Trao đổi về vấn đề xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự

Trao đổi về vấn đề xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự

07/10/2015

Hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự là lĩnh vực tương đối rộng, liên quan đến hầu hết các ngành luật như: Luật dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình, đất đai và nhiều ngành luật khác. Để thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự, đòi hỏi chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự, ngoài việc nắm chắc các quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn, còn phải có nhận thức sâu sắc đối với các ngành, lĩnh vực có liên quan; có kiến thức xã hội sâu rộng, kỹ năng và uy tín trong việc hòa giải, thuyết phục người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án, có khả năng giao tiếp, ứng xử nhanh đối với các tình tiết phát sinh trong quá trình thực thi công vụ. Khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thi hành án dân sự vẫn còn nhiều, một số vấn đề các chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự địa phương có thể tìm cách hạn chế hoặc khắc phục được, tuy nhiên những vướng mắc từ các quy định của pháp luật, muốn khắc phục thì phải đòi hỏi thời gian khá dài vì những vấn đề bất cập từ cơ chế, chính sách, không thể thực hiện ngắn hạn, mặt khác thẩm quyền thuộc về cơ quan ban hành, ngoài khả năng của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự địa phương; có những vấn đề pháp luật còn quy định chung chung, chưa cụ thể, thậm chí có vấn đề pháp luật chưa quy định, do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình giải quyết án đối với các cơ quan thi hành án dân sự.

Dưới đây là một số vấn đề còn tranh cãi trong thực tiễn thi hành án dân sự.

1. Vấn đề xử lý vật chứng

Đối với việc xử lý vật chứng của vụ án sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án tiến hành xử lý hầu như không có vướng mắc, khó khăn. Song đối với việc xử lý vật chứng của vụ án khi mà bị can chết ở giai đoạn truy tố thì Quyết định đình chỉ vụ án của cơ quan Viện kiểm sát vẫn còn có những ý kiến khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về xử lý vật chứng thì: “Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử”.

Theo quy định tại Điều 1 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, cơ quan thi hành án dân sự chỉ “thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại”.

Như vậy, nếu bị can chết trong giai đoạn truy tố, việc xử lý vật chứng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Chức năng của cơ quan thi hành án dân sự là thực thi những phán quyết về mặt dân sự của các cơ quan tài phán. Việc chuyển giao quyết định xử lý vật chứng của Viện kiểm sát cho cơ quan thi hành án dân sự để xử lý là không đúng, cơ quan thi hành án dân sự không có căn cứ để ban hành Quyết định thi hành án đối với trường hợp này.

Quan điểm thứ 2 lại cho rằng:

Theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành ngày 24/11/2014 thì chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 2, cụ thể như sau: “1. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 2. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.

Viện kiểm sát không có chức năng, nhiệm vụ xử lý vật chứng của vụ án, chức năng này thuộc về cơ quan thi hành án dân sự, không phải ngẫu nhiên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vật chứng đã được chuyển sang cơ quan thi hành án dân sự để trông giữ, bảo quản. Mặt khác tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:

a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;

b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;

d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Nếu theo quan điểm 2, phải chăng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đang có sự xung đột pháp luật. Theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự thì ngoài việc thực thi phần dân sự trong các bản án, quyết định của cơ quan tài phán, còn phải thực thi các quyết định của cơ quan Viện kiểm sát, thậm chí của cơ quan Công an?

2.Vấn đề xác định vật cùng loại, hay vật đặc định

Xin nêu một trường hợp: Bản án dân sự xét xử việc tranh chấp tài sản giữa A và B. Quyết định của Bản án tuyên A phải trả cho B “một con bò 24 tháng tuổi, màu đen, trên đầu có hình trái tim màu trắng, trị giá 10 triệu đồng”. Bản án có hiệu lực thi hành, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự thụ lý và ra quyết định thi hành án. Trong quá trình thi hành án, chấp hành viên tiến hành xác minh tài sản để tổ chức giao tài sản cho người được thi hành án, tài sản để thi hành án hiện không còn, theo người phải thi hành án cung cấp thông tin thì con bò phải giao cho người được thi hành án đã chết.

Quan điểm của chấp hành viên trực tiếp giải quyết việc thi hành án xác định con bò phải giao cho người được thi hành án là vật đặc định. Theo quy định tại Điều 179 Bộ Luật Dân sự năm 2005 thì: “Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó”.

Áp dụng điểm d, khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trả đơn yêu cầu thi hành án với lý do vật đặc định không còn. Người được thi hành án không đồng ý với quyết định trả đơn của thủ trưởng cơ quan thi hành án và cho rằng, con bò trả cho người được thi hành án là vật cùng loại vì: “Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường; Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau”.

Người phải thi hành án lập luận: Con bò là vật cùng loại vì có cùng hình dáng với những con bò khác, có thể thay thế được. Trong bản án cũng xác định con bò là 12 tháng tuổi, xác định về giá trị là 10 triệu đồng (đây chính là đơn vị đo lường). Do vậy, nếu con bò chết hoặc mất khi người phải thi hành án chưa tiến hành giao trả người được thi hành án, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trả đơn yêu cầu thi hành án là không có căn cứ pháp luật. Trong trường hợp này cơ quan thi hành án dân sự phải tiếp tục tổ chức thi hành án.

3. Vấn đề xử lý tài sản giao cho người được thi hành án do người thứ 3 đang quản lý, sử dụng

Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện X, xét xử việc yêu cầu ly hôn giữa anh A và chị B, trong đó có yêu cầu phân chia tài sản chung vợ, chồng.

Trước thời điểm kết hôn với anh A, chị B đã có ngôi nhà 2 tầng, xây dựng trên diện tích 50 m2 , tại thành phố Hà Nội. Năm 2000, anh A kết hôn với chị B; năm 2001, A và B cùng mua một ngôi nhà 3 tầng trên diện tích đất 100 m 2, tại phường N, thành phố Đ, trị giá 1.500.000.000 đồng, đứng tên chị B và một mảnh đất 100 m2 tại phường T, thành phố Đ trị giá 600 triệu đồng, đứng tên chủ sở hữu 2 vợ chồng. Theo chị B cung cấp thông tin trước Tòa, số tiền mua ngôi nhà tại phường N là do chị đã bán ngôi nhà 2 tầng, xây dựng trên diện tích 50 m2 tại thành phố Hà Nội, tài sản do chị tạo lập, có trước khi kết hôn với anh A. Tòa án đã tiến hành xác minh số tiền chị B bán nhà này (thông qua người mua nhà tại thành phố Hà Nội, số tiền chuyển vào tài khoản của người đã bán nhà cho chị B ở phường N là 1.200.000.000 đồng, khớp với thông tin chị B cung cấp trước Tòa, số tiền 300.000.000 đồng còn thiếu, chị B đã vay để trả đủ cho người bán nhà), nhà và đất hiện vẫn đứng tên chủ sở hữu là chị B. Anh A cho rằng tất cả số tài sản trên là tài sản chung vợ, chồng, ngoài ra, còn một số khoản nợ do 2 vợ chồng vay để kinh doanh, tổng giá trị 600 triệu đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: Nhà, đất tại phường N, thành phố Đ là tài sản riêng của chị B, giao chị B quản lý sử dụng; 100 m2 đất tại phường T, thành phố Đ trị giá 600 triệu đồng là tài sản chung vợ chồng, tài sản do công sức của 2 vợ chồng cùng tạo lập, mỗi người được hưởng ½ giá trị. Tuy nhiên A và B còn nợ 600 triệu mỗi người có trách nhiệm trả nợ 300 triệu đồng, hiện tại A không có khả năng trả nợ, các khoản nợ đều đến hạn trả, do vậy, chị B đề nghị Tòa rằng chị B có trách nhiệm trả hết các khoản nợ cả 2 người đã vay và được quyền quản lý 100 m2 tại phường T. Yêu cầu của chị B được Tòa chấp thuận và quyết định giao chị B quản lý sử dụng 100 m2 đất tại phường T, chị B có trách nhiệm trả nợ 600 triệu đồng do A và B đã vay kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân.

Anh A không đồng ý với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, kháng cáo lên Tòa án tỉnh đề nghị xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Trong thời gian đó, chị B đã mang Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đến đề nghị công chứng viên, công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất 100 m2 tại phường T cho ông C, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này mang tên ông C.

Bản án phúc thẩm của Tòa án tỉnh cho rằng: Ngôi nhà 3 tầng trên diện tích 100 m2 tại phường N, tỉnh Đ được xác lập quyền sở hữu trong thời kỳ hôn nhân giữa anh A, chị B năm 2001, mặc dù mang tên chị B nhưng là tài sản chung vợ, chồng; mảnh đất 100 m2 tại phường T, thành phố Đ, 2 vợ chồng A và B mua trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Do vậy, Tòa quyết định khối tài sản bao gồm: Ngôi nhà 3 tầng xây dựng trên diện tích đất 100 m2 tại phường N và 100 m2 tại phường T, tỉnh Đ là tài sản chung vợ, chồng, mỗi người được hưởng ½ giá trị tài sản; các khoản nợ tổng cộng là 600 triệu, mỗi người có trách nhiệm phải trả 300 triệu đồng. Tuy nhiên khi phân chia tài sản ngôi nhà 3 tầng xây dựng trên diện tích 100 m2 tại phường N, Tòa cũng tính đến công sức đóng góp của người vợ, song chưa tính toán chi tiết đến mức đóng góp cụ thể của từng người là bao nhiêu, để tính toán mức hưởng theo kỷ phần. Mặt khác, mức được hưởng của từng người là khác nhau, Tòa phải chia khối tài sản cho từng người, sau đó trừ đi số nợ từng người phải chịu, nhưng ở đây, Tòa quyết định trừ số nợ của 2 vợ chồng sau đó mới đem chia số còn lại cho từng người (theo lập luận của người phải thi hành án . Theo phán quyết của Bản án phúc thẩm, chị B được giao quản lý sử dụng ngôi nhà 3 tầng, xây dựng trên diện tích 100 m2 đất tại phường N và phải trả toàn bộ số nợ 600 triệu đồng, anh A được toàn quyền quản lý, sử dụng mảnh đất 100 m2, tại phường N, mặc dù mảnh đất đã được chuyển nhượng cho ông C trước thời điểm xét xử bản án phúc thẩm.

Chị B không đồng ý với phán quyết của Tòa án, tiếp tục khiếu kiện, anh A cũng khởi kiện ra Tòa án hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông C, mà Ủy ban nhân dân cấp huyện đã cấp. Tòa hành chính đã hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông C, song hợp đồng công chứng chuyển quyền sử dụng đất giữa chị B và ông C vẫn chưa được yêu cầu tuyên hủy.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên xác định 100 m2 đất giao cho anh A theo quyết định của bản án phúc thẩm, đã bị chị B bán cho ông C trước thời điểm xét xử phúc thẩm và đã được ông C xây dựng ngôi nhà 2 tầng trên diện tích 100 m2 đó, hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông C đã bị Tòa hành chính cấp sơ thẩm tuyên hủy, nhưng hợp đồng công chứng vẫn đang có hiệu lực, do vậy, chấp hành viên không thể tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ giao trả mặt bằng đất cho anh A. Các đương sự và người có quyền lợi liên quan liên tục khiếu kiện quyết định của Bản án và việc tổ chức thi hành án của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

Vấn đề đặt ra trong quá trình xét xử có vi phạm tố tụng không, hay đây là tình tiết mới phát sinh; các cơ quan có thẩm quyền, các đương sự có quyền yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại bản án theo trình tự thủ tục tái thẩm hay giám đốc thẩm; việc xử lý tài sản để giao cho người được thi hành án do người thứ 3 đang nắm giữ, trong trường hợp này như thế nào?

Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, giảm bớt những khó khăn, áp lực đối với các chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự, rất mong được sự chia sẻ cùng bạn đọc.

Trần Ngọc Bản

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191