Mẹ tôi đang tham gia giao thông thì có ông cụ đi bộ sang đường. Lúc đó, trước mặt mẹ tôi có 2 thanh niên đi trước. Họ thấy ông cụ sang đường nhưng vẫn lách lên. Theo đà, mẹ tôi vẫn đi và không kịp phản ứng gây ra va chạm. Lúc đó không rõ mẹ tôi đi với tốc độ khoảng 20 đến 30km/h. Ngay lập tức mẹ tôi đưa ông cụ đi viện và gọi người lên trông ông ở viện, sau đó quay lại hiện trường. Lúc quay lại hiện trường thì thấy công an lập biên bản và lấy khai của người dân xung quanh. Ông cụ vào viện được một lúc, chụp chiếu thì có hiện tượng tụ máu ở não. Hiện tại ông đang phẫu thuật. Cho tôi hỏi, nếu trường hợp xấu nhất ông cụ qua đời thì mẹ tôi sẽ phải chịu những trách nhiệm gi và có bị truy tố không?
Gửi bởi: Đoàn mỹ linh
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 của Bộ luật hình sự thì người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Đồng thời, theo quy định tại điểm 4.1 Mục I của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
“a. Làm chết một người;
b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”.
Trường hợp mà bạn nêu, cần phải chờ Biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an để xác định lỗi. Nếu như mẹ bạn vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến tai nạn làm cho ông cụ chết thì mẹ bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 của Bộ luật hình sự.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, mẹ của bạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584 và Điều 591 của Bộ luật dân sự. Cụ thể, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định tại Điều 591 như sau:
“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự (Hết hiệu lực một phần)
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự (Còn hiệu lực)
Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (Hết hiệu lực một phần)
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.