Quyền sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận mang tên cha và mẹ tôi. Nay cha mẹ đã mất và có di chúc để lại di sản cho hai anh em tôi. Vậy có cần phải sang tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Phải sang tên cả hai người có tên trong di chúc, hay chỉ cần sang tên một người là được? Xin cảm ơn.
Gửi bởi: Nguyễn Nam Hải
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Cá nhân có quyền nhận di sản là quyền sử dụng đất do người chết để lại theo di chúc hoặc theo pháp luật. Anh em bạn đã được bố mẹ lập di chúc cho hưởng di sản là quyền sử dụng đất của họ; nhưng để được trở thành chủ sử dụng đất và được thực hiện các quyền của chủ sử dụng đối với mảnh đất đó thì anh em bạn phải được cơ quan có thẩm quyền chính thức công nhận quyền đó bằng cách thực hiện các thủ tục khai nhận di sản thừa kế và đăng ký sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó.
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng, thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyềng sử dụng đất thực hiện theo hướng dẫn của Luật Đất đai, cụ thể như sau:
* Thủ tục khai nhận di sản thừa kế (theo di chúc) đối với di sản là quyền sử dụng đất.
– Cơ quan thực hiện: Tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh/thành phố nơi có bất động sản.
– Hồ sơ yêu cầu công chứng: Bạn nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu công chứng cho tổ chức công chứng bao gồm:
+ Giấy chứng tử của bố mẹ bạn;
+ Di chúc;
+ Giấy tờ chứng minh quyền tài sản;
+ Chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, giấy khai sinh của hai anh em bạn;
+ Giấy tờ khác theo quy định.
– Thủ tục:
Sau khi nhận, kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản (nhà) của người để lại di sản.
Sau 30 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Hai anh em bạn lập văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Sau khi có văn bản công chứng việc khai nhận thừa kế, anh em bạn nộp một bộ hồ sơ tại Văn phòng đăng ký nhà đất gồm: bản chính văn bản khai nhận thừa kế có công chứng; Giấy tờ chứng minh quyền tài sản; giấy tờ khác (giấy tờ tùy thân của người hưởng di sản, giấy chứng tử, di chúc …) để đăng ký quyền tài sản mang tên hai anh em.
Lưu ý: Anh em bạn được hưởng di sản theo di chúc nên cần chú ý đến quy định tại Ðiều 669 Bộ luật Dân sự về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Ðiều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Ðiều 643 của BLDS: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, nếu bố mẹ bạn có người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc như nêu trên thì người đó cũng được quyền khai nhận di sản thừa kế cùng anh em bạn và được đăng ký quyền tài sản đối với di sản mà họ được hưởng.
2. Về việc bạn hỏi: Phải sang tên cả hai người có tên trong di chúc, hay chỉ cần sang tên một người. Chúng tôi xin trả lời như sau: Luật Công chứng cho phép khi làm thủ tục thừa kế, các đồng thừa kế có quyền lựa chọn một trong hai cách là công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản (Điều 49 Luật Công chứng) và công chứng văn bản khai nhận di sản (Điều 50 Luật Công chứng).
Theo đó, trường hợp lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.
Trường hợp lập Văn bản khai nhận di sản thì những người được hưởng di sản cùng nhau nhận di sản mà thỏa thuận không phân chia di sản đó.
Như vậy, hai anh em bạn có quyền lựa chọn: hoặc là cả hai người cùng nhận di sản và cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc một người sẽ nhường phần di sản mà mình được hưởng cho người kia để một mình người đó đứng tên trong giấy chứng nhận.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 82/2006/QH11 Công chứng
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.