Bất cập về quy định thời hiệu đối với quyền yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án

Bất cập về quy định thời hiệu đối với quyền yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án

29/07/2014

Để đảm bảo quyền bình đẳng của người phải thi hành án với người được thi hành án, bảo đảm cho việc thi hành án được thực hiện đúng pháp luật và có hiệu quả, pháp luật thi hành án dân sự đã quy định cho người phải thi hành án có một số quyền và nghĩa vụ thi hành án giống như quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, điển hình như quyền được gửi đơn hoặc trực tiếp yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án (Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008). Thực tiễn cho thấy, quy định về quyền yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án là một trong những quy định thể hiện tính đúng đắn, khoa học của pháp luật thi hành án dân sự. Tuy vậy, quyền yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án lại bị giới hạn bởi thời hiệu yêu cầu thi hành án. Theo quan điểm của tác giả, đây cũng là một trong những điểm hạn chế, bất cập của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành.

Bằng việc đưa ra quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án, Nhà nước ta đã giới hạn quyền yêu cầu thi hành án của đương sự trong thời hạn nhất định. Thời hiệu yêu cầu thi hành án chỉ đặt ra đối với phần bản án, quyết định thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự. Khoản 1 Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định khá cụ thể, chi tiết về thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với quyền yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án nói riêng và của đương sự nói chung:

“- Trong trường hợp 05 năm, kể từ ngày Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

– Trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong Bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

– Đối với Bản án, quyết định thi hành án theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng thời kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn”.

Nghiên cứu quy định này, ta có thể hiểu rằng trong trường hợp nếu người phải thi hành các khoản không thuộc các khoản cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định chủ động (Điều 36 Luật Thi hành án dân sự) thì khi hết thời hạn đó mà người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án thì người được thi hành án không còn quyền yêu cầu thi hành phần bản án, quyết định chưa yêu cầu thi hành án nữa, còn người phải thi hành án có quyền chứng minh thời hiệu đã hết.

Vấn đề thực tế phát sinh khi người được thi hành án vì nhiều lý do khác nhau đã không làm đơn yêu cầu thi hành án ngay sau khi có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; trong khi đó, người phải thi hành án đã có điều kiện thi hành hơn thế, họ mong muốn nhanh chóng thực hiện xong nghĩa vụ của mình, nên đã làm đơn yêu cầu thi hành án. Hơn nữa việc thi hành án xong được pháp luật quy định là một trong những tình tiết xét giảm án phạt tù hay được xác nhận và đảm bảo thủ tục xuất nhập cảnh, nên người phải thi hành án rất muốn thi hành ngay… Vậy cơ quan thi hành ándân sự có thẩm quyền sẽ nhận đơn hay từ chối nhận đơn?

Vì quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thời hiệu yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án chưa chặt chẽ, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết cách giải quyết về những vấn đề phát sinh trong thực tế, nên trong quá trình tác nghiệp tại các cơ quan thi hành án dân sự cho thấy nhiều cách hiểu khác nhau, nên việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan chức năng chưa thống nhất cao.

Ví dụ: Bản án số 57/HSST ngày 21/9/2005 của Tòa án nhân dân huyện A tuyên Vũ Văn Xoa hình phạt chung thân, buộc Xoa bồi thường cho gia đình nạn nhân do bà Lê Thị Tuyển đại diện, số tiền là 19.630.000đ. Bản án số 46/HSPT ngày 22/11/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh N giữ nguyên hình phạt tù chung thân đối với bị cáo, các quyết định của Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Ngày 8/5/2013, bà Nguyễn Thị Quế là mẹ đẻ của người phải thi hành án được ủy quyền đến cơ quan thi hành án dân sự nộp đơn yêu cầu thi hành án khoản bồi thường 19.630.000đ theo Bản án.

Xét theo quy định của Luật thi hành án dân sự, thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết từ lâu và theo quy định của pháp luật dân sự thì người yêu cầu thi hành án là bà Quế được sự ủy quyền hợp lệ.

Xét về động cơ bà Quế nộp đơn yêu cầu thi hành án thi hành án để Xoa được hưởng thêm tình tiết giảm án theo quy định của pháp luật.

Đối với người được thi hành án, bà Lê Thị Tuyển trình bày: Vì người phải thi hành án đã bị tuyên phạt tù chung thân, bản thân người phải thi hành án không có tài sản, là lý do gia đình bà chưa làm đơn đề nghị, mặt khác do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên bà không biết đến quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án, dẫn đến việc để quá thời hiệu yêu cầu.

Về vấn đề này, tại địa phương có hai quan điểm xử lý như sau:

Thứ nhất, vận dụng Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ- CP để giải thích cho đương sự hiểu rằng đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, nên không nhận đơn yêu cầu thi hành án nữa.

Thứ hai, với chủ trương của Nhà nước ta luôn khuyến khích và tôn trọng các đương sự tự nguyện thi hành án, trong trường hợp này là sự tự nguyện của gia đình người phải thi hành án và có sự ủy quyền của người phải thi hành án. Vì vậy, mặc dù thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết từ lâu, nhưng cũng nên ghi nhận sự tự nguyện này, để chấp nhận đơn yêu cầu thi hành án. Nếu người phải thi hành án là Vũ Văn Xoa có tích cực cải tạo thật tốt, được nhiều lần giảm án, thì thời hạn chấp hành hình phạt tù ít nhất là 20 năm, sau đó mới được ra ngoài xã hội để lao động sản xuất. Bởi thế, không nên xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với trường hợp này.

Theo quan điểm của người viết, nên áp dụng và thống nhất giải quyết theo quan điểm thứ hai, vì cách giải quyết này không chỉ làm lợi cho người được thi hành án, người phải thi hành án, mà còn làm cho bản án được thi hành một cách triệt để.

Chính vì thế, để thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta, việc quy định quyền yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án là cần thiết, hợp lý nhưng không nhất thiết phải quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự của người phải thi hành án. Bởi trong một số trường hợp, như trường hợp đã phân tích ở trên, quy định đó sẽ làm hạn chế quyền yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án. Do vậy, các nhà làm luật nên điều chỉnh quy định về vấn đề này, đồng thời soạn thảo những văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết, giúp cho việc giải quyết của các cơ quan thi hành án dân sự được thống nhất, việc tổ chức thi hành án của chấp hành viên được thuận lợi, dễ dàng, tạo diều kiện cho người dân hoàn thành phần nghĩa vụ thi hành án dân sự nói chung, trong bản án hình sự nói riêng.,.

Lê Thị Ngời

Chi cục thi hành án dân sự huyện An Dương, Hải Phòng

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191