Hiến chương ASEAN: Thiết lập khuôn khổ thể chế và pháp lý cho ASEAN

Hiến chương ASEAN: Thiết lập khuôn khổ thể chế và pháp lý cho ASEAN

23/12/2008

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 10 quốc gia thành viên là một tổ chức khu vực có uy tín, hưởng quy chế quan sát viên tại Liên hiệp quốc (LHQ) và có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác khác nhau. So với các tổ chức quốc tế và các tổ chức khu vực như LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi, Tổ chức quốc gia liên Mỹ… thì trong 40 năm tồn tại, ASEAN vẫn thiếu một văn kiện pháp lý chặt chẽ quy định cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của mình. Hiến chương ASEAN – gồm 13 Chương, 55 Điều, 4 Phụ lục được 10 quốc gia thành viên ASEAN ký thông qua ngày 20/11/2007 và sẽ được tuyên bố có hiệu lực trong tháng 12 tới – đã xác định ASEAN từ đây hoạt động với tư cách là một tổ chức liên chính phủ, chứ không phải là một hiệp hội đơn thuần.
Quốc gia nào có thể là thành viên mới của ASEAN?

Điều 6 của Hiến chương ASEAN nêu rõ, để được kết nạp vào ASEAN, một quốc gia phải đáp ứng 4 tiêu chí sau: có vị trí nằm trong khu vực địa lý Đông Nam Á (tiêu chí này loại trừ việc ASEAN trở thành một tổ chức liên khu vực); được tất cả các nước thành viên ASEAN công nhận; chấp nhận sự ràng buộc và tuân thủ Hiến chương; có khả năng và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ thành viên (2 tiêu chí cuối tương tự như quy định của Hiến chương LHQ và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực khác). Quyết định cuối cùng về việc kết nạp sẽ do Hội nghị cấp cao ASEAN thông qua bằng đồng thuận, dựa trên khuyến nghị của Hội đồng điều phối ASEAN.

Theo Hiến chương, ASEAN có một cơ cấu tổ chức với nhiều cơ quan trên cơ sở kế thừa khung cơ cấu hiện hành. Bên cạnh đó, ASEAN có thêm một số cơ quan mới gồm Hội đồng cộng đồng an ninh – chính trị, Hội đồng cộng đồng kinh tế, Hội đồng cộng đồng văn hoá – xã hội. Ngoài ra, Uỷ ban các Đại diện thường trực của ASEAN hoặc Cơ quan nhân quyền của ASEAN cũng sẽ được thành lập. So với hiện nay, vai trò của Tổng Thư ký ASEAN hoặc Chủ tịch ASEAN được bổ sung những khía cạnh mới như có thể thực hiện chức năng hoà giải, môi giới, trung gian khi các thành viên ASEAN có tranh chấp yêu cầu và Tổng Thư ký còn được giao chức năng giám sát việc tuân thủ các khuyến nghị, quyết định theo các cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN.

Điều 3 – điều khoản ngắn nhất trong 55 Điều của Hiến chương và là điều khoản duy nhất của Chương II – quy định, “ASEAN là một tổ chức liên chính phủ và có tư cách pháp nhân”. Như vậy, cùng với việc làm rõ bản chất củaASEAN là một tổ chức liên chính phủ của 10 quốc gia thành viên Đông Nam Á, Điều 3 xác định ASEAN có tư cách pháp nhân. Ông Nguyễn Duy Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao), thành viên Nhóm đặc trách cao cấp của Việt Nam cho biết, mặc dù chưa nêu được nội hàm của tư cách pháp nhân này, nhưng trong tương lai, các nước thành viên sẽ bàn bạc và trao cho ASEAN các quyền cơ bản giống với các tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực liên chính phủ khác gồm ký kết các điều ước quốc tế, mua sắm chiếm hữu động sản và bất động sản, quyền khởi kiện và bị kiện trước toà án.

Thông qua quyết định bằng đồng thuận

Hiến chương ASEAN tiếp tục khẳng định thực tiễn lâu nay của ASEAN là các quyết định sẽ được thông qua bằng phương thức trao đổi ý kiến và đồng thuận. Phương thức trên sẽ áp dụng cho tất cả các cơ quan của ASEAN từ Hội nghị cấp cao, Hội đồng điều phối, 3 Hội đồng cộng đồng cho đến các cơ chế trực thuộc thấp hơn. Các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực khác cũng quy định về phương thức đồng thuận. Song điểm khác biệt giữa Hiến chương ASEAN với các văn bản pháp lý của các tổ chức đó là trong một số vấn đề nhất định, các tổ chức đó sẽ tiến hành bỏ phiếu nếu không đạt được đồng thuận. Còn Hiến chương ASEAN quy định, nếu không đạt được đồng thuận thì vấn đề sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN quyết định.

Hiện nay, trong phạm vi ASEAN có nhiều văn kiện pháp lý quốc tế về các lĩnh vực hợp tác khác nhau đã sẽ và còn được ký kết. Tại một số văn kiện này, các bên ký kết đã thoả thuận các phương thức thông qua quyết định ngoài phương thức đồng thuận. Đối với những trường hợp như vậy, Hiến chương quy định áp dụng các phương thức đã được thoả thuận trong các văn kiện pháp lý đó. Riêng việc thực hiện các cam kết kinh tế, còn có thể vận dụng công thức tham gia linh hoạt, kể cả công thức ASEAN – X.

Đa dạng các phương thức giải quyết tranh chấp

Phù hợp với pháp luật quốc tế và căn cứ vào truyền thống của ASEAN, Hiến chương ASEAN nhấn mạnh biện pháp hàng đầu để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên là đối thoại, trao đổi ý kiến và thương lượng. Nếu đối thoại, trao đổi ý kiến và thương lượng không thể hoá giải được tranh chấp thì theo Hiến chương, các bên có thể thoả thuận giải quyết bằng phương thức môi giới, trung gian, hoà giải hoặc trọng tài.

Ông Chiến phân tích cụ thể, đối với các tranh chấp liên quan tới các văn kiện của ASEAN, các nước thành viên sẽ giải quyết theo các cơ chế đã được quy định trong các văn kiện có liên quan. Đối với các tranh chấp liên quan đến các hiệp định kinh tế của ASEAN mà trong các hiệp định đó không quy định thủ tục giải quyết tranh chấp thì Hiến chương xác định các nước thành viên sẽ áp dụng phương thức được nêu trong Nghị định thư Viên-chăn về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp ASEAN. Đối với các tranh chấp không liên quan tới các văn kiện của ASEAN, Hiến chương quy định vận dụng phương thức và các quy tắc thủ tục đã được xác định trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Đối với các tranh chấp liên quan đến các văn kiện khác của ASEAN mà trong các văn kiện này không nêu phương thức giải quyết thì theo Hiến chương, các thành viên ASEAN có thể xây dựng các cơ chế giải quyết thích hợp, kể cả trọng tài. Cuối cùng, nếu các phương thức trên đều không đem lại kết quả, các tranh chấp sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao quyết định.

Hoàng Thư

Chính phủ Việt Nam đã cử nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm trực tiếp tham gia vào công việc của Nhóm EPG (Nhóm các nhân vật nổi tiếng – gồm các công dân ưu tú của các quốc gia thành viên ASEAN) để xem xét, đánh giá và đề xuất các khuyến nghị về Hiến chương ASEAN. Sau khi ASEAN quyết định giao Nhóm HLTF (Nhóm đặc trách cao cấp của ASEAN) soạn thảo Hiến chương, Chính phủ Việt Nam khẩn trương lập Nhóm đặc trách cao cấp của Việt Nam gồm chuyên gia của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp… để tham gia cùng các Nhóm đặc trách của 9 quốc gia thành viên ASEAN khác. Đoàn Việt Nam đã tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, bày tỏ rõ quan điểm của mình, hợp tác chặt chẽ với các Đoàn bạn và có nhiều đóng góp thực chất góp phần hoàn thành việc xây dựng Hiến chương đúng thời hạn đã đề ra.

 

Khi ký Hiến chương tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ khẩn trương tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiến chương. Hơn 3 tháng sau – ngày 14/3/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phê chuẩn Hiến chương. Sau khi Hiến chương ASEAN được ký, không ít ý kiến cho rằng khó có chuyện cả 10 thành viên ASEAN phê chuẩn Hiến chương ASEAN trong thời gian sớm. Việt Nam nhận định, Hiến chương là sản phẩm chung của cả 10 thành viên, chứ không phải của riêng một hay một vài thành viên nào nên không có lý do để bi quan như vậy. Thực tế đã chứng minh điều này – ngày 21/10/2008, thành viên ASEAN thứ 10 chính thức phê chuẩn Hiến chương. Hiện nay, đại diện của Việt Nam đang tích cực tham gia các Nhóm công tác nhằm xây dựng các quy định triển khai các nội dung của Hiến chương.

 

Thủ tục sửa đổi, bổ sung và kiểm điểm Hiến chương:

Sau khi Hiến chương đã có hiệu lực, các thành viên ASEAN có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung vào bất kỳ thời điểm nào. Hội đồng điều phối của ASEAN sẽ xem xét và quyết định bằng đồng thuận về các kiến nghị đó để trình lên Hội nghị cấp cao quyết định. Chỉ khi Hội nghị cấp cao đồng thuận thì sửa đổi, bổ sung mới được thông qua và chỉ khi tất cả các thành viên ASEAN phê chuẩn thì sửa đổi, bổ sung mới có hiệu lực.

Về việc kiểm điểm Hiến chương, Hội nghị cấp cao có thể quyết định kiểm điểm Hiến chương vào bất kỳ thời điểm nào, không loại trừ sẽ tiến hành ngay trong năm 2009. Tuy nhiên, việc sớm kiểm điểm Hiến chương khi các nội dung được thoả thuận chưa có thời gian để thực thi rất ít khả năng xảy ra.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191