(Kiemsat.vn) – Ngày 30/6/2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 làm cơ sở áp dụng thống nhất trong quá trình xử lý các hành vi phạm tội, trong đó có vấn đề xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cần phải đặc biệt quan tâm và thống nhất trong việc áp dụng.
Tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP quy định: “Kể từ ngày 09/12/2015 đến ngày Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, chỉ áp dụng quy định của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) để xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm thỏa mãn quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) và khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13”.
Như vậy, hướng dẫn tại Nghị quyết số 01 đã nêu rõ là chỉ áp dụng BLHS năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 1999) để xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi thỏa mãn 02 điều kiện:
Một là, đối với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999;
Hai là, đối với các loại tội phạm trong phạm vi 29 tội danh được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015(1).
Vấn đề đặt ra ở đây là áp dụng hướng dẫn này như thế nào? Bởi vì, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định ở BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 là khác nhau. Ví dụ: A 15 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 có khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu căn cứ khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999 thì A không phải chịu TNHS do tội phạm A thực hiện chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng. Nếu căn cứ theo khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 thì A phải chịu TNHS về tội cố ý gây thương tích dù đó là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Như vậy, trong trường hợp này chúng ta vận dụng hướng dẫn tại khoản 1, Điều 4 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP nêu trên như thế nào? Hiện tại có ba loại ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung hướng dẫn này như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng: Kể từ ngày 09/12/2015 đến ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để truy cứu TNHS người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999 và các tội phạm được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015.
Ý kiến thứ hai cho rằng:Theo tinh thần Nghị quyết số 144/2016/QH13 thì các quy định có lợi cho người phạm tội được quy định tại BLHS năm 2015 được tiếp tục áp dụng, do đó, chỉ được truy cứu TNHS người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong phạm vi 22 tội danh được liệt kê từ điểm a đến điểm e khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015.
Ý kiến thứ ba cho rằng: Kể từ ngày 09/12/2015 đến ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để truy cứu TNHS người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với 28 tội danh được liệt kê tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015.
Phân tích ý kiến thứ nhất cho thấy, việc vừa truy cứu TNHS người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi họ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999 và vừa truy cứu TNHS đối với các tội phạm quy định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015 là không phù hợp với việc tiếp tục áp dụng các quy định khác có lợi cho người phạm tội quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 1 của Nghị quyết số 144/2016/QH13, bởi lẽ, trừ 22 tội danh quy định từ điểm a đến điểm e, khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 thì đối với 07 tội danh còn lại được liệt kê vừa có tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và tội hiếp dâm, khung hình phạt thấp nhất của hai tội danh này lần lượt chỉ với 06 tháng đến 03 năm và 02 năm đến 07 năm. Nếu xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trong trường hợp này là làm bất lợi cho họ so với quy định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999.
Đối với ý kiến thứ hai có vẻ phù hợp với việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội theo tinh thần của Nghị quyết số 144/2016/QH13 như đã phân tích trên. Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi họ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong phạm vi 22 tội danh được liệt kê từ điểm a đến điểm e khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015 thì sẽ bỏ lọt 07 tội danh khác cũng được quy định trong khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015 gồm: Tội giết người; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (tội hiếp dâm trẻ em); tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (tội cưỡng dâm trẻ em); tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Bởi theo quy định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999, nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với các tội danh này, thì vẫn bị truy cứu TNHS. Như vậy, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp này không làm bất lợi cho họ, do đó, ý kiến thứ hai này cũng chưa thật sự hợp lý.
Tác giả bài viết này đồng tình với ý kiến thứ ba nêu trên, bởi lẽ căn cứ theo điểm a, khoản 4, Điều 1 của Nghị quyết số 144/2016/QH13 thì kể từ ngày 01/7/2016 các quy định có lợi cho người phạm tội được tiếp tục áp dụng cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định là: “Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015” (Điểm đ, khoản 2, Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13). Như vậy, phạm vi truy cứu TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng (thỏa mãn điều kiện 1) trong phạm vi 29 tội danh được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 (thỏa nãm điều kiện 2).
Vấn đề đặt ra là tại sao khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 quy định 29 tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS nhưng họ chỉ phải chịu TNHS về 28 tội danh như ý kiến thứ ba đã nêu? Ta thấy trong phạm vi 29 tội danh liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 có “Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” nhưng đây là tội phạm mới, do đó, theo hướng có lợi cho người phạm tội thì không được áp dụng. Hơn nữa tội danh này chỉ là tội nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất chỉ đến 07 năm tù.
Với nội dung hướng dẫn tại khoản 1, Điều 4 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP chung chung như vậy chưa thể cụ thể hóa được phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, minh chứng là còn có những quan điểm trái chiều trong việc vận dụng pháp luật như đã phân tích trên trong thời điểm giao thời về hiệu lực của BLHS hiện nay. Thiết nghĩ, Liên ngành tư pháp Trung ương cần rà soát, thống kê, hướng dẫn rõ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi để có sự thống nhất trong việc áp dụng trong thời gian tới./.
(1) Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 quy định:
Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);
đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
Huỳnh Thanh Đạm
Phòng 7 VKSND tỉnh Kiên Giang
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.