Một số điểm mới liên quan đến việc xử lý các tội phạm về ma túy trong BLHS năm 2015

(Kiemsat.vn) – Pháp điển hóa quy định cụ thể, rõ ràng mức tối thiểu đến mức tối đa định lượng các chất ma túy để truy cứu trách nhiệm hình sự trong từng điều luật; thay đổi đơn vị tính từ “trọng lượng” thành “khối lượng” trong các điều luật để đảm bảo tính chính xác của đơn vị tính; đồng thời, bỏ hình phạt tử hình, quy định khung hình phạt nhẹ hơn so với Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999…

Đó là những nội dung mới liên quan đến việc xử lý các tội phạm về ma túy được quy định trong BLHS năm 2015 nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lĩnh vực hình sự, đặc biệt là yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cụ thể như sau:

Một là, tách thành 4 tội danh riêng biệt về tội phạm ma túy: Tại Chương XVIII “ Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) gồm có 10 Điều luật (từ Điều 192 đến Điều 201) trong đó tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy được quy định gộp chung lại thành một điều luật – Điều 194.

Thực tiễn cho thấy việc gộp chung các tội danh trong cùng một điều luật gặp không ít khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, trong việc xác định tội danh và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Bởi vì, xét về hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy thì không nguy hiểm bằng tội phạm mua bán trái phép chất ma túy, nhưng lại quy định về định lượng chất ma túy và mức hình phạp áp dụng trong cùng một điều luật (Điều 194) là không phù hợp.

Chính vì vậy để xác định tội danh, áp dụng khung hình phạt và hình phạt được công bằng đối với các hành vi phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy, BLHS năm 2015 đã quy định thành 4 tội danh riêng biệt, đó là tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 249; tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 250; tội “Mua bán trái phép chất ma túy ” được quy định tại Điều 251; và tội “Chiếm đoạt chất ma túy” được quy định tại Điều 252.

Như vậy các tội phạm về ma túy quy định tại Chương XX của BLHS năm 2015 gồm 13 điều luật, so với BLHS năm 1999 tăng thêm 3 điều luật (từ Điều 247 – Điều 259), gồm: Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy; Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy; Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy; Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 256. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Hai là,định lượng chất ma túy được quy định cụ thể trong từng điều luật: Tại khoản 1 Điều 194 BLHS năm 1999 chưa quy định cụ thể việc định lượng các chất ma túy, việc xác định cấu thành tội phạm đối với các tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy ban đầu vận dụng vào Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/1/1998 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ và sau đó là căn cứ vào Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của BCA, VKSNDTC, TANDTC, BTP để xác định định lượng mức tối thiểu của các chất ma túy làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Đến nay, BLHS năm 2015 đã pháp điển hóa quy định cụ thể, rõ ràng mức tối thiểu đến mức tối đa định lượng các chất ma túy để truy cứu trách nhiệm hình sự trong từng điều luật, đó là các Điều 249, Điều 250, Điều 252; quy định cụ thể việc định lượng các tiền chất, các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy tại các Điều 253 và Điều 254.

Đồng thời BLHS năm 2015 đã quy định thêm một số chất ma túy nằm trong danh mục các chất ma túy đã được Chính phủ quy định vào các Điều luật cụ thể như chất ma túy Methamphetamine, Amphetamine, MDMA.

Tại khoản 1 các Điều 249, Điều 250, Điều 252 của BLHS năm 2015 quy định định lượng các chất ma túy để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy như sau:

+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

+ Hêrôin,côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

+ Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

+ Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

+ Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

+ Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;

+ Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;

Ba là, thay đổi đơn vị tính: Từ trước đến nay các vụ án ma túy khi thu giữ được vật chứng đều được xác định bằng gam, kilôgam, đối với một số vụ án truy xét các đối tượng khai tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đơn vị tính bằng cây, chỉ, bánh… quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải quy đổi thành gam, kilôgam…. và đây chính là đơn vị tính khối lượng chứ không phải trọng lượng. Đó là lý do BLHS năm 2015 đã thay đổi đơn vị tính từ “trọng lượng” thành “khối lượng” trong các điều luật để đảm bảo tính chính xác của đơn vị tính.

Bốn là, bỏ hình phạt tử hình, quy định khung hình phạt nhẹ hơn so với BLHS năm 1999: Nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của đảng về giảm hình phạt tử hình được thể hiện trong Nghị Quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị Quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

Chính vì vậy, BLHS năm 2015 đã quy định tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy thành 4 tội danh riêng biệt, từ đó có cơ sở để loại bỏ hình phạt tử hình đối với tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” (Điều 249) và tội “Chiếm đoạt chất ma túy” (Điều 252), quy định hình phạt cao nhất đối với 02 tội danh này là tù chung thân.

Điều 194 BLHS năm 1999 quy định mức tối thiểu của hình phạt tù đối với tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và tội “Chiếm đoạt chất ma túy” từ hai năm tù trở lên. BLHS năm 2015 quy định tại Điều 249 và Điều 252 về hình phạt, và định khung hình phạt đối với loại tội phạm này nhẹ hơn so với BLHS năm 1999 từ một năm tù trở lên, cụ thể:

+ Khoản 1 quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

+ Khoản 2 quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

+ Khoản 3 quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

+ Khoản 4 quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân./.



Thúy Liên

TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191