Xin nghỉ việc không lương thì có phải làm việc tại nhà không?

Câu hỏi của khách hàng: Xin nghỉ việc không lương thì có phải làm việc tại nhà không?

Xin chào anh/chị luật sư
Tôi đang làm việc cho một Công ty Thương Mại Hợp Tác Xã, do vấn đề sức khỏe nên tôi làm đơn xin Công ty cho tôi nghỉ KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG 01 tháng. Vậy trong thời gian này, công ty có quyền bắt tôi phải làm việc (tại nhà) cho Công ty hay không (họ bảo tuy tôi nghỉ ở nhà nhưng tôi vẫn phải có trách nhiệm làm việc cho họ) điều này, có trái với quy định pháp luật hay không? Nếu anh/chị có xem qua tin nhắn, tôi rất mong nhận được phản hồi và tư vấn của anh/chị. Tôi chân thành cảm ơn anh/chị.
Chúc anh/chị nhiều sức khỏe!


Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 25/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chế độ nghỉ việc không hưởng lương

  • Bộ luật lao động năm 2012
  • Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
  • Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động

3./ Luật sư trả lời Xin nghỉ việc không lương thì có phải làm việc tại nhà không?

Hợp đồng lao động được hiểu là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trong trường hợp người lao động nghỉ việc không hưởng lương, thời gian nghỉ cũng như các chế độ nghỉ này được thực hiện theo thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động.

Căn cứ Nghị định 45/2013/NĐ-CP, người lao động và người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với nhau về việc cho người lao động nghỉ không hưởng lương hoặc nghỉ ốm đau. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hàng năm của người lao động khi được người sử dụng lao động đồng ý không quá 01 tháng trong trường hợp thông thường.

Còn thời gian nghỉ việc không hưởng lương không được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hàng năm không giới hạn, thời gian này phụ thuộc vào thỏa thuận của hai bên người lao động và người sử dụng lao động.

Ngoài ra, khi điều kiện sức khỏe không đáp ứng được yêu cầu của công việc, người lao động được hưởng chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội bắt buộc. Căn cứ Khoản 1 Điều 2Điều 24 Luật bảo hiểm xã hội, đối tượng được áp dụng chế độ ốm đau bao gồm cả những đối tượng người lao động là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

Theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội, người lao động thuộc đối tượng trên khi bị ốm đau mà không phải tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau được quy định như sau:

-Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được:

+Hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;

+Hưởng 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

+Hưởng 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

-Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên được:

+Hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;

+Hưởng 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

+Hưởng 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Trong trường gian nghỉ không hưởng lương, người lao động không phải thực hiện công việc tại nhà cho người sử dụng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Trong trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải làm việc tại nhà, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động trả lương hoặc khiếu nại việc trên tới cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, trong thời gian nghỉ việc không hưởng lương, bạn không có trách nhiệm phải thực hiện công việc mà người lao động đưa ra, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Trường hợp bên sử dụng lao động có hành vi vi phạm thỏa thuận của các bên, bạn có quyền khiếu nại tới chủ thể có thẩm quyền để được giải quyết.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191