UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản án?

UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản án?

14/11/2008

Chứng thực bản sao từ bản chính là một trong những công việc phổ biến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết theo yêu cầu của người dân phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự của họ trong cuộc sống. Hiện nay, để điều chỉnh hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính theo yêu cầu của người dân, Nhà nước đã ban hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, theo đó, thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn được mở rộng. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy UBND xã có thẩm quyền chứng thực bản án hay không vẫn còn làn vấn đề cần bàn luận.
Theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã bao gồm chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ văn bản bằng tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự trong nước. Như vậy, quy định mới đã chuyển giao phần chứng thực thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện cho UBND cấp xã thực hiện. Điều kiện cần và đủ để UBND cấp xã thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính là các giấy tờ văn bản phải bằng tiếng Việt nhưng đối với những văn bản đặc thù, ví dụ như bản án của Toà án nhân dân, thì UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực hay không? Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau cũng như phương án giải quyết khác nhau dẫn đến nhiều cách giải quyết khác nhau gây nhiều khó khăn khi người dân có yêu cầu.

Đơn cử một ví dụ, năm 2008, ông Trần Văn Lâm đến UBND xã T.T yêu cầu UBND xã thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính bản án của Tòa án nhân dân huyện L.V nhưng cán bộ thụ lý từ chối việc chứng thực trên với lý do UBND xã không thể thực hiện việc chứng thực bản án vì bản án chỉ được giải quyết qua việc trích lục của Tòa án nhân dân. Nhưng khi ông Lâm đến UBND xã T.D yêu cầu thì được UBND xã T.D giải quyết vì cho rằng chứng thực như thế là phù hợp với Nghị định 79. Thực tế cho thấy có những ý kiến khác nhau khi thực hiện yêu cầu này.

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng UBND cấp xã không có thẩm quyền chứng thực bản án đã tuyên của Tòa án nhân dân vì đây là một trong những văn bản đặc thù phải tuân thủ theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Cụ thể, tại Điều 241 Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án đương sự sẽ được Tòa án giao hoặc gửi bản án cho các đương sự khởi kiện và VKS cùng cấp và trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa các đương sự sẽ được Tòa án cấp trích lục bản án nếu có yêu cầu. Do đó, bản án chỉ được cơ quan duy nhất là Tòa án nhân dân sao từ bản chính dưới hình thức trích lục nên việc chứng thực bản sao từ bản chính có ý kiến cho rằng không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã.

Thứ hai, nếu căn cứ vào quy định tại Điều 5 Nghị định 79 thì UBND cấp xã hoàn toàn có thẩm quyền chứng thực bản án của Tòa án nhân dân vì UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Bản án là một trong những văn bản bằng tiếng Việt nên thỏa mãn các điều kiện về đối tượng chứng thực mà Nghị định 79 quy định nên ý kiến thứ hai cho rằng UBND cấp xã hoàn toàn có thẩm quyền chứng thực bản án của Tòa án nhân dân. 

Về phía Tòa án nhân dân lại xử lý vấn đề khác đi. Tòa án cho rằng căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành thì chỉ có Tòa án nhân dân mới có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính thông qua hình thức trích lục bản án, UBND cấp xã không có thẩm quyền chứng thực loại văn bản này. Thực tiễn giải quyết, Tòa án nhân dân hoàn toàn từ chối khi phát hiện bản án do UBND cấp xã chứng thực và trả lại cho đương sự đồng thời yêu cầu đương sự phải có bản án trích lục từ phía cơ quan Tòa án.

 Từ vấn đề trên cho thấy sự không thống nhất với nhau từ phía các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện yêu cầu của người dân dẫn đến khó khăn cho người dân. Theo người viết, Nghị định 79 quy định rõ UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các văn bản bằng tiếng Việt do đó nếu pháp luật không có quy định khác cũng như không quy định rõ các văn bản nào do cơ quan nào thực hiện chứng thực hay trích lục thì về nguyên tắc chung sẽ áp dụng các quy định của các cơ quan có thẩm quyền ban hành về vấn đề đó. Thực tế cho thấy Bộ luật Tố tụng Dân sự không quy định rõ bản án của Tòa án nhân dân sau khi tuyên phải được trích lục mà không được chứng thực bản sao từ bản chính. Nên không thể kết luận rằng UBND cấp xã không có thẩm quyền chứng thực loại văn bản bằng tiếng Việt nêu trên.  

Như vậy, cho đến nay chưa có quy định pháp luật cụ thể nào quy định UBND cấp xã không có thẩm quyền chứng thực bản án của Tòa án nhân dân. Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có sự thống nhất trong các quy định về chứng thực để có sự nhận định và giải quyết phù hợp với quy định pháp luật hiện hành nhằm thực hiện yêu cầu của người dân một cách chính xác và đúng luật./.

Thanh Xuân


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191