Thực thi pháp luật nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
15/01/2009
Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, với tên gọi của Chính quyền phong kiến Việt Nam là “Dải Cát Vàng” và ngày nay là huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà của Việt Nam, là một phần “máu thịt” của dân tộc Việt Nam, đã gắn liền với lịch sử phát triển đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có vị trí địa lý, chính trị, kinh tế và quân sự hết sức quan trọng.
Về vị trí địa lý, Quần đảo Hoàng Sa có trên 30 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển giữa vĩ độ 150 45’N – 170 15’E và kinh độ 1110 Đ – 1130 Đ trên vùng biển rộng khoảng 15.000 km2, cách đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi – Việt Nam khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2 và đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất (khoảng 1,5 km2)
Tính chất pháp lý quần đảo Hoàng Sa: mặc dù có sự tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung quốc, nhưng với bằng chứng lịch sử và chứng cứ pháp lý về việc quản lý Nhà nước trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam, quy định của Luật Biên giới quốc gia và qua đo vẽ, tính toán kỹ thuật thì quần đảo Hoàng sa nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở theo tuyên bố của Chính phủ Việt Nam năm 1982, quần đảo Hoàng Sa hưởng chế độ chủ quyền đảo, quần đảo và chế độ quyền chủ quyền và quyền tài phán thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đối với Quần đảo Trường Sa, nằm về phía Đông Nam của Biển Đông, gồm trên 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm, ở khu vực biển trong vĩ độ 06050’B – 12000’B và kinh độ 111030’Đ – 117020’Đ trên vùng biển rộng khoảng 180.000km2, cách Cam Ranh (Việt Nam) khoảng 248 hải lý được phân chia thành 8 cụm đảo (Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên). Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2, đảo Ba Bình là đảo lớn nhất (khoảng 0,5 km2), đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất (khoảng 4 – 6 m). Phần lớn trên các đảo nổi có cư dân sinh sống lâu dài khai thác, thu mua và chế biến hải sản; có các trạm hải đăng một số đảo có lực lượng quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và quản lý an trật tự, an toàn xã hội trên biển, đảo.
Vì vậy, theo quy định của Công ước luật biển 1982 và Luật Biên giới quốc gia năm 2003 thì quần đảo Trường Sa có chế độ pháp lý riêng, đó là chế độ pháp lý chủ quyền của quốc gia trên quần đảo. Theo chế độ pháp lý này thì quần đảo Trường Sa có các vùng biển nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Tuy nhiên, đây là khu vực biển, đảo hết sức phức tạp do một số quốc gia chiếm đóng như: Trung Quốc, Philippin, Đài Loan,… Vị trí các đảo do các quốc gia khác nhau chiếm đóng nằm xen kẽ nhau nên đã xảy ra việc tranh chấp, chồng lấn về yêu sách các vùng biển.
Trước tình hình nhạy cảm đó, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài các biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao … thì cần tăng cường và nâng cao hơn nữa hoạt động thực thi pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam trên biển của Việt Nam. Xác định đúng đắn vai trò của thực thi pháp luật trên biển là khẳng định chủ quyền, tránh đối đầu và răn đe, “trừng trị” các hành vi vi phạm pháp luật, tạo sự ủng hộ của các nước trên thế giới, và khu vực. Với sự phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982(Công ước1982) của Việt Nam năm 1994 và hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đây là giải pháp có nhiều lợi thế nhất.
Tại Điều 9 Luật Biên giới quốc gia quy định: “Lãnh hải của Việt Nam rộng mười hai hải lý tính từ đường cơ sở ra phía ngoài. Lãnh hải của Việt Nam bao gồm lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo”. Về nguyên tắc của pháp luật quốc tế, Công ước 1982 thì mỗi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ và tuyệt đối trong nội thuỷ của mình; có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ trong lãnh hải. Theo quy định này, để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển thì Việt Nam có các quyền sau:
– Có thể tiến hành các biện pháp cần thiết (không trái với quy định của Công ước năm 1982) trong lãnh hải của mình để ngăn cản mọi hành vi của tàu thuyền nước ngoài không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền đi qua vô hại;
– Có quyền tài phán về hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì tuỳ từng mức độ, các hành vi vi phạm đó có thể bị “trừng trị” nghiêm khắc bằng các hình thức chế tài, biện pháp quân sự, hình sự, hành chính theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2000, Nghị định 30/CP ngày 29/1/1980, Nghị định 137/2004/ NĐ- CP xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực an ninh trật tự, dầu khí…
Với quy định của Công ước 1982 và luật quốc tế hiện đại, thì Quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển chỉ tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển. Thực thi pháp luật bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển là hoạt động đấu tranh chống lại mọi hành vi xâm phạm đến tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, khai thác, thăm dò và các hoạt động khai thác vì mục đích kinh tế khác trên vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa. Điều 5 Luật Biên giới quốc gia quy định: “Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan”.
Trên vùng đặc quyền kinh tế: theo Điều 56, Điều 73 của Công ước Luật biển 1982: Việt Nam có quyền chủ quyền về thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió;
Có quyền tài phán về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Không ai có quyền thăm dò hay khai thác các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của Việt Nam.
Để thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình, Việt Nam có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết kể cả việc kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật Việt Nam ban hành phù hợp với Công ước
Trên thềm lục địa : theo Điều 77, Điều 81 của Công ước Luật biển 1982, Việt Nam thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên như khoáng sản, các tài nguyên không sinh vật, các sinh vật thuộc loài định cư. Quyền này có tính chất đặc quyền, nghĩa là nếu Việt Nam không thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa thì không quốc gia nào có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận rõ ràng. Việt Nam có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ về mục đích gì.
Trên vùng này, để thực hiện và bảo vệ quyền chủ quyền của mình, Việt Nam có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tương tự như thực hiện quyền chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế.
Để thực hiện tốt vai trò quản lý biển bằng pháp luật, trong đó công tác bảo đảm thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của Việt Nam trong giai đoạn này, song song với việc phân định rõ ràng các vùng biển, phát triển kinh tế biển, hợp tác quốc tế đẩy mạnh quốc phòng an ninh trên biển, thì đồng thời tiến hành tốt các nội dung sau:
Quán triệt sâu sắc về nhận thức chính trị, thái độ ý thức về bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhận thức đầy đủ và đúng đắn về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa;
Thực hiện tốt công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện và pháp lý để thực hiện vai trò quản lý biển bằng pháp luật;
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý đúng theo quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam các vi phạm pháp luật của tàu thuyền nước trên các vùng biển, đảo của Việt Nam
Tuỳ theo tính chất và mức độ hành vi vi phạm, từng bước, áp dụng các hình thức chế tài từ thấp đến cao đúng quy định của pháp luật và phù hợp với đối sách trên trên biển hiện nay. Chủ yếu áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trên các vùng biển Việt Nam đối với các hành vi đánh cá, thăm dò, nghiên cứu khoa học trái phép, hành vi xâm phạm vùng an toàn dàn khoan, công trình nhân tạo và các hoạt động trái phép khác trên các vùng biển Việt Nam theo thẩm quyền;
Trong những trường hợp cụ thể có thể xử lý về mặt hình sự theo thẩm quyền đối với các hành vi phạm tội trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Sẵn sàng và đấu tranh có hiệu quả phòng chống các tình huống “mượn gió bẻ măng” của các lực lượng tàu thuyền nước ngoài lợi dụng việc thực hiện Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á mà Việt Nam là thành viên.
Nguyễn Giang Đông – Phòng Pháp Luật – Cục Cảnh sát biển
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.