VỀ TẠM ĐÌNH CHỈ, ĐÌNH CHỈ XÉT ĐƠN YÊU CẦU CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ 2015
TS. NGÔ QUỐC CHIẾN & ĐỖ VIẾT ANH THÁI
Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, trong đó, các bên thống nhất trao cho một hoặc một số trọng tài viên giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại của mình. Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài mà Việt Nam là thành viên trao cho các nước thành viên quy định thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định/phán quyết trọng tài ở nước mình. Một nghiên cứu cho thấy “các quốc gia thành viên quy định rất khác nhau về thủ tục thi hành một quyết định trọng tài thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Sự thống nhất về vấn đề này dường như chỉ là mong muốn chứ không khả thi”[1].
Tại Việt Nam, tỷ lệ các phán quyết của trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành trong thời gian vừa qua là rất thấp[2] do các bất cập trong các quy định của BLTTDS 2004. Nếu so với các nước là thành viên của công ước thì tỷ lệ không công nhận ở Việt Nam là cao một cách bất thường[3]. Để khắc phục tình trạng này, BLTTDS 2015[4] đã có những thay đổi quan trọng theo hướng tạo thuận lợi hơn cho việc công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều quy định trong BLTTDS đã gần gũi hơn với Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng Bộ luật vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ những điểm bất cập của liên quan đến các quy định về tạm đình chỉ và đình chỉ việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 457 BLTTDS 2015, trong thời hạn 2 tháng kể từ khi thụ lý hồ sơ, Tòa án phải chuẩn bị xét đơn yêu cầu. Tòa án thụ lý hồ sơ có ba lựa chọn: hoặc i) tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; hoặc ii) đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; hoặc iii) mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Những căn cứ để Tòa án tạm đình chỉ hoặc đình chỉ được quy định lần lượt tại các khoản 2 và 3 của Điều này. Chúng tôi sẽ không phân tích tất cả các căn cứ luật định mà chỉ tập trung phân tích những căn cứ mà chúng tôi nhận thấy chưa hợp lý.
1. Về tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Một trong những căn cứ để tòa án VN tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là “người phải thi hành là cá nhân chết hoặc người phải thi hành là cơ quan, tổ chức đã[5] sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó”[6].
Khi người phải thi hành là cá nhân và cá nhân đó chết thì việc xét đơn công nhận và cho thi hành sẽ bị tạm đình chỉ cho đến khi tìm được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó. Quy định như vậy là phù hợp để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của những người có liên quan đến cá nhân phải thi hành đã chết. Tuy nhiên, điều luật đã không đưa ra giải pháp trong trường hợp không tìm được người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cá nhân đó, trong khi cá nhân đó có thể vẫn đã để lại một khối tài sản. Việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài liên quan đến tài sản của người phải thi hành, chứ không phải liên quan đến cá nhân người đó. Vậy khi người đó có tài sản thì việc công nhận và cho thi hành phán quyết phải được tiếp tục thực hiện sau một khoảng thời gian hợp lý kể cả khi không tìm người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người đó.
Quy định này cũng tỏ ra bất hợp lý khi người phải thi hành là pháp nhân. Dường như Ban soạn thảo BLTTDS 2015 đã chưa tính đến các quy định của pháp luật doanh nghiệp. BLTTDS 2015 sử dụng thuật ngữ “đã sáp nhập, hợp nhất, chia, tách”, nghĩa là quá trình sáp nhập, chia, tách đã hoàn tất. Liệu có tồn tại hay không trường hợp sau khi quá trình sáp nhập, chia, tách đã được hoàn tất, mà vẫn không có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng? Phân tích các quy định của Luật doanh nghiệp 2014 (LDN 2014) cho thấy câu trả lời dường như là không.
Sáp nhập doanh nghiệplà việc một hoặc một số công ty cùng loại (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập[7]. Để thực hiện hoạt động sáp nhập, các công ty liên quan phải thực hiện các thủ tục sáp nhập được quy định trong LDN 2014 và các văn bản liên quan. Cụ thể, để chuẩn bị sáp nhập, bước đầu tiên là các công ty liên quan phải chuẩn bị hợp đồng sáp nhập, trong đó hợp đồng sáp nhập phải nêu rõ “tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập […]”[8]. Sau thủ tục đầu tiên này, để hoàn tất việc sáp nhập, các công ty liên quan còn phải thực hiện một số thủ tục khác. Việc sáp nhập chỉ được hoàn tất khi công ty nhận sáp nhập được đăng ký kinh doanh, khi đó công ty bị sáp nhập sẽ chấm dứt tồn tại và “công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập”[9]. Như vậy, khi một công ty được coi là “đã sáp nhập” thì chắc chắn là đã có một công ty khác – công ty nhận sáp nhập – đã đăng ký kinh doanh và đi vào hoạt động – kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của công ty bị sáp nhập đó.
Hợp nhất doanh nghiệp là việc một hoặc một số công ty cùng loại (công ty bị hợp nhất) hợp nhất thành một công ty mới (công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất[10]. Như vậy, việc hợp nhất doanh nghiệp chỉ được hoàn thành khi công ty hợp nhất được thành lập, và về mặt pháp lý nghĩa là khi công ty hợp nhất được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cũng giống như sáp nhập doanh nghiệp, để thực hiện thủ tục hợp nhất doanh nghiệp, việc đầu tiên các công ty liên quan phải làm là chuẩn bị hợp đồng hợp nhất, trong đó nêu rõ “tên, địa chỉ, trụ sở của công ty hợp nhất”[11]. Sau khi đăng ký doanh nghiệp, các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất[12]. Như vậy, sẽ không thể xảy ra trường hợp một công ty đã bị hợp nhất mà không tìm được pháp nhân thế quyền và nghĩa vụ của công ty đó.
Chia doanh nghiệp là việc một công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc một công ty cổ phần được chia thành một số công ty mới cùng loại. Thủ tục chia doanh nghiệp được quy định tại điều 192 Luật doanh nghiệp 2014, theo đó, để chia doanh nghiệp, việc đầu tiên là phải xác định được tên các công ty sẽ thành lập, nguyên tắc giải quyết các nghĩa vụ của công ty bị chia[13]… Thủ tục chia doanh nghiệp chỉ hoàn tất khi các công ty mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là công ty bị chia chấm dứt hoạt động và “các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này”[14]. Như vậy trong mọi trường hợp, khi quá trình chia doanh nghiệp được hoàn tất, chắc chắn sẽ có ít nhất một công ty mới thành lập đứng ra chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của công ty bị chia, và không thể xảy ra trường hợp một công ty đã bị chia mà không tìm được pháp nhân kế quyền và nghĩa vụ.
Tách doanh nghiệp được áp dụng với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, bằng việc chuyển một phần tải sản của công ty hiện có (công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty mới cùng loại (công ty được tách), hoặc chuyển một phần quyền và nghĩa vụ của công ty bị tách sang công ty được tách mà không chấm dứt sự tồn tại của công ty bị tách[15]. Thủ tục tách doanh nghiệp sẽ hoàn tất khi công ty được tách hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, khác với sáp nhập và chia doanh nghiệp, công ty bị tách vẫn tồn tại và khi đó, “công ty bị tách và công ty được tách sẽ cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ thanh toán của công ty bị tách, trừ trường hợp […] có thỏa thuận khác”[16]. Với quy định này, trong mọi trường hợp Tòa án vẫn có thể yêu cầu công ty bị tách thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến thi hành phán quyết của Tòa án nước ngoài, và việc tạm đình chỉ với lý do công ty đã bị tách nhưng không tìm thấy người thế nghĩa vụ là không hợp lý.
Từ những phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng việc pháp nhân phải thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài đã sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể không nên được coi là căn cứ để tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, bởi không thể xảy ra trường hợp “chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó”.
2. Về đình chỉ xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Theo điểm b, khoản 3, điều 457 BLTTDS 2015, Tòa án Việt Nam ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi “Người phải thi hành là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó không được thừa kế”. Quy định này chưa hợp lý, bởi người phải thi hành có thể đã để lại một khối tài sản. Việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài liên quan đến tài sản của người phải thi hành. Vì vậy chúng tôi cho rằng khi người phải thi hành có tài sản thì việc công nhận và cho thi hành phán quyết phải được thực hiện đối với tài sản của người đó theo các quy định của luật chung về thừa kế.
Theo điểm c, khoản 3, Tòa án Việt Nam ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi “Người phải thi hành là cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó đã được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Vậy, “quyền, nghĩa vụ […] đã được giải quyết” được hiểu như thế nào?
Trong thủ tục phá sản doanh nghiệp, sau khi có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, cơ quan thi hành án dân sự và quản tài viên sẽ phải thực hiện các thủ tục thanh lý và phân chia tài sản. Sau khi quá trình phân chia tài sản kết thúc thì thủ tục phá sản mới được coi là hoàn tất. Như vậy, điểm c khoản 3 điều 457 BLTTDS 2015 muốn nói tới quá trình phân chia tài sản đã kết thúc, pháp nhân không còn tồn tại. Vậy, nếu quyết định cho thi hành phán quyết được đưa ra sau khi quá trình phân chia tài sản đã kết thúc, nghĩa là pháp nhân không còn tồn tại, thì đương nhiên phán quyết không thể được thi hành.
Theo điểm d, khoản 3, Tòa án Việt Nam ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi “người phải thi hành là cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó”. Liệu có tồn tại không tình huống đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có người thế quyền? Trong pháp luật về phá sản, khi một doanh nghiệp đã bị tuyên bố phá sản thì điều đó có nghĩa là doanh nghiệp đó không còn khả năng tự phục hồi, điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có các hoạt động mua lại, sáp nhập để “cứu” doanh nghiệp. Thông qua thủ tục phá sản, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ trên cơ sở thanh lý các tài sản mình có. Còn đối với thủ tục giải thể, doanh nghiệp chỉ có thể bị giải thể khi hoàn thành hết các nghĩa vụ pháp lý của mình. Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần[17]. Như vậy, không thể xảy ra trường hợp không tìm được người thế quyền, thế nghĩa vụ khi người phải thi hành giải thể.
Cuối cùng, theo điểm đ, khoản 3, Tòa án VN ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi “Tòa án không xác định được địa điểm nơi có tài sản tại Việt Nam của người phải thi hành theo yêu cầu của người được thi hành phán quyết trọng tài”. Thông thường, đúng là người được thi hành có nhu cầu xin Tòa án Việt Nam công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài để phán quyết đó được thi hành trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, mục đích của bên thắng kiện không phải lúc nào cũng vậy. Khảo cứu pháp luật nước ngoài chúng tôi thấy không hiếm trường hợp bên thắng kiện chỉ có nhu cầu xin công nhận mà không xin thi hành, vì “việc công nhận đem lại lợi ích chủ yếu là cho phép họ viện dẫn phán quyết trọng tài trong một vụ tranh chấp khác trên cơ sở quy định về không xét lại vụ việc đã được giải quyết”[18]. Hơn nữa, “việc công nhận và cho thi hành hoàn toàn có thể được yêu cầu từ khi phán quyết được tuyên để đảm bảo việc thi hành sau này, nếu trong tương lai, có tài sản có thể là đối tượng của việc cưỡng chế trên lãnh thổ Pháp”[19]. Nói tóm lại, theo pháp luật Pháp hiện hành, “không có khả năng cưỡng chế thi hành, hoặc là do nội dung của quyết định trọng tài, hoặc là do không có tài sản có thể được kê biên của bên phải thi hành trên lãnh thổ quốc gia, không là một lý do từ chối công nhận quyết định trọng tài trước Tòa án Pháp”[20]. Nghiên cứu pháp luật so sánh cho thấy nhiều quốc gia tách bạch hai vấn đề công nhận và cho thi hành[21], và khi một bên đương sự chỉ có nhu cầu xin công nhận, chứ không yêu cầu phán quyết đó được thi hành thì việc bên phải thi hành không có tài sản trên lãnh thổ quốc gia của Tòa án không thể trở thành lý do để Tòa án từ chối thụ lý hoặc đình chỉ xem xét đơn yêu cầu. Bản án được phân tích dưới đây cho thấy điều đó.
Công ty của Luxembourg xác lập hợp đồng với Công ty của Nga trong đó có thỏa thuận trọng tài. Các bên có tranh chấp và Trọng tài chịu sự điều chỉnh của pháp luật Bang New York (Mỹ). Sau khi có phán quyết trọng tài được ban hành tại New York, bên được thi hành tiến hành yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Tòa án Pháp. Bên phải thi hành đề nghị Tòa án Pháp không tiếp nhận yêu cầu này vì bên phải thi hành không có bất kỳ tài sản nào trên lãnh thổ Pháp. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm Paris đã không chấp nhận yêu cầu của bên phải thi hành với lý do Bộ luật tố tụng dân sự Pháp “trao cho các bên quyền yêu cầu công nhận một phán quyết trọng tài, có nghĩa là đưa phán quyết này vào hệ thống của Pháp, cho dù bên phải thi hành không có tài sản, không có thể bị cưỡng chế thi hành trên lãnh thổ quốc gia”[22]. Ở đây, để công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Pháp, không nhất thiết bên phải thi hành có trụ sở tại Pháp hay tài sản tại Pháp. Điều 1516 BLTTDS Pháp quy định Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng của Paris có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài khi “phán quyết trọng tài được ban hành ở nước ngoài” mà không kèm theo điều kiện về tài sản như pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài ở Việt Nam là 3 năm kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật[23]. Trong thực tế có thể xảy ra trường hợp trong thời hạn ba năm đó bên phải thi hành chưa có tài sản ở Việt Nam (hoặc đã tẩu tán tài sản khỏi Việt Nam) nhưng một ngày nào đó có thể có tài sản ở Việt Nam thì quy định trên sẽ cản trở bên được thi hành yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Chúng tôi cho rằng chỉ nên áp dụng yêu cầu về sự hiện diện của tài sản trên lãnh thổ Việt Nam khi đương sự yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Còn khi đương sự chỉ yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thì chỉ cầnchứng minh được mình có lợi ích cho việc yêu cầu Tòa án. Trong thực tế, việc công nhận và cho thi hành có thể đem lại cho bên thụ hưởng lợi ích khác việc thi hành. Cụ thể, khi phán quyết của trọng tài nước ngoài được công nhận tại Việt Nam thì phán quyết đó “có hiệu lực pháp luật như quyết định của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật”[24]. Khi đó, bên thụ hưởng có thể phản đối bên kia yêu cầu Tòa án giải quyết lại nội dung tranh chấp bởi theo điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015, Toà án trả lại đơn khởi kiện khi “sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
3. Hậu quả của việc đình chỉ việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN
Điểm bất cập tiếp theo là BLTTDS 2015 đã không có quy định chuyên biệt về hậu quả của việc đình chỉ xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Nếu áp dụng các quy định chung của Bộ luật về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, thì còn cần phải xác định xem yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là việc dân sự hay vụ án dân sự để áp dụng được đúng hậu quả pháp lý.
BLTTDS 2004 coi việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là một việc dân sự. Thật vậy, Điều 1 BLTTDS 2004, cũng như các điều 30, 35, 342 và tiếp theo xếp yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài vào nhóm “việc dân sự”. Như vậy, hậu quả pháp lý của việc đình chỉ xét đơn yêu cầu yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài sẽ phải tuân theo chế định về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, theo BLTTDS 2015, yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài không phải là việc dân sự cũng không phải là vụ án dân sự. Thật vậy, Điều 1 BLTTDS 2015 quy định: “…trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là việc dân sự); trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài…”. Theo quy định này, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài trở thành một nhóm riêng, không nằm trong nhóm “vụ án dân sự”, cũng không nằm trong nhóm “việc dân sự”. Nếu như trong việc dân sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thì vụ án dân sự lại có bản chất là có tranh chấp giữa ít nhất hai bên chủ thể. Kết quả của việc giải quyết vụ án dân sự được thể hiện bằng một bản án dân sự, còn kết quả của việc giải quyết việc dân sự được thể hiện bằng một quyết định dân sự. Yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài có bản chất là một việc dân sự bởi nó xuất phát từ yêu cầu của một bên chủ thể (bên được thi hành) đối với Nhà nước nơi người phải thi hành cư trú hoặc có tài sản. Tuy nhiên, cũng có thể coi đó là một vụ án dân sự bởi nó cũng có thể làm phát sinh tranh chấp giữa các bên, và trình tự thủ tục mở phiên tòa xét đơn cũng giống như với việc mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự. Điều đáng tiếc ở đây là BLTTDS 2015 đã không có các quy định chuyên biệt cho nhóm này, mà các điều tiếp theo[25] của Bộ luật vẫn sử dụng trình tự thủ tục giải quyết việc dân sự. Như vậy, vô hình chung, việc tách yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài không có ý nghĩa pháp lý. Không những thế, việc áp các quy định về trình tự thủ tục giải quyết việc dân sự cho yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài trở nên què quặt khi liên quan đến hậu quả của việc đình chỉ xét đơn yêu cầu, bởi BLTTDS 2015 đã không có bất kỳ quy định nào về hậu quả của việc đình chỉ xét giải quyết việc dân sự, mà chỉ có các quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (các điều 214-219). Vậy khi Tòa án Việt Nam ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài thì hậu quả của việc đình chỉ là gì?
Tham khảo pháp luật nước ngoài chúng tôi thấy một số nước coi việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là một “vụ án dân sự”. Thật vậy, tại Pháp, trong một bản án tuyên ngày 25 tháng 9 năm 2013, Tòa dân sự 1, Tòa án nhân dân tối cao Pháp[26] đã quyết định rằng “Theo các quy định chung của pháp luật Pháp,{….} việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành là một vụ án dân sự, chứ không phải là việc dân sự…”. Từ nhận định đó, Tòa đã đồng tình với nhận định của Tòa phúc thẩm, theo đó trình tự thủ tục áp dụng cho công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài “phải tuân theo điều 902 Bộ luật tố tụng dân sự về vụ án dân sự {…}, chứ không phải theo quy định của điều 950 của cùng Bộ luật về việc dân sự”. Như vậy, pháp luật Pháp coi việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là một vụ án dân sự và trình tự thủ tục mở phiên xét, quyết định tạm đình chỉ hay đình chỉ xét đơn phải tuân theo các trình tự thủ tục áp dụng cho tạm đình chỉ hay đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Kết luận
Các phân tích ở trên cho thấy các quy định của BLTTDS 2015 về các căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài chứa đựng khá nhiều bất cập. Quy định này được xây dựng mà không tính đến các mối liên hệ với các văn bản luật chuyên ngành, như luật doanh nghiệp 2014. Quy định này cũng chưa thực sự phù hợp với tinh thần của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài mà Việt Nam là thành viên. Đúng là mỗi quốc gia thành viên của Công ước này được toàn quyền quy định thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định/phán quyết trọng tài ở nước mình, nhưng các quy định của luật quốc gia được ban hành là để tạo điều kiện thuận lợi, chứ không phải tạo thêm rào cản. Xét theo tiêu chí đó thì dường như mục đích này chưa đạt được. Chúng tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục giải quyết vấn đề này trong quá trình xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp quốc tế.
Chúng tôi cho rằng việc pháp nhân phải thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài đã sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể không nên được coi là căn cứ để tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, bởi không thể xảy ra trường hợp “chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó”. Chỉ khi pháp nhân đó đang trong quá trình tiến hành sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thì mới có thể trở thành căn cứ để tòa án Việt Nam ra quyết định tạm đình chỉ việc xét đơn cho tới khi quá trình đó hoàn thành.
Ngoài ra, nên tách bạch hai vấn đề công nhận và cho thi hành. Khi đó, nếu một bên đương sự chỉ có nhu cầu xin công nhận, chứ không yêu cầu phán quyết đó được thi hành, thì việc bên phải thi hành không có tài sản trên lãnh thổ quốc gia của Tòa án không thể trở thành lý do để Tòa án từ chối thụ lý hoặc đình chỉ xem xét đơn yêu cầu. Về hậu quả của việc đình chỉ xét đơn yêu cầu, do yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài có bản chất tranh chấp, nên cần phải coi nó là một vụ án dân sự. Khi đó, hậu quả của việc đình chỉ xét đơn yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài sẽ chịu sự điều chỉnh của điều 215 và tiếp theo của BLTTDS 2015.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bành Quốc Tuấn, Mở rộng phạm vi công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, tạp chí Nghiên cứu lập pháp tháng 12 năm 2015.
2. Albert Jan van den Berg, Công ước New York năm 1958, Nxb. Kluwer law international, (bản dịch sang tiếng Việt của VIAC).
3. Jérôme Ortscheidt, L’exequatur n’est pas subordonné à la possibilité de procéder à des mesures d’exécution forcée sur le territoire français: JCP 2013, doctr.784.
4. J-M, jacquet, Ph, Delebecque và S. Corneloup, Droit du commerce international, Précis-Dalloz 2015.
5. CA Paris, pôle 1, ch. 1, 15-1-2013, n° 11/03911.
6. Cass. 1ère civ., 25/09/2013, n° de pourvoi: 11-19758, Bulletin 2013, I, n° 178.
[1] Albert Jan van den Berg, Công ước New York năm 1958, Nxb. Kluwer law international, tr.244 (bản dịch sang tiếng Việt của VIAC).
[2] Theo thống kê của Tòa kinh tế TAND tối cao, trong năm 2013, 7 Tòa án đã thụ lý 12 vụ, đã giải quyết xong 11 vụ, trong đó chỉ có 1 vụ được chấp nhận đơn yêu cầu, 10 vụ không được công nhận và cho thi hành. Xem: Hủy phán quyết trọng tài, công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, Hội thảo do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại Hà Nội, ngày 18/10/2015. http://enternews.vn/xem-xet-huy-phan-quyet-cong-nhan-va-thi-hanh-quyet-dinh-trong-tai.html. Truy cập ngày: 29/12/2015.
[3] Ví dụ, ở Hong Kong từ năm 2000 – 2012, số lượng quyết định trọng tài được công nhận và thi hành là 304, số quyết định bị phản đối thi hành là 43 và số quyết định bị hủy là 6 (chỉ chiếm gần 1,8%). Hay, tại Hà Lan, số yêu cầu công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài bị tòa án Hà Lan từ chối rất hạn chế. Các căn cứ để từ chối được áp dụng rất chặt chẽ, theo hướng tiếp cận là tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Khi quyết định của trọng tài nước ngoài bị từ chối. Xem tại:
http://nguoibaovequyenloi.com/User/ThongTin_ChiTiet.aspx?MaTT=1102015175428151398&MaMT=24&MaNT=2. Cập nhật: 17h54′ ngày 01/10/2015. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
[4] Được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2016. Riêng những quy định của liên quan đến quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
[5] Chúng tôi in đậm để nhấn mạnh.
[6] Điểm b, khoản 2, Điều 457 BLTTDS 2015.
[7] Khoản 1, Điều 195, Luật doanh nghiệp 2014
[8] Điểm a, khoản 2, điều 195, Luật doanh nghiệp 2014
[9] Điểm c, khoản 2, điều 195, Luật doanh nghiệp 2014
[10] Khoản 1, điều 194, Luật doanh nghiệp 2014
[11] Điểm a, khoản 2, Điều 194, Luật doanh nghiệp 2014
[12] Khoản 5, điều 194, Luật doanh nghiệp 2014
[13] Điểm a, khoản 2, điều 192 Luật doanh nghiệp 2014
[14] Khoản 4, điều 192 Luật doanh nghiệp 2014.
[15] Khoản 1, điều 193 Luật doanh nghiệp 2014
[16] Khoản 5, điều 193 Luật doanh nghiệp 2014.
[17] Khoản 6, điều 202, Luật doanh nghiệp 2014.
[18] Jérôme Ortscheidt, L’exequatur n’est pas subordonné à la possibilité de procéder à des mesures d’exécution forcée sur le territoire français: JCP 2013, doctr.784, phần số 6.
[19] Jérôme Ortscheidt, tlđd, phần số 6.
[20] J-M, jacquet, Ph, Delebecque và S. Corneloup, Droit du commerce international, Précis-Dalloz 2015, phần số 1161.
[21] Về vấn đề này xem: Bành Quốc Tuấn, Mở rộng phạm vi công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, tạp chí Nghiên cứu lập pháp tháng 12 năm 2015.
[22] CA Paris, pôle 1, ch. 1, 15-1-2013, n° 11/03911.
[23] Điều 451 BLTTDS 2015.
[24] Khoản 2, điều 427 BLTTDS 2015.
[25] Khoản 4, Điều 31; khoản 3, Điều 33; điểm đ, e, khoản 2 Điều 39; Điều 422 và tiếp theo.
[26] Cass. 1ère civ., 25/09/2013, n° de pourvoi: 11-19758, Bulletin 2013, I, n° 178.
SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ ĐỐI NGOẠI SỐ 79
Trích dẫn từ: http://tapchiktdn.ftu.edu.vn
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN