Ủy quyền đứng tên quyền sử dụng đất do thừa kế

Ủy quyền đứng tên quyền sử dụng đất do thừa kế

Tôi muốn hỏi, những người trong dòng họ đồng ý ủy quyền cho tôi được đứng tên quyền sử dụng đất của ông nội để lại, sau khi đứng tên quyền sử dụng đất thì tôi có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng hay không? Nếu có thì có thông qua sự đồng ý của dòng họ hay không? Nếu như sau khi được dòng họ ủy quyền thì tôi có quyền tự quyết định hay phải thông qua ý kiến của dòng họ?…

Gửi bởi: lam thi kim ngoc

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định của Điều 106 Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng cho người khác khi có các điều kiện:

a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Thủ tục và hồ sơ chuyển nhượng theo quy định tại Điều 127 Luật Đất đai 2003. Về hồ sơ chuyển nhượng được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 127 đã nêu. Cụ thể:

“Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất”.

Theo quy định hiện hành về thủ tục chuyển nhượng nêu trên, bạn với tư cách là người sử dụng đất đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cần có văn bản thể hiện sự đồng ý của những người khác không có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào hợp đồng chuyển nhượng để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác.

Ở đây cần lưu ý là bạn đã là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bạn đã được xác định là người thừa kế đối với tài sản là quyền sử dụng đất và đã thực hiện xong thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất do thừa kế theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2003.

Tuy nhiên, như bạn trình bày, những người trong dòng họ đã ủy quyền cho bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước hết, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về thừa kế, cần xác định rõ chỉ những người thừa kế của ông nội bạn mới có thẩm quyền liên quan đến di sản thừa kế mà không phải tất cả những người trong dòng họ. Việc xác định những người thừa kế cụ thể phụ thuộc vào việc thừa kế tài sản của ông nội bạn là theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật.

Bạn không nói rõ nội dung của ủy quyền đó như thế nào, ngoài ra liệu có thỏa thuận nào giữa bạn và những người thừa kế để bạn có thể làm thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng đất. Đó là những thông tin cần thiết để xác định nghĩa vụ của bạn với những người thừa kế liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất đó.

Từ đó, với các thông tin mà bạn cung cấp, căn cứ vào các quy định pháp luật đã nêu, chúng tôi thấy rằng, theo quy định của Luật Đất đai 2003 như đã trình bày trên, bạn là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó cho người khác. Tuy nhiên, để tránh khiếu nại và kiện tụng, bạn cần có sự đồng ý của những người thừa kế. Trong trường hợp bạn không có sự đồng ý của những người thừa kế, có thể xảy ra khiếu nại, khiếu kiện về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và có thể việc chuyển nhượng không thực hiện được vì đất đó có thể bị xác định là đất có tranh chấp.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 34/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Trả lời bởi: CTV5


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191