Các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai: chú trọng quyền lợi của người bị thu hồi đất

Các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai: chú trọng quyền lợi của người bị thu hồi đất

23/10/2008

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trình Chính phủ 6 dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Những Nghị định này sẽ là những hành lang pháp lý hữu hiệu để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất- vốn là mối quan hệ đã tạo ra nhiều vướng mắc, bất cập cho hoạt động quản lý đất đai thời gian qua.

             Để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn, mới đây Chính phủ đã đề nghị UBTVQH cho phép rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008. Cùng với đó, Chính phủ cũng đưa ra đề xuất điều chỉnh 6 Nghị định để giải quyết những vướng mắc trong quản lý đất đai. Đó là những Nghị định 181/2004/NĐ-CP, Nghị định 197/2004/NĐ-CP, Nghị định 142/2005/NĐ-CP, Nghị định 17/2006/NĐ-CP, Nghị định 84/2007/NĐ-CP và Nghị định 123/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên việc điều chỉnh chỉ dừng lại ở một số điều có liên quan tới vấn đề thu hút đầu tư, xác định giá đất, giải phóng mặt bằng… trong các Nghị định, chứ không điều chỉnh toàn bộ nội dung Nghị định.

            Trong số 6 dự thảo Nghị định, thì dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 197/2004/NĐ-CP (gọi tắt là dự thảo) rất được dư luận quan tâm bởi nó trực tiếp điều chỉnh vấn đề bồi thường cho người bị thu hồi đất. Nhưng từ sự điều chỉnh này vẫn có đến 2 phương án được đưa ra.

Sẽ điều tiết phần giá trị tăng thêm cho người có đất bị thu hồi

          Theo nội dung dự thảo, ở phương án 1 vấn đề bồi thường sẽ được áp dụng theo bảng giá đất của địa phương công bố vào ngày 1/1 hàng năm và không điều chỉnh khi bồi thường theo từng dự án cụ thể. Hiện nay, các địa phương xác định giá đất để bồi thường theo từng dự án làm phát sinh khiếu kiện kéo dài do người dân luôn yêu cầu xác định lại giá đất khi thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ về đất.

          Tiền bồi thường sẽ được gửi vào tổ chức tín dụng hoặc quỹ bảo hiểm xã hội và được chi trả định kỳ không quá 6 tháng lần nếu trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hoàn toàn diện tích đất mà nguồn thu nhập chính lại chỉ trông chờ vào diện tích đất bị thu hồi và ngoài ra không có nguồn thu nhập ổn định nào khác. UBND cấp tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm quy định cụ thể về cách thức quản lý tiền bồi thường, phương thức, thời gian chi trả…

          Đặc biệt, sẽ điều tiết phần giá trị tăng thêm cho người có đất bị thu hồi. Phần giá trị tăng thêm này chỉ được phát sinh trong trường hợp việc thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp mà có chênh lệch về giá. Phần giá trị tăng thêm sẽ được tính trong khoảng giao động từ 20-50% giá trị chênh lệch và mức cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quy định.

Giữ nguyên mức bồi thường, tăng thêm hỗ trợ

         Ở phương án 2, dự thảo vẫn giữ nguyên quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo tinh thần của Nghị định 197/2004/NĐ-CP. Tuy nhiên, đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi hết đất thì ngoài việc bồi thường còn được hỗ trợ để ổn định cuộc sống từ 30-50% giá đất nông nghiệp bị thu hồi và gia cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.

         Đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư sẽ được quy về một tên gọi chung là đất nông nghiệp trong khu dân cư và cá nhân, hộ gia đình khi bị thu hồi sẽ được hỗ trợ thêm từ 20-50% chênh lệch giữa giá đất nông nghiệp bị thu hồi với giá đất sau khi chuyển mục đích. Mức cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quy định

         Nhìn chung, so với các quy định trong những VBQPPL trước thì cả 2 phương án trên đều đã rất chú trọng quyền lợi của người bị thu hồi đất, nhưng phương án nào sẽ được lựa chọn cũng cần rất nhiều sự cân nhắc, bởi đất đai là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, trực tiếp liên quan tới sự an cư của mỗi người dân và sự an ninh trật tự của toàn xã hội.

Minh Dương

Tăng đơn giá thuê đất trả tiền một lần  

           Để bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 142/2005/NĐ-CP được điều chỉnh theo hướng tăng đơn giá thuê đấy trong trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời hạn thuê. Đối với việc thuê đất trả tiền thuê hàng năm, vẫn giữ nguyên đơn giá hiện hành.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191