Trước khi ra nước ngoài sinh sống ba má tôi có nhờ anh trai tôi và anh họ tôi đứng tến 2 phần đất hương hỏa. Năm 1991, ba má tôi hồi hương và năm 1998 thì được cấp hộ khẩu. Ba tôi qua đời năm 2001 và chỉ để lại di chúc miệng dặn dò anh trai tôi chia đều tài sản cho các anh chị em kể cả những người ở nước ngoài. Một thời gian sau mảnh đất do anh tôi đứng tên được cấp sổ đỏ, anh họ tôi cũng trả lại phần đất đứng tên hộ. Hiện nay mảnh đất này do anh tôi một mình đứng tên. Xin hỏi:
1. Việc anh của tôi đơn phương làm đơn để nhận một nửa diện tích đất qua sổ đỏ mà không có sự đồng ý của các thành viên khác có đúng pháp luật về thừa kế hay không?
2. Anh tôi đồng ý giao 1000m2 đất còn lại cho anh chị em chúng tôi. Chúng tôi đang sống ở nước ngoài và mang quốc tịch nước ngoài phải làm những thủ tục gì để nhận được phần thừa kế này?
Gửi bởi: Đỗ Hoàng Tùng
Trả lời có tính chất tham khảo
Câu hỏi của bạn khá phức tạp, bạn cũng không nói rõ mẹ bạn còn sống hay đã mất, tạm thời chúng tôi không xét đến vấn đề này mà tư vấn theo các câu hỏi của bạn cùng các quy định pháp luật để bạn tham khảo.
Về thừa kế: Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho những người còn sống theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Thừa kế là một quyền cơ bản của mỗi công dân – Điều 631 BLDS 2005 quy định:
+ Cá nhân có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho những người thừa kế.
+ Nếu người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật.
+ Cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Theo đó, tôi xin được trả lời các câu hỏi của bạn như sau:
Thứ nhất, về việc bạn hỏi “anh của tôi đơn phương làm đơn để nhận một nửa diện tích đất qua sổ đỏ mà không có sự đồng ý của các thành viên khác có đúng pháp luật về thừa kế hay không”. Tôi xin được trả lời là anh bạn làm như vậy là sai pháp luật về thừa kế. Căn cứ vào những quy định sau:
– Về vấn đề di chúc miệng: Do bạn không nêu rõ bố bạn di chúc trước mặt bao nhiêu người và những người làm chứng đã ghi chép lại để công chứng, chứng thực hay chưa, nên chúng tôi xin quy định của pháp luật để bạn tham khảo
Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định về di chúc miệng như sau:
Khoản 1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Và khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự quy định về Di chúc miệng được coi là hợp pháp : Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Trường hợp 1: Di chúc miệng do bố bạn để lại được coi là hợp pháp thì nội dung di chúc là chia đều khối tài sản bố bạn được quyền để thừa kế (do không rõ mẹ bạn còn sống hay đã chết) cho các anh chị em, kể cả những người ở nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật về thừa kế, thì bố anh hoàn toàn có quyền di chúc để lại tài sản thừa kế cho bất kỳ ai dù đang ở Việt Nam hay nước ngoài. Vì di sản thừa kế là đất đai (bất động sản) – là loại tài sản đặc biệt nên theo quy định của pháp luật Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn có thể được hưởng thừa kế tài sản của cha mẹ họ để lại tại Việt Nam.
Như vậy, trong trường hợp này tất cả mọi người đều được hưởng thừa kế theo di chúc của bố bạn để lại đều có phần quyền sở hữu trong khối tài sản bố bạn để lại (bao gồm cả mảnh đất mà anh bạn xin đứng tên). Như vậy, anh bạn đã làm sai quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc và xâm hại tới quyền sở hữu tài sản của các anh em bạn.
Trường hợp 2: Di chúc miệng do bố bạn để lại không hợp pháp, nếu những người được quyền hưởng thừa kế không thể thỏa thuận được về việc phân chia tài sản thì khối tài sản bố bạn để thừa kế lại sẽ chia theo pháp luật, được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Cụ thể, Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định về những người được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ bao gồm: tất cả các anh chị em ruột của bạn và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khác. Và điều này, tương tự như trên có thể khẳng định việc làm của anh bạn là sai quy định pháp luật về thừa kế và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của những người đồng thừa kế.
Thứ hai, về câu hỏi “Anh tôi đồng ý giao 1000m2 đất còn lại cho anh chị em chúng tôi. Chúng tôi đang sống ở nước ngoài và mang quốc tịch nước ngoài phải làm những thủ tục gì để nhận được phần thừa kế này?”.
Không xét đến việc tranh chấp khối tài sản thừa kế ở trên, nếu tất cả những người được quyền thừa kế đều nhất trí chia cho anh bạn mảnh đất hiện anh đã đứng tên, và cho anh em bạn thừa kế mảnh đất 1000m2 còn lại thì quyền thừa kế của các bạn với mảnh đất này như sau:
Tất cả những người anh em còn lại sẽ là đồng sở hữu mảnh đất này. Tuy nhiên, việc có được đứng tên chủ sở hữu mảnh đất này hay không, chúng ta phải xét đến quy định pháp luật của Việt Nam về vấn đề này. Cụ thể:
Tại khoản 5 Điều 113 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất”.
Khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai năm 2003 quy định:
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây thì được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam:
“a. Người về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở trong thời gian đầu tư tại Việt Nam;
b. Người có công đóng góp với đất nước;
c. Những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước;
d. Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam;
đ. Các đối tượng khác theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội”.
Tuy nhiên, đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai năm 2003 thì họ sẽ “được hưởng giá trị của phần thừa kế đó” tức là bán mảnh đât đó và hưởng phần giá trị tài sản từ việc bán đất mang lại.
Trong trường hợp của anh, nếu một trong số các anh em của anh được quyền thừa kế một phần mảnh đất rộng 1000m2 mà thuộc một trong các trường hợp được đứng tên chủ sở hữu mảnh đất theo quy định của khoản 1 Điều 121 nên trên thì các đồng thừa kế còn lại có thể thỏa thuận để cho người đó đứng tên chủ sở hữu và thanh toán giá trị phần tài sản tương ứng với giá trị diện tích đất mà mỗi người được hưởng cho những người còn lại.
Thủ tục nhận tài sản thừa kế (đăng ký quyền sử dụng đất) trong trường hợp này như sau:
Người thừa kế muốn đứng tên chủ sở hữu mảnh đất và được quyền đứng tên chủ sở hữu theo điều kiện nêu trên có thể trực tiếp về Việt Nam để làm thủ tục hoặc ủy quyền cho người khác đang ở Việt Nam làm các thủ tục sau:
Bước 1: Bạn phải làm thủ tục khai nhận di sản tại phòng công chứng:
Quy trình khai nhận di sản tại phòng công chứng:
Người yêu cầu công chứng nộp các giấy tờ sau cho công chứng viên/cán bộ thụ lý hồ sơ
Nơi tiếp nhận hồ sơ: Phòng công chứng
Hồ sơ thủ tục bao gồm: Bản sao có công chứng các giấy tờ sau:
– Sơ yếu lý lịch của người được nhận di sản thừa kế
– CMND/ hộ chiếu, hộ khẩu của những người sau: cha, mẹ bạn và của bạn
– Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền (trong trường hợp xác lập giao dịch thông qua người đại diện)
– Giấy chứng tử của cha, mẹ bạn
– Di chúc
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế của cha mẹ bạn ( giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, giấy phép mua bán, hợp thức hóa nhà do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp , sổ tiết kiệm, cổ phiếu, giấy chứng nhận cổ phần…).
Số lượng hồ sơ: 1 bộ.
Tiếp đó, Công chứng viên ra thông báo để niêm yết tại UBND xã, phường, thị trấn nơi người để lại di sản thường trú cuối cùng.
Sau khi nhận lại bản niêm yết thừa kế có xác nhận của UBND phường, xã mà không có tranh chấp, khiếu kiện, Công chứng viên hẹn ngày lên ký kết văn bản khai nhận/ thỏa thuận phân chia di sản
Vào ngày hẹn, người thừa kế mang theo toàn bộ bản chính các giấy tờ đã nộp cho phòng công chứng đến ký kết văn bản khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Bước 2:Sau khi văn bản thỏa thuận phân chia di sản được xác nhận, bạn tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã nơi có đất theo thủ tục sau:
– Bước 1: Bên thừa kế nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức). Nếu bên thừa kế không có di chúc hoặc bản án thì phải đến công chứng làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trường hợp có tranh chấp thì phải giải quyết xong tranh chấp.
– Bước 2: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);
– Bước 3: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế (nếu chủ nhà không thuộc diện phải nộp hoặc được miễn nộp nghĩa vụ tài chính thì không có bước này).
– Bước 4: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.
Hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
– Các giấy tờ về thừa kế như: Di chúc, văn bản khai nhận di sản thừa kế (có công chứng nhà nước);
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của người để lại di sản;
– Bản sao Giấy khai sinh của người thừa kế của người chết làm cơ sở miễn nộp nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân).
– Giấy chứng tử;
– Tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất.
Lệ phí trước bạ là 0,5% theo quy định của Nghị định 80/2008/NĐ-CP ngày 29/07/2008. Giá đất để tính lệ phí trước bạ là giá đất do UBND tỉnh ban hành áp dụng tại thời điểm đăng ký nộp lệ phí trước bạ.
Nếu trường hợp không có ai thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 121 nêu trên, hoặc có nhưng không thỏa thuận được, hoặc người đó không muốn đứng tên chủ sở hữu, các anh có thể thỏa thuận về giá cả chuyển nhượng cho người khác để lấy bằng tiền. Pháp luật Việt Nam quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được nhận thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, hay thuộc đối tượng chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì đều được chuyển nhượng di sản cho người khác để hưởng giá trị bằng tiền, khi đã có các giấy tờ sau: Di chúc; hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; hoặc văn bản khai nhận thừa kế; hoặc bản án, quyết định giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất của Toà án đã có hiệu lực pháp luật
Khi đó, thủ tục chuyển tiền sang nước ngoài sẽ được thực hiện như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối quy định về mua và chuyển ngoại tệ của cá nhân như sau:“Người cư trú là công dân Việt Nam có nhu cầu ngoại tệ để chuyển tiền trợ cấp, thừa kế cho gia đình và người thân ở nước ngoài… sẽ được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài trên cơ sở xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định của Ngân hàng nhà nước”.
Người chuyển nhượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng với mức 2% giá trị chuyển nhượng.
Được chuyển mỗi năm tối đa không quá 10.000 USD hoặc 20% số tiền
Điều 25 Pháp lệnh Ngoại hối quy định: Người không cư trú là tổ chức, cá nhân có đồng Việt Nam từ các nguồn thu hợp pháp được mở tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép để sử dụng tại Việt Nam hoặc mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài.
Tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định: Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép để chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
Theo Điều 10 Quy định về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 1437/2001/QĐ-NHNN ngày 19/11/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) thì công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được liên hệ với Ngân hàng theo thẩm quyền để làm thủ tục chuyển, mang ngoại tệ trên cơ sở nộp các loại giấy tờ sau:
– Đơn xin chuyển, mang ngoại tệ;
– Bản chính hoặc bản sao công chứng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia thừa kế hoặc di chúc, văn bản thoả thuận giữa những người thừa kế hợp pháp;
– Văn bản uỷ quyền của người thừa kế (có công chứng, chứng thực) hoặc tài liệu chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của người xin chuyển, mang ngoại tệ.
– Bản sao giấy chứng minh nhân dân (đối với trường hợp xin chuyển ngoại tệ) hoặc bản sao hộ chiếu (đối với trường hợp xin mang ngoại tệ).
Công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được chuyển, mang mỗi năm tối đa không quá 10.000 USD hoặc 20% số tiền nếu tổng số tiền được thừa kế lớn hơn 50.000 USD. Trường hợp số tiền xin chuyển, mang lớn hơn 50.000 USD, công dân Việt Nam phải xuất trình giấy tờ chứng minh thực có số tiền xin chuyển cho mục đích thừa kế.
Số tiền còn lại (bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ), công dân Việt Nam được gửi vào Ngân hàng được phép để chuyển dần (bao gồm gốc và lãi phát sinh) trong các năm tiếp theo, theo phương thức Lệnh chuyển tiền định kỳ đã được thoả thuận giữa Ngân hàng được phép và người có yêu cầu chuyển ngoại tệ nhưng mỗi năm tối đa không quá mức quy định trên.
Trường hợp gửi vào Ngân hàng được phép bằng đồng Việt Nam, công dân Việt Nam được mua ngoại tệ theo tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng được phép tại thời điểm chuyển ngoại tệ theo thoả thuận giữa Ngân hàng được phép và người có yêu cầu chuyển ngoại tệ trong Lệnh chuyển tiền định kỳ.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 63/1998/NĐ-CP Về quản lý ngoại hối
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị định 80/2008/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 1999 và Nghị định số 47/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về lệ phí trước bạ
Luật 13/2003/QH11 Đất đai
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục trợ giúp pháp lý
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.