Từ vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường – Những điều cần suy ngẫm!

Từ vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường – Những điều cần suy ngẫm!

28/10/2013

Từ vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường – Những điều cần suy ngẫm! Sự việc diễn ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường đang được báo chí và dư luận quan tâm. Vụ việc này cũng đang là đề tài nóng để tranh luận trong giới luật sư, luật gia.

Nội dung vụ việc như sau: Khoảng 10h sáng 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để liên hệ phẫu thuật hút mỡ bụng và nâng ngực. Giám đốc trung tâm Nguyễn Mạnh Tường đã trực tiếp tiến hành gây mê, hút 11 ống mỡ ở vùng bụng. Sau đó, ông Tường đã bơm số mỡ này vào vùng ngực cho chị Huyền. Cuộc phẫu thuật đến 16h cùng ngày thì cơ bản xong. Khoảng 30 phút sau, nhân viên trung tâm phát hiện chị Huyền sùi bọt mép, chóng mặt. Bác sĩ Tường đã tiêm, cấp cứu và bệnh nhân trở lại bình thường. Bác sĩ Tường rời khỏi trung tâm không lâu thì được nhân viên thông báo chị Huyền tiếp tục tím tái, sùi bọt mép. Ông Tường đến truyền dịch, chống sốc nhưng phát hiện chị Huyền đã chết lâm sàng và tử vong sau đó. Sợ trách nhiệm, ông Tường đã cùng với nhân viên bảo vệ mang xác nạn nhân vứt xuống sông [1].

Trong vụ việc nêu trên, chúng ta cùng nhìn nhận và có những suy ngẫm về hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và những người có liên quan, để từ đó thấy được những rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động thẩm mỹ – làm đẹp, sự kém hiểu biết pháp luật và y đức của các y, bác sĩ hiện nay. Vẫn biết “Con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân, giáo dục y đức cho các y, bác sĩ thì những vụ việc tương tự có thể sẽ vẫn còn xảy ra.

Về hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, việc xác định tội danh của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (bác sĩ ngoại khoa, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường tại số 45 đường Giải Phóng, Hà Nội) cần căn cứ kết luận giám định pháp y, có thể xảy ra hai trường hợp [2].

Trường hợp thứ nhất, nếu nạn nhân chết trước khi bị vứt xuống sông thì hành vi của ông Tường phạm tội xâm phạm thi thể người khácđược quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người có hành vi xâm phạm thi thể người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm, ngoài ra bác sĩ Tường còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp được quy định tại Điều 99 với mức hình phạt tối đa lên đến 12 năm tù. Sự vi phạm quy tắc nghề nghiệp ở đây có thể được thực hiện do lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý.

Nếu giám định pháp y kết luận nạn nhân vẫn còn sống hoặc đang ở trạng thái chết lâm sàng trước khi bị vứt xuống sông, nghi can Tường phải đối mặt với tội Giết người. Trường hợp này, can phạm vứt nạn nhân xuống sông nhằm che giấu các vi phạm trong hoạt động nghề nghiệp và nhằm giũ bỏ trách nhiệm với hậu quả mà mình gây ra. Trong trường hợp này, can phạm sẽ phải chịu 2 tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự về tội Giết người là “giết người để che giấu tội phạm khác” và “giết người vì động cơ đê hèn”. Mức phạt quy định từ 12 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo chúng tôi, trường hợp nạn nhân chưa chết hoặc chết lâm sàng ít có khả năng xảy ra. Nếu trường hợp này xảy ra thì bác sĩ Tường sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự, như nhận định của luật sư Vũ Tiến Vinh đăng tải trên website Vnexpress.net ngày 23/10/2013. Tuy nhiên, bác sĩ Tường là thạc sỹ, hiện nay đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai [3], là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành y, do đó theo chúng tôi việc xác định nạn nhân chết hay chết lâm sàng bác sĩ Tường có đủ trình độ để nhận biết. Hơn nữa, chị Huyền là khách hàng của thẩm mỹ viện, bác sĩ Tường không có lý do gì để không tận tình cứu chữa cho chị Huyền. Vì vậy, trong trường hợp này khả năng cao là nạn nhân chết trước khi bị mang xác phi tang xuống sông Hồng.

Trong trường hợp chị Huyền chết tại thẩm mỹ viện, nếu bác sỹ Tường giữ được bình tĩnh và trình báo sự việc cho cơ quan chức năng, khi đó bác sĩ Tường có thể chỉ phải đối mặt với tội danh quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Nếu thẩm mỹ viện Cát Tường chưa được Sở Y tế cấp phép cho các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, với vai trò, trách nhiệm là Giám đốc bác sĩ Tường sẽ phải đối mặt với tội danh nữa được quy định tại Điều242 Bộ luật Hình sự, tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phátthuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Một giả thiết được đặt ra, nếu như bác sĩ Tường trình báo sự việc cho cơ quan chức năng, việc khám nghiệm tử thi sẽ được tiến hành, khi đó chúng ta xác định được nguyên nhân tử vong của chị Huyền (có thể do lỗi của bác sĩ thực hiện, cũng có khả năng do cơ thể chị Huyền không thích ứng được với các loại thuốc…). Nếu chị Huyền chết do cơ thể không thích ứng được với thuốc hay một lý do nào đó tương tự dẫn đến tử vong thì tội danh mà bác sĩ Tường phải đối mặt là tội vô ý làm chết người quy đinh tại Điều 98 Bộ luật Hình sự, thì hình phạt chỉ từ 06 tháng đến 05 năm.

Những điều cần suy ngẫm!

Qua vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường cho thấy, một trong những nguyên nhân để sự việc dẫn từ sai lầm này đến sai lầm khác là do thiếu hiểu biết về pháp luật. Nếu là một người hiểu biết pháp luật, bình tĩnh và xử lý vụ việc thì sự việc sẽ không nghiệm trọng như hiện nay.

Một vấn đề nữa mà chúng ta cần nhìn nhận, đó là y đức của các y, bác sỹ hiện nay. Từ vụ việc nêu trên, bác sĩ Nguyễn Hữu Lành, bác sĩ gây mê hồi sức, bệnh viện Hồng Ngọc cho biết, là người cùng nghề, ông thực sự sốc trước thông tin bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm chết người rồi vứt xác xuống sông phi tang. “Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai hoạt động trong ngành y đều sốc trước thông tin này. Cũng có thể trong lúc bối rối, vị bác sĩ này quá sợ hãi đã làm những việc không thể tưởng tượng nổi như thế. Nhưng qua đây cũng nói lên một điều, ông Tường không nhận thức được về vấn đề y đức, một vấn đề mà những người làm nghề đều đã được giáo dục rất kỹ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”[4].

Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu”. Phải thật thà đoàn kết, khắc phục khó khǎn, học tập vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý xây dựng nền Y học Việt Nam. Y đức phải thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận. Những tiêu chuẩn này đã được Bộ Y tế cụ thể hóa bằng Quyết định số2088/BYTngày 6/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hànhquy định12 điều y đức đối với cán bộ y tế. Một điều chắc chắn rằng những người làm trong ngành Y trong đó có bác sĩ Tường hiểu và thấm nhuần những tiêu chuẩn này.

Vẫn biết những rủi ro, tai nạn trong nghề nghiệp, các bác sĩ có thể gặp phải, nhưng cách xử lý của bác sĩ Tường “đưa xác nạn nhân ra sông Hồng để vứt, để chối bỏ trách nhiệm” xét từ khía cạnh văn hóa đạo đức nói chung và văn hóa đạo đức nghề y nói riêng là không thể chấp nhận được. Khi gặp những trường hợp như thế, trước tiên phải cấp cứu bệnh nhân, bác sĩ nào cũng phải học qua việc này. Còn trường hợp bất khả kháng vì bệnh nhân sốc quá nặng, phải gọi cấp cứu, gọi đồng nghiệp đến hỗ trợ. Trong trường hợp xảy ra ở gần viện, phải đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện để cấp cứu. Ở đây sẽ có các trang thiết bị hiện đại, tốt hơn trong việc cấp cứu nạn nhân. Trường hợp không thể cấp cứu được nạn nhân, thì giữ nguyên hiện trường và báo với cơ quan chức năng để họ có biện pháp xử lý. “Đó là việc không ai mong muốn, nhưng khi đã xảy ra sự việc, phải thật bình tĩnh để xử lý, phải làm thế nào để cho người nhà bệnh nhân và những người trong xã hội nhìn vào, họ thấy được người bác sĩ đó có y đức, thực hiện hết trách nhiệm của mình” – Bác sĩ Nguyễn Hữu Lành nói.

Trong vụ việc này cũng cần phải nhắc tới vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân nói chung, các cơ sở thẩm mỹ viện nói riêng. Thẩm mỹ viện Cát Tường đã đi vào hoạt động và tiến hành công việc giải phẫu thẩm mỹ mà không được phép trong suốt 06 tháng, đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào phát hiện và xử lý. Liệu còn bao nhiêu cơ sở thẩm mỹ “như Cát Tường” và còn bao nhiêu người phụ nữ có khát khao làm đẹp phải đối mặt với những rủi ro thậm chí là cả tính mạng của mình?

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng này, theo chúng tôi cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao y đức cho các y, bác sĩ và tất cả những người làm trong Ngành Y là việc cần phải làm ngay. Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, mới đây, ngày 25/9/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Công văn số 6902/BTP-PBGDPL về việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013 nhằm triển khai thống nhất “Ngày Pháp luật” trong phạm vi toàn quốc. Theo đó, tất cả các Bộ, Ngành đều phải có trách nhiệm triển khai phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ, Ngành của mình. Để góp phần ngăn chặn những vụ việc như “Thẩm mỹ viện Cát Tường” thiết nghĩ, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, thắt chặt quản lý của các cơ quan chức năng trong quá trình thành lập và hoạt động của các thẩm mỹ viện thì việc tuyên truyền pháp luật, giáo dục đạo đức nghề y cho những đối tượng là y, bác sĩ và những người hành nghề y là hết sức cần thiết. Cũng trong dịp diễn ra “Ngày Pháp luật” năm 2013 sắp tới, Bộ Y tế cần triển khai mạnh mẽ nhiều hình thức tuyên truyền để pháp luật đến được với từng y, bác sĩ ở tất cả các ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Một người bác sĩ giỏi bên cạnh chuyên môn, cũng cần phải hiểu biết pháp luật, có đủ y đức để có thể có những hành xử đúng đắn trong mọi trường hợp, chỉ có như vậy mới góp phần ngăn chặn và hạn chế những vụ việc thương tâm tương tự như “Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường”.

Tài liệu tham khảo:

1. Theo Ngoisao.net ngày 22/10/2013;

2. Theo Vnexpress.net ngày 23/10/2013;

3. Theo Baomoi.com.vn ngày 24/10/2013;

4. Theo Vov.vn ngày 23/10/2013.

Nguyễn Vũ

Ảnh: Thu Trang (sưu tầm)

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191