Điều kiện, thủ tục nhận nuôi con nuôi

Điều kiện, thủ tục nhận nuôi con nuôi


Bà Hoài là một phụ nữ độc thân năm nay đã 54 tuổi, cư trú tại xã M, tỉnh Lạng Sơn. Trong lần về thăm quê ở một xã miền núi, bà gặp cháu Von, 17 tuổi có hoàn cảnh rất đáng thương. Cuối năm 2005, nhà cháu Von bị lũ quét và lở đất nên cha mẹ cháu Von đều gặp nạn qua đời. Cháu Von và một em trai 13 tuổi tuy được cứu thoát nhưng bản thân cháu Von cũng bị gãy tay và nhiều thương tích khác, khiến cho việc chăm sóc bản thân cũng khó khăn. Hiện giờ hai chị em sống tạm bợ nhờ sự đùm bọc của người chị cả đã lấy chồng. Tuy nhiên, hoàn cảnh của người chị cả cũng rất khó khăn vì tài sản cũng mất hết qua đợt lũ. Sau một thời gian đi lại thăm nom chị em cháu Von, nghĩ cảnh mình cô quạnh và thương chị em cháu Von nên tháng 6/2006 bà Hoài quyết định đặt vấn đề với chị em cháu Von về việc xin nhận cháu Von và em trai làm con nuôi. Bà đến UBND xã gặp cán bộ tư pháp hộ tịch xã, nơi chị em cháu Von đang cư trú để hỏi xem có thể nhận cháu Von và em trai cháu làm con nuôi hay không, đồng thời xin làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi. Cán bộ tư pháp hộ tịch phải giải quyết như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Trong trường hợp này, với yêu cầu của bà Hoài, cán bộ tư pháp hộ tịch xã, nơi chị em cháu Von đang cư trú cần xem xét các vấn đề về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi; việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi giữa bà Hoài và chị em cháu Von có đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định hay không? Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi trong trường hợp này cần những giấy tờ gì?

Về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi

Để giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi theo yêu cầu của bà Hoài sẽ áp dụng Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch (dưới đây viết là Nghị định số 158/2005/NĐ-CP). Do đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì UBND xã, nơi bà Hoài cư trú có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đăng ký nuôi con nuôi giữa bà Hoài và chị em cháu Von.

Như vậy, UBND xã, nơi chị em cháu Von đang cư trú không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đăng ký nuôi con nuôi của bà Hoài. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý hộ tịch, cán bộ tư pháp hộ tịch cần giải thích cho bà Hoài về điều kiện xác lập quan hệ nuôi con nuôi và hướng dẫn thủ tục giải quyết.

Để xem xét bà Hoài có thể nhận chị em cháu Von làm con nuôi hay không cần quan tâm xem xét các điều kiện sau:

– Điều kiện về độ tuổi: Theo quy định chung về độ tuổi của con nuôi và người nhận nuôi con nuôi, thì con nuôi phải là người từ 15 tuổi trở xuống, và người nhận con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên. Trong trường hợp này độ tuổi của bà Hoài và chị em cháu Von đáp ứng điều kiện về chênh lệch tuổi giữa mẹ nuôi và con nuôi. Tuy nhiên trong trường hợp này, chỉ có em trai cháu Von là dưới 15 tuổi, còn cháu Von đã 17 tuổi nhưng cháu Von hiện là người tàn tật (bị gãy tay), còn bà Hoài lại là người sống cô đơn, do đó, căn cứ quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thì việc bà Hoài nhận chị em cháu Von làm con nuôi đáp ứng điều kiện về độ tuổi và chênh lệch tuổi giữa mẹ nuôi và con nuôi.

– Theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì một người có thể nhận một hoặc nhiều người làm con nuôi. Do đó, việc bà Hoài nhận cùng lúc hai chị em cháu Von làm con nuôi là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

– Sự đồng ý của người giám hộ chị em cháu Von: cha mẹ của chị em cháu Von đều đã mất, nhưng cháu Von và em trai còn chị gái đã thành niên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì người chị gái sẽ là người giám hộ của cháu Von và em trai. Do đó, bà Hoài chỉ có thể nhận chị em cháu Von làm con nuôi khi có sự đồng ý của người chị cả.

Bên cạnh đó, cháu Von và em trai út đều đã trên 9 tuổi nên việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi cần phải có sự đồng ý của chính bản thân hai chị em cháu Von.

Về thủ tục đăng ký nuôi con nuôi

Để UBND xã M có cơ sở xem xét việc đăng ký nuôi con nuôi theo nguyện vọng, bà Hoài cần làm hồ sơ có đủ các giấy tờ sau:

– Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi theo mẫu quy định. Giấy thoả thuận phải có đủ chữ ký của bà Hoài và người chị cả của cháu Von; đồng thời phải có ý kiến của cháu Von và em trai mình về việc đồng ý làm con nuôi của bà Hoài;

– Bản sao Giấy khai sinh của chị em cháu Von.

Ngoài các giấy tờ nói trên, bà Hoài có thể phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân và Sổ hộ khẩu khi nộp hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi.

Các văn bản liên quan:

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch

Trả lời bởi: Admin Portal


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191