Phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)
17/03/2009
– Kế thừa và cải thiện các quy định của hai Hiệp định AIA và ASEAN – IGA;
– Áp dụng nguyên tắc không hồi tố các cam kết trừ khi có bồi thường;
– Cân bằng trong các nội dung chính: tự do hóa, xúc tiến, thuận lợi hóa và bảo hộ đầu tư;
– Không ngừng tự do hóa đầu tư nhằm tạo một môi trường đầu tư ASEAN tự do và mở cửa trong khu vực, phù hợp với mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC);
– Đem lại lợi ích cho cả nhà đầu tư ASEAN và nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại ASEAN;
– Xem xét việc dành tối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước thành viên mới (gồm Lào, Campuchia; Myanmar và Việt Nam);
– Dành sự linh hoạt cho các nước thành viên trong các vấn đề nhạy cảm;
– Có sự đối xử nhân nhượng lẫn nhau giữa các nước thành viên;
– Tiếp tục duy trì quy tắc đối xử tối huệ quốc và dành sự đối xử đặc biệt cho các nước trong khối;
– Cho phép Hiệp định được mở rộng để có thể tự do hóa các lĩnh vực khác trong tương lai.
Việt Nam cùng chung quan điểm với các nước thành viên ASEAN khác trong việc tạo ra một thể chế đầu tư tự do, mở cửa hơn nữa nhằm thúc đẩy đầu tư nội khối và thu hút đầu tư nước ngoài vào ASEAN. Quan điểm này xuất phát từ thực tế là không những đầu tư trực tiếp từ ASEAN vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn mà ASEAN đồng thời là thị trường đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, do trình độ phát triển còn thấp so với một số nước khác trong khu vực và để phù hợp với các Hiệp định đa phương, song phương khác mà Việt Nam là thành viên, trong quá trình đàm phán soạn thảo Hiệp định, Việt Nam luôn lấy cam kết của mình với WTO làm trần và đưa ra mức cam kết bằng với mức thấp nhất của các thành viên khác đã đưa ra. Ngoài ra, do một số đặc thù riêng như việc Việt Nam đang trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, môi trường đầu tư… để được công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã thận trọng bảo lưu một số nội dung phù hợp với tình hình phát triển, cơ chế chính sách, pháp luật của mình trong phạm vi cơ chế ưu đãi của Hiệp định.
Có thể nói rằng, sự ra đời của Hiệp định đã khẳng định quyết tâm của các Nước thành viên ASEAN trong việc hướng tới mục tiêu cao nhất về hội nhập kinh tế của Cộng đồng kinh tế ASEAN bằng việc tạo ra thể chế đầu tư tự do, mở cửa hơn.
Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định
ACIA được soạn thảo trên cơ sở các nguyên tắc chỉ đạo nêu trên, trong đó có kế thừa quy định của hai Hiệp định AIA và IGA, đồng thời đưa vào một số quy định mới phù hợp hơn với cơ chế tự do hóa đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm đến lợi ích của các nhà đầu tư và khoản đầu tư của họ. Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh của ACIA vẫn giữ nguyên quy định của hai Hiệp định AIA và IGA, tuy nhiên đối tượng hưởng lợi của Hiệp định được mở rộng đối với nhà đầu tư của nước thứ ba có hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lãnh thổ của nước thành viên ASEAN.
Về biện pháp áp dụng, theo khoản 1 Điều 3 các biện pháp được một nước thành viên áp dụng có liên quan đến nhà đầu tư và khoản đầu tư sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của ACIA (nhà đầu tư có nghĩa là một thể nhân hoặc pháp nhân của nước thành viên đang đầu tư hoặc đã đầu tư trên lãnh thổ của nước thành viên khác. Khoản đầu tư có nghĩa là tất cả các loại tài sản do nhà đầu tư sở hữu hoặc kiểm soát, như các loại giấy tờ có giá trị, quyền về tài chính… ). Các biện pháp được nhắc đến trong điều khoản này bao gồm các luật, quy định, quy tắc, thủ tục, quyết định và các hoạt động quản trị hành chính hay những thông lệ được chính quyền trung ương, khu vực, địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận (được chính quyền trung ương, khu vực, địa phương ủy quyền thực hiện) áp dụng. ACIA ra đời và thay thế hai Hiệp định AIA và IGA, do vậy, sẽ điều chỉnh cả các khoản đầu tư tồn tại trước thời điểm có hiệu lực của Hiệp định và cả các khoản đầu tư được thực hiện sau khi ACIA có hiệu lực.
Về tự do hóa đầu tư, ACIA vẫn giữ nguyên quy định của AIA đối với các ngành kinh tế và không điều chỉnh tự do hóa đối với hoạt động đầu tư gián tiếp, theo đó chỉ điều chỉnh các lĩnh vực sản xuất công nghiệp; nông nghiệp; thủy sản; lâm nghiệp; khai khoáng và khai thác đá và các dịch vụ liên quan của các lĩnh vực này. Ngoài ra, ACIA còn quy định cho phép tự do hóa đối với bất kỳ lĩnh vực nào được các nước thành viên nhất trí, quy định này nhằm cho phép tự do hóa một số lĩnh vực, dịch vụ khác sẽ phát sinh trong tương lai.
Về bảo hộ đầu tư, kế thừa quy định của IGA, ACIA bảo hộ cho tất cả các lĩnh vực, hình thức đầu tư và chỉ bảo hộ cho các khoản đầu tư sau khi thành lập, trừ các biện pháp gây ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ trong phạm vi quy định của Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ mà các nước thành viên áp dụng. Vì mục đích bảo hộ đầu tư liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo phương thức hiện diện thương mại các quy định về đối xử đầu tư; bồi thường trong trường hợp mất ổn định; chuyển tiền; tịch biên và bồi thường; thế quyền và các quy định về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước thành viên sẽ được áp dụng. Trong từng trường hợp cụ thể việc áp dụng các quy định này có thể sẽ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình theo thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá nghĩa vụ cam kết trong Hiệp định.
ACIA không điều chỉnh tất cả các biện pháp thuế (ngoại trừ quy định tại Điều 13 (chuyển tiền) và Điều 14 (tịch biên tài sản và bồi thường) của Hiệp định); trợ cấp của Chính phủ; mua sắm Chính phủ; cung cấp dịch vụ của cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan, tổ chức được nhà nước uỷ quyền (gồm tất cả các loại hình dịch vụ vì mục đích lợi nhuận hay để cạnh tranh) và biện pháp của nước thành viên gây ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS).
Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định
ACIA được đánh giá là bước tiến quan trọng của các nước thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển kinh tế của mỗi nước. Trong suốt quá trình đàm phán, soạn thảo và ký kết Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN, tất cả các nước đều mong muốn tạo ra môi trường đầu tư tự do minh bạch, cạnh tranh, công bằng và do vậy đã đưa ra một số nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho việc soạn thảo văn bản, đây đồng thời cũng là những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định. Hiệp định có 7 nguyên tắc hướng dẫn chung cho các thành viên, theo đó khi thực hiện nghĩa vụ mà mình đã cam kết các nước thành viên phải tuân thủ các nguyên tắc này nhằm đảm bảo tính khả thi của Hiệp định.
Thứ nhất, quy định tự do hóa đầu tư, bảo hộ đầu tư, xúc tiến và thuận lợi hóa đầu tư. Đây được coi là những điều khoản quan trọng của Hiệp định. Về cơ bản, tự do hóa đầu tư và bảo hộ đầu tư được kế thừa quy định của AIA và IGA, tuy nhiên do định nghĩa về nhà đầu tư và khoản đầu tư của ACIA bao gồm người thường trú của các nước ASEAN và nhà đầu tư từ nước thứ ba có cơ sở kinh doanh tại ASEAN nên đối tượng được bảo hộ theo đó cũng được mở rộng hơn. Xúc tiến đầu tư được tiến hành thông qua các hình thức như phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty xuyên nước; bổ sung công nghiệp và mạng lưới sản xuất; tổ chức đoàn khảo sát đầu tư tập trung phát triển tổ hợp khu vực và mạng lưới sản xuất; tổ chức và hỗ trợ tổ chức hội thảo về cơ hội đầu tư, quy định, chính sách đầu tư và trao đổi những vấn đề có liên quan khác. Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thông qua các biện pháp chủ yếu như tạo môi trường cần thiết cho tất cả các hình thức đầu tư; đơn giản hóa thủ tục đăng ký và cấp phép đầu tư; phổ biến thông tin liên quan đến đầu tư (bao gồm quy định, quy tắc, chính sách); thành lập cơ quan một cửa về đầu tư; củng cố cơ sở dữ liệu trong tất cả hình thức đầu tư nhằm hoạch định chính sách cải thiện môi trường đầu tư nội khối; tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề đầu tư; cung cấp dịch vụ tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, không ngừng tự do hóa đầu tư nhằm đạt được môi trường đầu tư tự do và mở cửa trong khu vực, với quy định này, ACIA cho phép tự do hóa hơn trong tương lai đối với một số ngành, dịch vụ trên cơ sở nhất trí của các nước thành viên. Nguyên tắc này đòi hỏi các nước thành viên phải có chính sách và lộ trình mở cửa phù hợp với mức độ phát triển của mỗi nước thành viên và trong toàn khu vực nhằm hướng tới mục tiêu về tự do hóa của Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Thứ ba, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư và khoản đầu tư của họ, trong trường hợp này bao gồm cả nhà đầu tư thuộc nước thành viên ASEAN và nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại ASEAN (nhà đầu tư của nước thứ ba). Bảo đảm lợi ích được hiểu là việc đối xử công bằng, bảo đảm an ninh cũng như vô tư trong các vụ kiện pháp lý, thủ tục hành chính hay bất cứ chính sách nào liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư.
Thứ tư, nguyên tắc về đối xử quốc gia yêu cầu nước thành viên đối xử với các nhà đầu tư của các nước thành viên khác và khoản đầu tư của họ không kém thuận lợi hơn những gì đã dành cho nhà đầu tư của nước mình, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn trong phạm vi tiếp nhận, thành lập, nắm giữ, mở rộng, quản lý, vận hành và định đoạt đầu tư. So với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết với các nước khác thì nội dung của nguyên tắc này vẫn được giữ nguyên, bởi việc áp dụng nguyên tắc này được coi là thông lệ quốc tế để đảm bảo cạnh tranh công bằng và ACIA cũng không là ngoại lệ.
Thứ năm, không áp dụng hồi tố quy định của AIA và IGA, khi ACIA ra đời sẽ thay thế AIA và IGA, do vậy những cam kết của các nước thành viên liên quan đến tất cả hoạt động đầu tư trong hai Hiệp định AIA và IGA sẽ không được áp dụng khi ACIA phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, quy định này loại trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ bồi thường phát sinh trong quá trình thực thi cam kết của AIA và IGA.
Thứ sáu, đối xử đặc biệt và khác biệt, nguyên tắc này được coi là sự cam kết của các nước thành viên phát triển trong việc hỗ trợ và đảm bảo lợi ích của các nước thành viên mới có trình độ phát triển kém hơn (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), đồng thời cũng đảm bảo gia tăng lợi ích của Hiệp định theo đúng mục tiêu ban đầu đã đề ra. Chính sách này được các thành viên ASEAN coi trọng và đảm bảo thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực liên quan đến các chính sách và khuyến khích đầu tư, trong đó có lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực; cam kết trong các lĩnh vực mang lại lợi ích cho thành viên mới và công nhận cam kết của thành viên mới phù hợp với giai đoạn phát triển của nước mình.
Thứ bảy, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Hiệp định sang các lĩnh vực và ngành nghề khác trong tương lai. Các nước thành viên có xu hướng sẽ tự do hóa đầu tư thêm một số lĩnh vực, ngành nghề khác, do vậy Hiệp định này sẽ điều chỉnh cả đối với những lĩnh vực, ngành nghề đó trên cở sở sự nhất trí của các nước thành viên.
TTT
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.