Những điều cần biết về việc hủy kết hôn trái pháp luật vì bị lừa dối hoặc cưỡng ép kết hôn

Hôn nhân trong thời đại ngày  nay được hình thành trên cơ sở tình yêu chân chính, hai bên nam nữ yêu thương nhau và mong muốn tiến tới hôn nhân. Nên việc kết hôn của họ là tự nguyện. Đây là điều hết sức quan trọng và cần thiết để có thể duy trì một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc. Chính vì vậy, nguyên tắc kết hôn tự nguyện là nguyên tắc được đặt lên hàng đầu, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, cụ thể tại Điều 36 của Hiến pháp 2013 đã quy định:
“Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.”

Và đây cũng nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Khoản 1, Điều 2 Luật này).

Do đó, nếu như có sự lừa dối để kết hôn hay cưỡng ép kết hôn thì sẽ không đem lại hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng và nó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tự nguyện. Đây cũng chính là một trong những căn cứ để hủy kết hôn trái pháp luật. Vậy thế nào là hủy kết hôn trái pháp luật? Cưỡng ép kết hôn là gì? Và như thế nào là sự lừa dối để kết hôn. Hãy cùng tìm hiều trong bài viết này.

Để hiểu rõ hủy kết hôn trái pháp luật là gì, trước hết ta cần biết thế nào là kết hôn trái pháp luật. Kết hôn trái pháp luật là việc nam nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một hoặc cả hai bên vi phạm các điều kiện kết hôn. Cụ thể các điều kiện kết hôn như sau:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên

  • Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định

  • Không bị mất năng lực hành vi dân sự

  • Không thuộc các trường hợp cấm kết hôn, như: kết hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;  người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Hôn nhân vi phạm những điều trên là  hôn nhân trái pháp luật và sẽ không được pháp luật thừa nhận, do đó cá nhân, tổ chức có liên quan có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật này. Việc lừa đối để kết hôn hay cưỡng ép để kết hôn vi phạm nguyên tắc tự nguyện , hay nói cách khác là vi phạm các điều kiện kết hôn nên nó chính là căn cứ để hủy kết hôn trái pháp luật.

  1. Những biểu hiện của cưỡng ép kết hôn và lừa dối để kết hôn.

a. Cưỡng ép kết hôn: Là hành vi buộc người khác phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ bằng việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc các hành vi khác. Được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Mặc dù Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã hết hiệu lực nhưng đến nay nghị quyết này vẫn còn hiệu lực và vẫn được sử dụng. Theo đó, cưỡng ép kết hôn có hai trường hợp:

  • Một bên ép buộc : Một trong hai bên nam nữ đã đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần hoặc dùng vật chất để ép buộc bên còn lại kết hôn với mình.
  • Bị người khác cưỡng ép kết hôn: Một hoặc cả hai bên nam, nữ bị người khác kết hôn như bố mẹ của người nữ do nợ của người nam một khoản tiền nên  đã cưỡng ép con gái mình phải kết hôn với người nam để trả nợ, do bố mẹ của hai bên có hứa hẹn với nhau nên cưỡng ép con của họ phải kết hôn với nhau…

Ngoài ra hành vi Cưỡng ép kết hôn còn được hướng dẫn tại tại điểm 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì:

Hành vi cưỡng ép kết hôn được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác.

  • Hành hạ, ngược đãi là đối xử tàn ác, tồi tệ đối với người khác gây đau khổ về thể xác hoặc tinh thần kéo dài, như: thường xuyên đánh đập (có thể không gây thương tích), giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, nhiếc móc, làm nhục v.v… nhằm mục đích cưỡng ép việc kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Cần lưu ý rằng, hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cho nên không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội hành hạ, ngược đãi quy định tại Điều 110 hoặc Điều 151 Bộ luật hình sự.

  • Uy hiếp tinh thần là đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức  khỏe, danh dự, tài sản hoặc lợi ích thiết thân của người bị đe dọa làm cho người đó có căn cứ để lo sợ thực sự mà phải chịu khuất phục như đe dọa sẽ đốt nhà, giết người thân, tiết lộ bí mật đời tư của người bị đe dọa , bố mẹ hoặc người thân trong gia đình đe dọa sẽ tự tử nếu hai bên nam nữ lấy nhau, con  đe dọa là sẽ bỏ nhà hoặc tự tử nếu bố, mẹ lấy vợ, lấy chồng mới…

  • Yêu sách của cải là đòi hỏi của cải một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là một trong những điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam nữ.

  • Thủ đoạn khác có thể là buộc một bên hoặc cả hai bên đi xa nhằm chia rẽ họ; bắt cóc người không muốn lấy mình làm vợ hoặc làm chồng để buộc họ phải kết hôn trái ý muốn; một bên gia đình tiến hành dựng vợ, gả chồng cho người thân của mình với người khác trái với ý muốn của người đó nhằm chia rẽ người thân đó với người mà họ muốn tự nguyện kết hôn; v.v…

Do đó, hành vi cưỡng ép kết hôn không những vi phạm nguyên tắc kết hôn tự nguyện, làm căn cứ để hủy kết hôn trái pháp luật mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm cụ thể nếu như là lần đầu thì sẽ bị xử lý hành chính, mức xử phạt là bị phạt cảnh cáo hoặc bị xử phạt từ 100.000.000đ đến 300.000.000đ (Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.) , nếu đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 146 Bộ Luật hình sự, theo đó người có hành vi cưỡng ép kết hôn sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

b.Lừa dối để kết hôn

Là việc một trong hai bên nam, nữ nói sai sự thật về mình để bên kia lầm tưởng để kết hôn như lừa đối nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp hoặc nếu kết hôn sẽ bảo lãnh ra nước ngoài, không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu, biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu…

Vậy nếu như một người khi mới kết hôn xong mới biết vợ mới cưới mang thai con của người khác chứ không phải của mình thì có phải là lừa dối để kết hôn không?. Ở đây cần xác định rõ là có hành vi lừa đối ở đây không, nếu như người vợ nói dối người chồng đây là đứa con của anh ta để được kết hôn thì là hành vi lừa dối. Tuy nhiên nếu như người chồng nhầm tưởng đó là đứa con của mình nên đã yêu cầu kết hôn, và người vợ đồng ý thì đây chưa chắc là hành vi lừa dối.

  1. Quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật và hướng giải quyết của Tòa án

Người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật trong trường hợp này là Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn hoặc họ có thể đề nghị các cá nhân, tổ chức sau: Cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Khi nhận được yêu cầu này thì Tòa án có hai hướng giải quyết:

  • Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà cuộc sống không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng, thì quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.

  • Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết  hôn mà bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc  bị cưỡng ép đã biết, nhưng đã thông cảm, tiếp tục chung sống hòa thuận thì không quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc hủy kết hôn tái pháp luật là trong thời hạn một năm, kể từ ngày biết quyền  lợi của mình bị xâm hại, làm phát sinh yêu cầu. (Khoản 2, Điều 159 BLTTDS)

  1. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật là:
  • Về quan hê nhân thân: Bên cạnh ly hôn, thì hủy kết hôn trái pháp luật cũng dẫn đến chấm dứt quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, điểm khác giữa chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa ly hôn và hủy kết hôn trái pháp luật. Nếu như ly hôn thì kể từ ngày có quyết định của Tòa án về việc ly hôn thì hai bên coi như chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng trước đó họ từng tồn tại quan hệ hôn nhân và được pháp luật bảo vệ , còn hủy kết hôn trái pháp luật thì trước khi có quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ hôn nhan của họ là trái pháp luật, không được Nhà nước thừa nhận,hay nói cách khác là kể từ thời điểm các bên bắt đầu chung sống với nhau cho đến khi tòa hủy kết hôn trái pháp luật thì hai người chưa từng phát sinh và tồn tại hôn nhân hợp pháp.
  • Về quan hệ giữa cha, mẹ và con: Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp ly hôn.
  • Về quan hệ tài sản: Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó, tài sản chung được chia theo nguyên tắc thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên, ưu tiên bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con.

Căn cứ pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình 2014 ngày 19/62014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
  • Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999
  • Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000

TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191