Không có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án có xét xử phúc thẩm không?

Không có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án có xét xử phúc thẩm không?

Tôi có người em sinh ngày 30/12/1997 bị Tòa án xét xử vì tội giết người ra tò và Tòa án đã tuyên phạt em tôi 5 năm tù ( lúc đó vừa đủ 16 tuổi 4 tháng). Lúc trước, gia đình tôi có mời luật sư biện hộ để em tôi được giảm nhẹ hình phạt nhưng cũng không giảm. Đến nay, luật sư có gọi điện và yêu cầu gia đình tôi bồi dưỡng thêm (gia đinh tôi đã đưa 50 triệu cho Công ty của luật sư và bồi dưỡng riêng cho luật sư biện hộ 2 triệu). Nay, luật sư đó gọi điện và yêu cầu gia đình tôi đưa thêm tiền nhưng gia đình tôi không đồng ý và luât sư đó có nói là còn 15 ngày kháng cáo nữa. Vậy cho tôi hỏi là 2 bên gia đình bị hại và bị cáo không ai kháng án hết thì phiên tòa có xét xử lại không?

Gửi bởi: pham tri trung

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại Điều 230 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì “xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”.

Do vậy, chỉ khi có kháng cáo hoặc kháng nghị thì Tòa án cấp trên trực tiếp mới xét xử lại vụ án mà bản án sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật.

Việc kháng cáo hoặc kháng nghị phải đúng thẩm quyền và thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể:

1. Về người có quyền kháng cáo, kháng nghị

Theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì những người sau đây có quyền kháng cáo:

– Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

– Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

– Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

– Người được Toà án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.

2. Về thời hạn kháng cáo, kháng nghị

Điều 234 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án. Nếu quá thời hạn nêu trên thì ciệc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng; Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn.

Do vậy, với trường hợp của bạn, nếu như gia đình bị hại và bị cáo không có kháng cáo, Viện kiểm sát không có kháng nghị hoặc việc kháng cáo, kháng nghị không đáp ứng yêu cầu về chủ thể có thẩm quyền kháng cáo, kháng nghị hoặc thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án sẽ không mở phiên tòa xét xử phúc thẩm để xét xử lại vụ án của em trai bạn.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191