Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật

Bình đẳng giới là việc nam nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước, tự nó là mục tiêu của sự phát triển và là yếu tố hỗ trợ, nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của quốc gia.

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, từ sau khi luật có hiệu lực cùng với việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề bình đẳng giới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Theo đó, các chỉ tiêu về giới liên quan đến vấn đề việc làm, xoá đói giảm nghèo, tham gia lĩnh vực chính trị, đảm bảo về chăm sóc sức khỏe…cho phụ nữ đều được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phụ nữ chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay; tỷ lệ cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo còn thấp, nhất là ở cấp cơ sở, vùng dân tộc thiểu số.

Trước thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 01/12/2009 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11/TW của Bộ Chính trị nhằm xác định nhiệm vụ chủ yếu, hướng mục tiêu là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước ở trung ương và địa phương đối với công tác phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới nhằm phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để Việt Nam là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực.

Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Một trong các mục tiêu được đề cập trong Chiến lược đó là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Mục tiêu này góp phần chuyển hóa các quy định của Luật bình đẳng giới vào trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật, với  04 chỉ tiêu cụ thể đó là:

– Chỉ tiêu 1: Đến năm 2015 có 80% và đến năm 2020 có 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

– Chỉ tiêu 2: Đến năm 2015 và duy trì đến năm 2020 có 100% thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới.

– Chỉ tiêu 3: Đến năm 2015 và duy trì đến năm 2020 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

– Chỉ tiêu 4: Đến năm 2015 và duy trì đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần.

Cùng với việc đề ra mục tiêu, nội dung của Chiến lược cũng đã đề cập đến các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, cụ thể như sau:

– Bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt ở thôn, xóm, bản, làng, cụm dân cư. Xây dựng mạng lưới chuyên gia về giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

– Bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hoạch định chính sách và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Tổ chức các đợt tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới cho thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.

Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, và để thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tư pháp được giao tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, ngày 26/10/2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2015. Kế hoạch hành động này đã nhấn mạnh mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới với 03 chỉ tiêu đến năm 2015 đó là:

– Chỉ tiêu 1: 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, Ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo hoặc thẩm định được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

– Chỉ tiêu 2: 100% thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, Ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được cung cấp tài liệu hoặc tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới.

– Chỉ tiêu 3:100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần.

Với mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, để có thể thực hiện được mục tiêu này thì trong Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2015 cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể, rõ ràng như sau:

– Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong hoạt động rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, từ đó sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất phương hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Công ước về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Luật Bình đẳng giới.

– Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ công cụ đánh giá lồng ghép giới trong văn bản quy phạm pháp luật.

– Bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật.

– Tổ chức các đợt tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới cho thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.

– Bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; huy động sự tham gia của cán bộ làm công tác bình đẳng giới của ngành, của cơ quan, đơn vị trong ngành vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

– Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới cho các thành viên của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa được tập huấn.

Triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới và các kế hoạch hành động về bình đẳng giới của Ngành Tư pháp nêu trên, các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp đã tập trung vào việc xây dựng các mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện nhóm chỉ tiêu quốc gia và chỉ tiêu đối với cán bộ, công chức nữ ngành Tư pháp. Các đơn vị đã bám sát kế hoạch của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngành Tư pháp, tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về: tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tại đơn vị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới; bảo đảm bình đẳng giới trong thực hiện các chế độ, chính sách…Trong công tác chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị luôn tích cực, chủ động lồng ghép nội dung vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong các kế hoạch công tác của mình.

Trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật, Luật Bình đẳng giới đã quy định bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật là một trong sáu nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới.Nguyên tắc này cũng đã được cụ thể hóa ở một số văn bản khác nhau như: Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/06/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cũng có quy định về trách nhiệm của Ủy ban về các vấn đề xã hội trong việc thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết (Điều 47). Nhận thức được tầm quan trọng, và sự đặc thù của nguyên tắc bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã giao Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp thực hiện nghiên cứu khảo sát về thực trạng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để từ đó đưa ra các đề xuất hoàn thiện nguyên tắc, quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật ban hành văn bản pháp luật.

Ngày 08/9/2014, Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Nguyên tắc, quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, để báo cáo và thảo luận về kết quả nghiên cứu, khảo sát, qua đó, nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật cần nghiên cứu bổ sung một số quy định còn thiếu về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Bình đẳng giới.

Tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo và để bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật,cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật đã cụ thể hóa nguyên tắc này thông qua các quy định của luật đồng thời mở rộng phạm vi các văn bản pháp luật có lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

So với hai luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ngoài dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết đã được đề cập có lồng ghép vấn đề bình đẳng giới (điều 47 Luật năm 2008), dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi các văn bản pháp luật cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đến Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật giao và để quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ có chứa đựng các chính sách bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về nội dung, quy trình, thủ tục, hồ sơ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật,bắt đầu từ giai đoạn đề nghị xây dựng văn bản pháp luật (gắn với xác định vấn đề, xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách, góp ý hoặc phê duyệt chính sách của Chính phủ), đến soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua dự án, dự thảo văn bản pháp luật.

Dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật đã dành 13 Điều quy định trực tiếp và một số điều quy định gián tiếp về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Cụ thể như sau:

“ Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, ban hành và thi hành văn bản pháp luật

1. Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật

d) Công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;

Điều 25. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức

2. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước;

b) Kết quả tổng kết thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến các chính sách của dự án luật, pháp lệnh;

c) Yêu cầu quản lý nhà nước, giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội; bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;

d) Cam kết trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc đã có kế hoạch gia nhập.

Điều 26. Kiến nghị, đề nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội

1. Đại biểu Quốc hội có quyền căn cứ vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; yêu cầu thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cam kết trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc đã có kế hoạch gia nhập, kiến nghị về luật, pháp lệnh.

Điều 28. Lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

1. Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm

b) Lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về các chính sách và giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Trong trường hợp cần thiết thì tổ chức họp báo thông tin về những chính sách cơ bản trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

Điều 29. Hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

2. Báo cáo đánh giá tác động của từng chính sách trong dự án luật, pháp lệnh, trong đó phải nêu rõ:

đ) Các tác động của chính sách đối với vấn đề về giới.

Điều 48. Thẩm định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình

2. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm:

d) Báo cáo về vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết  nếu trong dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

Điều 49. Hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Chính phủ

5. Báo cáo về vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo, nếu trong dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

Điều 55. Nội dung thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

7. Vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản nếu dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

Điều 59. Trách nhiệm của Ủy ban về các vấn đề xã hội trong việc thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

1. Uỷ ban về các vấn đề xã hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra khi dự án đó có nội dung liên quan đến bình đẳng giới.

2. Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban hoặc phiên họp toàn thể Ủy ban để chuẩn bị ý kiến tham gia thẩm tra và cử đại diện Ủy ban tham dự phiên họp thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra.

3. Nội dung thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới bao gồm:

a) Xác định vấn đề giới trong dự án, dự thảo;

b) Việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự án, dự thảo;

c) Việc tuân thủ thủ tục và trình tự đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo;

d) Tính khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo để bảo đảm bình đẳng giới.

4. Khi gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 54 của Luật này, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải đồng thời gửi hồ sơ đến Uỷ ban về các vấn đề xã hội.

Điều 74. Thẩm định dự thảo văn bản quy định chi tiết

2. Hồ sơ thẩm định dự thảo văn bản quy định chi tiết bao gồm:

d) Báo cáo vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

Điều 75. Hồ sơ dự thảo văn bản quy định chi tiết trình ban hành

5. Báo cáo vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

Điều 82. Thẩm định đề nghị xây dựng nghị định

3. Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Chính phủ có trách nhiệm thẩm định đề nghị xây dựng nghị định trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ. Việc thẩm định tập trung vào các nội dung sau đây:

e) Vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng nghị định, nếu trong đề nghị có chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

Điều 86. Thẩm định dự thảo nghị định

2. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm:

đ) Báo cáo vấn đề bình đẳng giới nếu dự thảo nghị định có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

Điều 87. Hồ sơ dự thảo nghị định trình Chính phủ

6. Báo cáo vấn đề bình đẳng giới nếu dự thảo nghị định có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

Điều 90. Thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung thẩm định tập trung vào các vấn đề sau:

e) Vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo quyết định;

Điều 94. Thẩm định dự thảo thông tư

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định gồm:

đ) Báo cáo vấn đề bình đẳng giới nếu dự thảo thông tư có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

Điều 95. Hồ sơ dự thảo thông tư trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

7. Báo cáo vấn đề bình đẳng giới nếu dự thảo thông tư có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới

Điều 134. Áp dụng văn bản pháp luật

6. Trong trường hợp để bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyền không áp dụng quy định trong văn bản pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có nội dung trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đình chỉ, bãi bỏ quy định đó.”

Với các quy định nêu trên về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật với tính chất là luật về làm luật, đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản của thực tiễn hiện nay nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, bảo đảm sự phù hợp với các cam kết quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Thông qua các quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Quốc hội và Chính phủ đã tạo thêm cơ chế để xem xét và lồng ghép các mục tiêu, nguyên tắc bình đẳng giới vào trong nhiều đạo luật quan trọng được Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật với nhiều nội dung quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như đã nêu ở trên nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 thì sẽ góp phần khẳng định và nâng cao hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Có thể nhận thấy rằng Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhấc và giúp đỡ ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên.

Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”; hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện. Phát huy những điều kiện thuận lợi trên và để đạt được “quyền bình đẳng thật sự” cho phụ nữ, phụ nữ cần xóa bỏ tâm lý tự ti, an phận, cam chịu và định kiến giới; có ý chí tự cường, tự lập, tự nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho gia đình và xã hội.

 Thu Hà

Tham khảo thêm các bài viết:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191