Theo Nghị định 70/2013/NĐ-CP sửa đổi quy chế quản lý kho vật chứng thì tiền, tài sản tang vậtphải được niêm phong và gửi tại hệ thống kho bạc nhà nước. Xin hỏi tiền, tài sản đó được hạch toán như thế nào? Khi niêm phong thành phần gồm những ai?
Gửi bởi: Nguyễn Hằng
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày ngày 02/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ quy định vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế cần có điều kiện bảo quản đặc biệt được bảo quản. Tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ phải được niêm phong và gửi tại hệ thống kho bạc nhà nước cùng cấp nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở, tuyệt đối không được phép lưu thông.Vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy được niêm phong và gửi tại kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở. Vũ khí không phải là vũ khí quân dụng được bảo quản tại các kho vật chứng. Chất độc (tùy từng loại cụ thể) được niêm phong và gửi tại các cơ sở quản lý về chuyên môn thuộc ngành Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn. Chất phóng xạ được niêm phong và gửi tại Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Vật chứng là vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại, mẫu máu, mô, bộ phận cơ thể người, vắc xin và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế cần có điều kiện bảo quản đặc biệt được niêm phong và gửi tại các cơ sở quản lý về chuyên môn thuộc ngành Y tế.
Niêm phong tài sản là việc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp đóng kín và ghi dấu hiệu hoặc dán nhãn, cặp chì, đóng dấu giáp lai trên hồ sơ, tài liệu, vật chứng, đồ vật, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức để không cho phép tự tiện mở hay sử dụng, tiêu huỷ những vật để thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền liên quan tới vật đó. Pháp luật hiện nay không quy định cụ thể thành phần niêm phong, do đó tùy từng trường hợp cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, khi niêm phong phải làm cẩn thận và dễ dàng phát hiện dấu vết nếu phẩm chất niêm phong đã bị mở. Trên niêm phong phải ghi rõ số lượng, phẩm chất và các đặc điểm khác của các vật có trong niêm phong, có chữ ký của người tiến hành niêm phong, bị can hoặc bị cáo, đương sự hoặc thân nhân của họ và của người chứng kiến hoặc đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã. Việc niêm phong phải lập biên bản có chữ ký của những người tham gia niêm phong tài sản.
Đối với việc tiếp nhận vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự được tiến hành theo thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Thi hành án dân sự. Trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận khi có kết quả giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản tạm giữ trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ là các chất ma tuý, cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận dưới hình thức gói niêm phong kèm theo kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền. Khi giao, nhận phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của vật chứng, tài sản được niêm phong, có chữ ký của bên giao, bên nhận. Trường hợp niêm phong bị rách hoặc có dấu hiệu khả nghi trên đó thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ tiếp nhận khi có kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Về hạch toán tiền, tài sản niêm phong trong thi hành án dân sự hiện nay thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự. Trường hợp vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ, tài sản khác là tang vật tạm giữ của các vụ án trong thời gian chờ xử lý được bảo quản trong các túi hoặc kiện niêm phong hoặc để trong kho tạm giữ của cơ quan thi hành án dân sự được tính theo giá hạch toán để ghi sổ kế toán. Giá để hạch toán việc quy đổi tài sản, tang vật ra đồng Việt Nam để ghi sổ do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Kế toán tự xác định giá sát với giá UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành, giá hạch toán của Bộ Tài chính thông báo hoặc giá của thị trường tại thời điểm ghi sổ. Giá hạch toán được phép tính tròn số và sử dụng trong suốt quá trình thi hành án của mỗi quyết định thi hành án cụ thể, nhưng không được sử dụng làm căn cứ bán đấu giá, trao đổi, thanh toán bằng tiền thay ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý và tài sản khác hoặc làm căn cứ thu phí. Trường hợp có căn cứ xác định giá hạch toán (tăng hoặc giảm) thì đơn vị phải ghi sổ bổ sung (tăng hoặc giảm) giá hạch toán phần chênh lệch so với số đã ghi sổ trước đó. Kế toán hiện vật phải dùng đơn vị đo lường chính thức của Nhà nước Việt Nam (như cái, chiếc, kg, hộp, chai…). Trường hợp cần thiết có thể dùng đơn vị đo lường phụ để kiểm tra, đối chiếu hoặc phục vụ cho kế toán chi tiết nhưng sau đó phải quy đổi ra đơn vị đo lường chính thức.
Các văn bản liên quan:
Thông tư 91/2010/TT-BTC Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự
Nghị định 70/2013/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.