Hướng xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL

Hướng xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL

24/11/2008

Sau 5 năm triển khai, công tác kiểm tra văn bản QPPL đã dần đi vào cuộc sống, khẳng định được vai trò của công tác này đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, những người làm công tác kiểm tra văn bản đang gặp không ít khó khăn do cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác này chưa được hoàn thiện, thậm chí có nơi chưa được xây dựng tập trung. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đang ngày càng được chú trọng đẩy mạnh nhưng cơ sở dữ liệu phục vụ cho rà soát, hệ thống hóa cũng đang trong tình trạng tương tự.
Hiện nay việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản đã được quy định và hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL và Thông tư số 01/2004/TT-BTP ngày 16/6/2004 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135, còn đối với vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản thì chưa có một văn bản nào quy định (nằm trong bối cảnh chung là thể chế cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL chưa được quy định cụ thể). Do chưa có quy định và hướng dẫn về việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản nên dẫn đến sự không thống nhất và chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản.

Sau đây là một số suy nghĩ về hướng xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.

1. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chung cho hoạt động kiểm tra và hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL

Cơ sở dữ liệu cho hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản cần được xây dựng theo hướng cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm tra văn bản (xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho hai hoạt động là kiểm tra văn bản và hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản). Đây là cách làm mang lại hiệu quả cao về kinh tế (tiết kiệm chi phí) và thuận lợi trong công việc (hoạt động là kiểm tra văn bản và hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản có sự liên quan mật thiết với nhau, sử dụng được kết quả của nhau…).

Mặc dù có thể xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung cho cả hoạt động là kiểm tra văn bản và hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản nhưng khi xây dựng cần phải tính toán những đặc thù của hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản, chẳng hạn như: Phạm vi của cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản là rộng hơn của hoạt động kiểm tra văn bản; việc phân loại văn bản đòi hỏi chi tiết hơn; nội dung cơ sở dữ liệu cần có thêm những thông tin, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội (vì khi rà soát văn bản cần chú ý sự phù hợp của văn bản với các điều kiện kinh tế-xã hội)…

2. Chú trọng phạm vi văn bản và những thông tin, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội

Nội dung của cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trước hết là các nội dung của cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP và Thông tư số 01/2004/TT-BTP, bao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật đã được chuẩn hoá hiệu lực (những văn bản đã được xác định là còn hiệu lực); Kết quả kiểm tra và xử lý văn bản; Các thông tin về nghiệp vụ kiểm tra. Ngoài ra, để phục vụ cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản thì cơ sở dữ liệu cần có các thông tin, tư liệu khác như các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, các chính sách phát triển kinh tế-xã hội…

3. Phân loại chi tiết từng văn bản làm cơ sở dữ liệu cho hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản

Để thuận lợi khi thực hiện kiểm tra, rà soát văn bản cũng như khi tìm kiếm, tập hợp văn bản thì các văn bản cần được phân loại chi tiết về hình thức văn bản, thời gian ban hành, đặc biệt là lĩnh vực điều chỉnh.

4. Cần hướng đến một cơ sở dữ liệu thống nhất chung trên phạm vi cả nước phục vụ cho hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản

Hiện nay, các bộ, ngành và địa phương vẫn đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của Bộ, ngành và địa phương mình. Điều này vừa gây lãng phí, vừa không thống nhất và không thuận lợi khi tiếp cận văn bản.

Về lâu dài, cần có một cơ quan thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản. Trong  cơ sở dữ liệu chung này cần có sự phân chia cụ thể văn bản của trung ương (chia nhỏ theo từng cơ quan ban hành) và địa phương (chia nhỏ từng địa phương). Khi các Bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản mới phải gửi văn bản điện tử (qua email) đến cơ sở dữ liệu tập trung này để kịp thời cập nhật và xác định hiệu lực của những văn bản khác liên quan.

Cơ sở dữ liệu chung này cần kết nối và phổ biến rộng rãi qua Internet để phục vụ không chỉ cho hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản mà còn cho các hoạt động khác cũng như cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu./.

 Tuấn Phong


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191