THS. LÊ ANH TUẤN – TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, BỘ TƯ PHÁP
Qua nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của Nhật Bản cho thấy quy định pháp thi hành dân sự Nhật Bản có những nội dung tương đồng với pháp luật về thi hành án dân sự ở Việt Nam, tuy nhiên có nhiều nội dung mang tính đặc trưng, đặc thù của Nhật Bản. Ở Nhật Bản pháp luật quy định là thi hành dân sự còn ở Việt Nam là thi hành án dân sự. Xin giới thiệu một số nội dung pháp luật về thi hành dân sự Nhật Bản và khuyến nghị áp dụng tại Việt Nam.
1. Khái lược lịch sử của chế độ thi hành dân sự Nhật Bản
Lịch sử của chế độ thi hành dân sự Nhật Bản trải qua các giai đoạn lịch sử, từ thời EDO năm 1742 (thế kỷ thứ 17) người có nghĩa vụ phải nộp tiền hai lần mỗi tháng vào ngày 04 và 21 để Toà án giao cho người có quyền, nếu không thanh toán đúng thời hạn thì cùm tay người đó từ 30 ngày đến dưới 100 ngày hoặc bị giam lỏng ở nhà từ 20 ngày đến dưới 100 ngày; nếu vẫn không thi hành thì bị áp dụng quy tắc “thân đại hạn” (shindaikagiri), đó là việc lấy tài sản của người có nghĩa vụ để thanh toán cho người có quyền. Đến thời Minh Trị (1872 thế kỷ thứ 18) có sửa đổi và hiện nay là Luật Thi hành dân sự năm 1979, với 19 lần sửa đổi bắt đầu từ năm 1996 đến lần sửa đổi sau cùng vào năm 2004, là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động thi hành dân sự ở Nhật Bản.
2. Căn cứ pháp luật của thi hành dân sự
– Luật Thi hành dân sự và Quy tắc thi hành dân sự
Quy định pháp luật về thủ tục thi hành dân sự và tổ chức đảm nhận thi hành dân sự của Nhật Bản nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật, quy tắc và thậm chí là cả ở trong các điều ước quốc tế nhưng thủ tục thi hành dân sự hiện nay chủ yếu căn cứ vào hai văn bản chính là “Luật Thi hành dân sự” do Quốc hội ban hành và “Quy tắc thi hành dân sự” do Tòa án tối cao ban hành.
Luật Thi hành dân sự về nguyên tắc quy định các nội dung làm cơ sở cho thủ tục và các nội dung có ảnh hưởng quan trọng đến quyền, lợi nghĩa vụ của đương sự và của những người liên quan khác. Luật Thi hành dân sự quy định các nội dung cần thiết về thủ tục thi hành dân sự, còn đối với những nội dung không được quy định trong Luật Thi hành dân sự hoặc đối với các nội dung nhất định cụ thể thì do Tòa án tối cao ban hành Quy tắc thi hành dân sự.
– Áp dụng Luật Tố tụng dân sự
Về thủ tục thi hành dân sự, có trường hợp quy định trong Luật Thi hành dân sự về việc áp dụng quy định của Luật Thi hành dân sự đối với những nội dung riêng biệt cụ thể. Luật Thi hành dân sự hoặc Quy tắc thi hành dân sự không có quy định đặc biệt thì áp dụng Luật Tố tụng dân sự. Thủ tục thi hành dân sự là một phần của thủ tục tố tụng dân sự, cho nên trong số các quy định của Luật Thi hành dân sự hoặc Quy tắc thi hành dân sự những quy định được cho là quy định mang tính nguyên tắc chung cho thủ tục dân sự nói chung thì đương nhiên cũng áp dụng cho thi hành dân sự.
Tuy nhiên, thủ tục thi hành dân sự khác đáng kể so với thủ tục tố tụng là thủ tục để nêu quyền và lợi ích xác định của các đương sự đối lập nhau và là để cho Tòa án đưa ra các nhận định, cho nên quy định về việc tham gia tố tụng là tiền đề cho việc nêu quyền lợi ích nhất định hoặc quy định về hòa giải trong tố tụng, bỏ mặc/thừa nhận yêu cầu (Điều 267 Luật Tố tụng dân sự Nhật Bản) thiếu đối tượng để áp dụng.
3. Về tên gọi của Luật điều chỉnh lĩnh vực thi hành dân sự
Ở Nhật Bản là Luật Thi hành dân sự (Law on civil execution), còn ở Việt Nam là Luật Thi hành án dân sự. Vì thế, Việt Nam có thể nghiên cứu để xem xét sửa đổi tên gọi của Luật thành Luật Thi hành dân sự đảm bảo đúng với việc thi hành bản án, quyết định của Toà án và quyết định của Trọng tài thương mại, Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và cũng là điều kiện để mở rộng thi hành các quyết định, văn bản khác, như: Hợp đồng vay tài sản đã được công chứng, chứng thực v.v.
4. Về phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành dân sự Nhật Bản
Luật Thi hành dân sự Nhật Bản quy định chủ yếu về cưỡng chế thi hành, bán đấu giá để thực hiện quyền bảo đảm, bán đấu giá để chuyển thành tiền và việc công khai tài sản của bên có nghĩa vụ (gọi chung là thi hành dân sự). Cưỡng chế thi hành được thực hiện dựa trên các “chứng thư nghĩa vụ dân sự”.
Các chứng thư nghĩa vụ được thi hành theo Luật Thi hành dân sự Nhật Bản gồm có: (1) Bản án không thể hủy bỏ, (2) Quyết định có kèm tuyên bố thi hành tạm thời, (3) Quyết định không thể khiếu nại nếu như không qua kháng cáo (đối với trường hợp quyết định chưa có hiệu lực pháp luật trừ khi nó là quyết định không thể hủy bỏ thì giới hạn trong phạm vi những nội dung không thể hủy bỏ), (4) Mệnh lệnh thanh toán kèm tuyên bố thi hành tạm thời, (5) Định đoạt của Thư ký Tòa án trong đó quy định án phí hoặc phần tiền phải gánh chịu liên quan đến phí hòa giải hoặc định đoạt của Thư ký Tòa án trong đó quy định về số tiền phải hoàn trả và chi phí thi hành, (6) Chứng thư công chứng do Công chứng viên lập về việc yêu cầu thanh toán một khoản tiền nhất định hoặc yêu cầu cung cấp một số lượng nhất định chứng khoán có giá, trong đó có ghi lời hứa của bên có nghĩa vụ rằng sẽ tuân thủ ngay lập tức việc cưỡng chế thi hành (gọi là chứng thư thi hành), (7) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trong đó có bản án thi hành không thể hủy bỏ, (8) Phán quyết của trọng tài trong đó có quyết định thi hành không thể hủy bỏ, (9) Những thứ có hiệu lực như một bản án không thể hủy bỏ (Điều 22 Luật Thi hành dân sự Nhật Bản).
Như vậy, có 3 loại chứng thư nghĩa vụ được thi hành theo Luật Thi hành dân sự Nhật Bản, ngoài bản án, quyết định của Toà án thì cơ quan thi hành dân sự còn có thẩm quyền thi hành các chứng thư nghĩa vụ với hình thức không phải là quyết định, bản án hoặc các chứng thư nghĩa vụ không có sự can dự của Thẩm phán, như: Chứng thư thi hành do công Chứng viên lập, Văn bản hối thúc thanh toán do Thư ký Tòa án lập hoặc Biên bản hòa giải, Biên bản điều đình được lập như là kết quả của việc thỏa thuận giữa các đương sự. Việt Nam cũng nên nghiên cứu để mở rộng phạm vi thi hành các loại tương tự chứng thư nghĩa vụ này.
5. Cơ quan thi hành dân sự
– Cơ quan thi hành dân sự của Nhật Bản gồm có Tòa thi hành và Chấp hành viên (Điều 2 Luật Thi hành án dân sự).
Đối với việc thi hành định đoạt dân sự do Tòa án tiến hành thì Tòa án có nghĩa vụ thi hành theo quy định của Luật Thi hành dân sự là Tòa thi hành, đối với việc thi hành định đoạt dân sự do Chấp hành viên tiến hành thì Tòa án địa phương mà Chấp hành viên trực thuộc sẽ là Tòa thi hành.
– Tòa thi hành có cơ cấu tổ chức giống với Tòa án phụ trách tố tụng thông thường, ngoài Thẩm phán còn có Thư ký và nhân viên của Tòa án. Chấp hành viên là nhân viên Tòa án.
Thẩm phán được bảo đảm độc lập trong công việc và không có người đóng vai trò giám sát công việc của Thẩm phán (khoản 3 Điều 76 Hiến pháp). Đối với trường hợp Tòa thi hành mà thi hành dân sự không phù hợp với quy định pháp luật thì Tòa cấp trên hoặc bản thân Tòa thi hành sẽ có những sửa chữa sau đó trong vụ việc cụ thể thông qua các thủ tục khiếu nại là Kháng cáo thi hành, Phản đối thi hành (khoản 1 Điều 10, khoản 1 Điều 11 Luật Thi hành dân sự). Trong khi đó, Chấp hành viên chịu sự giám sát nói chung của cán bộ giám sát là người được bổ nhiệm ra trong số các Thẩm phán, ngoài ra Chấp hành viên còn chịu sự chỉ đạo giám sát của Chấp hành viên quản lý tổng hợp, đó là người được lựa chọn ra trong số các Chấp hành viên về công việc nói chung (Điều 5, Điều 5.2 Quy tắc về Chấp hành viên). Việc thi hành trái luật của Chấp hành viên sẽ được sửa chữa trong vụ án cụ thể bởi Tòa thi hành thông qua thủ tục phản đối thi hành (khoản 1 Điều 11 Luật Thi hành dân sự).
Tòa thi hành và Chấp hành viên phân chia chức năng, vai trò tùy theo loại việc thi hành dân sự. Có nghĩa là Tòa thi hành đảm nhận các thi hành mang tính quan niệm, tập trung vào việc nhận định pháp luật (ví dụ như cưỡng chế thi hành đối với bất động sản, cưỡng chế thi hành đối với trái quyền v.v), trong khi đó Chấp hành viên chủ yếu phụ trách thi hành mang tính hành chính sự vụ, hành vi thực lực (ví dụ như cưỡng chế thi hành đối với động sản). Cả hai thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực mà mình phụ trách với tư cách là những cơ quan thi hành độc lập.
Trong số các thủ tục thi hành dân sự mà Tòa thi hành thực hiện có rất nhiều việc Tòa trao quyền cho Thư ký làm như lập bản chi tiết về vật, ủy thác đăng ký các loại, công bố, hối thúc và thông báo v.v, có thể nói rằng Thư ký Toà án đóng vai trò lớn trong thủ tục thi hành dân sự (Điều 62, Điều 48, Điều 54, khoản 2,4 Điều 49, khoản 4 Điều 64 Luật Thi hành dân sự).
– Hiện nay ở Nhật Bản có khoảng 500 Chấp hành viên. Để được làm Chấp hành viên phải có 10 năm làm công tác pháp luật trừ một số đối tượng khác. Có kỳ thi tuyển dụng, mở rộng cho tất cả mọi người dân đều được thi. Mỗi năm 01 lần thi tuyển theo biên chế số lượng, biên chế mỗi năm mỗi thay đổi. Đề thi thống nhất trên toàn quốc nhưng mỗi Toà tổ chức riêng. Chấp hành viên có thể được thuyên chuyển công tác từ nơi này đến nơi khác. Tuổi về hưu của Chấp hành viên là 65.
Chấp hành viên quản lý tổng hợp, trợ lý Chấp hành viên quản lý tổng hợp nhưng cũng là Chấp hành viên. Để trở thành Chấp hành viên quản lý tổng hợp thì bầu trong nhau, đề xuất cho Thẩm phán phụ trách và ra quyết định chấp thuận. Chức danh Chấp hành viên quản lý tổng hợp có từ năm 2001, chế độ chính sách theo quy ước của từng Toà. Năm 2012, tại Toà thi hành Osaka có 30 người tham gia thì thi tuyển được 03 người.
Chấp hành viên được phân công theo loại: Chấp hành viên chuyên đi điều tra tài sản, Chấp hành viên chuyên bán tài sản.v.v. Việc phân công này do các Chấp hành viên tự phân công và thông tin cho Thẩm phán biết.
Chấp hành viên không được trang bị công cụ hỗ trợ. Khi cần thì chọn một người nào đó bảo vệ và trả tiền cho họ, Chấp hành viên trả tiền bảo vệ này.
Chấp hành viên của Nhật Bản không hưởng lương mà thu nhập bằng phí thủ tục do người được thi hành án nộp. Nhà nước bảo đảm mức sống tối thiểu nếu không đạt được mức phí theo biểu phí. Chấp hành viên không bổ nhiệm theo nhiệm kỳ.
Khi Chấp hành viên ra hiện trường thì trở thành là cơ quan thi hành độc nhiệm, nếu người phải thi hành án có động sản phải báo trước thì họ tẩu tán mất, do đó quy định không cần có quyết định cưỡng chế. Động sản của người thứ ba đang cho người phải thi hành sử dụng vẫn bị kê biên và họ có quyền khiếu nại ra Toà.
Chấp hành viên chịu áp lực vì họ luôn nghĩ đến hiện trường bị người phải thi hành chống đối, vì vậy Chấp hành viên luôn tâm niệm không cưỡng chế ngay mà cố gắng động viên thuyết phục thi hành.
Trên 90% Chấp hành viên tham gia vào Hội liên minh Chấp hành viên. Đó là tổ chức chủ yếu nghiên cứu, chia thành các tiểu ban nghiên cứu vào các mảng hoạt động của Chấp hành viên, đúc kết ra thành bảng và nộp cho Toà án tối cao. Do đó, thu hút các Chấp hành viên tham gia. Hội liên minh đã thành lập hơn 50 năm, mỗi năm phát hành một tạp chí về Chấp hành viên.
6. Các thủ tục thi hành dân sự ở Nhật Bản
– Cưỡng chế thi hành
Cưỡng chế thi hành là thủ tục được thực hiện để thỏa mãn một cách cưỡng chế quyền yêu cầu theo luật tư. Thủ tục này được thực hiện dựa trên văn bản chứng minh về sự tồn tại và nội dung của quyền yêu cầu, gọi là “chứng thư nghĩa vụ”. Nếu quyền yêu cầu cần thi hành là tiền thì gọi là thi hành tiền và được phân biệt với các trường hợp thi hành khác gọi là thi hành phi tiền.
Đối với động sản thì khi cưỡng chế không phải báo trước, không phải có quyết định hay lệnh cưỡng chế.
– Thi hành bảo đảm
Đây là thủ tục nhằm thỏa mãn trái quyền được bảo đảm bằng cách cưỡng chế bán đấu giá tài sản là đối tượng của vật quyền bảo đảm để chuyển thành tiền hoặc các phương pháp khác dựa trên các vật quyền bảo đảm là thế chấp, cầm cố. Bán đấu giá để thực hiện quyền bảo đảm là ví dụ điển hình của việc thi hành bảo đảm. Về thủ tục không thông qua bán đấu giá gồm có thủ tục lấy thu nhập của bất động sản là đối tượng bảo đảm để thanh toán nợ (thi hành thu nhập bất động sản bảo đảm), thủ tục trong trường hợp bảo đảm bằng quyền yêu cầu chu cấp về tài sản. Tài sản là đối tượng thi hành nếu là động sản thì cơ quan thi hành là Chấp hành viên, còn nếu là bất động sản hay quyền yêu cầu chu cấp về tài sản thì là Tòa thi hành.
– Bán đấu giá hình thức
Là bán đấu giá mà Luật Dân sự, Luật Thương mại và các luật khác cho phép trong trường hợp nhất định theo đó mục đích không phải là thỏa mãn quyền yêu cầu mà là chuyển thành tiền tài sản là đối tượng thi hành. Bán đấu giá hình thức áp dụng một cách tổng thể quy định về chuyển thành tiền trong thi hành đảm bảo. Sự phân biệt về cơ quan thi hành cũng giống với thi hành bảo đảm.
– Công khai tài sản
Đây là thủ tục mà Tòa án ra lệnh cho người có nghĩa vụ phải công khai tài sản. Khi thi hành tiền, người có quyền lợi yêu cầu trả tiền sẽ phải xác định tài sản của người có nghĩa vụ là đối tượng thi hành và yêu cầu kê biên tài sản đó. Tuy nhiên, khó có thể biết được người có nghĩa vụ có những tài sản nào, ở đâu, cho nên năm 2003 Nhật Bản đã áp dụng cơ chế mới để người có quyền lợi có thể tiếp cận thông tin về tài sản của người có nghĩa vụ. Cơ chế này là để chuẩn bị cho việc thi hành tiền và bản thân nó không phải là thủ tục để thực hiện quyền lợi một cách cưỡng chế, nhưng theo quy định của Luật Thi hành dân sự thì nó được quy định như là thi hành dân sự.
7. Quy định về tống đạt
Liên quan đến thủ tục thi hành dân sự, người làm đơn kiện, đơn đề nghị hoặc thông báo với Tòa thi hành hoặc người nhận được tống đạt các giấy tờ từ Tòa thi hành phải thông báo cho Tòa thi hành về nơi sẽ nhận tống đạt (trong phạm vi nước Nhật). Trong trường hợp này, người này cũng có thể thông báo về người tiếp. Văn bản tống đạt của Tòa thi hành sẽ được gửi đến địa chỉ, nơi cư trú, nơi kinh doanh hoặc văn phòng của người có tên trong hồ sơ vụ việc.
Trong trường hợp phải tống đạt, nếu như không thể thực hiện tống đạt theo quy định của Điều 106 Luật Tố tụng dân sự thì Thư ký Tòa án có thể gửi giấy tờ đến địa chỉ, nơi ở, nơi kinh doanh hoặc văn phòng bằng hình thức gửi bảo đảm qua bưu điện hoặc theo hình thức tương tự như bảo đảm qua bưu điện trong số các dịch vụ về gửi thư tín quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Luật về gửi thư tín do doanh nghiệp tư nhân thực hiện (Luật số 99, năm 2002) mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thư tín nói chung cung cấp (quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật về gửi thư tín do doanh nghiệp tư nhân thực hiện hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thư tín đặc biệt (quy định tại Khoản 9 Điều 2 Luật về gửi thư tín do doanh nghiệp tư nhân thực hiện) và tuân theo quy định của Quy chế của Tòa án tối cao.
Thời điểm phát sinh hiệu lực của các văn bản là khi tống đạt được văn bản đó đến cho đương sự.
8. Thủ tục cưỡng chế thi hành
– Cấu trúc của thủ tục cưỡng chế thi hành:
Thủ tục cưỡng chế thi hành là chế độ có mục đích là thỏa mãn trái quyền, có nghĩa là thỏa mãn quyền yêu cầu của người có quyền đối với người có nghĩa vụ. Quyền yêu cầu có thể được phân thành trái quyền tiền có mục đích là tiền và các trái quyền khác ngoài trái quyền tiền. Từ “trái quyền” là từ chuyên ngành luật chỉ quyền lợi đối với người và dùng để đối lập với vật quyền là quyền chi phối đối với vật. Ở Nhật Bản, quyền yêu cầu cần phải thực hiện trong cưỡng chế thi hành được gọi với từ là “trái quyền thi hành”, vì thế vấn đề đặt ra là “bán” vật kê biên.
Bán là một phương pháp để chuyển thành tiền và được coi là đối tượng để xem xét cưỡng chế thi hành cho các trái quyền cần thiết phải chuyển thành tiền. Vì vậy, về trái quyền thi hành chỉ cần nghĩ đến trái quyền tiền là được. Trái quyền tiền đóng vai trò quan trọng nhất trong xã hội hiện đại và có thể có lựa chọn thích hợp làm đối tượng xem xét. Ở Nhật Bản quy định về thủ tục dân sự gọi là cưỡng chế thi hành ở Luật Thi hành dân sự. Mục tiêu sau cùng của thủ tục cưỡng chế thi hành là để thỏa mãn trái quyền thi hành và quy trình của nó rất đa dạng tùy thuộc vào loại trái quyền thi hành. Có thể nói rằng các loại trái quyền là lớn vô cùng và không thể xây dựng quy định pháp luật có thể bao phủ được tất cả mọi thứ này. Tuy nhiên, về cưỡng chế thi hành vì trái quyền tiền thì có một dạng, có nghĩa là cưỡng chế thi hành vì trái quyền tiền được thực hiện theo quy trình là: kê biênàchuyển thành tiềnàthỏa mãn. Các quy định pháp luật đã được xây dựng theo dạng này. Chuyển thành tiền là tiền đề để thỏa mãn trái quyền tiền. Kê biên là bước để chuẩn bị cho việc chuyển thành tiền. Việc kê biên có hiệu lực cấm người có nghĩa vụ xử lý là vì đó là cần thiết để chuyển thành tiền.
Ở Nhật Bản thường hay thi hành với đối tượng là bất động sản và các quy định về vấn đề này chiếm nhiều điều luật của Luật Thi hành dân sự. Bên cạnh đó, trái quyền tiền đối với tổ chức tài chính đặc biệt là cưỡng chế thi hành đối với trái quyền tiền gửi cũng không ít.
– Phương pháp chuyển thành tiền:
Chuyển thành tiền là việc chuyển giá trị mà vật có được thành tiền. Giá trị mà vật có được có thể được hiểu bằng cách phân thành giá trị trao đổi và giá trị sử dụng. Về phương pháp chuyển thành tiền giá trị sử dụng, có thể có các phương pháp ví dụ như cho ai đó thuê vật để nhận tiền cho thuê, bằng cách đó chuyển giá trị sử dụng của vật thành tiền. Luật Thi hành dân sự quy định thủ tục cưỡng chế quản lý, coi đó là việc cưỡng chế thi hành đối với bất động sản. Bán là phương pháp chuyển thành tiền giá trị trao đổi. Đây là thủ tục được gọi là thủ tục cưỡng chế bán đấu giá trong Luật Thi hành dân sự. Bán theo đúng nghĩa của từ này là bán vật nhưng vất đề là bán cho ai và bao nhiêu.
Trường hợp bán thì cần đưa vật ra thị trường và phải tìm ra người mua. Trong động sản, có những vật không cần thiết phải chuyển thành tiền, đó là tiền mặt. Tiền mặt, trong Luật Thi hành dân sự được kê biên như động sản và được để nguyên như vậy để thỏa mãn trái quyền.
Mặc dù việc bán và sử dụng/thu lợi là các phương pháp chuyển thành tiền chủ yếu nhưng tùy thuộc vào vật là đối tượng thi hành mà còn có các phương pháp chuyển thành tiền khác.
– Chuyển thành tiền đối với trái quyền:
+ Ví dụ về tiền cho vay: G cho S vay 100 triệu đồng, đã khởi kiện đòi trả tiền và thắng kiện. S làm việc tại công ty N và có lương hàng tháng là 30 triệu đồng. G đã yêu cầu cưỡng chế thi hành án để thu hồi khoản tiền cho vay. Cơ quan thi hành đã kê biên trái quyền tiền lương của S ở công ty N. Vậy thì làm thế nào để chuyển thành tiền trái quyền tiền lương?
Phương pháp mà họ nghĩ ra là “bán”. Trái quyền cũng là một quyền tài sản và có thể chuyển nhượng, tuy nhiên hầu như không có ai nhận mua trái quyền tiền lương như thế này và cho dù có người đề nghị mua thì số tiền bán được cũng sẽ thấp hơn số tiền theo mệnh giá. Không thể nói rằng đây là phương pháp tốt.
Trái quyền tiền lương là trái quyền tiền. Trái quyền tiền có thể có được tiền bằng cách thu trái quyền từ người có nghĩa vụ. Vì vậy, đối với các trái quyền tiền như trái quyền tiền lương thì việc thu trái quyền từ người có nghĩa vụ bị kê biên trái quyền (trong Luật Thi hành dân sự gọi là “bên thứ ba có nghĩa vụ” là phương pháp chuyển thành tiền trực tiếp và đơn giản nhất. Vậy thì ai sẽ là người thu. Về lý luận cơ quan thi hành sẽ là người thu. Ở Nhật Bản, về thi hành trái quyền thì Tòa thi hành được coi là cơ quan thi hành. Luật Thi hành dân sự Nhật Bản đã buộc người có quyền thu. Tước quyền được thanh toán (trả nợ) của S là người có nghĩa vụ (người có quyền của trái quyền bị kê biên) bằng cách kê biên trái quyền, buộc G thu trái quyền tiền lương bằng cách trao cho G là người có quyền lợi kê biên, quyền được thanh toán (trả nợ). Điều 155 Luật Thi hành dân sự quy định rằng “người có quyền lợi bị kê biên trái quyền tiền có quyền thu trái quyền đó khi đã quá 1 tuần kể ngày tống đạt lệnh kê biên đối với người có nghĩa vụ”. Người có quyền lợi vốn dĩ chỉ có quyền thu thay – điều mà vốn dĩ cơ quan thi hành phải tự làm. Điều đó có nghĩa là người có quyền không phải là người thu với tư cách là người có quyền mà là người thu với tư cách là người hỗ trợ thi hành.
Trường hợp công ty N là bên thứ ba có nghĩa vụ không đáp ứng việc thu của người có quyền lợi G thì G có quyền khởi kiện dựa vào quyền được thu. Điều này được gọi là tố tụng thu.
+ Ví dụ về tiền gửi ngân hàng: Tiền gửi ngân hàng về mặt pháp luật là trái quyền tiền gọi là trái quyền tiền gửi, tiền gửi ngân hàng có giá trị đúng như mệnh giá. Nếu S gửi ngân hàng Việt Nam 100 triệu đồng thì G sẽ nghĩ đến việc thu hồi trái quyền từ số tiền gửi này. Nếu như trái quyền tiền gửi đã bị kê biên thì để chuyển nó thành tiền G sẽ thu hồi 100 triệu đồng này từ ngân hàng. Đối với G thì có thể thu hồi được khoản tiền cho S vay bằng cách nhận số tiền 100 triệu đồng, nhưng cho dù là nhận được trái quyền tiền gửi 100 triệu đồng đối với Ngân hàng Việt Nam không phải với hình thức là tiền đi chăng nữa thì nó cũng có ý nghĩa giống như là đã thu hồi trái quyền 100 triệu đồng. Luật Thi hành dân sự đã xác lập chế độ “lệnh dịch chuyển” và quy định rằng “theo yêu cầu của người có quyền lợi kê biên, Tòa thi hành có quyền ra lệnh dịch chuyển trái quyền tiền đã được kê biên với số tiền mệnh giá cho người có quyền lợi kê biên, thay cho việc thanh toán” Điều 159). Người đứng tên trên trái quyền tiền gửi được viết chuyển từ người có nghĩa vụ S thành người có quyền lợi G thông qua lệnh của Tòa án. Chế độ lệnh dịch chuyển này đã thực hiện một cách đồng thời việc chuyển thành tiền và thỏa mãn yêu cầu.
– Thi hành đối với cổ phần: Về tính chất pháp lý của cổ phần thì có rất nhiều tranh luận về phương diện luật công ty, nhưng quan điểm chiếm đa số thì cho rằng cổ đông trong công ty cổ phần được coi như có vị trí như là thành viên toàn diện (thuyết quyền thành viên công ty). Cổ phần là địa vị không phải là vật hữu hình, không phải là “vật” theo qui định của Luật Dân sự. Có kỹ thuật để chuyển tài sản vô hình thành hữu hình – đó là giấy tờ có giá. Luật Thi hành dân sự quy định giấy tờ có giá được coi là động sản (Điều 122) và việc cưỡng chế thi hành đối với giấy tờ có giá phải tuân theo thủ tục cưỡng chế thi hành đối với động sản. Trường hợp cổ phiếu đối với cổ phần được phát hành thì cổ phiếu đó được kê biên như động sản. Chấp hành viên sẽ chiếm hữu và bán cổ phiếu. Ngoài cách bán đấu giá, bỏ giá, còn chấp nhận bán đặc biệt ủy thác bán. Trường hợp có thể bán thông qua công ty chứng khoán hay trường hợp không có tính lưu thông như công ty tư nhân hay công ty nhỏ thì sẽ có thể bán theo những cách thích hợp với từng loại.
Đối với trường hợp chưa phát hành cổ phiếu thì cổ phần được coi như “quyền tài sản khác” và sẽ cưỡng chế thi hành theo “trường hợp thi hành trái quyền” (Điều 167 Luật Thi hành dân sự).
Trong đời sống hiện đại, người ta phi giấy hóa các giấy tờ có giá và ngay cả cổ phần cũng được giao dịch bằng chế độ quyết toán chuyển đổi. Nó được giao dịch thông qua tài khoản mà người có nghĩa vụ mở tại công ty chứng khoán. Cơ quan thi hành sẽ kê biên cổ phần được ghi trong tài khoản của người có nghĩa vụ và chuyển thành tiền thông qua giao dịch tài khoản.
9. Thủ tục thi hành bán
– Phương pháp và thủ tục chuyển thành tiền đối với bất động sản:
Về cưỡng chế thi hành đối với bất động sản thì có cưỡng chế bán đấu giá và cưỡng chế quản lý. Việc “bán” để chuyển thành tiền giá trị trao đổi được thực hiện bằng thủ tục cưỡng chế bán đấu giá.
Về phương pháp bán thì có 4 phương pháp là: (1) ngày bỏ giá, (2) thời hạn bỏ giá, (3) bán đấu giá và (4) bán đặc biệt. Người có nguyện vọng mua sẽ nộp đơn bỏ giá trong thời hạn nhất định và sẽ quyết định cho người có đề nghị mua với giá cao nhất – người đã bỏ giá cao nhất. Bán đấu giá là tiến hành đấu giá đề nghị mua vào ngày nhất định và người có đề nghị với số tiền cao nhất sẽ là người đề nghị mua với giá cao nhất. Bán theo phương pháp khác ngoài cách bỏ giá, đấu giá là phương pháp bán đặc biệt. Thư ký Tòa án sẽ lựa chọn áp dụng theo phương pháp nhất định, Chấp hành viên sẽ là người thực hiện bán (Khoản 1, 3 Điều 64 Luật Thi hành dân sự). Để thực hiện bán đặc biệt, ít nhất cũng phải thực hiện bỏ giá hoặc bán đấu giá 1 lần (Điều 51 Quy tắc thi hành dân sự).
Trường hợp bỏ giá hoặc bán đấu giá thì Thư ký Tòa án sẽ công bố bán để mời rộng rãi những người có nguyện vọng mua. Nội dung công bố gồm “hiển thị bất động sản cần bán, giá bán cơ sở, ngày giờ và địa điểm bán” (Khoản 5 Điều 64 Luật Thi hành dân sự) hay “ngày giờ và địa điểm mở phiên quyết định bán, giá có thể mua, số tiền bảo đảm cho đề nghị mua, phương pháp cung cấp” .v.v (Điều 36 Quy tắc). Chấp hành viên sẽ chủ tọa thủ tục mở phiếu bỏ giá, bán đấu giá.
Sau khi kết thúc việc bán, Tòa thi hành sẽ mở phiên quyết định bán, tuyên cấp phép hoặc không cấp phép bán (Điều 69 Luật Thi hành dân sự). Tòa thi hành sẽ ra quyết định cấp phép bán trừ khi có lý do không cấp phép bán được liệt kê trong Điều 71 Luật Thi hành dân sự.
Quyết định cấp phép bán, xét về mặt luật nội dung có ý nghĩa là chấp thuận đề nghị mua của người đề nghị mua với giá cao nhất. Vì vậy, một khi quyết định cấp phép bán đã có hiệu lực thì hợp đồng mua bán được xác lập và người mua có nghĩa vụ trả tiền. Khi quyết định cấp phép bán đã có hiệu lực thì người mua phải nộp cho Thư ký Tòa án tiền mua theo thời hạn mà Thư ký Tòa án quyết định (Khoản 1 Điều 78 Luật Thi hành dân sự). Người mua có được quyền sở hữu bất động sản bằng cách nộp tiền mua (Điều 79 Luật Thi hành dân sự).
– Tư cách của người nhận mua:
Luật Thi hành dân sự của Nhật Bản không chấp nhận người có nghĩa vụ đưa ra đề nghị mua (Điều 68). Đây không phải là do sự cần thiết phải cấm người có nghĩa vụ có tiền đủ để mua lại vật bị kê biên đưa ra đề nghị mua mà đây là vấn đề mang tính chính sách. Tuy nhiên, trường hợp có hạn chế về việc được hưởng quyền theo quy định của luật ví dụ như đối với đất nông nghiệp .v.v thì lại khác. Không cần cấm người bảo lãnh hay người xác lập bảo đảm cho người có nghĩa vụ, người thân trong gia đình đưa ra đề nghị mua.
Trường hợp bản thân người có nghĩa vụ đưa ra đề nghị mua thì đó là đề nghị mua không hợp lệ và sẽ là căn cứ không cấp phép bán (Khoản 2 Điều 71 Luật Thi hành dân sự).
– Xác lập điều kiện bán:
Điều kiện tiền đề bán bất động sản là phải nắm bắt được hiện trạng của bất động sản. Vì vậy, Tòa thi hành sau khi ra quyết định mở bán đấu giá sẽ phải nhanh chóng “ra lệnh cho Chấp hành viên điều tra về hình dạng, quan hệ chiếm hữu và các hiện trạng khác của bất động sản” (Khoản 1 Điều 57 Luật Thi hành dân sự). Chấp hành viên sẽ phải nhanh chóng tiến hành điều tra hiện trạng nhưng trước hết phải xác nhận quan hệ vị trí của bất động sản là đối tượng thi hành tại hiện trường và điều tra quan hệ chiếm hữu. Chấp hành viên có quyền mở khóa để quyền cưỡng chế bất động sản. Việc trao cho Chấp hành viên quyền cưỡng chế là để đảm bảo tính chính xác của việc điều tra. Chấp hành viên dựa trên việc điều tra hiện trạng sẽ lập báo cáo điều tra hiện trạng và các nội dung ghi đươc quy định trong Điều 29 Quy tắc thi hành dân sự.
Giá bán là yếu tố quan trọng nhất trong việc bán, đặc biệt là việc đảm bảo giá bán thích hợp trong thi hành bán là vấn đề quan trọng nhất về mặt nghiệp vụ. Luật Thi hành dân sự trước đây quy định về chế độ giá bán tối thiểu, theo đó không cho phép bán đối với đề nghị mua thấp hơn giá bán tối thiểu mà Tòa thi hành đặt ra. Do thiếu tính thị trường trong thi hành bán cho nên giá bán tối thiểu không phát huy được đầy đủ chức năng. Có nghĩa là trong trường hợp không có đề nghị mua với giá bán tối thiểu thì chỉ có cách là hạ giá bán tối thiểu đề chờ đề nghị mua và giá bán tối thiểu trên thực tế sẽ là giá bán với giá cao nhất, nói cách khác cho thấy khía cạnh của trò chơi xem ai kiên nhẫn.
Cho dù cần phải duy trì mục đích của giá bán tối thiểu là tránh việc bán phá giá bất chính, công bố giá bán thích hợp để đưa ra sự hướng dẫn cho đề nghị mua, nhưng vì giá bất động sản có một khoảng nhất định cho nên Luật Thi hành dân sự đã sửa đổi theo hướng bãi bỏ chế độ giá bán tối thiểu và sửa thành chế độ giá bán cơ sở. “Tòa thi hành quy định về giá làm cơ sở cho số tiền bán bất động sản dựa trên đánh giá của người định giá” (Khoản 1 Điều 60 Luật Thi hành dân sự), giá đề nghị mua được quy định là phải từ 80% của giá này trở lên (Khoản 3 Điều 60 Luật Thi hành dân sự). Giá có thể mua có vai trò là giá bán tối thiểu.
Người đề nghị mua sẽ tham khảo giá bán cơ sở này để đưa ra đề nghị mua. Bên cạnh đó, nó cũng là cơ sở cho việc bán vượt quá, phân chia hay phân bổ chi phí và thực hiện chức năng quan trọng về mặt thủ tục. Vì vậy việc quyết định giá bán cơ sở trở nên quan trọng.
Giá bán cơ sở được quyết định dựa trên sự đánh giá cả người định giá do Tòa thi hành lựa chọn. Khi tính giá đánh giá, ngoài các trường hợp có lý do hợp lý như việc đánh giá là không đúng do có sự nhận lẫn về mặt pháp lý hoặc trên thực tế dựa trên sự đánh giá của người định giá v.v thì giá đánh giá của người định giá được coi là giá cơ sở. Người định giá chỉ giới hạn trong số những người có chứng chỉ theo quy định pháp luật, nhưng đây là chế độ có tính khả thi vì các chuyên gia được lựa chọn có độ tin cậy cao ví dụ như là giám định viên bất động sản v.v. Người định giá khi đánh giá cần thu thập các tài liệu và có quyền vào bên trong bất động sản và cũng có quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích như: điện, gas.
Trong thi hành bán có các yếu tố làm giảm giá không liên quan đến quan hệ tin cậy giữa các bên đương sự trong giao dịch và nó có một số hạn chế về mặt thủ tục khác với mua bán nói chung trên thị trường. Giá bán cơ sở buộc phải thấp hơn giá giao dịch thông thường. Có quy định rõ rằng “trong thủ tục cưỡng chế bán đấu giá, người định giá phải xem xét đánh giá để thực hiện bán bất động sản” (Khoản 2 Điều 58 Luật Thi hành dân sự).
Nếu có sự biến động về giá cả của bất động sản là đối tượng thi hành sau khi đã có quyết định giá bán cơ sở thì cần phải xử lý như thế nào? Trường hợp nguyên nhân biến động giá là dựa trên sự biến động của tình hình kinh tế thì cho phép thay đổi giá bán cơ sở (Khoản 2 Điều 60 Luật Thi hành dân sự). Còn trường hợp do những thiệt hại của bất động sản thì giá bán cơ sở sẽ được thay đổi nếu như trước khi có đề nghị mua, còn nếu đã bán mất rồi thì có thể là lý do không cấp phép bán. Sau khi có đề nghị mua thì có thể là nguyên nhân không cấp phép bán hoặc hủy quyết định cấp phép bán.
Giá bán cơ sở chẳng qua chỉ là giá tham khảo và giá mua thực tế được quyết định do việc thực hiện bán. Bán với giá thích hợp tùy thuộc vào việc có hay không đề nghị mua với giá thích hợp và cần thiết phải mời được người đề nghị mua, cho nên cần phải cung cấp thông tin cho người có nguyện vọng mua.
– Hướng dẫn mua và cung cấp thông tin:
Bản copy 03 bộ giấy tờ gồm bản chi tiết về bất động sản, báo cáo điều tra hiện trạng và bản định giá hay còn gọi là 03 bộ (tri set) được chuẩn bị sẵn ở Tòa thi hành để cung cấp thông tin cho người có nguyện vọng mua. Bản chi tiết về bất động sản là tài liệu do Thư ký Tòa án lập ra, thể hiện về bất động sản là đối tượng thi hành, quan hệ quyền lợi về bất động sản đó. Nếu chỉ chuẩn bị sẵn 03 bộ này ở Tòa án thì người có nguyện vọng phải đến Tòa án để xem, nên điều này là bất tiện và không thân thiện, là phương pháp không thích hợp cho việc mời nhiều người có nguyện vọng mua tham gia. Chính vì vậy người ta đã sử dụng internet để cung cấp thông tin hay còn gọi là 「BITシステム」=“Broadcast Information of Tri-set System”. Có thể truy cập vào trang web này để biết được thông tin về thi hành bất động sản trên cả nước Nhật(http://bit.sikkou.jp/).
Về giao dịch bất động sản, người ta không chỉ dựa vào thông tin văn bản mà thông thường còn kiểm tra trực tiếp. Để đáp ứng nhu cầu đó, một cơ chế gọi là xem trước được thiết lập. Việc sử dụng cơ chế này khiến cho người có nguyện vọng mua có thể xác nhận trên thực tế bên trong của bất động sản và đây là phương pháp công bố thông tin hữu hiệu. Khi vận dụng cơ chế xem trước, cần lưu ý đến tính riêng tư của người chiếm hữu, sự ổn định cuộc sống của người đang sinh sống ở đó cho nên đặt ra yêu cầu là cần có sự duy trì trật tự thích đáng của Chấp hành viên.
– Xử lý trong trường hợp không bán được:
Nhật Bản cho rằng trường hợp không bán được thì cần nghĩ đến việc có tiếp tục bán không hay từ bỏ việc bán? Bán không thành công nếu là do giá bán cơ sở không phù hợp thì sẽ xem lại giá bán cơ sở và sau khi hạ xuống thì thử bán lại. “Tòa thi hành xem xét hiện trạng bất động sản, tình trạng sử dụng, quá trình thủ tục và các tình hình khác”, khi thấy rằng không có triển vọng bán được cho dù có thực hiện bán lần nữa với giá bán cơ sở” ban đầu thì “có quyền thay đổi giá bán cơ sở” (Điều 30.3 Quy tắc) và bán lần nữa.
Để thúc đẩy sự tự lực của người có quyền lợi kê biên trong việc bán bất động sản, Luật Thi hành dân sự quy định rằng “trường hợp đã thực hiện bán 3 lần bằng cách bỏ giá hay đấu giá mà vẫn không có đề nghị mua, sau khi xem xét hình dạng bất động sản, công dụng, các quy chế về việc sử dụng theo quy định pháp luật và các tình hình khác, nếu thấy rằng cho dù có bán lần nữa cũng không có triển vọng bán được thì có quyền đình chỉ thủ tục cưỡng chế đấu giá”, và “khi người có quyền lợi kê biên….đề xuất với Tòa thi hành về việc cho bán với lý do là có người định đề nghị mua,….. thì sẽ thực hiện bán”, “khi người có quyền lợi kê biên…. không đề xuất thực hiện bán thì….. có quyền hủy thủ tục cưỡng chế bán” .
10. Thi hành quyền sở hữu trí tuệ
Các quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế, thương hiệu, bản quyền cũng là giá trị về tài sản và phù hợp để cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, quyền nhân thân của tác giả có tính chất thuộc về một người và không có khả năng chuyển nhượng cũng không thể kê biên. Quyền sở hữu trí tuệ là vật vô hình được thi hành theo trường hợp thi hành trái quyền với tư cách là “trái quyền và các tài sản khác”. Vì vậy, việc thi hành sẽ được thực hiện theo lệnh kê biên của Tòa thi hành.
Về phương pháp chuyển thành tiền đối với quyền sở hữu trí tuệ có 3 khả năng là lệnh chuyển nhượng, lệnh bán và lệnh quản lý (Điều 167, Điều 161 Luật Thi hành dân sự). Lệnh quản lý nghĩa là thủ tục nhằm thỏa mãn bằng cách lựa chọn người quản lý để quản lý quyền sở hữu trí tuệ và thu lợi từ quyền sở hữu trí tuệ đó, nhưng trên thực tế nó ít được áp dụng vì có khó khăn trong việc lựa chọn người quản lý.
Lệnh chuyển nhượng là việc Tòa thi hành ra lệnh chuyển nhượng cho người có quyền lợi kê biên với giá do Tòa án quy định thay cho việc thanh toán. Người có quyền lợi kê biên sẽ có được quyền sở hữu trí tuệ đã kê biên thay cho trái quyền thi hành và đây là chế độ thỏa mãn mang tính độc quyền. Còn lệnh bán là lệnh cho Chấp hành viên bán quyền sở hữu trí tuệ. Về mặt nghiệp vụ thì rằng hầu hết áp dụng lệnh bán này. Tòa thi hành “trong trường hợp ra các lệnh này, khi thấy cần thiết, có quyền lựa chọn người định giá, ra lệnh định giá (Điều 139 Quy tắc), về mặt nghiêp vụ, thì thông thường Tòa sẽ nhờ Hội Luật sư quyền sở hữu trí tuệ (biện lý) giới thiệu người định giá và chọn người này làm người định giá.
Việc bán đấu giá cổ phiếu theo hướng yêu cầu doanh nghiệp mua, nếu không mua thì bán cho người thứ ba.
11. Cưỡng chế thi hành có yếu tố nước ngoài
Cưỡng chế thi hành có yếu tố nước ngoài là lĩnh vực được chú ý. Yếu tố nước ngoài trong thi hành dân sự có thể tồn tại trong chủ thể và khách thể thi hành. Thi hành bản án của Tòa án nước ngoài là vấn đề công nhận và cho thi hành bản án. Ở Nhật Bản, việc đính kèm bản án thi hành vào bản án nước ngoài có thể là cơ sở cho việc cưỡng chế thi hành bản án nước ngoài cũng giống như bản án của Nhật Bản. Thủ tục thi hành cũng giống như bản án của Nhật Bản.
Trường hợp chủ thể có yếu tố nước ngoài gồm có trường hợp người có quyền, người có nghĩa vụ, bên thứ ba có nghĩa vụ là người nước ngoài/pháp nhân nước ngoài nhưng vì người nước ngoài và người trong nước bình đẳng với nhau cho nên về cơ bản là không cần phân biệt.
Trường hợp điển hình về khách thể có yếu tố nước ngoài là trường hợp đối tượng kê biên ở nước ngoài. Quyền thi hành dân sự là việc phát động chủ quyền quốc gia và chỉ có thể thực hiện được trong phạm vi chịu ảnh hưởng của chủ quyền quốc gia mà thôi. Đối với những thứ ở nước ngoài, nếu cưỡng chế thi hành thì sẽ gây ra xung đột với chủ quyền nước ngoài cho nên không thể cưỡng chế thi hành được. Đây là vấn đề thẩm quyền thi hành quốc tế, cơ quan thi hành chỉ có quyền thi hành đối với vật nằm trong lãnh thổ nước mình. Trường hợp là vật hữu hình như động sản, bất động sản thì không khó để xác định xem vật đó ở trong nước hay nước ngoài.
12. Thứ tự phân chia tiền thi hành án
– Người có quyền nhận phân chia:
Luật Thi hành dân sự Nhật Bản quy định rằng (1) người có quyền lợi kê biên, (2) người có quyền yêu cầu phân chia, (3) người có quyền lợi tạm kê biên, (4) người có quyền bảo đảm được thỏa mãn yêu cầu từ tiền bán đấu giá (khoản 1 Điều 87). Người có quyền yêu cầu phân chia phải yêu cầu phân chia trước khi kết thúc thời hạn yêu cầu phân chia do Thư ký Tòa án quy định sau khi kê biên có hiệu lực (Điều 49), người có quyền lợi tạm kê biên cũng phải tiến hành tạm kê biên trước khi kê biên. Ngoài ra còn được phân chia đối với phần quyền bảm đảm bị triệt tiêu do việc bán tài sản.
Không phải tất cả người có quyền lợi đều có quyền yêu cầu phân chia. Sự khác biệt so với thủ tục phá sản như thi hành toàn bộ là ở chỗ đó, có nghĩa là chỉ những người sau mới có thể yêu cầu phân chia (1). Người có quyền lợi có bản chính thi hành (bản chính của chứng thư nghĩa vụ, ở Việt Nam có nghĩa là bản án), (2). Người có quyền lợi tạm kê biên đã được đăng ký sau khi đăng ký kê biên và (3). Người có quyền ưu tiên (đặc quyền lấy trước) nói chung. Người có quyền ưu tiên (đặc quyền lấy trước) nói chung sẽ không được chấp nhận phân chia, nếu không chứng minh được bằng văn bản rằng minh là người có quyền ưu tiên (đặc quyền lấy trước) (Điều 181).
Hơn nữa, người có quyền lợi về thuế cũng được chấp nhận phân chia dưới hình thức là yêu cầu cung cấp. Yêu cầu cung cấp cũng cần phải được thực hiện trước khi hết hạn yêu cầu phân chia.
– Thủ tục phân chia:
Người có quyền lợi cho dù là một người hay là một số người thì thủ tục cũng đơn giản trong trường hợp tiền bán đấu giá đủ để thỏa mãn toàn bộ số tiền của trái quyền thì sẽ trao tiền thanh toán cho người có quyền, phần còn lại sẽ được cấp cho người có nghĩa vụ (Điều 84). Đây được gọi là cấp tiền thanh toán.
Nếu như có nhiều người có quyền lợi và không đủ để thỏa mãn cho tất cả thì về mặt thủ tục sẽ cần có sự thận trọng. Luật Thi hành dân sự quy định các thủ tục dưới đây về phân chia:
+ Tòa Thi hành sẽ xác định ngày thực hiện phân chia (gọi là ngày phân chia) và triệu tập người có quyền nhận phân chia và người có nghĩa vụ (Điều 84).
+ Trong ngày phân chia, Tòa thi hành sẽ lập bảng phân chia làm cơ sở cho việc phân chia. Trong bảng phân chia có ghi số tiền của trái quyền, chi phí thi hành, thứ tự phân chia và số tiền phân chia (Khoản 1 Điều 85).
+ Về số tiền và thứ tự phân chia, nếu Tòa có quy định thì sẽ theo quy định của Luật dân sự, thương mại và các luật khác, còn trường hợp tất cả những người có quyền thỏa thuận được với nhau thì thỏa thuận sẽ được ưu tiên thực hiện. Không cần có sự thỏa thuận với người có nghĩa vụ. “Người có quyền hoặc người có nghĩa vụ nếu có khiếu nại về trái quyền hoặc số tiền được chia của những người có quyền lợi được ghi trong bảng phân chia thì có quyền nêu ý kiến phản đối trong ngày phân chia” (Điều 89). Sẽ tiến hành chia đối với phần không có phản đối (khoản 2 Điều 89). Đối với phần có sự phản đối phân chia thì sẽ không thể chia ngay và sẽ được ký gửi (Điều 91). Ngoài ra còn có các trường hợp khác không được chia ngay mà phải ký gửi như trường hợp của người có quyền tạm kê biên, trái quyền kèm điều kiện đình chỉ, thời hạn không xác định v.v. Trong các trường hợp này, số tiền phân chia sẽ được ký gửi và chờ cho đến khi có kết luận về việc tạm kê biên hay điều kiện đình chỉ (Điều 91).
Đối với phần có ý kiến phản đối phân chia thì sẽ chờ kết luận tố tụng. Có nghĩa là “người có quyền lợi phản đối việc phân chia và người có nghĩa vụ phản đối việc phân chia cho người có quyền lợi không có bản chính chứng thư nghĩa vụ có hiệu lực thi hành, phải khởi kiện phản đối phân chia” (Điều 90) và khi những người này không chứng minh được các nội dung khởi kiện trong vòng 1 tuần thì sẽ việc kiện phản đối phân chia sẽ bị bác (khoản 6 Điều 91). Kiện phản đối phân chia có yêu cầu thay đổi phương pháp phân chia hoặc hủy phân chia (khoản 4 Điều 90).
Khi nguyên đơn trong kiện phản đối phân chia, thắng kiện thì sẽ xử lý tương đối nếu như đó là tranh chấp xoay quanh việc phân chia giữa những người có quyền lợi và bảng phân chia sẽ được thay đổi theo đó số tiền dự định chia cho bị đơn sẽ được chia cho nguyên đơn. Trong trường hợp người có nghĩa vụ là nguyên đơn thì thay đổi bảng phân chia cả vì quyền lợi của những người có quyền khác nữa (khoản 2 Điều 92).
– Ví dụ cụ thể về việc phân chia:
+ Ví dụ 1: Thu được 6,2 triệu yên tiền bán bất động sản nhưng phí thi hành án mất 200 ngàn yên. Giả sử người có quyền nhận phân chia gồm (1) người có quyền lợi kê biên A (số tiền trái quyền 2 triệu yên), (2) người có quyền lợi tạm kê biên B (số tiền trái quyền 3 triệu yên), (3) Người có quyền yêu cầu phân chia C (số tiền trái quyền 1 triệu yên) và (4) Người có quyền bảo đảm D (số tiền trái quyền được bảo đảm 3 triệu yên) thì vào ngày phân chia, Tòa thi hành sẽ lập bảng phân chia như dưới đây nếu giữa các bên có quyền lợi không đạt được thỏa thuận:
Lấy số tiền bán trừ đi 200 ngàn yên tiền phí thi hành còn lại 6 triệu yên là tiền gốc đề chi cho những người có quyền lợi. Quyền thế chấp có hiệu lực ưu tiên thanh toán theo Luật Dân sự và D được ưu tiên chia trước 3 triệu yên so với những người có quyền khác. Mỗi người A, B, C không có quyền ưu tiên theo luật nội dung. Luật Thi hành dân sự cũng không áp dụng chế độ trao quyền ưu tiên cho người có quyền lợi kê biên do kê biên. Vì vậy, 03 người A~C sẽ được chia theo thứ tự như nhau và việc phân chia được xác định theo tỷ lệ. Vì vậy, số tiền phân chia cho A 1 triệu yên, B 1,5 triệu yên, C 500 ngàn yên sẽ được ghi trong Bảng phân chia.
Vì B là người có quyền lợi tạm kê biên cho nên số tiền phân chia 1,5 triệu yên trước hết sẽ được xử lý bằng cách ký gửi chờ kết quả tố tụng của vụ án chính. Nếu B thắng kiện trong vụ án chính thì B sẽ được phân chia 1,5 triệu yên, nếu B thua kiện thì số tiền phân chia cho B sẽ được chuyển sang cho A và C và A sẽ được chia 1 triệu yên, C được chia 500 ngàn yên. Nếu B thua kiện thì dẫn đến kết quả là A và C được thỏa mãn toàn bộ số tiền. Vào ngày phân chia, sẽ lập 2 bảng phân chia ghi cả 2 trường hợp giả định là B thắng kiện và B thua kiện.
+ Ví dụ 2: Lấy số tiền bán bất động sản trừ đi chi phí thi hành còn lại số tiền gốc để phân chia là 3 triệu yên. Những người được quyền nhận phân chia là người có quyền lợi kê biên G (số tiền trái quyền 1,5 triệu yên), người có quyền yêu cầu phân chia E (số tiền trái quyền 1,5 triệu yên), người tương tự F (số tiền trái quyền 1,5 triệu yên). Vào ngày phân chia, Tòa thi hành lập bảng phân chia theo đó xác định số tiền phân chia cho E, F, G mỗi người là 1 triệu yên. Nhưng G tuyên bố rằng E không có trái quyền và phản đối phân chia, rồi khỏi kiện phản đối phân chia. Nếu kết quả xét xử xác định E không có trái quyền thì bảng phân chia sẽ được thay đổi.
Thủ tục phân chia là thủ tục phân chia cho những người có quyền lợi số tiền phân chia gốc không đủ, còn phản đối phân chia và tố tụng phản đối phân chia là tranh chấp giữa những người có quyền lợi về việc phân chia số tiền phân chia. Xử lý tương đối được đưa ra từ cách hiểu cơ bản về phản đối phân chia và tố tụng phản đối phân chia. Có nghĩa là việc G đưa ra phản đối phân chia là chỉ để làm tăng số tiền phân chia của mình, còn tố tụng phản đối phân chia thì Tòa sẽ xét xử xem số tiền dự định sẽ phân chia cho E có cần phải được chuyển sang chia cho G không?. Nhìn từ phía G thì nếu như việc phân chia cho G không tăng thì việc G phản đối phân chia là không có ý nghĩa gì. Vì vậy đối với G nếu chuyển 500 ngàn yên trong số 1 triệu yên dự định chia cho E để chia cho G thì là đủ và nếu như vậy thì có thể phản đối phân chia. Đối với bản án trong tố tụng phản đối phân chia, cũng sẽ thay đổi bảng phân chia theo đó xác định số tiền chia cho E từ 1 triệu yên sẽ thành 500 ngàn yên, số tiền chia cho G là 1,5 triệu yên. Còn đối với F là người không phản đối phân chia thì số tiền chia sẽ không tăng lên cho dù trong tố tụng phản đối phân chia có phủ nhận sự tồn tại trái quyền của E.
– Thời điểm phát sinh hiệu lực của các văn bản là khi tống đạt được.
Nhật Bản còn có quy định về quản lý hồ sơ thi hành án, tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án và đặc biệt là áp dụng Quy trình nhanh chóng để xử lý tài sản là căn hộ của người phải thi hành án và nhiều nội dung khác. Những quy định pháp luật về thi hành dân sự của Nhật Bản cần được xem xét chọn lọc tiếp thu những tiến bộ của pháp luật và kinh nghiệm thi hành dân sự của Nhật Bản trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. “Lịch sử của chế độ thi hành dân sự Nhật Bản và những sửa đổi Luật thi hành dân sự Nhật Bản”, Mitani Takayuki, Giáo sư Khoa nghiên cứu luật, Đại học Kagawa Nhật Bản, Tài liệu hợp tác của Tổ chức JICA Nhật Bản, ngày 11/01/2013.
2. “Bán” và “Phân chia” trong cưỡng chế thi hành, Giáo sư Sakai, Đại học Nagoya Nhật Bản, Tài liệu hợp tác của Tổ chức JICA Nhật Bản, tháng 01/2013.
3. Sự cần thiết và phương thức “chuyển thành tiền” trong cưỡng chế thi hành, Giáo sư HAJIME SAKAI, Đại học Nagoya Nhật Bản, Tài liệu hợp tác của Tổ chức JICA Nhật Bản, tháng 01/2013.
4. The Legal Partnership Forum in 2012: “Strengthening Legal and Judicial Reform in Viet Nam”, Government of Viet Nam – United Nations Development Programme, Diễn đàn đối tác pháp luật năm 2012: “Tăng cường cải cách tư pháp và pháp luật Việt Nam”.
5. “Thông tin về pháp luật THADS của một số nước”, Bộ Tư pháp, Tài liệu tham khảo phục vụ xây dựng Luật THADS; Chính phủ, Dự án Luật THADS (Tài liệu trình Quốc hội), 2008.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, BỘ TƯ PHÁP
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.