Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán

Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán

Giao dịch phát sinh trên thị trường chứng khoán là quan hệ gián tiếp thông qua chủ thể trung gian là các thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán, nên các hành vi vi phạm xâm hại được trực tiếp liên quan đến công chúng đầu tư cũng như sự bình đẳng và ổn định bền vững của thị trường chứng khoán.

Vì vậy, việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán xét dưới một góc độ khác mục đích hướng đến để đảm bảo ngăn chặn những hành vi phạm, khôi phục lại các quan hệ trong lĩnh vực chứng khoán do hành vi vi phạm gây ra, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán.

1. Đặc trưng của trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán

Trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán được hiểu là trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán là sự gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi (tước đoạt hoặc hạn chế về quyền và lợi ích) của chủ thể thực hiện các giao dịch xâm hại đến các nguyên tắc cơ bản của thị trường chứng khoán, trái với trật tự quản lý thị trường chứng khoán, làm xâm hại đến lợi ích của thị trường và công chúng đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, với đặc thù riêng của lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán có những đặc trưng là:

Thứ nhất, chủ thể gánh chịu trách nhiệm pháp lý là cá nhân, tổ chức gánh chịu hậu quả bất lợi do việc thực hiện hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán. Hậu quả bất lợi có thể bị hạn chế về quyền trong hoạt động kinh doanh, đầu tư trên thị trường chứng khoán, hạn chế quyền công dân và lợi ích vật chất được xác định.

Thứ hai, việc áp dụng trách nhiệm pháp lý không nhằm mục đích trừng phạt người gây ra thiệt hại cho người khác mà xuất phát từ yêu cầu đảm bảo sự ổn định của thị trường chứng khoán. Do vậy, việc xây dựng các hình thức trách nhiệm pháp lý nào phù hợp với mục tiêu, đối với chủ thể thực hiện các nghĩa vụ bổn phận để đảm bảo phát huy hiệu quả tích cực trong quản lý, ngăn chặn đối với các hành vi này, đồng thời có những trách nhiệm phù hợp đối với chủ thể có hành vi vi phạm đảm bảo cho việc ngăn chặn và răn đe đối với chủ thể có hành vi vi phạm, tuy nhiên không làm mất đi tính hấp dẫn, lòng tin của công chúng đầu tư đối với thị trường chứng khoán.

Ví dụ như vì sao pháp luật các quốc gia thường quy định phổ biến và ưu tiên đối với việc áp dụng trách nhiệm hành chính đối với hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán. Xác định trách nhiệm đối với quyền lợi của công ty bị xâm hại, đối với các cổ đông sở hữu vốn đầu tư bị xâm hại, tước đoạt hoặc hạn chế quyền lợi ích của chủ thể tham gia trong quan hệ kinh doanh được ưu tiên áp dụng hơn đối với xử lý hành chính hay hình sự.

Thứ ba, đây là lĩnh vực xâm hại mang tính vật chất và mức độ tác động lớn nên việc đánh giá mức độ nghiêm trọng căn cứ vào hậu quả gây ra và sự ảnh hưởng của nó đối với thị trường ở mức độ cao hơn so với các lĩnh vực khác. Đây là một trong những cơ sở phổ biến ở các quốc gia khi xây dựng căn cứ để áp dụng trách nhiệm pháp lý phù hợp với trách nhiệm đền bù, thu hồi các khoản thu lợi bất chính, hạn chế đối với công ty và cổ đông khác, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, chủ thể thiệt hại không xác định do hoạt động giao dịch mua bán được thực hiện theo nguyên tắc trung gian, do vậy, yêu cầu bồi thường tổn thất trong giao dịch bị cấm khó xác định nếu không thông qua quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ năm, giao dịch bị cấm được thực hiện trên thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho các chủ thể đầu tư trên thị trường. Cơ sở bồi thường được xác định được mức thiệt hại xảy ra, do vậy việc áp dụng trách nhiệm bồi thường phải xác định được mức thiệt hại xảy ra.

2. Thực trạng quy định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán theo pháp luật Việt Nam

Để điều kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm đối với các hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán pháp luật Việt Nam đã quy định hành vi giao dịch bị cấm và trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với các hành vi này.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2009[1] đã bổ sung các hành vi phạm tội đặc thù trong lĩnh vực chứng khoán: Về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a BLHS): Khung cơ bản mức phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt từ từ 6 tháng đến 2 năm. Khung tăng nặng có khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết sau: Có tổ chức, thu lợi bất chính lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm.

Về tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b BLHS); Về tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c BLHS) đều quy định hai khung hình phạt. Khung cơ bản có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung tăng nặng có mức phạt từ từ 2 năm đến 7 năm được áp dụng trong trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết như trên.

Ngoài hình phạt chính, còn có thể bị hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 150 triệu đồng; cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp bị kết án được hưởng án treo.

Việc bổ sung 3 điều luật về tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là bước tiến quan trọng của cơ chế xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, nhằm tăng tính nghiêm khắc trong xử lý vi phạm. Ngoài các hành vi phạm tội mới được bổ sung, các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán cũng có thể bị xử lý hình sự theo các điều luật khác liên quan đến thực hiện hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán được quy định trong Bộ luật Hình sự như: Tội công nhiên chiếm doạt tài sản (Điều 137); Tội trộm cắp tài sản (Điều 138); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140); Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141); Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142); Tội kinh doanh trái phép (Điều 159); Tội lừa dối khách hàng (Điều 162); Tội rửa tiền (Điều 251).

Thực tiễn từ sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực (ngày 01/01/2010), lần đầu tiên một đối tượng bị khởi tố, điều tra tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Tháng 11/2010, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt giam đối với ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Đông về hành vi thao túng giá chứng khoán.

Trước khi có Bộ luật Hình sự thể chế hoá các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng xảy ra và đã xử lý một số vụ liên quan đến lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng các điều luật tương tự trong Bộ luật Hình sự năm 1999, một số vụ án hình sự liên quan đến hành vi bị cấm trên thị trường xảy ra ở nước ta thời gian qua đã được cơ quan tiến hành tố tụng xử lý như[2]: Vụ làm giả cổ phiếu của Ngô Quốc Hoàng năm 2005; Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lý Thị Trúc Quỳnh (Trưởng Phòng khu vực số 9, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh tại Hà Nội) bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do đã lừa đảo môi giới cổ phiếu, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng (tháng 12/2005); Vụ in cổ phiếu giả của Lý Hữu Hoàng.

Như vậy, trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói chung và hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán nói riêng đã được từng bước quy định trong các văn bản pháp luật và áp dụng trong thực tiễn. Việc quy định và cụ thể hoá các tội danh chứng khoán trong Bộ luật Hình sự là một bước tiến trong việc áp dụng trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán.

Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng còn có một số vướng mắc như tiêu chí như thế nào để xem là “có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán”, “gây hậu quả nghiêm trọng”, thực tế hoạt động của thị trường chứng khoán, việc quy định mức gây hậu quả hoặc thu lợi bất chính thấp – tức là hình sự hóa một hành vi đáng lẽ ra chỉ áp dụng xử lý hành chính – sẽ không phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm hiện nay về chứng khoán.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, để thực hiện hành vi thao túng giá chứng khoán, đối tượng thực hiện phải nắm giữ một khối lượng cổ phiếu (có thể từ 20 – 30% số lượng cổ phiếu đang lưu hành), phải bỏ ra một lượng tiền lớn để mua, bán cổ phiếu (thường vài chục tỷ đồng trở lên) thì mới có thể giao dịch, trả phí giao dịch…

Hơn nữa, hiện nay, chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán là T+ 3 – tức là mua bán chứng khoán ngày T thì sau 3 ngày chứng khoán/tiền mặt mới về đến tài khoản – và với biên độ dao động giá trên các sàn hiện nay thì chỉ cần giao dịch trong một vài phiên là có thể thu lời trên 200 triệu đồng. Theo quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, nếu cổ phiếu tăng trần, hoặc giảm sàn 5 phiên liên tiếp mà không theo xu hướng chung của thị trường, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ yêu cầu công ty niêm yết giải trình, công bố thông tin và cổ phiếu được đưa vào diện theo dõi, giám sát. Như vậy, để thực hiện hành vi thao túng giá thì không thể thực hiện trong một vài phiên giao dịch mà phải có một thời gian dài[3].

Mặt khác, cơ sở để xác định mức độ trách nhiệm hình sự nên dựa trên hành vi để định tội. Vì đây là tội phạm mang tính vật chất nên đánh giá mức độ nghiêm trọng căn cứ vào hậu quả gây ra như quy định hiện hành là phù hợp trên cơ sở tỷ lệ (%) biến động về giá chứng khoán và phù hợp với quy mô vốn của doanh nghiệp, tuy nhiên để xác định mức độ hậu quả xảy ra phải phù hợp với mức độ phát triển của thị trường cũng như căn cứ để xác định mức độ hậu quả xảy ra như thế nào.

Cơ sở để xác định trách nhiệm hành chính đối với hành vi giao dịch bị cấm đã được quy định trong Luật Chứng khoán[4] và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định hiện hành Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 quy định cụ thể hoá các mức xử phạt đối với các hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán. Trách nhiệm hành chính được áp dụng đối với các hành vi này là cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, còn bổ sung thêm một số biện pháp bổ sung như đình chỉ hoặc huỷ bỏ giấy phép hành nghề, thu hồi, hủy bỏ giấy phép hoạt động của công ty; yêu cầu ngừng hoặc đình chỉ tư cách thành viên của Sở Giao dịch…

Trách nhiệm hành chính đối với hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán được quy định ở pháp luật các quốc gia phổ biến là dưới hình thức phạt tiền và khiển trách công khai. Đối với mức phạt tiền thường dựa trên cơ sở khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền phạt tiền gấp 3 lần khoản lợi nhuận thu được (hoặc tránh lỗ) từ hành vi giao dịch nội gián. Nếu không ước tính được khoản lợi nhuận thu được thì mức phạt tiền cụ thể tương ứng với mức độ của từng hành vi vi phạm.

Theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP mức phạt tiền được áp dụng theo nguyên tắc ấn định đó là phạt tiền 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi giao dịch nội bộ; phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng đối với hành vi giao dịch thao túng thị trường chứng khoán. Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tiễn áp dụng trách nhiệm hành chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, các hành vi vi phạm phát hiện và xử phạt hành chính chủ yếu liên quan đến hành vi công bố thông tin và áp dụng hình phạt tiền, biện pháp bổ sung và khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng trong một vụ việc là xác định được khoản thu lời bất chính trong vụ ông Nguyễn Quang Hải (Hoài Đức, Hà Nội) vào tháng 6/2013 đã tạo cung cầu giả tạo là biến động tới giá chứng khoán bị tịch thu khoản thu trái pháp luật là 81.000.144 tỷ đồng. Thực tế công tác điều tra, truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán, cách tính toán, chứng minh và xác định số tiền thu lợi bất chính, cũng như tính ra số liệu để xác định gây hậu quả nghiêm trọng trên lĩnh vực chứng khoán là rất khó.

Phó Trưởng phòng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an – ông Trần Thanh cho rằng, để xây dựng các tiêu chí có tính định lượng làm căn cứ xác định mức thu lời bất chính trong các tội phạm về chứng khoán cần xem xét, cân nhắc bảo đảm việc xử lý tội phạm này có sự phù hợp với các tội phạm khác trong cùng Chương XVI về Các tội phạm trật tự quản lý kinh tế vừa bảo đảm yêu cầu của thực tiễn vi phạm trong lĩnh vực thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, nếu quy định mức khởi điểm của việc thu lợi bất chính lớn tương xứng với các loại tội phạm trật tự quản lý kinh tế khác thì sẽ là quá thấp vì thực tiễn hoạt động trên lĩnh vực thị trường chứng khoán là một loại hình kinh doanh mới, nhà đầu tư có thể phải bỏ vốn lớn hơn, thu lời lớn hơn và chắc chắn thiệt hại cũng sẽ lớn hơn so với các loại hình kinh doanh khác[5].

Để xác định khoản thu lời bất chính, Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán đưa ra công thức tính khoản thu lời bất chính mà đối tượng vi phạm có được nhờ thao túng giá, để làm cơ sở cho việc thu hồi toàn bộ khoản thu lời bất chính.

Nguyên tắc xác định khoản thu lời bất chính là căn cứ vào thời điểm nhà đầu tư bắt đầu tiến hành các giao dịch có dấu hiệu vi phạm đến khi kết thúc các giao dịch này. Trong khoảng thời gian này, khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán chứng khoán là khoản thu lời bất chính mà nếu cơ quan chức năng chứng minh được sẽ thu hồi toàn bộ, thực tế việc xác minh và xác định thiệt hại trong trường hợp thực hiện các hành vi này để thu hồi chưa được thực hiện trên thực tế.

Bên cạnh đó, cơ sở để phát hiện các hành vi giao dịch bị cấm chủ yếu trên cơ sở tố cáo của các nhà đầu tư, điều đó cho thấy về khả năng giám sát và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý thị trường chứng khoán.

Trách nhiệm dân sự đối với giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán chưa được quy định cụ thể.

Giao dịch bị cấm xâm phạm lợi ích của các bên trong quan hệ mua bán và sẽ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư trong mối quan hệ giao dịch, do vậy việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ xảy ra trong trường hợp hành vi giao dịch bị cấm gây thiệt hại cho nhà đầu tư và có yêu cầu của nhà đầu tư trong việc đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc thực hiện các giao dịch mua/bán trên thị trường chứng khoán và các chủ thể thực hiện hành vi bị cấm gây ra thiệt hại rất khó xác định chủ thể bị thiệt hại trong mối quan hệ trực tiếp với chủ thể thực hiện hành vi này.

Do vậy, việc quy định và áp dụng trách nhiệm bồi thường để phát huy được hiệu quả phải dựa trên quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền thông qua biện pháp hành chính hay hình sự là cơ sở để áp dụng trách nhiệm bồi thường của chủ thể thực hiện hành vi bị cấm đối với công chúng đầu tư có liên quan trực tiếp trong việc thực hiện các giao dịch bị cấm này.

Mặt khác, pháp luật cần quy định rõ ràng về việc xử lý đối với các khoản thu thu được từ những hành vi bất hợp pháp, theo đó các khoản thu cần được sử dụng để bồi thường cho những tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc bị tổn thất do hành vi vi phạm các giao dịch bị cấm gây ra.

Việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bị cấm có tác dụng trong việc răn đe, phòng ngừa và xử lý các vi phạm này. Tuy nhiên, có thể thấy thực tiễn diễn biến hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán rất tinh vi, bởi ranh giới phân chia giữa một bên là thủ thuật đầu tư với bên còn lại là hành vi giao dịch bị cấm rất mong manh, nên sẽ khiến các cơ quan chức năng khó thu thập được các chứng cứ trực tiếp để chứng minh hành vi đó là vi phạm pháp luật.

Do vậy, việc làm rõ tính nguy hại cho xã hội của hành vi giao dịch bị cấm trong lĩnh vực chứng khoán sẽ tạo ra đường lối xử lý đối với hành vi vi phạm chứng khoán chính xác, khách quan, đúng người, đúng mức độ vi phạm… là những khó khăn lớn đối với cơ quan quản lý, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán.

Không những thế, nghiên cứu tính chất của thị trường chứng khoán, các nhà nghiên cứu khẳng định, chứng khoán và thị trường chứng khoán lại là một phạm trù kinh tế hết sức nhạy cảm, tính rủi ro cao và dễ phát sinh tiêu cực, có thể gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, xã hội, thậm chí được ví như con dao hai lưỡi. Thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là thị trường chứng khoán mới nổi, do vậy, các hành vi vi phạm này càng có điều kiện để xuất hiện và ngày càng tinh vi hơn.

Bên cạnh đó, sự hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, là điều kiện thu hút đầu tư nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức đó là nhứng hành vi vi phạm mang tính quốc tế xuất hiện, các chủ thể là nhà đầu tư ngước ngoài ngày càng nhiều, mặt khác việc xây dựng và áp dụng trách nhiệm pháp lý không phù hợp sẽ phản tác dụng, có thể phản ứng tiêu cực đối với thị trường chứng khoán và nền kinh tế.

3. Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm pháp lý và áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán

Thứ nhất, áp dụng trách nhiệm pháp lý dựa trên cơ sở mức độ của hành vi giao dịch bị cấm xâm hại

Do vậy cần quy định rõ các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ đối với các hành vi vi phạm trong giao dịch bị cấm đảm bảo mức độ phù hợp và hiệu quả trong việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi này.

Thứ hai, quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b BLHS)

Cần xác định rõ “thông tin nội bộ” và “nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán” của Công ty đại chúng hoặc Quỹ đại chúng đó. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này có thể xác định rõ “thông tin nội bộ được công bố gây ảnh hưởng đến giá chứng khoán” và trường hợp “thông tin nội bộ nếu được công bố không gây ảnh hưởng đến giá chứng khoán” cũng bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.

Như vậy có thể hiểu, việc áp dụng trách nhiệm pháp lý không phải dựa trên việc công bố thông tin nội bộ có tác động hay không đến giá chứng khoán, mà chỉ là sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch mua bán chứng khoán, đây là đặc thù riêng của hành vi giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Mặt khác, định lượng về mức độ có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán để làm cơ sở xác định ranh giới áp dụng thẩm quyền quản lý giám sát và trách nhiệm pháp lý phù hợp. Việc định lượng tỷ lệ biến động bao nhiêu so với thị trường cần tính đến mức độ phát triển của thị trường cũng như các biên độ dao động trần và sàn trong quá trình hoạt động của thị trường chứng khoán.

Thứ ba, quy định đảm bảo tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan thanh tra, xử lý vi phạm

Đó là thẩm quyền điều tra hành chính của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong việc triệu tập đương sự và những người có liên quan đến xét hỏi, phỏng vấn, yêu cầu sổ sách, báo cáo và các tài liệu khác để điều tra; Niêm phong, tạm giữ tài liệu, chứng từ, chứng khoán, dữ liệu điện tử lên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phong toả tài khoản tiền, tài khoản chứng khoán, tài sản thế chấp, cầm cố có liên quan đến hành vi vi phạm với giao dịch bị cấm; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp các thông tin về điện thoại liên quan đến đối tượng thanh tra, tiến hành điều tra, lấy chứng cứ tại nơi xảy ra hành vi vi phạm[6].

Tăng thẩm quyền điều tra cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để thuận tiện trong việc xác định dấu hiệu và hành vi vi phạm. Do đặc thù của thị trường giao dịch chứng khoán khác thị trường tín dụng ngân hàng, thị trường bảo hiểm hay các thị trường vốn khác là phải thông qua chủ thể trung gian, việc thực hiện hành vi vi phạm sẽ xâm hại đến công chúng đầu tư chứ không phải trực tiếp đến một đối tượng đầu tư và do vậy phải thông qua việc kiểm tra, giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý chuyên ngành đảm bảo cho sự ổn định và tính toàn vẹn của thị trường.

Có một số quan điểm cho rằng, việc áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bị cấm nói riêng và các hành vi giao dịch khác nói chung trên thị trường chứng khoán đều do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thao túng, nhưng thực chất đây là đặc thù riêng của hệ thống hoạt động này và đạt hiệu quả tối ưu như thực tế áp dụng ở các quốc gia.

Thứ tư, xác định trách nhiệm bồi thường và mức bồi thường đối với hành vi giao dịch bị cấm gây ra.

Trong trường hợp, cùng với việc xử phạt hành vi giao dịch bị cấm và xác định được mức thu lời bất chính, pháp luật quy định rõ ràng về việc xử lý đối với các khoản thu thu được từ những hành vi bất hợp pháp, theo đó các khoản thu cần được sử dụng để bồi thường cho những tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc bị tổn thất do hành vi vi phạm các giao dịch bị cấm gây ra. Tuy nhiên, cơ chế bồi thường, tỷ lệ bồi thường và việc xác định thiệt hại hoặc tổn thất của nhà đầu tư lại là vấn đề phức tạp và không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong trường hợp có hành vi giao dịch cấm phát hiện và bị xử lý nhưng không có căn cứ hay không xác định mức chênh lệch giá để xác định được thiệt hại xảy ra (giá làm căn cứ xác định khoản thu lời bất chính được đề cập trong Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán. Nguyên tắc xác định khoản thu lời bất chính là căn cứ vào thời điểm nhà đầu tư bắt đầu tiến hành các giao dịch có dấu hiệu vi phạm đến khi kết thúc các giao dịch này. Trong khoảng thời gian này, khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán chứng khoán là khoản thu lời bất chính) thì việc xác định mức bồi thường thiệt hại có thể dựa trên quy định khung trong quy định của pháp luật. Việc xác định trách nhiệm pháp lý bồi thường trên cơ sở quy định cứng (xác định mức bồi thường bằng con số cụ thể) ở mức phù hợp. Theo quan điểm của tác giả thì việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp hành vi giao dịch bị cấm gây ra trên thị trường chứng khoán cần quy định mức bồi thường định khung với con số bồi thường cụ thể tối thiểu cho những người bị xâm hại trong quan hệ này. Trường hợp chủ thể bị hại chứng minh được mức thiệt hại cao hơn mức định khung thì trên cơ sở đó đòi bồi thường thiệt hại.

Thứ năm, nên xây dựng và áp dụng trách nhiệm hành chính là chủ yếu.

Do đặc thù của hành vi vi phạm này là không xác định được người bị hại cụ thể, chính xác nên việc xây dựng và quy định áp dụng trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự là phù hợp và mang tính khả thi trên thực tế đảm bảo sự ổn định và sức hấp dẫn của thị trường tránh làm nhụt chí nhà đầu tư.

ThS. Lê Thị Thảo

Khoa Luật, Đại học Huế


[1] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (2009), Bộ luật Hình sự sửa đổi 2009, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Lừa đảo chứng khoán: ‘đầu’ trí thức, ‘đuôi’ tội phạm http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=159657&ChannelID=12

[3]http://tintuc.vibonline.com.vn/Home/Xay-dung-phap-luat/8906/Xu-ly-vi-pham-trong-linh-vuc-chung-khoan-cho-thong-tu truy cập 29/5/2012.

[4] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (2006), Luật chứng khoán năm 2006, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội và Luật chứng khoán sửa đổi bổ sung năm 2010, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] http://tintuc.vibonline.com.vn/Home/Xay-dung-phap-luat/8906/Xu-ly-vi-pham-trong-linh-vuc-chung-khoan-cho-thong-tu truy cập 29/5/2012.

[6] Hoàng Đức Long (2008), Các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán,Đề tài nghiên cứu khoa học cấp UBCKNN, Tr111-112.

Bài liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191