Bố mẹ tôi trước đây được phân 1 căn nhà tập thể 3 gian/2 tầng (2 gian dưới, 1 gian trên) tổng diện tích sử dụng là 45 m2 từ năm 1984. Đến năm 1992 công ty đã bán thanh lý căn nhà trên cho gia đình tôi. Trong quá trình ở từ năm 1984 đến nay gia đình tôi có sử dụng lấn thêm phần đất tiếp giáp phía sau và đã đóng thuế đất đây đủ từ năm 1993 cho tổng diện tích mặt bằng là 94 m2. Năm 1998 bố tôi mất không để lại di chúc gì (Bố mẹ tôi có 4 người con, ông bà nội ngoại đã mất, không có con nuôi, bố mẹ nuôi..). Hiện nay,các anh chị tôi đều đã có nhà riêng và ra ở riêng chỉ còn vợ chồng tôi sống cùng mẹ, căn nhà trên vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ chỉ có quyết định thanh lý của công ty và hóa đơn thanh toán. Nay mẹ tôi tuổi cũng đã cao, gia đình tôi đã họp bàn và cùng thống nhất tôi được quyền sở hữu toàn bộ căn nhà trên. Vậy xin hỏi chúng tôi có thể lập biên bản phân chia tài sản và công chứng để xác nhận quyền sở hữu của tôi với tài sản trên được không? Các nội dung cần cần nêu và thủ tục pháp lý như thế nào?
Gửi bởi: Nguyễn Khánh Hòa
Trả lời có tính chất tham khảo
Khoản 1 Điều 168 Luật đất đai 2013 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền”.
Căn cứ theo quy định trên, trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì chủ sử dụng đất được thực hiện các quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì hộ gia đình, các nhân đang sử dụng đất mà có một trong các giấy tờ sau thì được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất: “Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ vào các quy định trên và các thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn đủ điều kiện được cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do đó, gia bình bạn có thể thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với phần di sản thuộc quyền sở hữu của bố bạn.
Theo quy định của Luật Công chứng 2014 thì thủ tục khai nhận di sản thừa kế được thực hiện như sau:
– Chủ thể tiến hành: tất cả những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trong trường hợp của bạn thì những người tiến hành là mẹ bạn và bốn người con của bố mẹ bạn.
– Cơ quan tiến hành: Bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào nơi có bất động sản nếu di sản là bất động sản.
– Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:
+ Giấy tờ về tài sản (Quyết định thanh lý tài sản và các hóa đơn, chứng từ kèm theo)
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;
+ Giấy tờ nhân thân của những người thừa kế theo pháp luật
+ Các giấy tờ khác như giấy khai sinh của những người con của người để lại di sản; giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản….
– Thủ tục:
Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản và UBND cấp xã nơi có bất động sản. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 57 Luật Công chứng.
Như vậy, để khai nhận di sản thừa kế, bận cần thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đã nêu. Khi thực hiện khai nhận di sản thừa kế, tổ chức hành nghề công chứng phải tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã. Trong thời gian niêm yết thì những người có quyền lợi nhưng chưa được đề cập đến trong văn bản có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự (Còn hiệu lực)
Luật 53/2014/QH13 Công chứng (Còn hiệu lực)
Luật 45/2013/QH13 Đất đai (Còn hiệu lực)
Nghị định 29/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (Còn hiệu lực)
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.