Em có một người bạn (nam) năm nay 23 tuổi, bạn em có quen một cô gái và đã có quan hệ với nhau. Sau một thời quen nhau, do không hợp nên đã chia tay nhau. Sau khi chia tay, người bạn nam này đi nghĩa vụ quân sự. Trong lúc người bạn em đi nghĩa vụ thì người bạn gái này đã có thai và đến nhà bạn em nói rằng đó là con của bạn em và yêu cầu gia đình bạn em phải cưới nếu không sẽ viết đơn kiện. Sau khi bạn em hoàn thành nghĩa vụ quân sự và về nhà thì đứa bé đã được 10 tháng tuổi. Gia đình người con gái yêu cầu bên nhà bạn em phải cưới nhưng bạn em không muốn cưới.Vậy nếu bên nhà cô gái thưa ra chính quyền thì sẽ giải quyết như thế nào? Bạn em có vi pham pháp luật không, nếu có sẽ bị phạt như thế nào? Nếu không cưới thì có phải trợ cấp cho đứa bé hay không?
Gửi bởi: Phạm thanh Tâm
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình thì nguyên tắc xác định cha, mẹ trong các trường hợp được quy định như sau:
– Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
– Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
– Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Như vậy, trường hợp bạn nêu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, vì vậy, để có thể khẳng định cháu bé có phải con của hai người hay không thì cơ quan, người có thẩm quyền khi tiếp nhận yêu cầu của người bạn gái sẽ đề nghị phải thực hiện thủ tục xác nhận cha, mẹ, con. Việc xác định cha, mẹ, con sẽ được áp dụng trình tự, thủ tục chặt chẽ và được Tòa án thực hiện.
Thứ hai, bạn của bạn không vi phạm pháp luật (ngay cả trong trường hợp xác định được cháu bé là con mình). Tuy nhiên, trong trường hợp xác định có mối quan hệ cha, con thì dù bạn của bạn không đăng ký kết hôn thì vẫn sẽ phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng của cha với con được quy định tại Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Các văn bản liên quan:
Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: vietduc
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.