Việc thay đổi họ và dân tộc của con nuôi theo họ và dân tộc của cha nuôi

Việc thay đổi họ và dân tộc của con nuôi theo họ và dân tộc của cha nuôi


Vợ chồng ông Bỉnh là người dân tộc Thái, cư trú tại xã X, tỉnh Lạng Sơn. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con nên vợ chồng ông Bỉnh đồng ý cho cháu Quang 4 tuổi, là con thứ sáu trong gia đình làm con nuôi vợ chồng ông Hoàng người dân tộc Tày, hiện đang cư trú tại phường Y, thành phố Lạng Sơn. Trước đây cháu Quang đã được đăng ký khai sinh và xác định dân tộc theo dân tộc Thái của cha đẻ. Khi thoả thuận về việc cho nhận con nuôi, vợ chồng ông Hoàng đã đề nghị và được vợ chồng ông Bỉnh thống nhất đồng ý về việc để cháu Quang được thay đổi họ và dân tộc từ họ và dân tộc của cha đẻ sang họ và dân tộc của cha nuôi, đồng thời thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh của cháu Quang, ghi tên vợ chồng ông Hoàng vào đó để cháu Quang lớn lên gắn bó tình cảm gia đình với cha mẹ nuôi. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, đến ngày được Uỷ ban nhân dân xã nơi mình cư trú mời lên để đăng ký nuôi con nuôi, vợ chồng ông Hoàng trình bày nguyện vọng và đề nghị chính quyền khi đăng ký nuôi con nuôi xong thì làm thủ tục thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh của cháu Quang, đồng thời thay đổi họ của cháu Quang theo họ của ông Hoàng, và xác định lại dân tộc cho cháu theo dân tộc Tày. Theo ông (bà), Uỷ ban nhân dân xã có thể giải quyết nguyện vọng của các bên cho và nhận con nuôi về việc thay đổi họ và dân tộc cho cháu Quang như vậy được không?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Họ và dân tộc là những đặc điểm nhân thân cơ bản, có tính ổn định, thể hiện nguồn gốc và huyết thống của mỗi cá nhân. Do đó, đây là những đặc điểm nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời, được xác định trên Giấy khai sinh và chỉ có thể thay đổi trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định.

Vấn đề đặt ra trong tình huống là sau khi đã hoàn tất thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, vợ chồng ông Hoàng, với tư cách cha mẹ nuôi của cháu Quang có nguyện vọng muốn được ghi tên mình vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của cháu Quang, và thay đổi họ và dân tộc của con nuôi từ họ và dân tộc của cha đẻ (ông Bỉnh) sang họ và dân tộc của cha nuôi (ông Hoàng), khi mà cháu Quang đã được đăng ký khai sinh và xác định dân tộc theo dân tộc Thái của cha đẻ. Để giải quyết nguyện vọng của các bên cho và nhận con nuôi, chính quyền xã cần căn cứ vào các quy định về quyền thay đổi họ, tên; quyền xác định lại dân tộc trong Bộ luật Dân sự và quy định về thủ tục, trình tự giải quyết các việc liên quan trong Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để vận dụng pháp luật được chính xác, trong đó, cần đặc biệt lưu ý về vấn đề thẩm quyền.

Theo quy định tại Điều 28, Điều 37 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì thẩm quyền thực hiện việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh (đối với trường hợp trẻ em đã được đăng ký khai sinh, nay được nhận làm con nuôi người khác) và thẩm quyền thay đổi họ cho người dưới 14 tuổi đều do Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh thực hiện. Như vậy, trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân phường Y, nơi cư trú của vợ chồng ông Hoàng và cũng là nơi đang thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu của đương sự về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh của cháu Quang, thay đổi họ và xác định lại dân tộc cho cháu. Do đó, sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, Uỷ ban nhân dân phường Y cần hướng dẫn các bên liên quan đến Uỷ ban nhân dân xã X, nơi đã đăng ký khai sinh cho cháu Quang để đề nghị giải quyết nguyện vọng của mình, đồng thời giải thích cho đương sự hiểu về khả năng giải quyết các yêu cầu đó như sau:

Về yêu cầu thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh của cháu Quang

Do vợ chồng ông Bỉnh và vợ chồng ông Hoàng đã có sự thoả thuận thống nhất về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh của cháu Quang nên đủ điều kiện áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để đăng ký lại khai sinh cho cháu Quang, nhằm mục đích thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi. Thủ tục đăng ký lại khai sinh cho cháu Quang áp dụng theo quy định đặc biệt tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

Về yêu cầu thay đổi họ của cháu Quang từ họ của cha đẻ sang họ của cha nuôi

Trong trường hợp trẻ được nhận làm con nuôi đã được đăng ký khai sinh thì cha nuôi, mẹ nuôi có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên cho con nuôi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự. Do đó, nguyện vọng của vợ chồng ông Hoàng về việc thay đổi họ cho cháu Quang từ họ của cha đẻ sang họ của cha nuôi là hợp pháp. Uỷ ban nhân dân xã X, nơi đã đăng ký khai sinh cho cháu Quang có thể áp dụng thủ tục quy định tại Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để thụ lý giải quyết yêu cầu này.

Về yêu cầu xác định lại dân tộc cho cháu Quang từ dân tộc Thái (dân tộc của cha đẻ) sang dân tộc Tày (dân tộc của cha nuôi)

Theo nguyên tắc chung về xác định dân tộc quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự thì dân tộc của một cá nhân chỉ có thể được xác định theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ. Do đó, việc xác định lại dân tộc chỉ có thể thực hiện được trong phạm vi chuyển dân tộc của người con từ dân tộc của cha đẻ sang dân tộc của mẹ đẻ hoặc ngược lại. Pháp luật không quy định việc cho phép xác định lại dân tộc của một người từ dân tộc của cha đẻ sang dân tộc của cha nuôi. Do vậy, không thể thụ lý giải quyết nguyện vọng của vợ chồng ông Hoàng và vợ chồng ông Bỉnh về việc đề nghị xác định lại dân tộc cho cháu Quang từ dân tộc Thái sang dân tộc Tày.

Các văn bản liên quan:

Bộ Luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch

Trả lời bởi: Admin Portal


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191