Gia đình cháu có tất cả 4 người: bố, mẹ, cháu và chị gái cháu. Bố cháu bỏ vào Nam lập nghiệp và lấy vợ mới. Từ đó tới khi cháu tròn 18 tuổi bố khôngnuôi dưỡng và không phụ cấp nuôi dưỡng cháu. Vậy cháu muốn hỏi bố cháu làm vậy có sai không? Cháu muốn đòi số tiền phụ cấp trong khoảng thời gian này có được không?
Gửi bởi: phạm bá dưỡng
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo nội dung bạn trình bày thì bố bạn vào nam làm việc và lấy vợ mới trong đó. Như vậy, trong trường hợp quan hệ hôn nhân với mẹ bạn là hợp pháp thì về mặt pháp lý, quan hệ giữa bố bạn với người vợ mới sẽ không được pháp luật công nhận (khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cấm người đang có vợ, chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác). Do đó, hành vi của bố bạn là vi phạm quy định của Luật hôn nhân và gia đình về chế độ hôn nhân 1 vợ, 1 chồng.
Về yêu cầu đòi tiền phụ cấp cho khoảng thời gian bố bạn đi cho tới khi bạn tròn 18 tuổi. Mặc dù đây là nghĩa vụ của cha đối với con (được quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014, theo đó, cha, mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên) nhưng việc yêu cầu chu cấp một khoản tiền nhất định để nuôi con chỉ được pháp luật đặt ra như là trách nhiệm bắt buộc của cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, theo nội dung bạn trình bày thì bố bạn đã có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật này và Điều 3 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì hành vi cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ gồm:
1. Sau khi sinh con, cha, mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng.
2. Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật.
3. Cha, mẹ, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 17 Nghị định nêu trên, Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em nếu cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.
Các văn bản liên quan:
Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình
Nghị định 71/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Luật 25/2004/QH11 Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Trả lời bởi: vietduc
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.