Xô xát với bạn cùng phòng gây thương tích thì xử lý thế nào?

Câu hỏi của khách hàng: Xô xát với bạn cùng phòng gây thương tích thì xử lý thế nào?

Chào luật sư ạ. Em muốn nhờ luật sư tư vấn cho em được không ạ.
Chuyện là em với đứa cùng phòng xích míc nhỏ. Tiếp theo nó cầm chậu nước tạt lên mặt và giường em. Em với nó xảy ra xô xát chỉ đánh nhau tay không. Thì nó cầm cả cây quạt đang có điện đánh em khi nền nhà toàn nước. Khi chống đỡ thì em vô tình cầm cái tô thủy tinh và đánh vào mặt làm nó rách ở mép trên.
Sau khi nó đi khâu thẩm mỹ thì nó bảo khâu 25 mũi và thương tật 18%. Nó bảo tiền viện phí là 2 triệu 500 ngàn và bắt em đền bù 2 triệu nếu không mẹ nó sẽ báo với nhà trường và gia đình.
Theo luật sư thì trong trường hợp này nên xử lý như thế nào ạ


Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 17/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm khi vô ý gây thương tích cho người khác

  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình

3./ Luật sư trả lời Xô xát với bạn cùng phòng gây thương tích thì xử lý thế nào?

Để hạn chế những hành vi gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích được nhà nước bảo vệ, pháp luật  nước ta có những quy định về những trách nhiệm pháp lý (trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và cả trách nhiệm hình sự) mà chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật phải gánh chịu. Trách nhiệm mà người vi phạm phải gánh chịu được căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả mà hành vi gây ra cũng như lỗi của các bên trong một số trường hợp.

Trong trường hợp một cá nhân gây thương tích cho một chủ thể khác, cá nhân có hành vi gây thương tích sẽ phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý căn cứ trên các yếu tố như lỗi của các bên, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi đó.

-Về lỗi của bạn trong việc thực hiện hành vi vi phạm. Căn cứ Điều 10 Bộ luật hình sự:

Điều 10. Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1.Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

2.Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Mà theo thông tin bạn cung cấp thì việc bạn sử dụng tô thủy tinh gây thương tích cho bên bị thiệt hại hoàn toàn là do bạn vô tình cầm đồ vật này trong tay khi chống cự hành vi cố ý gây thương tích cho bạn của bên bị thiệt hại. Tức là, khi có hành vi bạn không biết được ở trong tay bạn đang cầm chiếc tô thủy tinh. Việc này có thể xảy ra khi bạn nhận thức bản thân đang bị uy hiếp, có nhu cầu tìm một vật khác để chống trả việc gây thương tích của phía bên kia.

Trong trường hợp bạn biết trong tay bạn đang cầm một thủy tinh nhưng vẫn sử dụng để để phản kháng lại người bạn kia, hành vi gây thương tích của bạn được xác định là hành vi được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp (tức là lỗi cố ý được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật hình sự).

-Về hành vi và hậu quả của hành vi của bạn. Như thông tin bạn trình bày thì bạn đã gây thương tích trên mặt của bên bị thiệt hại với mức thương tích là 18%. Trong đây bạn cần xác định mức độ thương tích trên có đúng với sự thật khách quan hay không, nếu đúng với sự thật khách quan, bạn cần chú ý đến hành vi của bạn được diễn ra trong trường hợp nào. Bởi:

+Nếu không chứng minh được việc gây thương tích này xảy ra do bạn vô ý thực hiện hành vi vi phạm trong tình trạng người bạn kia đang có hành vi sử dụng thiết bị điện để đánh bạn khi môi trường xung quanh có nước thì bạn có thể sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Theo đó, người có hành vi cố ý gây thương tích  hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể rơi vào 18% thông thường sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.

+Trong trường hợp có căn cứ chứng minh bạn vô ý gây thương tích cho chủ thể trên, với mức thương tích là 18%, bạn sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác theo quy định tại điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

+Trong trường hợp lỗi của bạn là lỗi cố ý nhưng có căn cứ chứng minh việc bạn gây thương tích cho đối tượng kia là để chống trả việc người này dùng quạt điện để xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của bạn (ở đây là để gây thương tích cho bạn). Việc vi phạm của bạn bị coi là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nếu “hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại của người bạn kia”. Trường hợp không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bạn không phải gánh chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thương tích cho người này. Bởi, theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật hình sự thì phòng vệ chính đáng không phải tội phạm.

Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ bị phạt hành chính vì đã xâm hại tới sức khỏe của người khác theo quy định tại điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như đã nêu trên.

-Ngoài ra, bạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bạn kia vì đã xâm phạm tới sức khỏe của người này theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự nếu việc gây thiệt hại  này không phải do lỗi của một mình phía bên bị thiệt hại. Theo quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự thì bạn phải bồi thường toàn bộ và kịp thời thiệt hại thực tế mà bạn gây ra cho người bạn kia.

Căn cứ Điều 590 Bộ luật dân sự thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm:

+Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

+Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

Ngoài ra là một số thiệt hại khác do luật quy định.

Cùng với đó, bạn cũng có trách nhiệm bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bạn của bạn.

Trong trường hợp bạn chứng minh được việc bạn gây thương tích cho người kia hoàn toàn là do lỗi của chính người đó thì bạn sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên.

Bên cạnh đó, trong trường hợp bạn chưa đủ 18 tuổi, trách nhiệm mà bạn phải gánh chịu cũng sẽ được xem xét miễn/giảm nhẹ trong từng trường hợp cụ thể theo kết quả điều tra, xác minh của những chủ thể có thẩm quyền.

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, bạn cần xác định những yếu tố xung quanh hành vi gây thương tích cho người bạn kia của bạn để có nhận định đúng về trách nhiệm mà bạn phải gánh chịu trong trường hợp này. Tuy nhiên, việc bạn có phải gánh chịu trách nhiệm nào hay không sẽ không ảnh hưởng tới việc thực hiện việc báo cáo lên nhà trường, gia đình về sự việc trên của gia đình bên kia. Do vậy, để hạn chế bất lợi cho bản thân, bạn nên thỏa thuận về việc giải quyết việc này với bên bị thiệt hại.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191