Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp
1. Vài nét về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam
Giám đốc thẩm nói chung, thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm nói riêng là những thủ tục tố tụng quan trọng trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam. Nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm ở mỗi giai đoạn cho thấy có những sửa đổi, bổ sung, phù hợp với nhận thức, mức độ phát triển xã hội và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.
Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1980, thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm được quy định tại Thông tư số 02/TT ngày 13/1/1959 của Bộ Tư pháp như sau: Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền: Đối với những vụ án xử oan thì ra quyết định vừa tiêu án vừa tha ngay cho can phạm; đối với những vụ án tội nặng xử nhẹ thì ra quyết định tiêu án và giao cho Toà án nhân dân cấp tỉnh xử lại để tăng mức án lên cho thoả đáng (ví dụ đáng xử 20 năm nhưng chỉ xử 15 năm); đối với những vụ án tội nhẹ xử nặng thì chỉ xử tiêu án trong trường hợp có sự chênh lệch đáng kể, ít nhất là trên 2 năm.
Đến năm 1980, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới, năm 1981 Luật Tổ chức Toà án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cũng được sửa đổi, bổ sung. Theo các văn bản pháp luật này, Uỷ ban thẩm phán và các Toà chuyên trách của Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền: Bác kháng nghị và giữ nguyênbản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan xét xử cũ; huỷ bỏ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đình chỉ vụ án hoặc chuyển vụ án về điều tra lại hoặc xét xử lại theo trình tự sơ thẩm; huỷ bỏ bản án, quyết định phúc thẩm và mọi quyết định tiếp theo để đưa ra xét xử lại một lần nữa. Riêng Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn có thẩm quyền huỷ bỏ bản án, quyết định giám đốc thẩm của Toà chuyên trách để xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm.
Năm 1988, Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên của nhà nước ta. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm được quy định tại Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 như sau: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự được sửa đổi, bổ sung toàn diện, trong đó có quy định về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm. Theo Điều 285 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
Như vậy, quy định pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm đều có sự thay đổi qua các giai đoạn phát triển của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Thời kỳ đầu, Hội đồng giám đốc thẩm chỉ có thẩm quyền huỷ án và đình chỉ vụ án hoặc huỷ án để xét xử lại; đến giai đoạn 1980 – 1988 có thêm thẩm quyền huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại; giai đoạn 1988 – 2003 có thêm thẩm quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; giai đoạn từ 2003 đến nay, Hội đồng giám đốc thẩm không còn thẩm quyền sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
2. Vấn đề hoàn thiện thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm
Từ khi có Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, vấn đề hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự, trong đó có yêu cầu hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm nói chung và vấn đề hoàn thiện thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm nói riêng được các cơ quan lập pháp, tư pháp và các chuyên gia tố tụng hình sự quan tâm. Hiện nay có nhiều quan điểm về vấn đề này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm không chỉ giới hạn ở việc kiểm tra tính hợp pháp của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới khi “có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử” (khoản 3 Điều 273) hoặc “khi có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự” (khoản 4 Điều 273) mà còn kiểm tra tính có căn cứ của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới khi “việc điều tra, xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ” (khoản 1 Điều 273) hoặc khi “kết luận của bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án” (khoản 2 Điều 273). Điều này có nghĩa, Hội đồng giám đốc thẩm không chỉ xem xét vấn đề áp dụng pháp luật (cả pháp luật về nội dung và pháp luật về tố tụng) mà còn xem xét cả vấn đề đánh giá chứng cứ của vụ án. Thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm thời gian qua cho thấy nếu áp dụng triệt để thẩm quyền giám đốc thẩm trong việc đánh giá lại chứng cứ của vụ án như hiện nay thì sẽ dẫn đến thủ tục giám đốc thẩm được thực hiện không còn nguyên nghĩa là thủ tục đặc biệt nữa mà gần giống với thủ tục của một cấp xét xử, dẫn đến trong thực tế nhiều người coi giám đốc thẩm là cấp xét xử thứ ba. Đó cũng là một phần lý do tại sao thủ tục giám đốc thẩm của nhiều nước trên thế giới chỉ xem xét vấn đề áp dụng pháp luật mà hầu như không xem xét lại các tình tiết thực tế của vụ án. Từ phân tích trên, quan điểm này cho rằng pháp luật tố tụng hình sự nước ta cần sửa đổi theo hướng bỏ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 273, cũng như bỏ thẩm quyền huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 273.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc sửa đổi thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm cần đặt trọng tâm vào việc xem xét lại việc áp dụng pháp luật, còn việc xem xét vấn đề đánh giá chứng cứ chỉ nên đặt ra trong trường hợp đặc biệt, ví dụ trường hợp “kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án”. Do đó, cần bỏ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm và thẩm quyền huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp “việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ” để điều tra lại hoặc xét xử lại quy định tại khoản 1 Điều 273. Việc bỏ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm này sẽ có tác dụng kép: Một mặt góp phần tăng cường tính chất đặc biệt của thủ tục giám đốc thẩm; mặt khác là cơ sở để nâng cao vai trò, trách nhiệm xét xử của Toà án, bảo đảm việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa (1)…
Quan điểm thứ ba lại cho rằng, giám đốc thẩm là một hình thức đặc biệt của hoạt động giám đốc xét xử, là việc giám sát xét xử của Toà án cấp trên đối với hoạt động xét xử của Toà án cấp dưới nên đối tượng của giám đốc thẩm được xác định là bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, chỉ có những sai lầm nghiêm trọng về mặt pháp luật trong hoạt động xét xử của Toà án thể hiện trong bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật mới là căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm; còn những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong giai đoạn điều tra không phải là căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm và không phải là đối tượng xem xét của Toà án cấp giám đốc thẩm. Do đó, cần sửa đổi thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo hướng bỏ thẩm quyền huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại(2).
Chúng tôi cho rằng, việc hoàn thiện thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm thời gian tới phải căn cứ vào những yếu tố sau:
– Phải xuất phát từ quan điểm về cải cách tư pháp được thể hiện trong văn kiện, nghị quyết của Đảng. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định phương hướng hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp là “bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. Về nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật tố tụng Nghị quyết chỉ rõ: “Từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ”. Như vậy, định hướng hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp được xác định rõ là: Quy định chặt chẽ căn cứ kháng nghị, khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan và đảm bảo dân chủ, công khai, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
– Phải căn cứ vào thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sựnăm 2003 về thủ tục giám đốc thẩm. Qua nghiên cứu 259 quyết định giám đốc thẩm của các Toà án: Toà án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau:
+ Hội đồng giám đốc thẩm của các Toà án không chỉ ra ba loại quyết định như quy định tại Điều 285 Bộ luật Tố tụng hình sự mà còn ra những loại quyết định khác, không được quy định trong điều luật. Cụ thể: Huỷ một phần bản án, không đình chỉ, không điều tra, xét xử lại mà để tổng hợp lại hình phạt theo khoản 3 Điều 51 Bộ luật Hình sự; chỉ huỷ quyết định kê biên tài sản. Đặc biệt, một số quyết định giám đốc thẩm lại huỷ án để truy tố, xét xử lại.
+ Những trường hợp huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật để đình chỉ vụ án rất ít khi xảy ra và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong 259 vụ án giám đốc thẩm được khảo sát chỉ có 6 vụ bị huỷ và đình chỉ, trong đó: 2 vụ huỷ và đình chỉ theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự (hành vi không cấu thành tội phạm); 1 vụ bị huỷ và đình chỉ theo khoản 4 Điều 107 (người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án có hiệu lực pháp luật); 1 vụ huỷ do người bị kết án chết; 1 vụ huỷ quyết định về dân sự; 1 vụ huỷ quyết định xử lý vật chứng. Một số vụ kháng nghị yêu cầu huỷ án và đình chỉ vụ án nhưng Hội đồng giám đốc thẩm lại huỷ án để điều tra lại.
+ Số án bị huỷ để điều tra lại chiếm khoảng 1/5 trong tổng số án giám đốc thẩm. Lý do huỷ để điều tra lại phần lớn là: Việc truy tố, xét xử không đúng tội danh dẫn đến đường lối xử lý có sai lầm nghiêm trọng hoặc bỏ lọt người, lọt tội phạm; việc điều tra chưa đầy đủ dẫn đến thiếu căn cứ kết tội; kết luận trong bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án hoặc các chứng cứ mâu thuẫn với nhau dẫn đến sai lầm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự. Điều đáng chú ý là trường hợp truy tố, xét xử sai tội danh, nếu Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh giám đốc thẩm thì huỷ án để truy tố, xét xử lại; còn nếu Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm thì huỷ án để điều tra lại.
+ Đa số án bị huỷ để xét xử lại (chiếm 2/3). Lý do huỷ là do Toà án cấp dưới xử sai tội danh, trong khi Viện kiểm sát truy tố đúng hoặc áp dụng điều khoản của Bộ luật Hình sự không đúng dẫn đến đường lối xử lý có sai lầm nghiêm trọng; xử phạt người phạm tội quá nhẹ hoặc quá nặng; cho hưởng án treo không có căn cứ; sai lầm trong việc áp dụng biện pháp tư pháp hoặc xử lý vật chứng; vi phạm thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử; cấp phúc thẩm vi phạm quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm.
Xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp và thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm ở Việt Nam như nêu trên, chúng tôi có một số ý kiến về việc hoàn thiện thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm như sau:
Thứ nhất, chúng tôi không đồng tình với quan điểm bỏ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm và thẩm quyền huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp “việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ” cũng như quan điểm bỏ thẩm quyền huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại. Bởi lẽ, trong bối cảnh mô hình tố tụng tư pháp ở nước ta chưa được khẳng định, điều kiện, phương tiện thu thập chứng cứ khi có tội phạm xảy ra của cơ quan và người tiến hành tố tụng còn gặp nhiều khó khăn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của không ít điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán còn hạn chế thì những sai lầm trong việc thu thập chứng cứ, điều tra xét hỏi làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án chưa thể khắc phục. Vì vậy, quy định về thẩm quyền của của Hội đồng giám đốc thẩm được huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật khi phát hiện việc điều tra xét hỏi còn phiến diện hoặc không đầy đủ vẫn rất cần thiết, bởi điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Toà án cấp giám đốc thẩm có thể kiểm tra cả tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án đã có hiệu lực pháp luật, qua đó khắc phục sai lầm của Toà án cấp dưới một cách triệt để. Tuy nhiên, thực tiễn giám đốc thẩm của Toà án các cấp nhiều năm qua cho thấy có những bản án đã có hiệu lực pháp luật bị huỷ không phải do việc điều tra xét hỏi tại phiên toà còn phiến diện hoặc chưa đầy đủ mà do việc điều tra xét hỏi trong giai đoạn điều tra không đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bỏ ba chữ “tại phiên tòa”. Nội dung của căn cứ này sẽ là: Việc điều tra xét hỏi phiến diện hoặc không đầy đủ. Tương tự như thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại khi thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm (chứ không phải chỉ có tại phiên toà) không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể tự bổ sung được.
Thứ hai, về thẩm quyền huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án (Điều 286 ), chúng tôi cho rằng quy định này có những điểm chưa hợp lý, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Trong bảy căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 107 thì căn cứ thứ nhất (không có sự việc phạm tội) và căn cứ thứ hai (hành vi không cấu thành tội phạm) có tính chất khác biệt so với các căn cứđược quy định từ khoản 3 đến khoản 7. Những căn cứ quy định từ khoản 3 đến khoản 7 Điều 107là những căn cứ nặng về mặt khách quan, ít phụ thuộc hoặc không phụ thuộc vào sự xem xét, đánh giá của các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Ngược lại, căn cứ được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự là những căn cứ nặng về yếu tố chủ quan, phụ thuộc nhiều vào việc xem xét, đánh giá của cơ quan và người tiến hành tố tụng. Có hành vi Viện kiểm sát cho rằng đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng Toà án lại cho rằng chưa đủ yếu tố. Trong trường hợp này, nếu ở giai đoạn chuẩn bị xét xử thì thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu Viện kiểm sát không điều tra bổ sung, vẫn giữ quan điểm là có tội thì Toà án không được đơn phương ra quyết định đình chỉ vụ án mà phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trên cơ sở xét hỏi và tranh luận công khai tại phiên toà, nếu Hội đồng xét xử thấy không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm thì phải ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội. Trường hợp bị cáo bị Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố là có tội nhưng Toà án cấp phúc thẩm thấy không có tội thì cũng phải ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội. Như vậy, khi một người bị Viện kiểm sát buộc tội, truy tố trước Toà án bằng bản cáo trạng, nếu không có tội thì Toà án phải tuyên bố bị cáo không có tội bằng một bản án; hoặc nếu bản án sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội thì khi không có sự việc phạm tội hay hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm, Toà án cấp phúc thẩm cũng phải ra bản án, huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án (Điều 251). Trong khi đó, Điều 286 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cả trường hợp nếu Hội đồng giám đốc thẩm thấy không có sự việc phạm tộihoặc hành vi của người bị kết án không cấu thành tội phạm (khoản 1, khoản 2 Điều 107) đều chỉ ra quyết định huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án. Việc chỉ ra quyết định huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án, chấm dứt tố tụng đối với vụ án bằng thủ tục đơn giản, mức độ công khai hạn hẹp, không khẳng định sự vô tội của người bị kết án theo chúng tôi là không thoả đáng, không đảm bảo sự công bằng giữa trường hợp huỷ án và đình chỉ vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng làm oan người vô tội với các trường hợp khác, không tạo cơ sở đầy đủ để khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kết án, đồng thời chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Từ sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Điều 286 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng khi có căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 107 thì Hội đồng giám đốc thẩm phải ra quyết định huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật, tuyên bố người bị kết án không phạm tội và đình chỉ vụ án; nếu có một trong những căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 thì huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
Thứ ba, bỏ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm và thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm khi phát hiện “Kết luận của bản án hoặc quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án” quy định tại khoản 2 Điều 273 với những lý do sau:
– Nội dung căn cứ này không rõ ràng, khó áp dụng, có phần “trùng” với căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, và căn cứ kháng nghị quy định tại khoản 4 Điều 273 . Việc Hội đồng xét xử (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án có thể do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Nếu Hội đồng xét xử (thẩm phán, hội thẩm) ra kết luận không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án do nguyên nhân chủ quan thì đó lại là căn cứ kháng nghị tái thẩm “…Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai” quy định tại khoản 2 Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu do nguyên nhân khách quan (như do vụ án phức tạp, nhiều chứng cứ, giữa các chứng cứ lại có mâu thuẫn hoặc việc điều tra bổ sung không làm rõ được gây khó khăn cho việc đánh giá chứng cứ…), Hội đồng xét xử đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn để xảy ra sai sót trong nhận định, kết luận, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng về đường lối xử lý thì đây chính là căn cứ thứ tư của kháng nghị giám đốc thẩm “có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự”.
– Thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm thời gian qua cho thấy, các Toà án cấp giám đốc thẩm chỉ viện dẫn căn cứ này khi đồng thời viện dẫn căn cứ thứ tư “có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự” để huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới. Ví dụ, Bản án sơ thẩm số 03/2007/HSST ngày 17/01/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương và Bản án hình sự phúc thẩm số 359/2007/HSPT ngày 27/4/2007 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đều xét xử Nguyễn Thắng Cần cùng đồng bọn về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 2 Điều 281 Bộ luật Hình sự. Các bản án này đều bị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao huỷ để điều tra, truy tố, xét xử lại với lý do hành vi phạm tội của các bị cáo cấu thành tội tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự chứ không phải tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 09/2008/HS-GĐT của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định: “Tuy Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Nguyễn Thắng Cần và đồng bọn không theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, tức là chưa đúng với hành vi khách quan của các bị cáo nhưng về đường lối xét xử là đúng; do đó, việc xét xử của Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm là không có sai lầm nghiêm trọng” và quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên các bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên. Như vậy, chỉ khi việc kết luận của bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự thì Hội đồng giám đốc thẩm mới huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật; nếu kết luận trong bản án tuy không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án nhưng không dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự thì bản án không bị huỷ.
Ngoài những nội dung trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau:
– Thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm cho thấy có bản án đã có hiệu lực pháp luật mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự dẫn đến quyết định sai về phần dân sự, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các bên tham gia tố tụng. Do phần dân sự này không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm và xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo nên khi giám đốc thẩm, Toà án chỉ phải huỷ quyết định của bản án về phần dân sự, không “đụng” đến các quyết định về hình sự. Tuy nhiên, khi so chiếu với nội dung các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự thì không có căn cứ nào quy định về sai lầm trong việc áp dụng Bộ luật Dân sự. Trong thực tế thì người kháng nghị thường áp dụng khoản 4 Điều 273nhưng việc áp dụng này rõ ràng chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy, để việc quy định thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm được chặt chẽ cần bổ sung cụm từ “Bộ luật Dân sự” vào khoản 4 Điều 273 như sau: “Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự”.
– Từ thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm cũng cho thấy những trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật định sai tội danh dẫn đến sai lầm nghiêm trọng về đường lối xử lý, bị kháng nghị, khi giám đốc thẩm có Hội đồng giám đốc thẩm tuyên huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra, xét xử lại, có Hội đồng lại tuyên huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy tố, xét xử lại. Đến nay, chưa thấy Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao nhận xét cách tuyên nào đúng, cách nào sai. Nghiên cứu nội dung khoản 3 Điều 285 Bộ luật Tố tụng hình sự thấy không có quy định nào cho phép Hội đồng giám đốc thẩm huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy tố, xét xử lại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong trường hợp chứng cứ của vụ án đã đầy đủ, hợp pháp, chỉ do nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới không đúng nên định sai tội danh dẫn đến sai lầm về đường lối xử lý mà phải huỷ án để điều tra lại là không hợp lý, làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài; nhưng nếu chỉ huỷ án để xét xử lại cũng không ổn vì nếu không truy tố lại mà cứ xử lại sẽ vi phạm thủ tục tố tụng và nếu xử lại theo tội danh nặng hơn còn vi phạm cả về giới hạn của việc xét xử. Vì vậy, để quy định về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm phù hợp với thực tiễn, chúng tôi đề nghị bổ sung cụm từ “truy tố lại” vào khoản 3 Điều 285 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau: “Huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại, truy tố lại hoặc xét xử lại”.
ThS. Nguyễn Văn Trượng
(1) Nguyễn Ngọc Khánh (2007), “Cần một cách nhìn mới về thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự”. Tạp chí Kiểm sát, số 20/2007, tr. 23.
(2) Phan Thị Thanh Mai (2006), “Giám đốc thẩm trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam”. Luận án Tiến sĩ, tr. 141, 177.
Tham khảo thêm:
- Các tiêu chí tiếp cận pháp luật tại cơ sở – Những vướng mắc, bất cập và định hướng hoàn thiện
- Kinh nghiệm pháp luật về ban hành quyết định hành chính của Đức, Nhật bản, Hàn quốc
- Bàn về một số điểm mới trong Luật Công chứng năm 2014
- Đăng ký giữ quốc tịch theo luật quốc tịch Việt Nam
- Đo lường chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp
- Một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản
- Dấu vết – Quy luật bất biến trong điều tra hình sự
- Kinh nghiệm triển khai thực hiện cơ chế một cửa tại một số quốc gia, liên hệ thực tiễn với Việt Nam
- Trách nhiệm liên đới trong trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
- Một số vấn đề về thẩm quyền xét xử các tội phạm ở địa bàn thiết quân luật
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.