệp lớn như siêu thị, doanh nghiệp vận chuyển, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông… thường thực hiện đúng nghĩa vụ này. Trái lại, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cá nhân hoạt động độc lập, không thường xuyên có thể không thực hiện đúng quy định khi chỉ thông tin về giá bằng lời nói và thương lượng giá trực tiếp với người tiêu dùng. Trong thực tiễn, để thu hút khách hàng và để cạnh tranh, các doanh nghiệp thường gửi các thông tin báo giá trước cho khách hàng là người tiêu dùng để họ so sánh, lựa chọn mua hàng hóa với mức giá tốt nhất (ví dụ các tờ tin tức về hàng hóa của siêu thị, bảng báo giá về các mặt hàng điện tử của các công ty kinh doanh thương mại,…) Đối với việc ghi giá bằng đồng Việt Nam, đa số tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thực hiện nghiêm túc nhưng vẫn có một số trường hợp vi phạm khi ghi giá bằng ngoại tệ (thường xảy ra ở các doanh nghiệp mua bán tại các tỉnh biên giới hoặc tại một số cửa hàng chuyên bán hàng cho khách du lịch nước ngoài) dù việc niêm yết, ghi giá bằng ngoại tệ bị cấm ở Việt Nam, trừ trường hợp được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

2.3.Trách nhiệm Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng, các biện pháp phòng ngừa

          Nghĩa vụ thông tin này được quy định trong Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 về nhãn hàng hóa và một số văn bản dưới luật khác. Nghĩa vụ thông tin cảnh báo này phải được ghi nhận trên nhãn hàng hóa. Ngoài ra còn được ghi nhận trong các tài liệu hướng dẫn sử dụng đi kèm với sản phẩm hoặc trong chính hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo. Ví dụ, đối với thực phẩm, quy định doanh nghiệp phải ghi thành phần hoặc chất trong thành phần phức hợp của hàng hóa thuộc loại đặc biệt có sử dụng chất bảo quản mà đã quy định liều lượng sử dụng và xếp trong danh sách gây kích ứng, độc hại đối với người, động vật và môi trường, phải ghi tên chất bảo quản kèm theo các thành phần này. Nghĩa vụ này có tác dụng phòng ngừa tác động xấu của hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Đây cũng là nghĩa vụ tiền hợp đồng: quyền tự do lựa chọn giao kết hợp đồng của người tiêu dùng sẽ được thực hiện hiệu quả hơn khi họ nắm được thông tin cảnh báo về loại hàng hóa, dịch vụ mà họ muốn mua hay sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả sau khi hợp đồng đã hoàn thành, nếu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ phát hiện khuyết tật của hàng hóa hay những tác động không tốt của dịch vụ đối với người tiêu dùng thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thông tin cảnh báo.

          Hiện nay, bia rượu là những loại hàng hóa có số lượng tiêu thụ rất lớn hàng năn. Nhưng việc cảnh báo về sự nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng thì không Doanh nghiệp nào nhắc tới. Bởi không có doanh nghiệp nào muốn hàng hóa của mình không bán chạy cả. Tuy nhiên, trách nhiệm này không chỉ giúp ích cho NTD mà còn có ý nghĩa với cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nghĩa vụ của họ khi có tranh chấp bồi thường thiệt hại.

2.4. Trách nhiệm Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa và cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành.

          Nghĩa vụ thông tin về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành được quy định trong Luật BVQLNTD, không quy định trong Luật Dân sự mặc dù Bộ luật có quy định nghĩa vụ bảo hành. Trong thực tiễn, để cạnh tranh, các doanh nghiệp thường nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thông tin về bảo hành cho người tiêu dùng để đánh vào tâm lý người tiêu dùng tin tưởng vào hàng hóa nào được bảo hành dài hạn hơn khi so sánh giữa các hàng hóa cùng loại. Đối với nghĩa vụ cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa thì các doanh nghiệp có uy tín sẽ thực hiện tương đối tốt nghĩa vụ này. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm có thời gian bảo hành linh kiện, phụ kiện khác với thời gian bảo hành của sản phẩm chính cũng thường xuyên thực hiện nghĩa vụ này. Ví dụ, đối với các loại laptop, thời gian bảo hành thiết bị sạc pin hoặc linh kiện khác với thời gian bảo hành xe nên các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này sẽ phải thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế.

2.5. Trách nhiệm Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.

          Nghĩa vụ công bố, công khai thông tin về nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có thể được thực hiện tại trụ sở doanh nghiệp hay trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc bằng tài liệu gửi cho người tiêu dùng. Ngoài ra, đối với 10 loại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bắt buộc phải đăng ký do có đối tượng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (như điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, vận chuyển bằng đường hàng không…) thì doanh nghiệp còn thực hiện nghĩa vụ đăng ký tại Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương (căn cứ vào Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 02/2012/QĐ-TTG, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg). Để nắm được thông tin về nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, người tiêu dùng phải được quyền đọc trước các tài liệu này. Tuy nhiên, trong thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng cho phép người tiêu dùng có thời gian nghiên cứu trước về hợp đồng, nhiều trường hợp, doanh nghiệp chỉ đưa hợp đồng để người tiêu dùng ký mà không dành cho họ thời gian đọc trước.

III. BÌNH LUẬN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA TỔ CHỨC CÁ NHÂN KINH DOANH VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

3.1. Những ưu điểm của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh

          Thứ nhất, pháp luật Việt Nam nói chung và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng đã có những quy định tương đối cơ bản về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong việc cung cấp thông tin hàng hóa. Nhìn chung, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật quy định tương đối lớn và được quy định trong các văn bản pháp luật có hiệu lực và nhiều lĩnh vực khác nhau. Văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý điều chỉnh một cách bao quát, chi tiết nhất hiện nay là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Các văn bản luật khác được ban hành chủ yếu để điều chỉnh việc cung cấp TTHH trong các lĩnh vực cụ thể như quảng cáo, thực thẩm, giá, chất lượng hàng hóa,…

          Thứ hai, pháp luật quy định rõ những thông tin mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng. Đó là những thông tin về hàng hóa, tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; ngày sản xuất, nội dung giao dịch hàng hóa; hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua và sử dụng.

          Thứ ba, pháp luật quy định cụ thể những yêu cầu mà tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp thông tin hàng hóa phải đáp ứng cho người tiêu dùng. Đó là: thông tin phải đầy đủ, chính xác, trung thực. Nghĩa vụ này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với người tiêu dùng để họ tự quyết định việc lựa chọn, sử dụng hàng hóa cho nhu cầu, mục đích của mình mà còn có ý nghĩa đối với cả tổ chức, cá nhân kinh doanh vì đây sẽ là cơ hội xây dựng thương hiệu cho chính họ, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

          Thứ tư, pháp luật quy định rõ giới hạn trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc các nội dung khác mà các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. NTD có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

3.2. Một số hạn chế của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh

          Bên cạnh những ưu điểm, pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn còn những hạn chế sau:

          Thứ nhất, có sự chồng chéo về quy định cung cấp TTHH, đặc biệt là trong hoạt động quảng cáo. Để bảo vệ cho người tiêu dùng, pháp luật quy định về các hoạt động quảng cáo thương mại có thể gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh và bị cấm quảng cáo như: cấm quảng cáo thuốc lá, cấm quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên nội dung này không chỉ được quy định tại Luật Quảng Cáo 2012[4] mà còn bị trùng lặp  trong Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010[5].

          Thứ hai, thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam theo mô hình hạt nhân nên quy định và phân công thẩm quyền quản lí các vụ việc trong cung cấp TTHH qua hoạt động quảng cáo không cụ thể. Thẩm quyền quản lí nhà nước được quy định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quản lí quảng cáo, thực hiện chức năng quản lí Nhà nước về quảng cáo trong vi phạm cả nước); Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có hoạt động quảng cáo thương mại; Bộ Thông tin và truyền thông quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính,..Luật cũng quy định các Bộ quản lý ngành trong phạm vi nhiệm vụ của mình như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.,…

          Tuy có sự phân cấp quản lý giữa các Bộ, ngành về việc cung cấp thông tin hàng hóa nhưng sự phân công chưa cụ thể dẫn đến sự chồng chéo và quản lý lỏng lẻo trên thực tế. Vụ việc công ty ACECOOK là một ví dụ điển hình. Công ty này đã khiếu nại quảng cáo của Công ty cổ phần MASAN đưa thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng mì ăn liền “Tiến Vua bò cải chua” và yêu cầu ngừng truyền thông[6]. Công ty ACECOOK cho rằng mẫu quảng cáo này có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh và đã gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh nhưng bị trả lại hồ sơ với lý do không đúng thẩm quyền giải quyết và cho rằng vụ việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cho rằng đây là thộc thẩm quyền của Bộ Công thương mà trực tiếp là Cục Quản lý cạnh tranh. Qua đó cho thấy việc phân định thẩm quyền không cụ thể, không rõ ràng và thiếu quy định về cơ chế phối hợp giải quyết các vụ việc làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NTD và của các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quản lý việc cung cấp thông tin cho NTD.

3.3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa củatổ chức,cá nhân kinh doanh cho người tiêu dùng

          Chỉnh sửa tên gọi tại Điều 12 LBVNTD 2010 là Trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nhưng thực chất quy định này đề cập đến nghĩa vụ cung cấp thông tin chứ không phải về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Để tránh hiểu nhầm, tên của điều luật nên sửa đổi chính xác là Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

          – Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh bản thân đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng để khi xảy ra tranh chấp, quyền lợi của NTD vẫn được đảm bảo.

          – Quy định cụ thể về thẩm quyền theo hướng quy định một cơ quan chuyên trách quản lý về hoạt dộng cung cấp thông tin qua hình thức quảng cáo. Bên cạnh đó còn cần có những quy định cụ thể về lĩnh vực, nội dung, thời gian giải quyết vụ việc, trách nhiệm của các bên tham gia để có cơ chế hữu hiệu phối hợp hoạt động giữa các cơ quan có liên quan về hoạt động quảng cáo trong các lĩnh vực.

          – Để tránh sự chồng chéo khi quy định về hành vi cạnh tranh k lành mạnh trong hoạt động quảng cáo thương mại và những hành vi bị cấm quảng cáo thì nên sửa đổi theo hướng chỉ nên quy định trong Luật chuyên ngành về quảng cáo (Luật quảng cáo) về các hành vi bị cấm quảng cáo. Các văn bản khác có liên quan không quy định trùng lặp mà chỉ viện dẫn các điều luật có liên quan đến hoạt động quảng cáo.

          Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng là một nghĩa vụ thiết yếu để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng. Nghĩa vụ này phải được thực hiện cả trước, trong và sau khi giao kết hợp đồng. Pháp luật Việt Nam về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho người tiêu dùng đã tạo được một hành lang pháp lý cơ bản cho việc tiếp cận thông tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn còn một số nội dung cần phải hoàn thiện để thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển lành mạnh, minh bạch và ổn định trong thời kì hội nhập hiện nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Trường đại học luật Hà Nội, nxb Công an nhân dân, 2012;
  2. Bộ luật Dân sự năm 2015;
  3. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản quy định chi tiết luật này;
  4. Luật Giá năm 2012;
  5. Lê Thị Hải Ngọc (2017), Trách nhiệm của nhà sản xuất, cung ứng trong việc cung cấp thông tin về chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội;
  6. Lê Thị Hải Ngọc (2020), Thực trạng pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh và một số giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn số 42/2020;
  7. Đoàn Phan Tân, “Về khái niệm của thông tin và các giá trị làm nên thuộc tính của thông tin”, Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, tháng 3/2011
  8. Phan Khánh An (2013), Vai trò của thông tin trong bảo vệ người tiêu dùng, Tạp chí tranh và Người tiêu dùng, số 39/2013

[1] Đoàn Phan Tân, “Về khái niệm của thông tin và các giá trị làm nên thuộc tính của thông tin”, Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, tháng 3/2011

[2] Điều 8. Quyền của người tiêu dùng

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

[3] Điều 197. Tội quảng cáo gian dối

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

[4] Điều 8, luật Quảng Cáo 2012;

[5] Điều 10 luật Bảo vệ người tiêu dùng

Các bài luận liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191