Việc cấp dưỡng cho các con sau ly hôn là hoàn toàn tự nguyện, không được ép buộc là đúng hay sai?

Việc cấp dưỡng cho các con sau ly hôn là hoàn toàn tự nguyện, không được ép buộc là đúng hay sai?

Vợ chồng chị C lấy nhau đã hơn 10 năm và có 2 con chung. Gần đây, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, anh H chồng chị quyết định lên biên giới làm ăn buôn bán. Tại đây, anh H đã gặp và chung sống như vợ chồng với một cô bạn hàng. Khi trở về quê, bỏ ngoài tai mọi khuyên bảo của gia đình, anh H quyết tâm ly dị vợ. Sau nhiều lần hoà giải không thành, Toà án quyết định cho vợ chồng anh H ly dị, chị C nuôi các con, anh H phải có nghĩa vụ cấp dưỡng với mức cấp dưỡng 200.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, anh H đã không đồng ý với phán quyết của Toà án vì cho rằng việc cấp dưỡng cho các con là hoàn toàn tự nguyện, không được ép buộc. Việc làm của anh H là đúng hay sai? Pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam quy định vấn đề này như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình .

Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 qui định nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này”.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Trong trường hợp gia đình anh H, việc anh H không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con không chỉ trái về đạo lý mà còn là hành vi trái pháp luật, không tuân thủ và chấp hành pháp luật, sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính hoặc chế tài hình sự để xử lý nếu xét thấy cần thiết.

Các văn bản liên quan:

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: Admin Portal


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191