Lợi ích, khó khăn và một số kiến nghị cho Việt Nam trong quá trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN

Lợi ích, khó khăn và một số kiến nghị cho Việt Nam trong quá trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN

03/03/2016

Việt Nam đang ngày càng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, có hiệu quả với trọng tâm là hội nhập kinh tế. Bên cạnh việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) và gần đây vừa ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á – ÂU (EAEU), đặc biệt đang nỗ lực cho việc hội nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và xây dựng Cộng đồng ASEAN[1].

Trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và đặc biệt hội nhập ASEAN nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tác động nhất định về kinh tế, chính trị cũng như pháp luật. Vì vậy, thay đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia cho phù hợp với tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong Cộng đồng ASEAN là một yêu cầu tất yếu hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để hài hòa hóa pháp luật trong Cộng đồng ASEAN một cách hiệu quả nhất, vừa phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời, hài hòa với pháp luật chung của các quốc gia trong khu vực ASEAN đang là ván đề cấp thiết đặt ra.

1. Hài hòa pháp luật và lợi ích với Việt Nam

Hài hòa hóa pháp luật (legel harmonization) là sự kiện các quốc gia thống nhất các mục tiêu chung cần đạt được; sau đó mỗi quốc gia có quyền tự sửa đổi, ban hành pháp luật mới trong nước của mình để đạt được các mục tiêu chung đó[2].

Hài hòa hóa pháp luật là một trong những khuynh hướng quan trọng nhất trong các khuynh hướng phát triển chung của pháp luật trên thế giới. Bởi lẽ, với quá trình mở rộng hợp tác lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thì pháp luật đóng vai trò quan trọng, là yếu tố đảm bảo tính “liên kết ổn định”, vì vậy nhu cầu pháp luật chung ngày càng chiếm ưu thế trong pháp luật quốc tế.

Hài hòa hóa pháp luật giúp cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn về mặt pháp luật, góp phần vào việc thúc đẩy các quốc gia trong khu vực hợp tác với nhau về phương diện chính trị, kinh tế một cách dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho sự phát triển chung của các quốc gia trong cùng một cộng đồng.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hài hòa hóa pháp luật, trên thế giới có những khu vực không chỉ thành công với chủ trương hài hòa hóa pháp luật từ rất sớm, đưa lại nhiều giá trị thực tiễn cao, mà đỉnh cao nhất các khu vực này còn đạt được trong tiến trình đàm phán là nhất thể hóa pháp luật, góp phần thành công nhất định trong sự phát triển bền vững chung của từng quốc gia trong cộng đồng khu vực đó. Điển hình như Cộng đồng kinh tế chung Bắc Âu, từ đầu thế kỷ 19 đã bắt đầu chú trọng tới quá trình nhất thể hóa pháp luật, ban hành những văn bản chung cho 5 quốc gia trong Cộng đồng kinh tế chung Bắc Âu, sự hợp tác này chính thức vào năm 1872, khi các nhà luật học Bắc Âu tổ chức đại hội với mục đích hỗ trợ cho việc nhất thể hóa pháp luật. Đại hội đã thông qua về sự cấp thiết của việc nhất thể hóa pháp luật hối phiếu và sau đó hàng loạt các văn bản luật chung đã có hiệu lực trong khu vực như Luật về nhãn hiệu hàng hóa, Luật về Công ty thương mại, Luật Hàng hải… Không chỉ Bắc Âu mà Liên minh châu Âu (European Union – EU) còn được coi là một trong những mô hình tiến bộ nhất có thể tham khảo về hài hòa hóa pháp luật, bởi sự tiến bộ của việc hài hòa hóa được xác định dựa trên sự thỏa hiệp về chính sách giữa các nước thành viên hay những quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động hài hòa hóa được thể hiện bằng ngôn ngữ có thể tạo ra sự linh hoạt hay thỏa hiệp…

Thực tế, 2 trường hợp hài hòa hóa pháp luật trong Cộng đồng chung Bắc Âu và EU không chỉ mang lại thành công về hạn chế xung đột pháp luật trong khu vực mà còn giúp các quốc gia trong cộng đồng chung phát triển bền vững về mọi mặt: Cộng đồng kinh tế chung châu Âu, với sự thành công trong quá trình hài hòa hóa pháp luật đã giúp đạt được mục tiêu: i) Thiết lập một liên minh thuế quan với thuế suất nội địa chung; ii) Kiện toàn các chính sách chung về nông nghiệp, hàng hải, thương mại; iii) Mở rộng cộng đồng tới các nước châu Âu còn lại[3]. Còn đối với Cộng đồng chung Bắc Âu, các quốc gia như: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan là các quốc gia đang phát triển tốt nhất thế giới. Các quốc gia này luôn ở phía trên bảng xếp hạng từ cạnh tranh kinh tế, y tế đến chỉ tiêu về hạnh phúc. Mô hình kinh tế tư bản Bắc Âu đã thu hút sự chú ý của thế giới[4]. Để tạo nên sự thành công đó phần lớn nhờ vào sự thành công của quá trình hài hòa hóa pháp luật trong khu vực Cộng đồng chung Bắc Âu. Vì vậy, trong thời gian tới, khi Việt Nam tham gia vào Cộng đồng ASEAN, đồng thời tiến tới xây dựng chính sách hài hòa hóa pháp luật trong khu vực, sẽ đưa đến cho Việt Nam nhiều lợi ích. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chính trị, hài hòa hóa pháp luật góp phần vào việc thúc đẩy hợp tác về mặt chính trị giữa các quốc gia trong cộng đồng một cách gần gũi hơn. Bởi, pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước, khi các công cụ quản lý đó có sự tương đồng về mặt nội dung, sẽ quyết định đến một số tương đồng trong chính sách quản lý Nhà nước của cộng đồng đó, hạn chế được xung đột trong các chiến lược quản lý của các quốc gia. Khi không có sự xung đột giữa các chính sách quản lý của mỗi một quốc gia, góp phần tạo một môi trường hợp tác chính trị bền vững và thống nhất.

Thứ hai, về kinh tế, hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam với các thành viên ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật thương mại, góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường – một trong ba khâu đột phá chiến lược của Việt Nam hiện nay. Công việc hài hòa này làm gia tăng tính dự đoán trước và làm giảm tính không chắc chắn của việc áp dụng pháp luật Việt Nam. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí giao dịch, kinh doanh và rủi ro pháp lý ở Việt Nam. Qúa trình này giúp quan hệ kinh tế cũng như quan hệ văn hóa – xã hội và an ninh quốc phòng của Việt Nam ngày càng gắn kết với các thành viên khác trong khu vực ASEAN[5].

Thứ ba,về pháp luật quốc gia: (i) Hài hòa hóa pháp luật giúp cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn về pháp luật; (ii) giải quyết được tình trạng xung đột pháp luật giữa các quốc gia; (iii) giúp cho các quốc gia tiếp thu, học hỏi lẫn nhau trong quá trình lập pháp để hoàn thiện hơn pháp luật của quốc gia mình. Đặc biệt, Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, pháp luật cũng đang ngày một hoàn thiện để phù hợp với bối cảnh kinh tế, chính trị đang thay đổi hiện nay, nên việc tham gia vào Cộng đồng chung ASEAN và tham gia vào tiến trình hài hóa hóa pháp luật giữa các quốc gia trong khu vực sẽ giúp Việt Nam có một cái nhìn tổng thể giữa bức tranh pháp luật các quốc gia trong khu vực, giúp cho việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị pháp lý của những quốc gia có hệ thống pháp luật tiến bộ, tiến tới hoàn thiện hơn pháp luật của quốc gia.

2. Khó khăn đối với Việt Nam trong quá trình hài hòa hóa pháp luật và một số nguyên nhân

Mặc dù, có những thuận lợi cơ bản nêu trên, quá trình hài hòa hóa pháp luật trong ASEANcủa Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

2.1. Nguyên nhân khách quan

Một là, mặc dù các quốc gia ASEAN đang quyết tâm xây dựng một cộng đồng kinh tế chung, đồng thời cũng tiến tới hài hòa hóa pháp luật với chủ trương xây dựng một hệ thống pháp luật chung, thống nhất giữa các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra đối với Cộng đồng ASEAN hiện nay là pháp luật của các quốc gia trong khu vực, từ Hiến Pháp đến văn bản luật đều khác nhau giữa các hệ thống pháp luật. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với Việt Nam nói riêng và đối với Cộng đồng ASEAN nói chung trong vấn đề xây dựng một luật chung thống nhất. Ví dụ, nghiên cứu về quy định tính hiệu lực trong Hiến pháp của các quốc gia ASEAN cho thấy hoàn toàn không có sự thống nhất giữa các quốc gia trong việc quy định tính hiệu lực của Hiến pháp. Ở góc độ chung, dựa trên sự đáp ứng các tiêu chí đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp (Hiến pháp là đạo luật pháp lý cao nhất; quy định mọi cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức đều phải tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp; quy định bất kỳ văn bản pháp luật nào trái với Hiến pháp đều phải bị bãi bỏ hoặc không có hiệu lực thi hành) có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm 1, các bản Hiến pháp trực tiếp quy định tính hiệu lực tối cao của Hiến pháp (bao gồm Hiến pháp Liên Bang Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Singapore); nhóm 2, các bản Hiến pháp gián tiếp quy định tính hiệu lực tối cao của Hiến pháp (bao gồm Hiến pháp các quốc gia như Cộng Hòa Indonesia và Cộng hòa Philippines); nhóm 3, các bản Hiến pháp ghi nhận không rõ ràng về tính hiệu lực của Hiến pháp (bao gồm Hiến pháp các quốc gia: Vương quốc Brunei; Cộng hòa liên bang Myanmar, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Hiến pháp Vương quốc Campuchia)[6].

Hai là, mặc dù nội bộ ASEAN đã có các cơ chế giải quyết tranh chấp nhưng chưa được áp dụng trên thực tế một cách hiệu quả. Theo quy định tại Hiến chương ASEAN năm 2007, các tổ chức và cơ chế của ASEAN gồm Hội đồng thượng đỉnh ASEAN; Hội đồng điều phối ASEAN (ACC); Hội đồng về cộng đồng ASEAN; các cuộc họp cấp Bộ trưởng ASEAN; Uỷ ban đại diện thường trực của ASEAN; Tổng thư ký và Ban thư ký của ASEAN. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp chủ yếu thông qua đối thoại, đàm phán và tham vấn, bên cạnh đó biện pháp hòa giải hoặc trung gian là cơ chế thường được lựa chọn áp dụng. Thực tế, các tổ chức của ASEAN trong vấn đề giải quyết tranh chấp chưa phát huy hiệu qủa vai trò của mình.

Nhìn chung, việc áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN trong thực tế để giải quyết các tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia thành viên ngày càng khiêm tốn. Ngoài lý do xuất phát từ truyền thống văn hóa pháp luật Đông Nam Á như đã nói ở trên, thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ bất cập của chính cơ chế giải quyết tranh chấp. Ví dụ như quy trình giải quyết tranh chấp thương mại theo Nghị định thư Viêng Chăn năm 2004 bị đánh giá là chưa đảm bảo tính minh bạch, thời gian quá dài…; ngoài ra, pháp luật về giải quyết tranh chấp của ASEAN luôn tôn trọng tự do thỏa thuận. Vì vậy, việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN không phải là nghĩa vụ và là lựa chọn duy nhất của các quốc gia thành viên[7].

Ba là, Cộng đồng ASEAN chưa có một hệ thống các thiết chế xây dựng các quy định pháp lý cho cộng đồng như Liên minh châu Âu (gồm: Nghị viện EU, Hội đồng EU và Ủy ban EU). Hiện nay, trong 209 công cụ pháp lý ASEAN, có 147 công cụ có hiệu lực, 21 công cụ chưa có hiệu lực, 39 công cụ bị bãi bỏ hoặc hết hiệu lực pháp luật. Trong đó, mỗi hội đồng của Cộng đồng ASEAN và các cơ quan cấp bộ trưởng, các cơ quan giúp việc đang hoàn thiện cơ chế pháp lý theo lĩnh vực mà họ phụ trách[8].

2.2. Nguyên nhân chủ quan

Một là,hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành còn nhiều hạn chế: Thiếu cụ thể, rõ ràng; trùng lặp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau; nhiều văn bản thiếu tính khả thi; tính ổn định của hệ thống quy phạm còn yếu. Một thời gian dài công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng, do đó, thực tế có tình trạng khó phân biệt văn bản nào còn hiệu lực, văn bản nào hết hiệu lực. Hệ thống pháp luật như vậy gây khó khăn trong việc hài hòa hóa pháp luật với các quốc gia khác trong khu vực. Đặc biệt, trong chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020 đặt ra yêu cầu “xác định rõ quy trình, cơ chế “nội luật hóa” các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, tuy nhiên Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, cũng như dự thảo mới nhất hiện nay của Luật sửa đổi vẫn tồn tại 2 thực trạng: (i) Một số quy định về trình tự, danh nghĩa ký kết điều ước quốc tế chưa phù hợp với Hiến pháp Việt Nam năm 2013; (ii) Vị trí của điều ước quốc tế chưa được thể hiện rõ trong thứ tự các nguồn của hệ thống pháp luật Việt Nam[9].

Hai là, địa vị pháp lý của Việt Nam trên trường quốc tế chưa cao, nên trong quá trình hài hòa hóa pháp luật, chúng ta khó có thể bảo vệ được quan điểm của mình trong việc đưa ra các quan điểm thống nhất các mục tiêu chung cần đạt được với các quốc gia trong khu vực để hoàn thiện pháp luật phù hợp với những mục tiêu chung nói riêng và đạt kết quả cao trong quá trình hài hòa hóa pháp luật trong Cộng đồng ASEAN nói chung. Quan trọng hơn, năng lực cán bộ, chuyên gia nghiên cứu, xây dựng pháp luật còn thiếu và yếu, chưa có đủ điều kiện nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các luật mẫu, các chuẩn mực pháp lý chung có liên quan. Điều này dẫn đến thực tế là việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế liên quan trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh đa phần mang tính hình thức[10].

Ba là, một trong những khó khăn nhất là vấn đề ý thức chấp hành pháp luật của người dân, của các cơ quan, tổ chức. Có thể nói, phần lớn người dân Việt Nam thường cho rằng “pháp luật” là những mệnh lệnh mà người ta cần phải tuân thủ, là hình phạt, là trừng trị… Một số người lại quan niệm rằng, pháp luật chỉ là để giải quyết các tranh chấp. Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân họ phải rơi vào tình thế sự việc miễn cưỡng, lợi ích bị xâm hại… dính líu tới pháp luật (kiện cáo, tranh chấp, bị phạt, bị cưỡng chế…)[11]. Với ý thức chấp hành pháp luật như vậy, khó có thể triển khai thực hiện luật chung của khu vực trên thực tế đối với Việt Nam, điều này sẽ là mối lo ngại lớn khi Việt Nam hài hòa với pháp luật các quốc gia trong khu vực.

3. Một số kiến nghị

3.1. Kiến nghị đối với các quốc gia ASEAN

Thứ nhất, các quốc gia trong khu vực cần hoàn thiện pháp luật quốc gia mình theo hướng tương đồng và phù hợp với pháp luật lẫn nhau trong cộng đồng ASEAN, quan trọng nhất là hài hòa về các quy định trong Hiến pháp, vì trong nền dân chủ hiện đại thì Hiến pháp giữ vị trí tối thượng về giá trị pháp lý trong hệ thống pháp luật quốc gia. Hiến pháp phù hợp sẽ giúp các quốc gia dễ dàng sửa đổi luật thực định theo hướng hài hòa pháp luật lẫn nhau.

Thứ hai, cần phát huy hiệu quả, vai trò của các tổ chức ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp, đặc biệt là tăng cường hơn nữa vai trò của Ban Thư ký ASEAN. Quan trọng nhất, trong thời gian tới cần thành lập nhóm cấp cao ASEAN để hoạt động sát sao hơn trong Cộng đồng ASEAN. Cần trao chức năng chính của nhóm này chủ yếu về chính trị và yếu tố pháp luật. Nhóm này phải có cuộc họp hàng tháng để trao đổi về vấn đề hợp tác sau năm 2015 của Cộng đồng ASEAN. Bởi yếu tố chính trị giúp các quốc gia trong khu vực hợp tác một cách hòa bình, ổn định. Yếu tố pháp luật là công cụ pháp lý mang đến yếu tố công bằng trong quyền, lợi ích giữa các quốc gia trong cùng một cộng đồng. Duy trì được 2 yếu tố này sẽ giúp chúng ta xây dựng được một cồng đồng chung ASEAN hợp tác, vững mạnh về mọi mặt.

3.2. Kiến nghị đối với Việt Nam

Có thể khẳng định, hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng chung ASEAN không chỉ tạo cơ hội thuận lợi cho các quốc gia trong khu vực xích lại gần nhau hơn về kinh tế, chính trị và pháp luật, mà còn giúp cho các quốc gia thành viên trong cộng đồng chung thể hiện được tiếng nói của mình trước cộng đồng chung để tiến tới xây dựng một đất nước phát triển. Do đó, trong quá trình tiến tới hài hòa hóa pháp luật ASEAN, Việt Nam cần phải tích cực, chủ động hơn trong quá trình này. Cụ thể:

Thứ nhất, muốn quá trình hài hòa hóa pháp luật khu vực ASEAN diễn ra với nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả cao, thời gian tới phải đảm bảo các yếu tố đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch theo đúng tinh thần của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đặc biệt, cần chủ động hoàn thiện pháp luật quốc gia theo tinh thần của pháp luật chung trong cộng đồng. Điều quan trọng nhất, cần chú trọng sửa đổi quy định vị trí của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế trong vị trí nguồn của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao năng lực cán bộ, chuyên gia pháp lý am hiểu pháp luật quốc tế. Các cán bộ, chuyên gia pháp lý cần được tạo điều kiện để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong khu vực một cách hiệu quả.

Thứ ba, phải cố gắng khẳng định được vị trí của Việt Nam về mặt kinh tế, chính trị, xã hội trên trường quốc tế và trong khu vực ASEAN để tạo dựng tiếng nói về pháp luật Việt Nam trong tiến trình đàm phán, xây dựng một luật chung thống nhất trong cộng đồng ASEAN.

Thứ tư,phải chú trọng đến tuyên truyền ý thức của người dân, của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… trong việc tôn trọng và thực hiện luật chung thống nhất khi quá trình hài hòa hóa pháp luật thành công. Bởi hài hòa hóa pháp luật trên thực tế mới là thước đo đánh giá sự thành công của quá trình hài hòa hóa pháp luật trong khu vực.

ThS. Trần Thị Diệu Hương

Khoa Luật Quốc tế, ĐH Luật Huế



[1] Cộng đồng ASEAN sẽ được chính thức hình thành vào cuối năm 2015. Sự kiện này đặt ra cho các nước thành viên cộng đồng nhiều vấn đề, cả các vấn đề chính trị, kinh tế và pháp lý, trong đó có vấn đề hài hòa hóa pháp luật các nước ASEAN.

[2] Xem thêm: Nguyễn Thanh Tú (2015), Thuận lợi, khó khăn và lợi ích đối với Việt Nam trong tiến trình hài hòa pháp luật của khu vực Asean, Kỷ Yếu Hội thảo quốc tế Hài hòa pháp luật trong xây dựng cộng đồng Asean những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và kinh nghiệm từ EU, tr.1.

[3]Xem thêm tại: vi.wikipedia.org/wiki/cộng-đồng-kinh-tế-châu-Âu.

[4] Xem thêm tại: www.nhipcauwto.com/Bắc-Âu-mô-hình-kinh-tế-xã-hội-kiểu-mẫu.

[5] Xem thêm: Nguyễn Thanh Tú, (2015), Thuận lợi, khó khăn và lợi ích đối với Việt Nam trong tiến trình hài hòa pháp luật của khu vực Asean, Kỷ Yếu Hội thảo quốc tế Hài hòa pháp luật trong xây dựng cộng đồng Asean những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và kinh nghiệm từ EU, tr.5.

[6] Xem thêm tại: Trần Thị Diệu Hương (2015), Bàn về Quy định tính hiệu lực của Hiến Pháp Việt Nam trong góc nhìn đối chiếu với Hiến Pháp một số quốc gia Đông Nam Á, Tạp chí Nghề luật, số 6/2015, tr.71

[7] Xem thêm tại: Đỗ Mạnh Hồng, Chương VI (2014), Giáo trình Pháp luật cộng đồng ASEAN, Nxb. Công an nhân dân, tr. 382 và tr. 383.

[8] Xem thêm: Bài viết Cộng đồng theo nguyên tắc pháp quyền (2015), Kỷ yếu Hội thảo quốc tế hài hòa hóa pháp luật trong xây dựng cộng đồng ASEAN những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và kinh nghiệm từ EU, tr.4 và tr.5.

[9] Xem thêm: Điều 6, LuậtKý kết, Gia nhập và Thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.

[10] Xem thêm: Nguyễn Thanh Tú (2015), Thuận lợi, khó khăn và lợi ích với Việt Nam trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật của khu vực ASEAN, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế hài hòa pháp luật trong cộng đồng ASEAN những vấn đề đặt ra với Việt Nam và kinh nghiệm từ EU.

[11]Xem thêm: Nguyễn Tất Viễn (2014), Một số biện pháp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật, số chuyên đề 60 năm Ngành Tư pháp.

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191