Từ những quy định pháp luật về mang thai hộ – Quan niệm thế nào về “huyết thống” và “mẹ”
Mang thai hộ được hiểu là một người phụ nữ này mang thai cho một cặp vợ chồng khác trên cơ sở lấy trứng (noãn) của người vợ và tinh trùng của người chồng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm phát triển thành phôi, phôi này được cấy trở lại dạ con của người phụ nữ mang thai hộ, sau khi sinh, người phụ nữ này phải trao lại con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Về mặt sinh học, mang thai hộ không có sự di truyền giữa người phụ nữ mang thai và đứa trẻ, đứa trẻ sẽ mang gen của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, là máu mủ, ruột thịt, là huyết thống của cặp vợ chồng nhờ mang thai.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Để hướng dẫn thi hành những điều liên quan đến vấn đề mang thai hộ, ngày 28/01/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/3/2015. Có thể thấy, những vấn đề pháp lý liên quan đến mang thai hộ đi vào cuộc sống chưa lâu, bản thân những quy phạm pháp luật này cũng chưa bộc lộ hết những hiệu quả cũng như những hạn chế của nó. Ở phương diện lý luận, cần thiết phải hiểu và hiểu đúng điều mà những quy phạm pháp luật này chứa đựng, bởi lẽ, quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh hết sức phức tạp và nhạy cảm, nó liên quan đến các quyền và lợi ích hợp pháp, các quyền nhân thân của con người, đến các mối quan hệ xã hội của con người trong đời sống thực tiễn.
Bài viết này không tìm hiểu về những quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề mang thai hộ, điều kiện mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của người có liên quan hay xử lý tranh chấp, vi phạm về mang thai hộ. Vấn đề cần làm rõ ở đây là luận giải, phân tích, từ đó đi đến thống nhất trong cách nhận thức khái niệm thế nào là “mẹ”, là “huyết thống” từ chế định mang thai hộ. Bởi lẽ, những khái niệm này liên quan trực tiếp đến những quy phạm pháp luật, quan hệ xã hội, quyền nhân thân của con người.
Về mặt sinh học, để gọi là mẹ thì bản thân người đó phải là người trực tiếp sinh nở ra chính con (đàn con) của mình; về mặt xã hội, ngoài yếu tố sinh học thì nó còn bao gồm cả ý nghĩa không những là người trực tiếp sinh ra mà nó bao hàm công nuôi dưỡng, công dưỡng dục. Trong nhận thức của con, người mẹ trước tiên là đấng sinh thành, sau đó là dưỡng dục, chưa bao giờ và không có ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam này lại có sự phủ nhận về việc người đẻ ra chính đứa con của mình lại không được quyền xưng là mẹ của đứa trẻ đó và càng không có chuyện đứa trẻ từ chối gọi người sinh ra mình là mẹ. Trong mối quan hệ mẹ – con này, việc sinh đẻ của người mẹ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm không thể tách rời, không thể chuyển hóa sang cho người khác được. Đó là quyền tự nhiên của chính bản thân người phụ nữ khi sinh nở, cũng là quyền tự nhiên của đứa trẻ khi chào đời, chúng ta chỉ có thể thừa nhận và bảo vệ nó trong đời sống thực tiễn.
Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ, kể từ thời điểm con được sinh ra”. Với việc quy định như vậy, chúng ta đã đương nhiên phủ nhận hoàn toàn quyền tự nhiên vốn có của người phụ nữ (người mang thai sinh ra đứa trẻ), tước đi quyền làm mẹ của bản thân họ và cũng tước đi nghĩa vụ, bổn phận làm con đối với đấng sinh thành. Chúng ta không nghĩ đến quan hệ của đứa trẻ và người sinh ra nó trong trường hợp mang thai hộ, quan hệ đó là quan hệ gì, đứa trẻ sẽ gọi người sinh ra nó là gì, sau này khi lớn lên, đứa trẻ biết được ai là người sinh ra mình, liệu nó có quyền gọi đó là mẹ của mình hay không? Nếu đứa trẻ gọi người sinh ra nó là mẹ thì lại không đúng vì pháp luật không cho phép, không thừa nhận, nếu không gọi thì dư luận xã hội lên án cho nó là người bội bạc, nhẫn tâm, thiếu đạo đức. Nhất là chúng ta lại quy định “người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng”[1]. Đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào trong mối quan hệ phức tạp đó? Trong khoa học pháp lý, chúng ta chỉ có khái niệm về mẹ đẻ, mẹ vợ và mẹ nuôi (ngoài ra còn có các từ để gọi mẹ như bu, bầu, bầm, mế… là cách gọi của địa phương, nhưng cũng chỉ là cách gọi khác đi của từ mẹ đẻ). Trong quá trình sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thảo luận về vấn đề mang thai hộ, có ý cho rằng, nên gọi người phụ nữ mang thai hộ là “mẹ mang thai hộ”. Có ý kiến đồng tình nhưng phần nhiều là phản đối, bởi lẽ, trong nhận thức của con người, thì không có khái niệm nào là mẹ mang thai hộ và càng không thể gọi người mang thai hộ là mẹ. Luận giải, phân tích về vấn đề này không phải bác bỏ hay không ủng hộ chế định mang thai hộ, mà là để thấy được sự phức tạp, khó khăn của vấn đề, để có cái nhìn chính xác hơn, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Bởi lẽ, làm rõ và hiểu đúng nội hàm của khái niệm “mẹ” còn liên quan đến vấn đề huyết thống.
Huyết thống được hiểu là quan hệ máu mủ, ruột thịt với nhau[2]. Như vậy, huyết thống trước hết là quan hệ về di truyền sinh học, là quan hệ giữa cha, mẹ và con. Về mặt sinh học, con là kết quả của quá trình thụ tinh giữa tinh trùng của người cha và trứng (noãn) của người mẹ, phát triển thành phôi, phôi đó được chính bản thân người mẹ nuôi dưỡng bằng các chất dinh dưỡng được truyền trong máu thông qua dây rốn và quá trình nuôi dưỡng đó trải qua một thời gian nhất định (chín tháng mười ngày), phôi đó phát triển hoàn thiện thành con người. Người mẹ phải trải qua một quá trình sinh nở hết sức khó khăn, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng của mình để sinh ra được đứa con. Huyết thống còn được hiểu là quan hệ ruột thịt với nhau như quan hệ anh chị và em, ông bà và cháu, cô, dì, chú, bác, cậu với các cháu, không có một quy định nào nói là quan hệ đến đời thứ mấy thì không còn được gọi là huyết thống, những quan hệ ruột thịt như vậy còn được gọi là quan hệ họ hàng.
Phải khẳng định rằng, quan hệ giữa đứa trẻ sinh ra và người mang thai hộ là quan hệ huyết thống. Từ quan niệm, cách nhìn nhận của xã hội, thì quan hệ đó không thể là quan hệ gì khác ngoài quan hệ mẹ – con. Tuy nhiên, quan hệ đó không được phản ánh trong khoa học pháp lý, dường như các nhà làm luật đã bỏ qua hoặc lờ đi mối quan hệ đó. Nếu đây không phải là quan hệ mẹ – con thì là quan hệ gì? Chắc chắn đó không phải là quan hệ xã hội thông thường. Việc xác định là quan hệ gì còn liên quan đến các quyền nhân thân, quyền dân sự, chính trị, các quan hệ xã hội mà đứa trẻ đó sẽ phải tham gia, ứng xử trong suốt cuộc đời của mình.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng. Nếu như em gái hoặc chị gái mang thai hộ cho anh trai hoặc em trai mình thì hiện tượng này không phù hợp với quan niệm xã hội, trái với luân thường đạo lý, đi ngược lại với những quan niệm về chuẩn mực đạo đức, phong tục tập quán và bản thân nó có thể chứa đựng trong đó những yếu tố “loạn luân”. Bởi lẽ, không phải ở đâu hay người nào cũng nhận thức được đó chỉ là đẻ hộ, nhờ hay là mượn bụng của em gái (chị gái) để nuôi dưỡng bào thai đó trong một thời gian nhất định, nhất là đa phần người dân nông thôn chưa hiểu ý nghĩa của việc mang thai hộ cũng như phương pháp, kỹ thuật mang thai hộ. Họ chỉ nghĩ một cách đơn giản là những người trong họ hàng mà có con với nhau là loạn luân.
Từ phân tích trên, việc quy định đối tượng nào đủ điều kiện mang thai hộ là hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của con người, đặc biệt là những quan niệm về “mẹ” và “huyết thống”. Không phải vì những yếu tố phức tạp đó mà chúng ta bỏ qua những ý nghĩa nhân văn, nhân đạo to lớn từ chế định mang thai hộ đem lại. Nếu vẫn quy định đối tượng mang thai hộ là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng thì cần thiết phải có sự tuyên truyền, phổ biến để mọi người hiểu đúng hơn, thậm chí là hiểu thêm về nội hàm của khái niệm “mẹ” và “huyết thống” trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, những gì đã ăn sâu vào trong tiềm thức của con người, hiện hữu trong đời sống con người hàng ngàn năm nay thì không phải dễ mà thay đổi được trong tương lai gần. Nên chăng, chúng ta không quy định điều kiện “là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng” nữa, mà có thể là bạn bè hoặc một đối tượng nào đó do người nhờ mang thai hộ tìm kiếm và lựa chọn ở ngoài xã hội sẽ hợp lý hơn. Như vậy, chúng ta sẽ không có những băn khoăn về các mối quan hệ phát sinh từ chế định mang thai hộ, từ đó, chúng ta cũng sẽ có cách hiểu chính xác hơn như thế nào là “mẹ” và “huyết thống”.
Nguyễn Văn Lâm
Tài liệu tham khảo:
[1] Điểm a khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[2] Đại Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 858.
Tham khảo thêm:
- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Tranh chấp trong kinh doanh và thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh theo pháp luật Việt Nam hiện nay
- Nâng cao hiệu quả bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự
- Người chuyển giới trong đời sống xã hội và pháp luật Việt Nam
- Người chuyển giới và pháp luật thế giới về người chuyển giới
- Thừa phát lại ở Bỉ – Một vài kinh nghiệm cho Việt Nam
- Giao dịch bất động sản qua sàn: “Lợi bất cập hại” giữ hay bỏ?
- Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) – Một số vấn đề cần bàn luận
- Thời hiệu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính
- Vấn đề sáp nhập doanh nghiệp – trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm, cần được hướng dẫn áp dụng
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.