Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN

Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN

15/04/2009

Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) được soạn thảo nhằm điều chỉnh tất cả các hoạt động đầu tư thuộc khối ASEAN, thay thế Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 1987 và Hiệp định khung về khu vực đầu tư năm 1998 của các nước ASEAN, so với hai Hiệp định trước đây, ACIA có nhiều điểm mới phù hợp hơn với xu thế mở rộng hội nhập giữa các nước trong khối ASEAN với nhau và ASEAN với thế giới, phù hợp hơn với tầm nhìn của một cộng đồng kinh tế ASEAN thống nhất, năng động.
ACIA có 3 Phần với 49 Điều được soạn thảo theo góc độ tự do hoá đầu tư, bảo hộ đầu tư, xúc tiến đầu tư và thuận lợi hoá đầu tư, Phần A gồm những điều khoản quy định những vấn đề chung như nguyên tắc, phạm vi áp dụng, đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, các ngoại lệ…Phần B quy định về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia thành viên, Phần C quy định về cơ chế tổ chức, tham vấn, mối quan hệ của Hiệp định với các Hiệp định khác…Giải quyết tranh chấp được quy định ở một phần riêng từ Điều 28 đến Điều 41, trên cơ sở quan điểm chung về soạn thảo Hiệp định là kế thừa và cải thiện các quy định của Hiệp định cũ ASEAN-IGA, ACIA giữ lại những quy định phù hợp, ngoài những quy định mới Phần này tập hợp các điều khoản giải quyết các mối quan hệ tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư với nhà nước. Tuy nhiên, không phải bất cứ tranh chấp nào cũng được giải quyết mà chỉ có những tranh chấp quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi cơ bản của các bên mới được xem xét, đó là những tranh chấp liên quan đến: đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; quản trị cấp cao và Hội đồng quản trị; đối xử đầu tư; bồi thường trong trường hợp xung đột; chuyển tiền; liên quan đến quản lý, tiến hành, điều hành, bán hoặc huỷ bỏ một khoản đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia thanh viên có tranh chấp xác nhận bằng văn bản; khoản đầu tư của nhà đầu tư được xác nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia thành viên bị thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Ngoài ra, với quan điểm chung của các nước ASEAN là mở cửa thị trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nhằm đạt được mục đích chung là thúc đầy đầu tư nội khối, các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước cũng hướng việc giải quyết các mối quan hệ trên cơ sở tự nguyện, hoà giải, bình đẳng và đúng cam kết. Trên cơ sở đó, tại Điều 30 Hiệp định quy định các bên tranh chấp có thể yêu cầu tiến hành việc hoà giải vào bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết tranh chấp nhằm đạt được sự đồng thuần, các thủ tục hoà giải cũng có thể được tiến hành ngay cả khi vụ kiện đang được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại toà án hay thủ tục tại cơ quan trọng tài nếu các bên đồng ý. Các thủ tục hoà giải và quan điểm mà các bên tranh chấp đưa ra trong quá trình hoà giải sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của họ khi tiến hành các thủ tục tiếp theo tại toà án hay trọng tài.

Tham vấn được ưu tiên áp dụng khi có tranh chấp xảy ra thông qua đề xuất bằng văn bản và được nhà đầu tư gửi cho quốc gia thành viên có tranh chấp. Nếu các bên đồng ý, tham vấn phải được bắt đầu trong vòng 30 ngày kể từ ngày quốc gia thành viên có tranh chấp nhận được yêu cầu tham vấn, ACIA cũng quy định rằng để đạt được mục đích giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn, trước khi bắt đầu thủ tục nhà đầu tư phải nỗ lực cung cấp cho quốc gia thành viên những thông tin liên quan cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Về nộp đơn khởi kiện, quy định về chọn lựa hình thức giải quyết tranh chấp của ACIA phù hợp với quy định của Luật đầu tư năm 2005, nhà đầu tư có thể chọn lựa một trong những hình thức sau: toà án hoặc cơ quan hành chính có thẩm quyền; Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và pháp nhân của quốc gia khác, ký tại Washington ngày 18/3/1965 (ICSID) và Quy tắc tố tụng trọng tài ICSID nếu cả hai bên đều là thành viên Công ước ICSID; Quy tắc tạo thuận lợi bổ sung ISCID; Quy tắc trọng tài của Uỷ ban về luật thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc; Trung tâm trọng tài khu vực tại Kuala Lumpur hoặc bất kỳ Trung tâm trọng tài khu vực nào có trụ sở tại ASEAN hoặc nhà đầu tư có thể chọn lựa bất kỳ quy tắc trọng tài nào nếu các bên đều nhất trí.

Về điều kiện khởi kiện của nhà đầu tư (Điều 34), việc đưa tranh chấp ra một trong những tổ chức trọng tài nêu trên phải thoả mãn các điều kiện sau:

– Việc đưa tranh chấp đầu tư ra hội đồng trọng tài phân xử phải xảy ra trong vòng 3 năm kể từ ngày nhà đầu tư nhận thấy việc vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định này của quốc gia thành viên có tranh chấp gây ra tổn thất hoặc thiệt hại cho nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư của họ;

– Nhà đầu tư có tranh chấp gửi thông báo bằng văn bản cho quốc gia thành viên có tranh chấp về ý định đưa tranh chấp ra hội đồng trọng tài trong thời hạn ít nhất 90 ngày trước khi đưa tranh chấp ra trọng tài và tóm tắt ngắn gọn những vi phạm của quốc gia thành viên có tranh chấp theo quy định của Hiệp định này (bao gồm cả các điều khoản được coi là có vi phạm) và cả những tổn thất hoặc thiệt hại đã gây ra cho nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư của họ;

– Thông báo trọng tài kèm theo văn bản từ bỏ quyền bắt đầu hay tiếp tục bất các thủ tục tố tụng theo toà án hay cơ quan hành chính có thẩm quyền của quốc gia thành viên có tranh chấp hay bất cứ thủ tục tố tụng nào bị coi là vi phạm theo quy định về khởi kiện của nhà đầu tư.

Ngoài các quy định trên, nhà đầu tư không bị ngăn cản khởi kiện hoặc tìm kiếm biện pháp tạm thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích liên quan đến việc thanh toán các thiệt hại hoặc giải quyết tranh chấp trước toà án của quốc gia thành viên có tranh chấp. Hiệp định cũng quy định rằng một quốc gia thành viên sẽ không được bảo vệ thông qua con đường ngoại giao (không bao gồm trao đổi ngoại giao chính thức nhằm mục đích tạo thuận lợi cho giải quyết tranh chấp) hay đưa ra tranh chấp quốc tế khi tranh chấp đã được một trong các nhà đầu tư và quốc gia thành viên khác nhất trí hoà giải hoặc đã được giải quyết theo con đường trọng tài, trừ phi quốc gia thành viên khác không chấp nhận và tuân theo phán quyết đã đưa ra.

Về lựa chọn trọng tài viên, ACIA quy định hội đồng trọng tài bao gồm 3 trọng tài viên, trong đó mỗi bên lựa chọn một trọng tài viên và một trọng tài viên thứ ba do các bên nhất trí cùng bổ nhiệm giữ chức chủ tịch. Trọng tài viên phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực công pháp quốc tế, luật thương mại hoặc đầu tư quốc tế, phải được lựa chọn chọn một cách khách quan, độc lập.

Về tính minh bạch, Hiệp định quy định quốc gia thành viên có tranh chấp có quyền công bố tất cả các phán quyết và quyết định của hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, đối với những thông tin mật được cung cấp để phục vụ cho việc xét xử sẽ được bảo vệ. Ngoài ra, hội đồng cũng sẽ không yêu cầu các bên cung cấp hay cho phép tiếp cận thông tin gây cản trở thực thi pháp luật, hoặc trái với luật bảo vệ bí mật nhà nước, thông tin cá nhân, các vấn đề liên quan đến tài chính cá nhân hay trái với quyền lợi an ninh cơ bản.

Về luật áp dụng, khi một đơn kiện được nộp, hội đồng trọng tài sẽ quyết định những vấn đề liên quan đến vụ kiện phù hợp với quy định của Hiệp định này, quy định của Hiệp định khác giữa các quốc gia thành viên, các quy định của pháp luật quốc tế và bất cứ bất cứ văn bản luật trong nước nào của quốc gia thành viên mà có liên quan đến nội dung vụ kiện.

Về phán quyết của hội đồng trọng tài, trước khi hội đồng trọng tài đưa ra quyết định cuối cùng, các bên tranh chấp có thể tự thoả thuận để có giải pháp chung. Khi đưa ra quyết định cuối cùng, hội đồng trọng tài có quyền quyết định riêng từng vấn đề hoặc kết hợp đối với các thiệt hại về tiền bạc hoặc lợi ích phù hợp, về khôi phục tài sản. Quyết định cuối cùng này có tính ràng buộc đối với các bên tranh chấp và các bên phải thực thi không chậm trễ. Tuy nhiên, Hiệp định cũng quy định trong một số trường hợp bên tranh chấp có thể không có quyền yêu cầu thực thi phán quyết cuối cùng, theo Công ước ICSID thì đã hết 120 ngày kể từ khi phán quyết được đưa ra và không có bên tranh chấp nào yêu cầu xem xét lại hay yêu cầu huỷ bỏ phán quyết đó hoặc các thủ tục xem xét lại, huỷ bỏ đã được hoàn tất. Theo quy tắc tạo thuận lợi bổ sung ICSID, các Quy tắc trọng tài UNCITRAL hay quy tắc đã được lựa chọn tại Điều 33(1)(e) Hiêp định thì đã kết thúc 90 ngày kể từ ngày phán quyết được đưa ra và không có bên tranh chấp nào bắt đầu quá trình xem xét lại, tạm hoãn hay huỷ bỏ quyết định đó; toà án đã từ chối hoặc cho phép tiến hành xem xét lại, tạm hoãn hoặc huỷ bỏ quyết định và không có kháng cáo thêm.

TTT


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191