Người có hành vi giả mạo đơn yêu cầu thi hành án thì bị xử lý như thế nào? Sau khi cơ quan thi hành án thụ lý đơn và ra Quyết định thi hành án, đã áp dụng biện pháp kê biên tài sản mới phát hiện ra thì xử lý như thế nào? Trách nhiệm thuộc về đối tượng nào?
Gửi bởi: nguyen lanh
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Hành vi giả mạo đơn yêu cầu thi hành án là hành vi trái pháp luật, do đó tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, mục đích của hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do câu hỏi bạn nêu chưa cụ thể về chủ thể, tính chất, mức độ vi phạm, mục đích của hành vi hành vi giả mạo đơn yêu cầu thi hành án, vì thế chúng tôi không thể trả lời cụ thể mức độ xử lý hành vi giả mạo đó như thế nào được.
Ví dụ, hành vi giả mạo đơn yêu cầu thi hành án bằng thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.
2. Về xử lý việc thi hành án và xác định đối tượng chịu trách nhiệm
– Trong trường hợp sau khi cơ quan thi hành án thụ lý đơn yêu cầu thi hành án và ra quyết định thi hành án, đã áp dụng biện pháp kê biên tài sản mới phát hiện người có hành vi giả mạo đơn yêu cầu thi hành án, thì cơ quan thi hành án cần xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, mục đích của hành vi giả mạo này. Nếu hành vi đó không nghiêm trọng, mục đích không chiếm đoạt, ví dụ: con viết đơn yêu cầu thi hành án thay cho cha nhưng con ký giả mạo chữ ký của cha để yêu cầu thi hành án, thì cơ quan thi hành án cần làm việc với người cha để biết rõ quan điểm của người cha; nếu người cha đồng ý tiếp tục yêu cầu thi hành án, thì cơ quan thi hành án cần tiếp tục thực hiện việc thi hành án, nhưng cũng cần thống nhất với người phải thi hành án để giải quyết các quyền lợi liên quan, như lãi chậm thi hành án tính từ ngày người cha yêu cầu thi hành án.
– Về trách nhiệm, người có hành vi giả mạo đơn yêu cầu thi hành án phải chịu trách nhiệm như nêu trên.
Đối với cơ quan thi hành án, Chấp hành viên: Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thì việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án dân sự đòi hỏi phải thực hiện nhiều công việc, như thông báo về thi hành án trực tiếp về thi hành án cho người được thi hành án, bảo đảm quyền thỏa thuận của các đương sự trong thi hành án .v.v. vì vậy trong qua trình thi hành án, nhất là khi đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản thì thường phải tiếp xúc trực tiếp với người được thi hành án. Do đó, cơ quan thi hành án, Chấp hành viên cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm vì sao chậm phát hiện hành giả mạo đơn yêu cầu thi hành án, chậm xử lý hành vi giả mạo đơn yêu cầu thi hành án (như: không nhận đơn, hủy bỏ quyết định thi hành án v.v.) nếu có lỗi cố ý thì phải kiểm điểm, xử lý nghiêm.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.