Câu hỏi của khách hàng: Xã trả tiền thi hành án cho chủ đất cũ và xóa tiền nợ đất của chủ mới có đúng không
Em đang có chuyện liên quan đến tiền nợ của xã khi mua đất nhà em. Mãi không trả. Chuyện rất dài và loằng ngoằng. Em xin tóm tắt lại như sau cho mọi người dễ hiểu:
-Năm 2006 xã quy hoạch đất để xây dựng công sở. Trên khuôn viên đất ấy có 1 mảnh đất nhỏ của anh A (em gọi tắt cho mọi người dễ hiểu)
– Sau đó, xã mua đất nhà em (giá là 40 triệu) để đền bù cho anh A.
– Vì bán đất cho xã để đền bù nên nhà em phải mua mảnh khác của chị B để ở. Khi mua đã có xã xác nhận. Đầy đủ giấy tờ hợp pháp. (Tiền mua mảnh đất chị B là tiền túi nhà em. 40 triệu kia xã chưa trả).
– 12/2006 xã gọi gia đình em lên và làm giấy khất nợ 40 triệu đến tháng 7/2007 cam kết sẽ trả hết. Trong giấy khất nợ có chữ ký Chủ Tịch xã và dấu đỏ của xã.
– Từ 12/2006 đến 7/2007 xã vẫn chưa trả đồng nào. Nhà em có lên để làm việc. Nhưng vẫn chưa giải quyết.
– Từ đó đến giờ nhà em đã lấy được sau rất nhiều lần lẻ tẻ 1-2 triệu. Tổng cộng là được 23 triệu. Tất cả đều có giấy xác nhận tiền mỗi lần lấy. (Lần lên nhận tiền gần nhất đây là khoảng năm 2012. Từ đó đến giờ chưa trả thêm được đồng nào.
– Sau 2007 vài năm. Xã đột nhiên đánh giấy xác nhận về nhà em là đã thanh toán đủ số tiền. Trong khi thực tế vẫn còn nợ 17 triệu. Nhà em đã lên xã làm việc và không ký xác nhận vào giấy đó.
– Lí do xã giải thích rằng: Nhà chị B (là cái chị trước nhà em mua đất) có chồng đi tù. Nợ tiền thi hành án. Nên xã đã lấy tiền của phía nhà em. Trả tiền thi hành án đó cho chồng nhà chị B. => nhà chị B nợ tiền xã. Xã gạt nợ 17 triệu còn lại bên nhà em sang chị B. Bảo liên hệ với chị B để lấy nợ. Còn xã giờ không nợ gì nhà em nữa.
– Nhà em không đồng ý. Vì nhà em bán đất cho xã. Xã đứng ra khất nợ. Nhà em không liên quan gì đến chị B.
Vậy cho em hỏi mấy điều:
– Thứ 1: Chồng chị B nợ tiền thi hành án. Đó là chuyện cá nhân của nhà chị B. Không phải cán bộ gì trong bộ máy xã. Vậy tại sao xã lại tự ý lấy tiền đi trả hộ tiền thi hành án đó?
– Thứ 2: Giờ nhà em muốn lấy lại tiền. Nhưng sau khi trả chậm 12 năm như vậy. Giá trị 17 triệu của năm 2007 nó khác với 2018. Chênh lệch về giá trị tiền như vậy. Đến giờ trả xã sẽ phải trả đúng là bao nhiêu ạ? (Ví dụ: 2007 mua 1 chỉ vàng chỉ có 1 triệu 2. Nhưng giờ 2018 mua 1 chỉ phải 3 triệu 6 cơ. Gấp 3 lần.)
NHÀ EM VẪN CÒN GIỮ ĐẦY ĐỦ TẤT CẢ CÁC GIẤY TỜ LIÊN QUAN ĐẾN SỰ VIỆC TỪ 2007 ĐẾN GIỜ. (Bao gồm: Giấy khất nợ, giấy chứng nhận tiền, giấy báo xác nhận thanh toán hết tiền nợ của Xã mà nhà e không ký….)
Luật sư Tư vấn Luật Dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 19/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề bù trừ nghĩa vụ nợ
- Bộ luật Dân sự 2005;
3./ Luật sư trả lời Xã trả tiền thi hành án cho chủ đất cũ và xóa tiền nợ đất của chủ mới có đúng không
Về việc bù trù nghĩa vụ, pháp luật dân sự cho phép được bù trù trong các trường hợp theo pháp luật quy định như sau:
Căn cứ Điều 380 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc chấm dứt nghĩa vụ do bù trừ như sau:
“Điều 380. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do bù trừ nghĩa vụ
1. Trong trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp giá trị của tài sản hoặc công việc không tương đương với nhau thì các bên thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch.
3. Những vật được định giá thành tiền cũng có thể bù trừ với nghĩa vụ trả tiền.”
Theo đó, theo quy định, các bên được bù trù nghĩa vụ khi các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau và cùng đến hạn.
Với trường hợp trên, về việc xã trả tiền thi hành án hộ gia đình chị B. Thực chất, đây là việc UBND cấp xã đứng ra cho chồng chị B vay tiền để thi hành án. Gia đình chị B có nghĩa vụ hoàn trả cho UBND xã khoản tiền mà UBND đồng ý đứng ra nộp thay cho chồng chị này.
Đối với giao dịch mua bán đất của gia đình bạn và nhà chị B, giao dịch này đã được thanh toán xong và thực hiện việc xác nhận tại Ủy ban nhân dân xã với hợp đồng mua bán. Theo đó, gia đình bạn và gia đình chị B đã không còn bất cứ nghĩa vụ gì với nhau trong hoạt động mua bán đất đai này.
Căn cứ Điều 315 Bộ luật Dân sự 2005, quy định về chuyển giao nghĩa vụ như sau:
“Điều 315. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.”
Theo đó, giữa UBND xã và gia đình bạn không có nghĩa vụ nào khác để có thể bù trừ cho nhau và cũng không thể chuyển giao nghĩa vụ sang cho gia đình chị B khi gia đình bạn không đồng ý. Do đó, việc Ủy ban nhân dân cho rằng mình không còn nghĩa vụ gì với gia đình bạn là không có căn cứ.
Về hoạt động mua bán đất đai giữa gia đình bạn và Ủy ban: UBND xã mua đất của gia đình bạn thì Ủy ban xã có nghĩa vụ phải thanh toán đầy đủ giá trị hợp đồng (40 triệu) theo thời hạn đã thỏa thuận (đến tháng 7/2007). Đến nay, UBND xã vẫn chưa thực hiện xong nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận thì có thể xác định trường hợp này UBND xã đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận của hai bên. Căn cứ Điều 305 Bộ luật Dân sự 2005, trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự, bên có nghĩa vụ phải có trách nhiệm sau:
“Điều 305. Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự
1. Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Theo đó, với số tiền 17 triệu đồng mà UBND xã chậm trả, gia đình bạn có quyền yêu cầu UBND xã trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định nêu trên.
Vậy, với trường hợp này, gia đình bạn có quyền từ chối yêu cầu của UBND xã khi họ bắt ký biên bản thanh lý và chuyển nghĩa vụ trả phần nợ còn lại cho gia đình chị B và gửi đơn khởi kiện cùng các giấy tờ tài liệu chứng minh trong suốt thời gian qua tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở của Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu UBND xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán với mình và trả lãi với số tiền chậm trả trong thời gian chậm trả theo quy định pháp luật nêu trên.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Tham khảo thêm bài viết:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.