Tư vấn xin Giấy phép nhập khẩu linh kiện điện tử
Hà Nội, ngày … tháng 11 năm 2017
Kính gửi: Quý khách hàng
Cảm ơn quý khách hàng đã tin tưởng và tìm đến các dịch vụ pháp lý của công ty của chúng tôi. Liên quan đến vấn đề quý khách hàng quan tâm là về Thủ tục xin Giấy phép nhập khẩu linh kiện điện tử chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn sơ bộ, kế hoạch thực hiện chi tiết kèm báo giá sơ bộ đối với dịch vụ trên như sau :
I. NHẬP KHẨU LINH KIỆN ĐIỆN TỬ MỚI KHÔNG THUỘC DANH MỤC HÀNG HÓA CẤM NHẬP KHẨU
1.Điều kiện nhập khẩu
Đối với hoạt động nhập khẩu kinh kiện điện tử mới không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu được quy định tại Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ, quý khách hàng cần đáp ứng yêu cầu là doanh nghiệp được thành lập hợp pháp, có đăng kí ngành nghề kinh doanh nhập khẩu linh kiện điện tử theo quy định của pháp luật và thực hiện các thủ tục kê khai thuế hải quan theo quy định của pháp luật.
2.Trình tự, thủ tục thực hiện
1.Thủ tục Thành lập doanh nghiệp
1.1. Trình tự thủ tục:
Để thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo yêu cầu từ phía quý khách hàng, cần các bước thực hiện chi tiết như sau :
Bước 1: Quý khách hàng cần phải cung cấp cho chúng tôi các yêu cầu mong muốn cụ thể của mình sẽ được thể hiện trên giấy đăng ký kinh doanh như Loại hình công ty, tên công ty, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên hệ, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh, người đại diện theo pháp luật,.. và các thông tin khác sẽ được chúng tôi liệt kê theo danh sách gửi kèm. Các nội dung yêu cầu phải phù hợp với các quy định của pháp luật Doanh nghiệp nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung. Đây sẽ là cơ sở ban đầu để chúng tôi có thể tiến hành việc soạn thảo lên hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Bước 2 : LVN LAW FIRM trực tiếp thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chúng tôi sẽ tư vấn cho quý công ty nếu nhận thấy các nội dung mà quý công ty đưa ra vi phạm, hay chưa tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật hoặc không có lợi cho chính quý công ty.
Bước 3 : Nhận kết quả của thủ tục hành chính là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4 : Thực hiện các thủ tục để xin khắc dấu công ty, công bố mẫu dấu, công bố thành lập trên cổng thông tin của Sở kế hoạch và đầu tư.
Bước 5 : Bàn giao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và con Dấu, thông báo phát hành mẫu dấu cho quý công ty để bắt đầu hoạt động.
1.2. Thời gian thực hiện:
Thời gian để thực hiện các công việc nêu trên được LVN LAW FIRM dự tính như sau : Tổng thời gian dự kiến thực hiện công việc nói trên là 7 ngày kể từ khi chúng tôi nhận đủ hồ sơ, thông tin từ phía khách hàng. Trong đó :
Thời gian thực hiện xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tối đa là 5 ngày.
Thời gian khắc dấu công ty, công bố mẫu dấu, công bố thành lập là 2 ngày
2.Thủ tục Nhập khẩu
Khi tiến hành hoạt động nhập khẩu, quý khách hàng phải thực hiện thủ tục khai hải quan tại cơ quan hải quan.
Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
a) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Hóa đơn thương mại trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.
Người khai hải quan không phải nộp hóa đơn thương mại trong các trường hợp sau:
b.1) Người khai hải quan là doanh nghiệp ưu tiên;
b.2) Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài, người khai hải quan khai giá tạm tính tại ô “Trị giá hải quan” trên tờ khai hải quan;
b.3) Hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn và người mua không phải thanh toán cho người bán, người khai hải quan khai trị giá hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định trị giá hải quan.
c) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.
d) Giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu; Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan: 01 bản chính nếu nhập khẩu một lần hoặc 01 bản chụp kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi nếu nhập khẩu nhiều lần;
đ) Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.
e) Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính (đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy). Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
g) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ): 01 bản chính hoặc chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử trong các trường hợp sau:
g.1) Hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước có thoả thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó;
g.2) Hàng hoá thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;
g.3) Hàng hoá nhập khẩu từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử, thuế tự vệ, thuế suất áp dụng theo hạn ngạch thuế quan;
g.4) Hàng hoá nhập khẩu phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
II. LINH KIỆN ĐIỆN TỬ LIÊN QUA ĐẾN THIẾT BỊ PHÁT, THU-PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN
1.Điều kiện nhập khẩu
Để thực hiện hoạt động nhập khẩu kinh kiện điện tử liên quan đến thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện, quý khách hàng cần đáp ứng các điều kiện như sau:
1.Doanh nghiệp được thanh lập hợp pháp, có đăng kí ngành nghề kinh doanh nhập khẩu linh kiện điện tử.
2.Phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc công bố bắt buộc áp dụng; phù hợp với vị trí lắp đặt thiết bị và các quy định về quản lý viễn thông. Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay được áp dụng theo QCVN 9:2016/BTTTT.
3.Phù hợp với các Quy hoạch tần số vô tuyến điện, các quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện và mục đích nhập khẩu.
2.Trình tự, thủ tục thực hiện
1.Thủ tục thành lập doanh nghiệp
Thủ tục thành lập doanh nghiệp được thực hiện tương tự đối với hoạt động nhập khẩu linh kiện điện tử mới không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
2.Thủ tục xin Giấy phép nhập khẩu
2.1. Trình tự, thủ tục
Bước 1: Nộp 1 bộ hồ sơ tới Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Viễn thông. Địa chỉ, số điện thoại, số Fax của Cục Viễn thông được đăng trên trang thông tin điện tử: www.vnta.gov.vn.
Bước 2: Ngay khi tiếp nhận hồ sơ tại Cục Viễn thông hoặc trong vòng ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày Cục Viễn thông nhận được hồ sơ qua đường bưu chính, Cục Viễn thông kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của người nhập khẩu, thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (đối với trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chưa đúng quy định).
Bước 3: Thẩm định Hồ sơ và Cấp Giấp phép nhập khẩu
– Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định, trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ khi Cục Viễn thông nhận được hồ sơ đúng quy định, Cục Viễn thông xem xét và cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu giấy phép nhập khẩu tại Phụ lục III kèm theo Thông tư 18/2014/TT-BTTTT.
– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì thông báo cho người nhập khẩu những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
– Trường hợp từ chối cấp giấy phép nhập khẩu, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản cho người nhập khẩu, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
2.2. Thành phần, số lượng hồ sơ:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu được lập thành một (01) bộ, bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu 01 Phụ lục II kèm theo Thông tư 18/2014/TT-BTTTT.
b) Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Quyết định/giấy phép thành lập, hoặc giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư), chứng minh nhân dân/hộ chiếu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu;
c) Giấy chứng nhận hợp quy: bản sao có xác nhận của người nhập khẩu;
d) Tài liệu kỹ thuật của thiết bị: bản sao có xác nhận của người nhập khẩu;
e) Hóa đơn thương mại thể hiện tên, ký hiệu, số lượng thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu;
f) Hợp đồng thương mại hoặc chứng từ, vận đơn trong đó phải thể hiện tên, ký hiệu, số lượng thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu
2.3. Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép nhập khẩu
Giấy phép nhập khẩu được sử dụng để nhập khẩu lô hàng xác định trên giấy phép, có hiệu lực cho đến lúc lô hàng đó được thông quan hoàn toàn, không vượt quá số lượng ghi trong giấy phép nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy hoặc Hợp đồng thương mại.
3.Cơ sở pháp lý của các thủ tục hành chính
– Nghị định 187/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
– Thông tư 18/2014/TT-BTTTT Quy định chi tiết thi hành nghị định số 187/2013/nđ-cp ngày 20 tháng 11 năm 2013 của chính phủ đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện;
– Thông tư 168/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hoá.
4.Thời gian thực hiện
Thời gian để thực hiện các công việc nêu trên được LVN LAW FIRM dự tính như sau : Tổng thời gian dự kiến thực hiện công việc nói trên là 7 ngày kể từ khi chúng tôi nhận đầy đủ hồ sơ, thông tin hợp pháp từ phía khách hàng theo quy định của pháp luật. Trong đó :
Thời gian thực hiện xin Giấy phép nhập khẩu tối đa là 7 ngày.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm đối với những khoảng thời gian mà công ty phải tự hoàn chỉnh điều kiện của mình theo pháp luật.
III.NHẬP KHẨU LINH KIỆN ĐIỆN TỬ LÀ SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐÃ QUA SỬ DỤNG
1.Điều kiện nhập khẩu
Sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng là hàng hóa cấm nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Đối với các linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu, trừ trường hợp nhập khẩu nhằm mục đích nghiên cứu khoa học (bao gồm các hoạt động: nghiên cứu khoa học; làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu – phát triển sản phẩm và kiểm thử trong hoạt động sản xuất).
2.Trình tự, thủ tục thực hiện
1.Thủ tục thành lập doanh nghiệp
Thủ tục này được thực hiện tương tự như đã trình bày ở trên.
2.Thủ tục xin cấp phép nhập khẩu
2.1. Trình tự, thủ tục
Trình tự, thủ tục xin cấp phép nhập khẩu nhằm mục đích nghiên cứu khoa học:
Bước 1: Người nhập khẩu có nhu cầu nhập khẩu gửi 01 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin), địa chỉ: Số 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bước 2: Bộ Thông tin – Truyền thông tiếp nhận hồ sơ và xem xét, hướng dẫn thương nhân bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định.
Bước 3: Thẩm định Hồ sơ và cấp phép nhập khẩu
– Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, thì trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời cho phép nhập khẩu.
– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì thông báo cho thương nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
-Trường hợp không đồng ý, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2.2. Thành phần, số lượng hồ sơ
Hồ sơ gồm:
– Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Quyết định/giấy phép thành lập, hoặc giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư), chứng minh nhân dân/hộ chiếu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu;
– Đơn đề nghị nhập khẩu của người nhập khẩu, trong đó kê khai cụ thể tên hàng, mã số HS, số lượng, mục đích sử dụng từng mặt hàng và xác nhận, cam đoan tính xác thực của các nội dung này theo Mẫu 01 của Phụ lục 02 của Thông tư này: 01 (một) bản chính;
– Tài liệu mô tả sản phẩm: 01 (một) bản sao;
– Tài liệu liên quan khác (nếu có).
3.Cơ sở pháp lý của các thủ tục hành chính
– Nghị định 187/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
– Thông tư 31/2015/TT-BTTTT hướng dẫn một số điều của nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của chính phủ đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng;
– Thông tư 168/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hoá
4.Thời gian thực hiện
Thời gian để thực hiện các công việc nêu trên được LVN LAW FIRM dự tính như sau : Tổng thời gian dự kiến thực hiện công việc nói trên là 7 ngày kể từ khi chúng tôi nhận đầy đủ hồ sơ, thông tin hợp pháp từ phía khách hàng theo quy định của pháp luật. Trong đó :
Thời gian thực hiện xin Giấy phép nhập khẩu tối đa là 7 ngày.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm đối với những khoảng thời gian mà công ty phải tự hoàn chỉnh điều kiện của mình theo pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn pháp lý về nội dung mà quý khách hàng quan tâm cùng với bản chào và báo giá dịch vụ của LVN LAW FIRM về những dịch vụ có liên quan tới nội dung này. Nếu còn bất cứ điều gì thắc mắc quý khách hàng có thể liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 1900.0191 để được tư vấn giải đáp.
Rất mong sự hợp tác của quý công ty!
Trân trọng./.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.