Anh Nguyễn Văn Tài đến Uỷ ban nhân dân xã trình bày với cán bộ tư pháp – hộ tịch sự việc như sau: trước đây, khi đăng ký khai sinh, con trai của anh được đặt tên là Nguyễn Tài Phú. Nhưng sau đó, do bên họ ngoại có người cậu cũng tên là Phú chết trẻ, vì sợ kiêng cho cháu đích tôn nên ông bà nội của cháu Phú yêu cầu cả họ gọi lái tên cháu Phú thành Phúc đồng thời buộc anh Tài phải đi sửa tên con trong Giấy khai sinh thành Phúc. Khôngmuốn làm trái ý cha mẹ nên anh Tài đã tự điền thêm chữ “c” vào sau chữ Phú ở trong bản sao Giấy khai sinh của con, riêng bản chính Giấy khai sinh vẫn để nguyên tên là Phú.
Khi con đến tuổi đi học, anh Tài đã nộp bản sao Giấy khai sinh của con mang tên Nguyễn Tài Phúc cho nhà trường, do đó tất cả hồ sơ học bạ của con anh ở trường đều mang tên đó. Tháng 5 năm 2006 cháu Phú lên 10 tuổi, khi làm hồ sơ chuyển cấp, nhà trường yêu cầu nộp bản chính Giấy khai sinh để đối chiếu thì phát hiện tên của cháu trong bản chính Giấy khai sinh và học bạ khác nhau nên yêu cầu anh Tài phải thay đổi tên trong bản chính Giấy khai sinh của cháu Phú cho phù hợp với hồ sơ và học bạ của cháu.
Sau khi nghe anh Tài trình bày, cán bộ tư pháp – hộ tịch yêu cầu anh Tài quay về nhà trường đề nghị sửa tên trong học bạ theo bản chính Giấy khai sinh cho thống nhất. Nhưng anh Tài thiết tha đề nghị cán bộ tư pháp – hộ tịch giúp anh làm theo yêu cầu của nhà trường bằng cách ghi thêm chữ “c” vào trong bản chính Giấy khai sinh của cháu Phú. Anh cũng trình bày thêm rằng vì cha mẹ anh không chấp nhận để cháu đích tôn mang tên là Phú nên mong cán bộ giải quyết để gia đình không mâu thuẫn. Cán bộ hộ tịch cần giải quyết tình huống này thế nào?
Gửi bởi: Admin Portal
Việc đăng ký khai sinh cho con của anh Nguyễn Văn Tài đã được thực hiện đúng pháp luật và họ tên hợp pháp của cháu được xác định là Nguyễn Tài Phú theo nguyên tắc quy định tại Điều 26 Bộ luật Dân sự: “Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”. Trong tình huống này, tên của cháu Phú trong học bạ được ghi thành Phúc do xác lập theo bản sao Giấy khai sinh đã bị anh Tài tự ý sửa. Do đó, nếu muốn có sự thống nhất giữa Giấy khai sinh và học bạ thì nhà trường phải căn cứ vào bản chính Giấy khai sinh của cháu Phú để thực hiện việc điều chỉnh tên trong học bạ từ Phúc thành Phú theo nguyên tắc quy tại Điều 5 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”.
Tuy nhiên, nguyện vọng của anh Tài trình bày với cán bộ tư pháp – hộ tịch là muốn được đổi tên con mình từ Nguyễn Tài Phú thành Nguyễn Tài Phúc. Lý do anh Tài sửa tên con trai từ Phú thành Phúc là do cha mẹ anh (tức ông bà nội của cháu Phú) không muốn cháu đích tôn của mình mang tên đó. Việc cháu Phú không được đổi tên có thể dẫn đến mâu thuẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Đây là lý do hợp pháp để cán bộ tư pháp – hộ tịch có thể công nhận giải quyết yêu cầu đổi tên cho cháu Phú theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự về: “Quyền thay đổi họ, tên”:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
a)Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;…”
Để thụ lý giải quyết yêu cầu của anh Tài, cán bộ tư pháp – hộ tịch cần lưu ý một số điểm sau:
– Áp dụng thủ tục thay đổi hộ tịch để giải quyết yêu cầu đổi tên cho con anh Tài từ Nguyễn Tài Phú thành Nguyễn Tài Phúc.
– Về quyền yêu cầu thay đổi tên: Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự thì chủ thể có quyền yêu cầu thay đổi tên là người có họ, tên đó (trong trường hợp này là cháu Phú). Tuy nhiên, vì cháu Phú mới 10 tuổi nên cha mẹ, với tư cách người đại diện theo pháp luật có thể đứng ra thực hiện việc yêu cầu đổi tên vì lợi ích của cháu Phú theo hướng dẫn tại đoạn 3 khoản 1 Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP: “Việc thay đổi, cải chính hộ tịch… cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ”. Tuy nhiên, vì cháu Phú đã 10 tuổi nên việc đổi tên phải có sự đồng ý của cháu, thể hiện trong Tờ khai.
– Về thẩm quyền: Cháu Phú là người dưới 14 tuổi nên cơ quan có thẩm quyền thay đổi hộ tịch là Uỷ ban nhân dân xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho cháu (Điều 14 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP).
– Về thủ tục, trình tự giải quyết: áp dụng theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
Các văn bản liên quan:
Bộ Luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Admin Portal
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.