Nâng cao vai trò của Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử

Nâng cao vai trò của Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử

03/06/2013

Cách mạng Tháng Tám thành công đã ghi thêm một trang sử vẻ vang, chói lọi của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Để giữ được thành quả cách mạng non trẻ lúc bấy giờ, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng tổ chức, xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng, để duy trì ổn định trật tự xã hội, thực thi quyền lực nhà nước, trong đó có Tòa án. Ngày 13/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 33C thiết lập các Toà án Quân sự, đánh dấu sự ra đời của Ngành Toà án Việt Nam. Cùng với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, cho đến nay, Ngành Tòa án được tổ chức, thành lập và hoạt động theo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Sau 25 năm đổi mới, tình hình kinh tế, đời sống của nhân dân ngày càng phát triển về mọi mặt, chính trị trong nước được ổn định. Đạt được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân ta. Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, chính trị, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và tranh chấp giữa các cá nhân, tổ chức diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp. Các loại tội phạm xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như: Xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu tài sản công dân; xâm phạm trật tự an toàn xã hội trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, bảo vệ môi trường, ma túy, tham nhũng… các chiêu thức và thủ đoạn diễn ra rất tinh vi. Các loại tội phạm hình sự không còn diễn ra ở một địa phương, một vùng, mà còn mang tính xuyên quốc gia, vì vậy hệ thống pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ dân sự, hình sự, hành chính, thương mại… được Quốc hội hết sức quan tâm, ban hành và sửa đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. Tuy nhiên, các quan hệ xã hội diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều chế định pháp luật không đi trước đón đầu được, đây là những vướng mắc cho quá trình quản lý và duy trì trật tự xã hội hiện nay.

Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Ngành Tư pháp nước ta đã từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Lịch sử phát triển của nền tư pháp nước ta từ năm 1945 đến nay cho thấy, hội thẩm giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động xét xử của Toà án. Đội ngũ hội thẩm qua nhiều thế hệ đã cùng với các thẩm phán luôn luôn song hành với nhau để thực hiện nhiệm vụ cao cả, bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Sự hiện diện của hội thẩm nhân dân trong xét xử và kết quả hoạt động của hội thẩm lại càng thêm khẳng định rằng, nhân dân luôn phải có tiếng nói của mình trong hoạt động tư pháp, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Quá trình tổng kết hoạt động xét xử hàng năm, hầu hết các bản án, các quyết định của Tòa án được ban hành đúng pháp luật, hoàn toàn khách quan, dân chủ, đạt tình đạt lý, bản án tuyên có tính thuyết phục cao. Những thành tựu trong quá trình xét xử của cơ quan tòa án với sự tham gia tích cực và có hiệu quả của hội thẩm đã tôn vinh thêm vị trí, vai trò và uy tín của Toà án tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ở nhiều bình diện khác nhau, để giải quyết một vụ án không phải chỉ riêng cơ quan tòa án tham gia mà đó là cả một quá trình tiến hành tố tụng của rất nhiều cơ quan, từ điều tra đến truy tố, xét xử. Tòa án nhân dân chỉ là một mắt xích của quá trình tố tụng nhưng lại là một mắt xích vô cùng quan trọng. Vì theo quy định của Hiến pháp, thì chỉ Tòa án mới có chức năng xét xử, tuyên án một người có tội, hay không có tội. Trong phạm vi chức năng của mình, Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Bằng hoạt động của mình, Toà án nhân dân góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, kỷ luật lao động, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, phòng ngừa và chống các tội phạm và các việc làm vi phạm pháp luật, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Để quá trình xét xử vụ án được công bằng, đúng người, đúng tội, nhân dân được thể hiện ý kiến của mình trong quá trình xét xử, thì một trong những nguyên tắc là phiên tòa cấp sơ thẩm đều phải có sự tham gia của hội thẩm nhân dân. Tại các phiên tòa sơ thẩm, số lượng hội thẩm nhân dân đều nhiều hơn số lượng thẩm phán, khi quyết định bản án đều bỏ phiếu và quyết định theo đa số, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán trong quá trình xét xử. Qua đó, chúng ta thấy được vai trò của hội thẩm nhân dân khi xét hỏi tại phiên tòa, cũng như quá trình nghị án là hết sức quan trọng. Vấn đề này đã được quy định rất chặt chẽ trong Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Qua quá trình đánh giá chất lượng xét xử của hội thẩm nhân dân hiện nay, bên cạnh những ưu điểm còn có một số vướng mắc nhất định như hội thẩm nhân dân tham gia xét xử nhưng chưa phát huy hết vai trò của mình, dẫn đến trách nhiệm của thẩm phán càng nặng nề nếu thiếu sự chia sẻ của hội thẩm. Từ đó chất lượng hoạt động xét xử của hội thẩm còn hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, hội thẩm nhân dân hiện nay còn mang tính kiêm nhiệm nhiều. Quá trình cơ cấu hội thẩm theo từng lĩnh vực (như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, tài chính, hưu trí…) với mục đích khi có các vụ án mà đương sự, bị cáo tại phiên tòa có liên quan đến các lĩnh vực nào, thì sẽ được mời đến tham gia nghiên cứu hồ sơ để xét xử. Theo lý luận, thì hội thẩm nhân dân là người đem hơi thở của nhân dân vào trong quá trình phán quyết các bản án, khi các vụ án có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của mình thì trong nhiều trường hợp, hội thẩm sẽ am hiểu về lĩnh vực đó hơn thẩm phán. Tuy nhiên, hội thẩm mặc dù có trình độ chuyên môn riêng nhưng còn hạn chế rất nhiều về trình độ pháp lý, đây là vấn đề bất cập trong thực tiễn hiện nay.

Thứ hai, nhiều trường hợp hội thẩm nhân dân được thẩm phán gửi lịch xét xử trước cả tháng nhưng đến ngày xét xử lại bận công việc đột xuất không tham gia phiên tòa, khi đó thư ký rất bị động trong việc sắp xếp hội thẩm khác thay thế để mở phiên tòa đúng thời gian. Bởi vì, các hội thẩm nhân dân hiện nay chủ yếu làm việc theo cơ cấu, cho nên việc tuân thủ lịch xét xử, cũng như công tác nghiên cứu hồ sơ các hội thẩm thường xem nhẹ. Tại phiên tòa, chủ tọa hỏi là chính, các hội thẩm tham gia phiên tòa rất ít hỏi, nếu có hỏi thì không đúng trọng tâm.

Thứ ba, trách nhiệm của hội thẩm nhân dân được Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân quy định rất rõ, nhưng thực tiễn trong quá trình xét xử, nếu oan sai, án bị sửa, thì chỉ có thẩm phán chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chánh án, chính vì sự lỏng lẻo giữa cơ quan tòa án và hội thẩm nhân dân dẫn đến các hội thẩm chưa phát huy hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Thứ tư, vì hội thẩm hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, thu nhập của hội thẩm chủ yếu là từ lương ở cơ quan, nên ý thức trách nhiệm trong quá trình xét xử không áp dụng theo việc thi hành công vụ như ở cơ quan được; tổng kết cuối năm ở cơ quan không xem hoạt động của cán bộ, công chức kiêm nhiệm là hội thẩm làm tiêu chí đánh giá năng lực công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì thế, không phát huy được tinh thần trách nhiệm của hội thẩm trong công việc xét xử.

Từ những vấn đề trên, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nâng cao vai trò của hội thẩm nhân dân, thì mỗi hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử cần hiểu được chỉ có Tòa án là chủ thể có quyền nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết đối với bản án. Sự phán quyết ấy có ý chí của hội thẩm và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức, ảnh hưởng đến uy tính của quốc gia trên trường quốc tế.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, phát huy quyền tự do dân chủ sâu rộng cho nhân dân, thì công tác áp dụng pháp luật phải càng được coi trọng. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của chế định hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử. Đồng thời, quá trình xây dựng pháp luật về hội thẩm cần có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của hội thẩm khi tham gia phiên tòa; từng bước nâng cao chất lượng hội thẩm từ lúc tuyển chọn, cho đến khi xét xử.

Để nâng cao trách nhiệm của hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử tại phiên tòa, cần giải quyết một số vấn đề sau:

– Hội thẩm nhân dân cần hiểu rằng, trong quá trình xét xử, hội thẩm và thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Để giải quyết được tốt vấn đề này, thì Ngành Tòa án hàng năm cần phải có kế hoạch quan tâm đầu tư kinh phí để bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp lý cho đội ngũ hội thẩm. Vì khi hội thẩm nhân dân có sự am hiểu pháp lý như thẩm phán, thì chắc chắn rằng, trong quá trình giải quyết vụ án, hội thẩm sẽ không lúng túng, khi phán quyết bản án sẽ khách quan, khoa học. Có như vậy, mới giải quyết tốt vấn đề pháp luật đặt ra là thẩm phán và hội thẩm nhân dân ngang quyền nhau trong quá trình giải quyết vụ án.

– Cần quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn lựa chọn hội thẩm nhân dân, vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xét xử; quy định rõ về cách thức lựa chọn, cách thức thành lập đoàn hội thẩm, quy định trách một cách rõ ràng quyền và nghĩa vụ pháp lý cho hội thẩm; sáu tháng hoặc một năm, Tòa án nhân dân cần có hội nghị tổng kết tình hình xét xử của hội thẩm. Thông qua các cuộc hội nghị để đánh giá chất lượng hoạt động của hội thẩm, Đoàn hội thẩm, từ đó Ngành Tòa án cần có hướng giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của hội thẩm nhân dân. Chánh án Tòa án nhân dân địa phương cần có mối liên hệ với cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức tham gia hội thẩm ở Tòa án mình. Để qua đó, có thông tin về ý thức, trách nhiệm hoạt động của hội thẩm tại Tòa án mình với cơ quan, tổ chức. Cần có quy định thêm về tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức là hội thẩm nhân dân trong nhiệm kỳ của mình hoạt động đúng pháp luật có thể được tăng lương trước thời hạn.

– Pháp luật cần quy định trước thời gian khai mạc phiên tòa yêu cầu hội thẩm nhân dân phải có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án ít nhất một tuần mới được tham gia xét xử vụ án. Để tránh những trường hợp hội thẩm không đọc hồ sơ vụ án cũng tham gia xét xử, đồng thời tránh được trường hợp “chữa cháy” hội thẩm, chủ tọa phải phải thay thế bằng hội thẩm khác, trong khi đó, quyết định vụ án đem ra xét xử không có tên hội thẩm tham gia theo quyết định và chủ tọa phiên tòa lại phải giải thích cho các đương sự về bổ sung hội thẩm mới. Làm như vậy rất lúng túng cho hội thẩm nếu các đương sự không đồng ý các hội thẩm được bổ sung không theo quyết định mà đương sự đã nhận được.

– Kinh phí cho hội thẩm tham gia xét xử rất ít, chỉ có 50.000đ/ngày xét xử cũng như đọc hồ sơ vụ án, dẫn đến các hội thẩm thường không yên tâm, tập trung cho công việc xét xử. Cho nên, tư tưởng các hội thẩm được thẩm phán mời tham gia phiên tòa thông qua thư ký thường từ chối khéo là bận đi công tác, hoặc bận giải quyết công việc cơ quan.

– Trong quá trình cải cách tư pháp, cần nghiên cứu thêm quy định hội thẩm của một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong điều kiện Nhà nước ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì một trong những vấn đề nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án đang được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Do vậy, các chức danh trong hội đồng xét xử như thẩm phán và hội thẩm nhân dân trong các phiên tòa càng phải thể hiện hết sức vai trò và trách nhiệm của mình. Vì hoạt động của các chức danh này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử. Những tiêu chuẩn bắt buộc đối với hội thẩm là hội tụ điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, tư cách đạo đức, lối sống, ngoài ra, các hội thẩm cần phải có nhiệt huyết với công việc, có như vậy mới hoàn thành được trách nhiệm xét xử của mình

ThS. Lê Văn Quyến

Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191