Việc uỷ quyền nộp hồ sơ đăng ký kết hôn

Việc uỷ quyền nộp hồ sơ đăng ký kết hôn

Anh Nam và chị Bắc đều đang đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Trong đợt về nước nghỉ phép vào tháng 8 năm 2006, hai người quyết định kết hôn với nhau. Tuy nhiên, gia đình anh Nam thì ở Lạng Sơn, còn gia đình chị Bắc thì ở tận Đà Nẵng. Do đó, hai anh chị thống nhất sẽ đăng ký kết hôn tại phường X, thuộc tỉnh Lạng Sơn, nơi anh Nam có hộ khẩu thường trú. Nhờ gia đình quen biết với đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường nên anh Nam đến trình bày hoàn cảnh và xin được thay mặt vợ chưa cưới nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, khi nào Uỷ ban nhân dân phường đồng ý tiến hành đăng ký kết hôn thì cả anh Nam và chị Bắc sẽ có mặt để đăng ký. Thông cảm với hoàn cảnh của anh Nam và chị Bắc nhưng đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường rất phân vân vì thấy Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch quy định không cho phép uỷ quyền đối với 4 loại việc là đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ và đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường X có thể giải quyết nguyện vọng mà anh Nam đề xuất hay không?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Trong tình huống nói trên, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường X nắm vững quy định tại Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP là không cho phép thực hiện uỷ quyền khi đăng ký hộ tịch đối với 4 loại việc là đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Bốn loại việc hộ tịch đó có điểm chung là xác lập quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ gia đình, hoặc quan hệ giám hộ thông qua hành vi đăng ký hộ tịch của cơ quan có thẩm quyền. Đây là các quan hệ nhân thân làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý nên chỉ có các chủ thể trong quan hệ đó mới được quyền quyết định có xác lập quan hệ đó hay không, không thể uỷ quyền cho người khác quyết định cho mình. Do đó, pháp luật quy định khi xác lập các quan hệ này, các bên phải trực tiếp có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch và bày tỏ ý chí tự nguyện của mình chứ không thể uỷ quyền cho người khác.

Tuy nhiên, cần phải hiểu việc Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP không cho phép uỷ quyền trong đăng ký kết hôn tức là không cho phép cá nhân có thể thay mặt mình quyết định việc đồng ý hay không đồng ý xác lập quan hệ hôn nhân khi đăng ký tại cơ quan hộ tịch, chứ không có nghĩa là không cho phép cá nhân uỷ quyền cho người khác thay mặt mình nộp hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong tình huống này, anh Nam chỉ đề nghị được đại diện cho chị Bắc để nộp hồ sơ đăng ký kết hôn chung cho hai người, chứ không phải là đề nghị được quyết định thay chị Bắc thực hiện việc đăng ký kết hôn. Hành vi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn chỉ là một công đoạn trong quy trình đăng ký kết hôn, không phải là hành vi đi đăng ký kết hôn. Quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại Mục 2 Chương II Nghị định số 158/2005/NĐ-CP không cấm việc hai bên nam nữ đăng ký kết hôn có thể nộp hồ sơ cho nhau mà chỉ quy định tại khoản 3 Điều 18 là khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ bắt buộc phải có mặt để khẳng định ý muốn tự nguyện kết hôn và cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn.

Như vậy, trong tình huống này cần khẳng định việc anh Nam thay mặt chị Bắc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn không phải là uỷ quyền đăng ký kết hôn. Do đó, Uỷ ban nhân dân phường X có thể chấp nhận việc chị Bắc không trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký kết hôn và vẫn tiến hành thụ lý giải quyết bình thường. Tuy nhiên, đến khi thực hiện việc đăng ký kết hôn thì yêu cầu anh Nam và chị Bắc bắt buộc phải có mặt theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch

Trả lời bởi: Admin Portal


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191